TỔNG THUẬT: Tọa đàm ‘Đại dịch COVID-19 và chính sách đối với nhân viên y tế’ – Tin nổi bật – Cổng thông tin Bộ Y tế
MC: Những đòi hỏi kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong đặc điểm công việc của ngành y tế ở tất cả các tuyến. Xin Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ thêm về những thay đổi lớn này trong hơn 2 năm chống dịch vừa qua đối với các y bác sĩ (bao gồm khối lượng công việc, mức độ căng thẳng, rủi ro sức khỏe, áp lực…)?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Như các bạn đã biết, trong cộng đồng và trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi phải chủ động và có kế hoạch, nhưng kế hoạch phải linh hoạt, ứng phó với diễn biến dịch bệnh, thậm chí là diễn biến từng ngày và từng giai đoạn. Đến nay, đất nước chúng ta đã trải qua 4 giai đoạn, giai đoạn 1 diễn biến dịch bệnh khác, giai đoạn 2, 3, 4 khác. Vì vậy đã tạo ra những thay đổi lớn trong công tác phòng, chống dịch ở tất cả cơ sở y tế, tất cả các tuyến, thậm chí ở chính mỗi người dân và cán bộ, nhân viên y tế.
Thứ nhất là nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện, tối đa cho bệnh nhân vì ngoài thực hiện điều trị người bệnh còn thay người thân chăm sóc người bệnh như là động viện tinh thần, hỗ trợ trong sinh hoạt, ăn uống. Chăm sóc toàn diện cho người bệnh được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dịch, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác điều trị.
Thứ hai là có sự thay đổi, thích ứng linh hoạt của nhân viên y tế trong công tác phòng dịch, như nhân viên y tế thường ngày có thể tham gia công tác phòng dịch nhưng khi huy động, điều động, đào tạo đã nhanh chóng hoà nhập, tham gia làm việc tích cực ở cơ sở mới, địa phương mới, thậm chí ở một cộng đồng mới. Tại cộng đồng thì nhân viên y tế ngoài làm nhiệm vụ hướng dẫn về công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch, ví dụ như khuyến cáo thực hiện 5K. Đặc biệt tại những cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế thực hiện kiểm soát, khoanh vùng nhiễm khuẩn để chăm sóc người bệnh cách ly, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức tích cực. Ở các bệnh viện dã chiến, điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt rất khó khăn.
Thứ ba là tinh thần sẵn sàng làm việc ở môi trường nguy cơ, công việc có nhiều áp lực. Sự hi sinh quên mình của các cán bộ y tế đến làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao do thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh, đồng thời vẫn sẵn sàng làm việc tập trung từ 10 đến 12 tiếng hằng ngày và thậm chí còn dài hơn. Khi dịch bệnh xảy ra, bệnh nhân tăng đã gây quá tải cho hệ thống y tế. Đặc biệt tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thì một nhân viên y tế phải theo dõi, chăm sóc hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân. Ngoài chăm sóc họ còn mang trên mình những bộ đồ bảo hộ nóng và bí. Việc thiếu nhân lực và hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tiết kiệm trong việc sử dụng các bộ đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế làm gia tăng áp lực tinh thần và thể chất của nhân viên y tế như GS. Nguyễn Lân Hiếu vừa nói. Đặc biệt, việc thiếu hụt nhân lực và nhân viên phải làm việc với thời gian rất dài từ 15 ngày sau đó thay ca, trước khi về với gia đình họ còn phải cách ly 7 ngày. Như vậy 1 nhân viên y tế sau mỗi đợt làm việc phải xa gia đình ít nhất 21 ngày. Nhưng rồi do người bệnh đông nên họ phải nhanh chóng quay trở lại làm việc. Có những nhân viên vài ba tháng không được về thăm gia đình.
Thứ tư là trong bối cảnh thiếu nhân lực, chúng tôi đã kịp thời huy động và đào tạo rất nhanh các nhân viên y tế tham gia. Chiến lược phổ cập kiến thức, kỹ năng tuyên truyền lấy mẫu xét nghiệm, khám chữa bệnh đã góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời đã nâng cao được chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã triển khai hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng nghìn trạm y tế lưu động để điều trị, không chỉ cho bệnh nhân COVID mà làm sao để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế khác ngay tại cơ sở nhằm giảm gánh nặng, giảm tử vong trong điều kiện bình thường.
Thứ năm, chúng tôi đã tăng cường vai trò của y tế cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19. Khi dịch bệnh xảy ra rải rác, số ca bệnh hạn chế, việc thu dung, điều trị được triển khai ở tất cả các tuyến điều trị, kể cả ở các bệnh viện dã chiến. Nhưng khi số lượng gia tăng lớn, việc quản lý điều trị ở nhà là tất yếu. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn hết sức cụ thể về công tác này. Từ đó, y tế cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong công tác phát hiện, phân loại, quản lý hỗ trợ cho người bệnh điều trị tại nhà, sẵn sàng phát hiện và chuyển bệnh nhân khi trở nặng đến các cơ sở y tế.
Thứ sáu là với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngành y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch được nhanh, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của 41 Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đến nay đã huy động trên 7.200 nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch. Đã có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ nhiễm COVID-19 và không qua khỏi.
Thứ bảy, chúng tôi đã triển khai khám, chữa bệnh từ xa, không chỉ điều trị về COVID-19 mà cả các bệnh nhân khác trong điều kiện vừa cách ly, vừa giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch khác. Công tác này đã giúp giảm quá tải cho các cơ sở y tế, giúp người bệnh tiếp cận nhanh với các dịch vụ y tế. Và đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi đã thành lập trung tâm hội chẩn từ xa đặt tại Bộ Y tế do có giáo sư đầu ngành tham gia. Khi xuất hiện các bệnh nhân nặng, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng thì chúng tôi đều kết nối hội chẩn và đưa ra các biện pháp, phác đồ điều trị phù hợp nhất để giúp bệnh nhân qua khỏi.
Thứ tám, đối với việc phòng, chống đại dịch, ngoài nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc, nhân viên y tế không chỉ gặp rủi ro do tiếp cận với người bệnh mà còn cả rủi ro nghề nghiệp khác khiến họ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, bị chấn thương, thậm chí là tử vong. Với những rủi ro đó, một là có nguy cơ rất cao lây nhiễm COVID-19 khi làm việc. Thứ hai là căng thẳng khi phải mặc các bộ đồ bảo hộ cá nhân trong thời gian dài, đặc biệt là trong các tỉnh miền Nam, thời tiết rất nóng bức. Thứ ba là tiếp xúc với hoá chất khử khuẩn với tần suất cao. Thứ tư là mệt mỏi kéo dài. Thứ năm là căng thẳng về tâm lý, điều kiện vệ sinh, phúc lợi không đầy đủ và chưa đảm bảo an toàn. Với những yêu cầu trong kiểm soát dịch bệnh đòi hỏi sự thay đổi rất lớn, chính vì thế nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta phải thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả, phải đưa ra những giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt nhất.