Tổng quan tin tức nghiên cứu về ô nhiễm không khí
Tổng quan tin tức nghiên cứu về ô nhiễm không khí
Page Content
Hiện nay vấn đề suy giảm chất lượng không khí là một vấn đề đáng báo động ở trên thế giới và Việt Nam là một trong khu vực được đánh giá là có mức độ tăng trưởng về ô nhiễm không khí nhanh. Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí có thể nhận thấy rõ rệt từ sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, tăng trưởng và phát triển giao thông cũng như từ quá trình đô thị hóa làm gia tăng nguồn phát thải gây ra ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.
Chính vì vậy, những nghiên cứu đánh về môi trường không khí đã đưa ra được bức tranh về hiện trạng môi trường không khí. Trong phần này, chúng tôi đưa ra một số nghiên cứu về ô nhiễm không khí, mô hình lan truyền ô nhiễm không khí để có những tổng hợp nhất định về các hướng nghiên cứu tiếp theo về ô nhiễm không khí và mô hình lan truyền ô nhiễm không khí.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc áp dụng các phương pháp mô hình hóa môi trường trong quản lý và nghiên cứu tại Việt Nam là phổ biến. Đặc biệt trong lĩnh vực đánh giá chất lượng môi trường không khí, mô hình chất lượng không khí đa quy mô (CMAQ) được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, các nghiên cứu còn phát triển, kết hợp ứng dụng mô hình CMAQ với các mô hình khí tượng và mô hình phát thải. Chính sự kết hợp này đã tạo nên những điểm mới cho các đề tài nghiên cứu, đồng thời mức độ tin cậy, tính chính xác và hợp lý của kết quả nghiên cứu cao hơn.
Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm dự báo thời hạn ngắn chất lượng không khí vùng Đồng bằng Bắc Bộ” thực hiện năm 2006 bởi tác giả Dương Hồng Sơn và các cộng sự đã làm nổi bật được tính cấp thiết của việc nghiên cứu chất lượng môi trường không khí cấp bách tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Trong nghiên cứu này, các chất gây ảnh hưởng xấu tới không khí được dự báo 4 ốp trong ngày và với bước thời gian dự báo trước 48 giờ. Một số chất gây ảnh hưởng xấu tới không khí điển hình như: SO2, NOx, CO, O3, các loại bụi (TSP, PM2,5, PM10) đã được nghiên cứu trong đề tài [1]. Cũng như kết quả nghiên cứu vào năm 2008 của tác giả Dương Hồng Sơn [2] đã sử dụng mô hình CMAQ để dự báo chất lượng không khí hàng ngày cho 3 vùng kinh tế trọng điểm thông qua các thông số ô nhiễm SO2, NO2, CO và bụi PM10.
Để xem xét mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới đã có một số nghiên cứu của Dương Hồng Sơn, 2013 và Đàm Duy Ân, 2016. Có thể thấy không khí Việt Nam ảnh hưởng từ Trung Quốc có thể lên tới 55% đối với khí SO2, 48% đối với NO2 và khoảng 30% đối với CO [3]. Nghiên cứu của Đàm Duy Ân, 2016 chỉ ra sự lắng đọng khô tại Miền Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc. Lắng đọng khô SO2, tại khu vực miền Bắc Việt Nam vào tháng 1 chịu ảnh hưởng 20,67% từ Trung Quốc sang; Với lắng đọng khô NO2 cho khu vực Miền Bắc VN có nguồn gốc từ các khu vực lân cận vào mùa đông và mùa hè đối với NO2 lượt là: 15,66% – 22,31% và 10,78% – 11,13% [4].
Tóm lại, các nghiên cứu về ô nhiễm không khí ở Việt Nam nhìn chung đã cập nhật những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Trong đó, phương pháp mô hình toán được ứng dụng rộng rãi để mô phỏng, đánh giá và dự báo lan truyền ô nhiễm không khí tại các khu vực trọng điểm như đô thị lớn hoặc các khu công nghiệp.
Tuy nhiên các nghiên cứu chủ yếu mô phỏng cho một khu vực rộng lớn và có độ phân giải khá thấp với đặc trưng biến động của tầng khí quyển. Việc dự báo ô nhiễm không khí trong điều kiện khí quyển ổn định, đặc biệt trong điều kiện ô nhiễm không khí thời gian gần đây, chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bên cạnh đó, bước thời gian dự báo trong các nghiên cứu hiện nay khá dài và không được cập nhật thường xuyên theo thời gian thực.
Tài liệu tham khảo
-
Dương Hồng Sơn, 2006, Nghiên cứu thử nghiệm dự báo thời hạn ngắn chất lượng không khí vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
-
Dương Hồng Sơn, 2008, Xây dựng bản tin dự báo chất lượng không khí cho các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
-
Dương Hồng Sơn, 2013, Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc Việt Nam ứng dụng công nghệ tiên tiến, Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ
-
Đàm Duy Ân, Lê Văn Linh, Đàm Duy Hùng, Mai Trọng Thông, 2016, Đánh giá ảnh hưởng của lan truyền xuyên biên giới đến lắng đọng khô tại Miền Bắc Việt Nam sử dụng phương pháp mô hình hóa WRF-CMAQ, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 32(3s), pp. 1-6.