Tổng quan về doanh nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp (Phần 1) – Ligosoft
Phần 1: Khái niệm doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp
Thuật ngữ DN tương ứng với nhiều loại hình DN khác nhau. Nói một cách chung nhất, DN là một tổ chức đi tìm kiếm các phương tiện sản xuất và sử dụng các phương tiện này để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được đem bán, trao đổi trên thị trường. (Còn theo Luật DN thì DN là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký và thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh).
2. Loại hình doanh nghiệp
Luật DN (Số 68/2014/QH13) có các loại hình: Công ty Trách nhiệm hữu hạn; Công ty cổ phần; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân và Nhóm công ty (Tập đoàn kinh tế, tổng công ty; Công ty mẹ, công ty con).
2.1. Công ty trách nhiệm hữu hạn:
a) Công ty TNHH hai thành viên trở lên: Là DN, trong đó: (1) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50; (2) Thành viên chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp; (3) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định của Luật này.
b) Công ty TNHH một thành viên: Là DN do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
Theo quy định của nhiều quốc gia, công ty TNHH không được phép phát hành cổ phiếu để huy động vốn và không được vay nợ bằng cách phát hành trài phiếu.
2.2. Công ty cổ phần: Là DN, trong đó: (1) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, các thành viên góp vốn bằng cách mua CP; (2) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; (3) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp; (4) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.
Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.
2.3. Công ty hợp danh: Là DN, trong đó: (1) Phải có ít nhất 02 thành viên là sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; (2) Thành viên hợp danh phải là cá nhân; chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; (3) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp.
Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
2.4. Doanh nghiệp tư nhân: Là DN: (1) Do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DN; (2) Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào; (3) Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DN tư nhân.
2.5. Nhóm công ty: Là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ và thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Nhóm công ty bao gồm hai hình thức như nêu trên. Về phương diện kế toán, công ty mẹ, công ty con là hai đơn vị kế toán đốc lập. Tuy nhiên để hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của các nhóm công ty thì công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn công ty mẹ- công ty con.
a) Tập đoàn kinh tế, tổng công ty: (1) Thuộc các thành phần kinh tế là Nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình DN, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo Luật DN; (2) Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác. Công ty có công ty mẹ, công ty con và mỗi công ty thành viên này có quyền và nghĩa vụ của DN độc lập theo quy định của pháp luật.
b) Công ty mẹ, công ty con:
– Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó; (2) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp QĐ bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT, Giám đốc công ty đó; (3) Có quyền QĐ việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
– Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua CP của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua CP để sở hữu chéo lẫn nhau.
– Các công ty con có cùng một công ty mẹ là DN có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập DN theo quy định của Luật này.
3. Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp
Loại hình phổ biến nhất hiện nay là công ty cổ phần. Cơ cấu tổ chức như sau:
Tổ chức quản trị ở công ty cổ phần Bao gồm: Hội đồng quản trị; Giám đốc và Ban kiểm soát (nếu có trên 11 cổ đông).
Tổ chức quản trị kinh doanh ở công ty cổ phần
Ban Giám đốc thực hiện xây dựng cơ cấu tổ chức công ty để đạt mục tiêu đề ra. Quản trị kinh doanh là điều hành quản lý hoạt động SXKD của DN do Ban Giám đốc thực hiện. Quản trị công ty là một quá trình giám sát và kiểm soát được thực hiện để đảm bảo cho việc thực thi QTKD phù hợp với lợi ích của các cổ đông.
4. Hoạt động của doanh nghiệp và các quyết định kinh doanh
Khi bắt đầu kinh doanh, các chủ DN phải trả lời ba câu hỏi sau:
Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực gì? Nói cách khác, là DN sẽ SX ra sản phẩm gì hay cung cấp dịch vụ gì ra thị trường? Để hoạt động SXKD lĩnh vực đó cần những phương tiện, máy móc gì, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động ra sao… Tùy vào kết quả nghiên cứu, thăm dò thị trường, chiến lược kinh doanh mà DN sẽ quyết định quy mô đầu tư vốn của mình.
Doanh nghiệp huy động vốn ở đâu? Với kế hoạch đầu tư đã thiết kế nêu trên, rõ ràng, trước khi có ý tưởng KD, chủ DN hay các thành viên sáng lập đã phải chuẩn bị một số vốn nhất định (vốn góp) chính là nguồn vốn kinh doanh của DN. Các DN cũng có thể huy động thêm vốn bằng cách đi vay. Như vậy DN đứng trước QĐ thứ hai là huy động vốn. Huy động vốn góp hay đi vay như thế nào, thời hạn vay và lãi suất rất cần phải tính toán.
Doanh nghiệp lựa chọn nhà cung cấp NVL nào? trả lương người lao động ra sao, bán hàng với mức giá bao nhiêu?… Đây là các quyết định kinh doanh xảy ra thường xuyên, liên tục của DN, với mục tiêu là tối đa hóa kết quả bán hàng. Kết quả này phải đủ lớn để trang trải các khoản chi phí, trả lãi tiền vay, nộp thuế cho nhà nước và chia lãi cho các chủ sở hữu ít nhất bằng mức họ kỳ vọng.
Trong quá trình kinh doanh, DN cần thông tin để đề ra các quyết định và kiểm soát các hoạt động của mình. Kế toán với nhiệm vụ thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về các hoạt động kinh doanh của DN đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quản trị kinh doanh nói chung và hoạt động quản trị các công ty cổ phần nói riêng.