TOP 15 món ăn đặc sản Tây Nguyên nhất định phải thử qua | Viet Fun Travel
Khi nhắc về Tây Nguyên thì người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh về những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những dòng thác hùng vĩ cuồn cuộn trắng xóa hay những mái nhà sàn đặc trưng của người đồng bào. Ẩn chứa biết bao điều tuyệt vời, Tây Nguyên đại ngàn luôn là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách trong và ngoài nước. Du lịch Tây Nguyên ngoài tham quan khám phá, du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất này.
1. Cơm lam
Cơm lam là món ăn truyền thống đậm chất dân dã của người dân vùng đất đại ngàn. Theo truyền thống từ xưa của người dân tộc Gia Rai, Ba Na, cơm lam được sử dụng làm lương thực cho những lần lên rẫy, là món ăn thiết đãi bạn bè trong những dịp lễ quan trọng của cộng đồng.
Cơm lam là món ăn được nấu bằng các ống nứa non
Mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng, cơm lam là món ăn hòa quyện giữ vị ngọt tươi mát của dòng suối trong lành và hương thơm dịu dàng của tre nứa. Nguyên liệu chính là những hạt gạo nếp dẻo thơm, cơm lam được nấu bằng cách cho vào các ống nứa non rồi vùi vào trong bếp than hồng.
Đặc trưng cho văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân Tây Nguyên, cơm lam ngày nay đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng mà nếu có dịp thì du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức.
2. Gà nướng Bản Đôn
Nếu được một lần đặt chân đến Tây Nguyên, và đang muốn thưởng thức những món ăn đặc sản, thì gà nướng Bản Đôn là một trong những món mà du khách nên thử. Là món ăn dân dã của người đồng bào dân tộc thiểu số, gà nướng Bản Đôn không khó để thực hiện.
Gà nướng Bản Đôn là món ăn dân dã của người dân Tây Nguyên
Gà được chọn để chế biến là loại gà thả vườn mới lớn, chủ yếu ăn mồi côn trùng, thịt săn chắc, không dai. Gà sau khi làm sạch, sẽ được mang nguyên con ướp cùng muối ớt, nước sả và một ít mật ong rừng. Gà ngon nhất là phải được nướng quay đều trên lửa than và ăn kèm cùng muối ớt rừng xanh. Trong văn hóa ẩm thực của người dân Tây Nguyên, thì gà nướng Bản Đôn là một trong những món ăn hấp dẫn mang đến hương vị đặc trưng khó quên.
3. Lẩu cá lăng
Dòng sông Sêrêpôk hoang dã chảy qua địa bàn huyện Krông Nô, Chư Jút là một điểm thu hút khách du lịch. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, dòng sông Sêrêpôk còn có một loại thủy sản nổi tiếng thơm ngon, đó chính là cá lăng. Thịt cá lăng ngọt bùi, rắn chắc, ít xương, cá lăng thường được người dân Tây Nguyên chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, trong đó ngon nhất lẩu cá lăng.
Cá lăng ngon nhất là đem đi nấu lẩu
Có tác dụng giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, lẩu cá lăng mang đến hương vị đậm chất núi rừng. Vị ngọt tự nhiên của thịt cá lăng hòa quyện cùng cái chua thanh mát của các loại gia vị sẽ làm cho du khách ăn một lần là nhớ mãi. Thường thì món này sẽ ăn kèm với các loại rau như cần tây, rau đắng, bạc hà, cải xanh… Ngoài ra, ở một số nơi người dân còn “sáng tạo” nấu lẩu cá lăng với măng rừng cho hương vị độc đáo, đặc trưng.
4. Bò một nắng
Là món ăn nổi tiếng của người dân Gia Lai, bò một nắng từ lâu đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng “gây thương nhớ” với du khách gần xa. Để làm món này, người ta sẽ thái thịt bò thành các lát mỏng to bằng cỡ bàn tay rồi tẩm ướp qua các loại gia vị, đem đi phơi nắng một ngày là thành phẩm.
Bò một nắng là đặc sản nổi tiếng ở Gia Lai
Bò một nắng khi thưởng thức sẽ được nướng trên than hồng, xé nhuyễn rồi chấm với muối kiến vàng – một trong những loại gia vị độc đáo làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Không chỉ là đặc sản “đáng thưởng thức”, bò một nắng còn là sản phẩm được nhiều du khách lựa chọn mua về làm quà biếu tặng mỗi khi du lịch đến vùng đất Tây Nguyên.
5. Rượu cần
Có cơ hội đặt chân đến cao nguyên đại ngàn mà không thưởng thức rượu cần thì thật sự là một điều đáng tiếc. Mang hơi thở của rừng núi, mang hương vị của buôn làng, rượu cần từ lâu đã gắn liền vào trong đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Rượu cần là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Tây Nguyên
Rượu cần của người Tây Nguyên có nhiều loại, trong đó ngon nhất phải kể đến là rượu thóc và rượu cơm. Rượu thóc được làm bằng lúa mới xay, lúa đem đi rửa sạch ngâm nước trộn men rồi đem bỏ vào ghè ủ khoảng từ 5 – 6 ngày là dùng được.
Giống như tên gọi của nó, loại rượu này sẽ được uống bằng cần. Khi thưởng thức, người uống sẽ hút từng ngụm, cảm nhận vị ngọt ngọt, chua chua, đăng đắng hòa cùng đó là hương vị thơm ngây ngất.
6. Heo rẫy nướng
Là món ăn quen thuộc của người dân vùng Kon Tum, heo rẫy nướng ngày nay đã được liệt kê vào danh sách những món ăn đặc sản của Tây Nguyên. Sở dĩ được gọi là heo rẫy nướng vì heo được dùng để làm món này phải là loại heo được chăn thả tự nhiên trên rẫy, da mỏng, ít mỡ, thịt săn chắc mềm ngọt.
Heo rẫy nướng gây “thương nhớ” cho thực khách gần xa
Heo rẫy nướng thường có hai cách chế biến, đó là heo rẫy nướng muối ớt và heo rẫy nướng cao nguyên. Với món heo rẫy nướng cao nguyên, thịt heo sẽ được làm sạch, chặt nhỏ ướp qua nhiều loại gia vị rồi xiên qua các thanh tre sau đó đem nướng trên than hồng. Khi chín, thịt heo tỏa mùi hương béo ngậy đặc trưng, lớp da vàng bóng, giòn tan hấp dẫn người thưởng thức.
7. Gỏi lá Kon Tum
Được công nhận là TOP 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á vào năm 2013, gỏi lá Kon Tum là món ăn độc đáo, chỉ cần thưởng thức một lần du khách sẽ nhớ mãi. Quả đúng như tên gọi của nó, món gỏi này chỉ toàn là lá. Có tới khoảng 50 loại lá khác nhau, từ những loại rau quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày đến những loại lá ổi, lá xoài, lá chùm ruột… và cả những loại lá đặc trưng riêng biệt của vùng rừng núi Tây Nguyên.
Gỏi lá Kon Tum là một trong 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á
Món này sẽ không thể thiếu một đĩa thịt luộc, tôm luộc và bì lợn. Ăn kèm gỏi lá còn có một đĩa tiêu nguyên hạt, muối nguyên hạt và ớt xanh. Nhưng có lẽ thành phần đặc biệt tạo nên mùi vị hấp dẫn cho món gỏi lá này là nước chấm. Nước chấm được làm từ gạo nếp lên men, thịt ba chỉ và tôm khô, trải qua nhiều công đoạn chế biến, loại nước chấm này nhìn qua có màu vàng nghệ, thơm ngon và hấp dẫn.
8. Phở khô Gia Lai
Phở khô là món ăn mà du khách nhất định phải thưởng thức khi du lịch đến phố núi Gia Lai. Không giống như các loại phở thông thường, phở khô Gia Lai được phục vụ theo hình thức phở để riêng và nước lèo để riêng. Có thể hình dung giống với món phở trộn ở một số nơi khác nhưng phở khô Gia Lai đặc biệt hơn ở hương vị đặc trưng và cách thưởng thức.
Du lịch phố núi Gia Lai du khách nhớ thưởng thức món phở khô
Món phở khô của người Gia Lai có nhiều loại cho thực khách lựa chọn: Phở khô gà, phở khô thịt bò tái, phở khô xương heo, phở khô bò viên… Phở khô Gia Lai có cách ăn riêng, phải ăn đúng kiểu mới cảm nhận được hết cái ngon của món phở này. Với món phở khô, khi thưởng thức du khách sẽ cảm nhận được độ dai thấm vị của sợi phở hòa cùng nước lèo đậm đà thơm mùi rừng núi.
9. Thịt nai
Đúng chất hoang dã của rừng núi Tây Nguyên phải kể đến là món thịt nai. Là đặc sản chủ yếu ở khu vực Đắk Lắk, thịt nai nổi tiếng thơm ngon ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm ngọt hơn cả thịt bê non. Thường được đưa vào thực đơn đặc sản ở các nhà hàng Tây Nguyên, thịt nai ngày nay đã trở thành một trong những món ăn được khách du lịch ưa thích lựa chọn thưởng thức.
Thịt nai là đặc sản hoang dã của núi rừng Tây Nguyên
Thịt nai có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn như: Thịt nai nướng, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán… Nếu như thịt nai nướng chín ngọt mềm thơm mùi gừng thì món nai nhúng giấm lại mang đến hương vị đậm đà béo ngậy. Ngon miệng hấp dẫn còn phải kể đến là món khô nai. Món nai khô rất được cánh mày râu yêu thích dùng làm mồi nhâm nhi cùng với rượu.
10. Măng le
Thường có nhiều ở khu vực rừng núi Tây Nguyên vào những ngày mùa mưa, măng le là những mầm non của cây le – một trong những loại cây thuộc tre nứa – mọc nhiều ở những vùng đất bazan. Khác với các loại măng thông thường, măng le đặc ruột, vị ngọt bùi ăn vào không đắng, được xem là ngon nhất trong tất cả các loại măng.
Măng le có vị ngọt bùi ăn vào không đắng
Măng le có thể được dùng để ăn tươi hay cắt lát phơi khô. Các món ăn được chế biến từ măng le cũng khá đa dạng. Trong đó, hấp dẫn nhất có thể kể đến là các món: gỏi măng trộn, măng le nấu thịt vịt, măng le nấu thịt nai khô… Tuy chỉ là món ăn dân dã nhưng măng le lại có ý nghĩa hết sức đặc biệt với người dân Tây Nguyên, là sự ban tặng của mẹ thiên nhiên cho vùng đất xinh đẹp này.
11. Bún đỏ Đắk Lắk
Nếu như miền Trung có món bún cá, miền Tây nổi tiếng với bún mắm, thì ở khu vực Tây Nguyên có món bún đỏ độc đáo. Khác với các món bún trứ danh khác, bún đỏ là món ăn bình dị nhưng lạ miệng, thơm ngon. Du lịch đến vùng đất đại ngàn, đặc biệt là thành phố Buôn Ma Thuột, du khách nhất định phải nếm thử món này.
Bún đỏ là món ăn bình dị nổi tiếng của Buôn Ma Thuột
Có thể hình dung món bún đỏ khá giống với bún riêu nhưng khác ở chỗ sợi bún khá to, ăn vào dai giòn, qua quá trình chế biến có màu đỏ bắt mắt. Ngoài ra bún đỏ còn hấp dẫn thực khách với phần riêu cua được chế biến từ thịt cua, thịt lợn và tóp mỡ xay nhuyễn. Ăn kèm món này còn có cải, rau cần, một ít giá và mấy quả trứng cút luộc.
12. Rau rừng
Dân dã và thơm ngon là những cụm từ được dùng để nói về món đặc sản rau rừng nổi tiếng của vùng Tây Nguyên. Được người dân hái về từ rừng, rau rừng không chỉ là món ăn hấp dẫn cho thực khách mà còn được biết đến với nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Có hàng trăm loại rau rừng với đủ loại mùi vị khác nhau. Nhưng đặc biệt phải kể đến là rau lủi và lá bép.
Rau rừng Tây Nguyên có nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe
Là một trong những món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của người dân Tây Nguyên, rau rừng có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như: rau rừng luộc chấm muối ớt, rau rừng luộc thịt kho, rau rừng xào tôm, canh cua rau rừng, …
13. Nhộng sâu muồng
Nhộng sâu muồng là món ăn đặc sản Tây Nguyên dành riêng cho những thực khách muốn thử thách lòng can đảm. Được biết, nhộng sâu muồng thường có nhiều vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Nhộng sâu muồng có vỏ ngoài khá cứng, cầm lên có cảm giác con nhộng rục rịch bên trong.
Mùa nhộng sâu muồng là vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4
Nhộng sâu khi bắt về được chế biến khá đơn giản. Sau khi đem đi rửa sạch, nhộng sâu muồng được ướp với ớt xiêm xanh, tỏi băm, tiêu rồi đem đi xào với rau thơm và lá chanh. Món nhộng sâu muồng khi thưởng thức có thể ăn kèm với bánh tráng cho thêm phần hấp dẫn.
14. Cà phê chồn
Tây Nguyên được xem là thủ phủ của những loại cà phê thơm ngon hấp dẫn, trong đó có món cà phê chồn – một trong những loại cà phê đắt giá nhất thế giới. Cà phê chồn hay cà phê phân chồn là loại cà phê được “sản xuất” bởi những chú chồn hương.
Cà phê chồn là một trong những loại cà phê đắt giá nhất thế giới
Qua quy trình sản xuất khá đặc biệt từ dạ dày của loại chồn, hạt cà phê chồn sau khi rang có hương vị mạnh, rất lạ và đặc biệt hơn so với những loại cà phê thông thường. Cà phê chồn khi uống giúp cho người thưởng thức cảm nhận được một chút hương ngọt của mật đường, vị đăng đắng của socola, thuốc lá và chua chua của trái cây.
15. Bơ sáp
Bơ là loại quả nhiệt đới thơm ngon bổ dưỡng có nguồn gốc từ Mexico. Ở Việt Nam, bơ có nhiều loại được trồng ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng với chất lượng thơm ngon vẫn phải kể đến là loại bơ sáp của vùng đất đại ngàn Tây Nguyên.
Du lịch Tây Nguyên du khách có thể mua bơ sáp về làm quà biếu tặng
Vua của các loại bơ là bơ sáp, bơ sáp Tây Nguyên trái khá to, thịt bơ bên trong dày, có màu vàng ươm, dẻo quánh. Bơ sáp khi ăn cho cảm giác béo ngầy ngậy, vị thanh mát, có mùi thơm thoang thoảng. Để thưởng thức bơ sáp, du khách có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Bên cạnh đó, bơ cũng là một trong những món đặc sản được nhiều du khách mua về làm quà biếu tặng khi du lịch Tây Nguyên.
Hành trình chu du vùng đất Tây Nguyên đại ngàn hứa hẹn sẽ thêm phần thú vị và hấp dẫn với TOP 15 món ăn đặc sản Tây Nguyên nhất định phải thử qua mà Viet Fun Travel vừa chia sẻ. Hi vọng thông qua bài viết trên, du khách sẽ có được những thông tin hữu ích bổ sung vào cẩm nang du lịch của mình. Chúc du khách có một chuyến đi Tây Nguyên thật nhiều niềm vui!
Để đặt tour du lịch Tây Nguyên với chương trình hấp dẫn và giá cả siêu ưu đãi, du khách vui lòng liên hệ tổng đài 028 7300 6749 hoặc 1900 6749.
Viet Fun Travel