Tổng hợp ý kiến xây dựng các Dự án Luật – Đoàn Đại biểu Quốc Hội TPHCM

 Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Dưới đây là tổng hợp các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật:    

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG                  

1- Về sự cần thiết ban hành dự thảo Luật

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật với 10 Chương và 213 Điều nhưng vẫn còn nhiều  vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tế và nguyên tắc tự do kết ước như quy định của Bộ luật dân sự hiện hành. Vì vậy, đề nghị chỉ nên sửa đổi một số điều của Luật doang nghiệp hiện hành đang gây khó khăn cho việc gia nhập thị trường của các nhà đầu tư và mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác có liên quan.

Đồng thời, ý kiến này cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu và tham gia vào “sân chơi” chung của cơ chế thị trường nên vấn đề quan trọng cần nghiên cứu là có nên duy trì quá nhiều loại quan hệ liên quan đến nhiều luật trong Luật doanh nghiệp như hiện nay không? Nên chăng Luật Doanh nghiệp chỉ nên chế định những nội dung liên quan đến cách tổ chức và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, còn chủ thể kinh doanh và hành vi kinh doanh do các luật có liên quan điều chỉnh.

2- Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa dự thảo Luật)

Nhiều ý kiến chọn Phương án 2. Đề nghị không quy định nội dung về “hộ kinh doanh” vào dự thảo Luật vì:

Thứ nhất, mặc dù đều thực hiện hoạt động kinh doanh thường xuyên nhưng về bản chất, hộ kinh doanh không phải doanh nghiệp. Nếu đặt một loại hình không phải doanh nghiệp dưới phạm vi điều chỉnh của một đạo luật chuyên ngành mang tên “Luật Doanh nghiệp” là không phù hợp.

Thứ hai, theo dự thảo, Luật Doanh nghiệp là đạo luật điều chỉnh các vấn đề về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Trong khi đó loại hình “hộ kinh doanh” có cơ cấu tổ chức, quản trị mang đậm tính “nhỏ lẻ”, “gia đình”, lại bị giới hạn về tổ chức, quy mô (sử dụng dưới 10 lao động; chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm cố định), hoàn toàn khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp. Vì vậy, các vấn đề về thành lập, tổ chức quản lý, chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh không thể nhóm gộp với các quy định dành cho doanh nghiệp.

Nên ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh theo quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường…) của hộ kinh doanh; quy định về tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp. Hạn chế đối với hộ kinh doanh, như chỉ được đăng ký một địa điểm kinh doanh, chỉ được sử dụng dưới 10 lao động.

Quy định các chính sách nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm… của hộ kinh doanh. Vấn đề này cần có sự thống nhất với các quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về việc sửa đổi, bổ sung để xem hộ kinh doanh là một doanh nghiệp siêu nhỏ để có các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong trường hợp nếu quy định “hộ kinh doanh” trong Luật Doanh nghiệp thì cần phải dành cho loại hình này vị trí tương xứng, quy định rõ và đầy đủ các vấn đề về thành lập, tổ chức quản lý, chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác, không thể chỉ khái quát trong hai điều luật như dự thảo hiện nay.

Tuy nhiên, các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chưa đầy đủ, còn sơ sài hơn các quy định về Hộ kinh doanh hiện tại tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP (ví dụ: chưa quy định về chế độ trách nhiệm của hộ kinh doanh là hữu hạn hay vô hạn). Việc quy định không đầy đủ sẽ gây nên những khó khăn trong quá trình áp dụng luật vào thực tế. Nghị định của Chính phủ chỉ được quy định chi tiết điều, khoản, điểm được quy định trong luật, trường hợp luật quy định không đầy đủ, không rõ ràng, cũng như không giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành sẽ gây nên những khó khăn trong quá trình áp dụng luật vào thực tế.

Bên cạnh đó, các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật chưa phù hợp, cụ thể, nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 187b thì người từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại đểm a, điểm a khoản 2 Điều 187b dự thảo Luật là có quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, khi xác lập giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Do đó, cần thiết quy định một trong những điều kiện để thành lập hộ kinh doanh đối với cá nhân phải là người đăng ký thành lập phải đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (đây cũng là nội dung đã được quy định tại Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

Ngoài ra, việc quy định trường hợp chủ hộ kinh doanh bị tạm giam, kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề thì hộ kinh doanh do một cá nhân đăng ký chấm dứt hoạt động là không phù hợp, có thể gây nên những hậu quả bất lợi với các bên có liên quan, có giao dịch với hộ kinh doanh… Trường hợp này, có thể cho phép chủ hộ kinh doanh thực hiện việc ủy quyền quản lý hộ kinh doanh cho người khác, tương tự quy định trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH Một thành viên bị tạm giam, kết án tù hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề tại khoản 2 Điều 77 Dự thảo Luật.

– Dự thảo Luật sẽ thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2014. Vì vậy, đề nghị không đánh số theo kiểu số ghép (187a, 187b, 187c…).

3- Về con dấu và thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp

Có ý kiến cho rằng pháp luật đã trao cho doanh nghiệp quyền được tự quyết về hình thức, số lượng, nội dung con dấu nhưng lại bắt các doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh, việc này đã vô hình áp thêm một thủ tục hành chính lên các doanh nghiệp. Do đó, nếu đã trao quyền quyết định về hình thức, số lượng con dấu thì cũng nên để doanh nghiệp tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu của mình. Điều này cũng nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng 4.0, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể ứng dụng các phương tiện khoa học công nghệ như chữ ký điện tử thay thế cho con dấu truyền thống trong giao dịch kinh doanh thương mại…

Vì vậy, ý kiến này đề nghị giữ quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 “Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 44 lại quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”. Do đó, nên giữ khoản 1 Điều 44 nhưng bỏ khoản 2  Điều 44 vì  không còn phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phát triển, việc sử dụng con dấu truyền thống vẫn được coi là cần thiết, nhất là khi doanh nghiệp tham gia vào các quan hệ hành chính. Đồng thời đặt trong thực trạng doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa quan tâm đúng mức đến kiến thức pháp lý. Do đó, nếu dự thảo Luật xây dựng nội dung quy định theo hướng tùy nghi, cho doanh nghiệp quyền lựa chọn đăng ký hay không thì cần có quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp về giá trị của con dấu trong hoạt động của doanh nghiệp, vị trí của con dấu trong tư cách pháp lý của doanh nghiệp theo hướng con dấu không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý các văn bản, giấy tờ, các hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở này sẽ giúp tổ chức, cá nhân có cái nhìn đúng đắn về con dấu của doanh nghiệp, hạn chế việc lợi dụng các quy định về con dấu để xâm hại quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác.

II- GÓP Ý MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN CỤ THỂ

1- Về giải thích từ ngữ (Điều 4)

– Khoản 7: có ý kiến đề nghị xem lại nội dung giải thích về khái niệm “Doanh nghiệp là tổ chức….”. Vậy “tổ chức” này có phải là pháp nhân theo khoản 1 Điều 74 của Bộ luật dân sự không? nếu không phải là pháp nhân thì bản chất là gì? Tại khoản 2 Điều 183 định nghĩa doanh nghiệp tư nhân “….. là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ….” . Doanh nghiệp tư nhân mang tính đối nhân về quyền và nghĩa vụ tài sản, nên không phải là pháp nhân, nhưng lại là doanh nghiệp.

– Khoản 18: có ý kiến cho rằng nội dung khoản 18 chưa đảm bảo tính thống nhất khi liệt kê “người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp doanh… Đề nghị sửa lại như sau: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh…”.

2- Về bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp (Điều 5)

Khoản 3: có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “dịch bệnh” vào sau cụm từ “thiên tai” để thống nhất với khoản 4 Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.  Khoản 3 viết lại như sau: “…Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh,…”.

2- Về nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Điều 24)

Khoản 7: có ý kiến đề nghị bỏ yêu cầu kê khai “số lượng lao động” vì các chủ doanh nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp đều chưa đầu tư, chưa xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị nên đưa ra con số dự đoán không chính xác. Tuy doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác trong hồ sơ nhưng số liệu này là không có cơ sở tin cậy. Nếu doanh nghiệp khai không đúng số lượng lao động thực tế thì cơ quan nào xử phạt và xử như thế nào?

4- Về xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 54)

Khoản 7: có ý kiến đề nghị nghiên cứu viết lại nội dung khoản 4 Điều 54 để thống nhất với quy định của Bộ Luật hình sự và Luật Thi hành án hình sự.

5- Về tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng giám đốc (Điều 65)

Điểm b khoản 2: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong quản lý ngành nghề hoạt động của công ty”.

6- Về ban kiểm soát (Điều 65a)

Khoản 1: có ý kiến cho rằng giới hạn kiểm soát viên có thể không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo thời gian thực hiện các công việc theo quy định pháp luật. Đề nghị bổ sung quy định tại khoản 1 như sau: “Ban kiểm soát có số lượng kiểm soát viên phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Nhiệm kỳ kiểm soát viên không quá 05 năm và được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế”.

7- Về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu (Điều 78)

Theo khoản 2 thì “…Trường hợp khác, công ty có thể thành lập Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên phù hợp với yêu cầu quản trị công ty hoặc thuê công ty tư vấn thực hiện chức năng kiểm soát” sẽ mâu thuẫn với khoản 2, khoản 4 Điều 103 dự thảo Luật. Đề nghị xem lại quy định này để tạo sự thống nhất trong nội dung của Luật. 

8- Về hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan (Điều 86)

Khoản 1: có ý kiến cho rằng để tránh tình trạng hợp đồng, giao dịch nhỏ cũng phải đưa ra Hội đồng thành viên quyết định, đề nghị sửa quy định khoản 1 như sau: “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, hợp đồng, giao dịch có giá trị từ 5% vốn điều lệ trở lên hoặc theo điều lệ của công ty giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận gồm…”

9- Về doanh nghiệp nhà nước (Điều 87a)

Theo một số ý kiến thì việc quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này là không cần thiết, gây khó khăn cho công tác cổ phần hóa, tạo tâm lý lo ngại cho các cổ đông là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào doanh nghiệp.

Hiện nay, việc quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước hoặc có phần vốn của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thông qua người đại diện vốn theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Các quy định về việc kiểm tra, báo cáo, giám sát cũng như trách nhiệm bảo toàn, phát huy hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Có ý kiến đề nghị sửa khoản 1 Điều 87a theo hướng phân định 02 nhóm doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Doanh nghiệp nhà nước: là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ quyền chi phối: là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên”.

Ý kiến này cho rằng cần phân định như trên vì đối với mỗi loại doanh nghiệp có mức độ sở hữu vốn của nhà nước khác nhau thì sẽ có phương thức quản lý, giám sát khác nhau, phù hợp với tình hình từng doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp mà nhà nước chỉ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (dưới 100%) nếu như cũng áp dụng các quy định tương tự với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ gây rất nhiều cản trở đối với doanh nghiệp trong việc thu hút các nhà đầu tư để tăng vốn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài rất e dè với những yếu tố mang tính nhà nước, thủ tục hành chính tại Việt Nam. Cần thiết chỉ nên để những doanh nghiệp này dưới hình thức sở hữu chi phối của nhà nước nhưng vẫn đảm bảo tính linh hoạt, độc lập nhất định trong hoạt động, tránh cho mọi quyết định của doanh nghiệp đều mang tính hành chính, quản lý của nhà nước.

10- Về cơ cấu tổ chức quản lý (Điều 89)

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định cụ thể hơn về cơ cấu tổ chức doanh nghiệp nhà nước theo hướng:

(1) Doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo mô hình công ty TNHH 1 thành viên có cơ cấu tổ chức theo khoản 1 Điều 78.

(2) Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu từ 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì mô hình tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp sẽ thực hiện thống nhất theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp áp dụng đối với công ty cổ phần, công ty TNHH.

11- Về quyền của cổ đông phổ thông (Điều 114)

Khoản 2: các kiến thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 114 khi đã điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% xuống 5% hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty nhằm mở rộng quyền và bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ý kiến này cho rằng không nên gỡ bỏ giới hạn về thời gian sở hữu cổ phần 6 tháng liên tục đối với cổ đông để thực hiện quyền kiến nghị, góp ý chương trình họp của Đại hội đồng cổ đông, nên giảm thời gian từ 6 tháng xuống 2 – 3 tháng, đây là khoảng thời gian hợp lý để cổ đông hiểu rõ hơn về hoạt động công ty và tránh các kiến nghị không hợp lý, gây khó khăn cho cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

12- Về chuyển nhượng cổ phần (Điều 126)

Khoản 7 quy định: “Người nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông”. Tuy nhiên, lại thiếu quy định về trách nhiệm của công ty trong việc ghi nhận thông tin về người nhận cổ phần vào sổ đăng ký cổ đông khi người nhận cổ phần đã hoàn tất các nghĩa vụ. Đề nghị bổ sung theo hướng quy định thời gian, thời hạn công ty phải hoàn thành việc ghi nhận thông tin của người nhận cổ phần vào sổ đăng ký cổ đông khi người nhận cổ phần đã hoàn tất các nghĩa vụ của bên nhận cổ phần, quá thời hạn đó, người người nhận cổ phần đương nhiên trở thành cổ đông của công ty và công ty chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra bởi việc chậm trễ trong việc ghi nhận thông tin đó.

13- Về quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc (Điều 161)

– Có ý kiến cho rằng với mục đích bảo vệ cổ đông thiểu số nên Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong các trường hợp:

a) Vi phạm nghĩa vụ người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này;

b) Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng quản trị;

c) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, Điều lệ công ty hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;

d) Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.”

Dự thảo Luật tiếp tục mở rộng quyền này khi bỏ quy định về thời hạn sở hữu cổ phần liên tục 6 tháng.

Tuy nhiên thực tế, quy định này đã phát sinh rất nhiều bất cập. Cổ đông đã lợi dụng vào quy định này để tiến hành khởi kiện hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Thời gian giải quyết vụ án dân sự thường kéo dài rất lâu. Việc vụ án kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, danh dự của Công ty, người quản lý điều hành công ty, đây là những giá trị vô hình mà doanh nghiệp phải mất rất nhiều công sức để gầy dựng. Hơn nữa, nếu trong vụ án mà cổ đông đề nghị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 161 này theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần, giữ nguyên quy định về thời hạn sở hữu cổ phần liên tục 6 tháng và quy định cụ thể hơn nữa các trường hợp được quyền khởi kiện, chế tài đối với các yêu cầu khởi kiện không có căn cứ, bị Tòa án, Trọng tài bác yêu cầu.

   – Khoản 1: có ý kiến đề nghị nên giữ lại thời gian 6 tháng liên tục nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây rối doanh nghiệp. Khoản 1 viết lại như sau: “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, ….”.

   14- Về thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 187a)

   Khoản 1: có ý kiến đề nghị sửa như sau: “Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân  bị tạm giam, bị kết án tù thì ủy quyền cho người khác có đủ điều kiện theo quy định pháp luật để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình”.

 

15- Về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (Điều 199a)

   Có ý kiến đề nghị sửa tiêu đề Điều 199a thành Chuyển đổi hình thức kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp”.

Đồng thời đề nghị bỏ nội dung điểm b khoản 1 vì khoản 4 Điều 199a đã quy định tính kế thừa của doanh nghiệp được chuyển đổi. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng không thể biết có bao nhiêu hợp đồng chưa thanh lý; về thủ tục có cần kiểm tra các văn bản thỏa thuận hay không?

Khoản 4: có ý kiến đề nghị sửa khoản 4 như sau: Doanh nghiệp được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chuyển phải tiếp nhận và quản lý, sử dụng lao động hiện có của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về lao động”.

16- Về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp (Điều 201)

Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung điểm a khoản 1 vì Điều 25 dự thảo Luật không quy định Điều lệ công ty phải có ghi thời hạn hoạt động. Thực tế, hầu như không có doanh nghiệp nào giải thể đúng thời hạn hoạt động ghi trên Điều lệ. Mặt khác, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững và không nên mất thời gian vào những nội dung không mang ý nghĩa pháp lý do doanh nghiệp tự khai.