Tốt nhất đừng gặp lại người xưa

Trong một cuộc trò chuyện của mấy người đàn ông nhân lúc “trà dư tửu hậu”, có người nêu câu hỏi: “Nếu tình cờ gặp lại người yêu cũ ta nên thế nào?”. Không ngờ, một câu hỏi tưởng như đơn giản lại có nhiều câu trả lời khác nhau. Có người chủ trương: “Hãy để quá khứ ngủ yên! Nếu gặp người yêu cũ tốt nhất là tránh đi, coi như không gặp”. Nào ngờ anh này vừa dứt lời đã bị phản đối: “Sao lại có thể bạc bẽo thế?”. Gặp lại một người bạn cũ ta còn tay bắt mặt mừng. có khi còn mời về nhà thiết đãi cơm rượu, huống chi đây là một người đã một thời nặng lòng thương yêu, chỉ vì hoàn cảnh nào đó mà không lấy được nhau. Tại sao gặp lại ta, ta lại có thể làm ngơ như một kẻ bạc tình? Lập luận này xem ra cũng không ổn, vì không biết cách cư xử tình cảm, thân thiết với người yêu cũ có ảnh hưởng gì đến gia đình không? Có người lại nói: “Tôi đánh giá cao bất cứ ai cư xử tử tế với người mà một thời mà mình đã từng yêu. Tôi coi thường kẻ nào mà tìm cách lảng tránh khi gặp lại người yêu cũ”. Cứ mỗi người đưa ra một cách ứng xử khác nhau mà người nào cũng cho là mình có lý cả.

 

Thực ra, khi gặp lại người tình cũ, không thể có một cách ứng xử chung cho tất cả các trường hợp. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

 

Thứ nhất là mối tình đó tan vỡ trong hoàn cảnh nào? Hình ảnh người tình cũ trong trái tim bạn hiện nay ra sao? Nếu đó là mối tình dang dở vì thất lạc nhau do hoàn cảnh đi công tác nước ngoài chẳng hạn mà gặp lại ta thì sao ta lại lờ đi? Nhưng nếu đang yêu, người ta bỏ mình đi yêu người khác mà họ nghĩ là tốt đẹp hơn mình thì mình có nên gặp lại nữa không? Cũng có khi do tuổi trẻ, dại khờ, nông nổi, do hiểu lầm mà để mất nhau, bây giờ nghĩ lại cả hai cũng hối tiếc khi gặp lại nhau phải rất thận trọng, kẻo tình cũ chẳng đi đến đâu mà có khi tình hiện tại lại tan vỡ cũng nên?

 

Thứ hai phải biết bản thân mình là người như thế nào? Nếu mình là người “ tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát” thì có ngại gì. Nhưng nếu biết mình là kẻ đa sầu đa cảm, vừa thương vợ lại thương cả người tình cũ , nhìn thấy nhau, bao nhiêu kỉ niệm đã ào ạt tràn về, tim đập thình thịch như trống trận mà lại còn hay gặp gỡ nữa, biết có làm chủ được bản thân không?

 

Thứ ba là cách cư xử với người tình cũ như thế nào còn tùy thuộc vào thái độ của người bạn đời ở hiện tại. Có người tự tin, độ lượng, thông cảm, coi việc vợ hay chồng mình có quan hệ bạn bè với người cũ là chuyện thường tình của người ăn ở có trước có sau. Có người cho rằng nếu người tình cũ tỏ ra lo lắng chứng tỏ vợ hay chồng mình phải tốt đẹp như thế nào mới khiến người cũ tiếc nuối thì tại sao mình lại không tự hào là kẻ chiến thắng hoặc ít nhất mình là người may mắn hơn? Hoặc phải gặp một người bạn đời có máu “Hoạn Thư”, thấy vợ hay chồng gặp lại người xưa, mắt đã long sòng sọc, lườm nguýt, hầm hè thì dù có nặng tình xưa nghĩa cũ đến đâu thì cũng nên hết sức có chừng mực để khỏi dấy lên ngọn lửa ghen tuông có khi thiêu cháy cả một gia đình đang yên ấm.

 

Tục ngữ có câu: “Con cá sống là con cá to”. Thường ở đời, cái gì ta để tuột khỏi tay rất dễ thì nghĩ rằng nó đáng giá hơn cái mà ta đang có. Trong tình yêu cũng thế! Từ cổ chí kim, không biết bao nhiêu văn, thơ, nhạc, họa đã từng tuôn như suối chảy ca ngợi mối tình đầu. Nhưng tình đầu sẽ chẳng đẹp đến thế nếu người ta lấy được nhau.

 

Văn hào Alfred De Musset còn khẳng định rằng: “ Mối tình tuyệt vọng là mối tình đẹp nhất”. Quả vậy, dù bao nhiêu năm sau, hình ảnh người yêu mà ta không lấy được thường vẫn có chỗ ẩn náu trong tim, chỉ đợi một sự tình cờ nào đó là sống lại như chưa từng chết bao giờ. Những kỉ niệm ấy được dệt bằng vô vàn sự nhớ thương trong sắc màu lung linh huyền ảo, bởi ta thường nhớ nó qua lăng kính thần kỳ của tình yêu. Lăng kính này phóng đại lên hàng nghìn lần những gì là tốt đẹp nhất và cũng thu nhỏ đi ngần ấy những gì khiếm khuyết, nhất là khi hình ảnh người cũ lại được đặt bên cạnh bạn đời hiện tại mà lực hấp dẫn đã bị xói mòn sau bao nhiêu tháng năm đầu gối má kề.

 

Những dòng dưới đây, người viết bài này tình cờ đọc trong một “blog” cho thấy tình cũ có thể sâu nặng đến thế nào. “Khi gặp anh, em hồi hộp bao nhiêu thì gặp anh em lại buồn bấy nhiêu. Giá mà mình đừng gặp nhau, lòng em luôn nghĩ vậy nhưng khi biết tới cuộc họp mặt sẽ có anh, em lại hồi hộp mong được nhìn thấy anh. Bao năm qua rồi, mỗi năm mình chỉ gặp nhau đôi lần cùng với bạn bè ngày xưa, thế mà sao em vẫn xao xuyến như lần gặp anh thưở ban đầu. Có lẽ chẳng bao giờ anh biết rằng em yêu anh nhiều như thế nào, yêu mãi đến giờ nhưng đó chỉ là bí mật của riêng em thôi. Giá mà em đừng dối anh, giá mà ngày đó em đừng rời xa anh, giá mà em đừng vội vàng đi lấy chồng… Một nghìn lần cũng chỉ có hai chữ “giá như” mà thôi. Chồng em rất tốt, rất yêu thương em nhưng biết làm sao đây khi trong lòng em vẫn còn có hình bóng của anh. Có lẽ mọi chuyện bây giờ sẽ phải khác. Em sẽ thôi không day dứt nhớ anh nữa. Chúng ta đã đi trên hai con đường song song. Em không biết trong lòng anh còn chút lưu luyến nào với em nữa hay không nhưng em không thể nào quên được cái nắm tay đầu tiên của anh. Nó ấm áp vô cùng và đến bây giờ trái tim em vẫn còn loạn nhịp khi nghĩ lại. Chỉ có một điều duy nhất anh không biết và cho rằng em không yêu anh. Nhưng cố nhân ơi, anh mới chính là mối tình đầu trong em”.

 

Chẳng cần bình luận gì thêm nhưng chúng ta thấy việc gặp lại cố nhân trong câu chuyện trên ảnh hưởng thế nào đến hiện tại hạnh phúc trong người phụ nữ ấy. May thay, cuối cùng cô ta cũng hạ quyết tâm: “Bắt đầu từ ngày hôm nay, mọi việc sẽ khác. Em sẽ thôi không nghĩ đến anh nữa. Em muốn quên anh mãi mãi. Em muốn anh chỉ là kỉ niệm trong tim em chứ không là nỗi day dứt trong cuộc đời em nữa. Ngày hôm qua đã xa, tạm biệt anh, tạm biệt cố nhân”.

 

Nhưng trong thực tế chẳng phải ai cũng sử xự như vậy, không ít người còn thiết lập mối quan hệ với người cũ. Một chị lấy chồng 14 năm tình cờ gặp lại người yêu cũ vẫn sống độc thân. Hai người đưa nhau vào quán cà phê ngồi 3 tiếng đồng hồ, hóa ra chỉ vì anh ta không sao quên được hình ảnh của người tình xưa nên không muốn lấy vợ. Trước khi ra về, anh ta đề nghĩ mỗi tuần gặp nhau một lần và chị phân vân hỏi nhà tư vấn có nên thế không, khi chị đang có một gia đình hạnh phúc?

 

Có lẽ người phụ nữ đó nên biết đôi chút về quy luật của tình cảm, nó luôn ở trạng thái động. Nếu mỗi tuần gặp nhau 1 lần để chia sẻ buồn vui thì nhất định tình cảm ấy sẽ biến đổi, hoặc nó nhạt nhẽo dần đến nỗi không muốn gặp nhau nữa hoặc có thể ngày càng khao khát gặp nhau và có thể đột biến không chỉ gặp ở quán cà phê nữa mà chuyển sang muốn gặp ở nhà nghỉ. Đó là chưa kể lịch gặp nhau, chồng chị ta biết sẽ như thế nào? Có thể nói đây là một cuộc chơi đầy mạo hiểm và bất trắc, có nguy cơ làm tan vỡ một gia đình êm ấm trong thực tại để đổi lấy một tình yêu vô vọng mà thực ra đã đi vào lãng quên nếu không tình cờ gặp lại.

 

Dưới đây là một lá thư của một người đàn ông gửi đến trung tâm tư vấn. Chỉ cần đọc qua cũng hiểu nỗi đau của người trong cuộc khi biết người yêu của mình có quan hệ với người cũ của cô ta: “Chúng tôi yêu nhau đã hơn một năm nay, một tình yêu tha thiết vô tư và sâu sắc mà tôi vẫn thường tự hào nghĩ rằng trên thế gian này chẳng có tình yêu nào đẹp bằng tình yêu của chúng tôi. Nhưng gần đây vì gặp một khó khăn đột xuất về kinh tế, người yêu tôi đã hỏi vay tiền người yêu cũ của cô ấy, dù là vay lãi. Cô ấy không hề nói gì với tôi trong khi nếu biết, tôi có thể cho cô ấy vay được. Tôi cảm thấy tim mình tan nát, đau lòng đến choáng váng, chỉ nghĩ đến chia tay. Tôi không biết làm thế nào, xin làm ơn chỉ cho cách làm gì để bảo vệ được tình yêu của chúng tôi.” Có lẽ chừng ấy đủ trả lời câu hỏi nếu gặp lại người xưa bạn nên ứng xử như thế nào?

 

Theo Nguyễn Hoàng Đức

Hạnh phúc gia đình