Tổng hợp các bài chú khai quang điểm nhãn cho linh vật phong thủy theo truyền thống Á Đông – Tượng Gỗ – Tranh Gỗ – Đồ Gỗ Phong Thủy Hinh Mộc
Khai quang điểm nhãn là 1 tín ngưỡng mang tính tâm linh huyền bí của người Á Đông. Người ta tin rằng, sau lễ khai quang điểm nhãn thì linh vật được khai quang sẽ có hồn vía và có năng lực phò trợ cho gia chủ. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết chi tiết về 1 số linh vật phong thủy phổ biến, công dụng, ý nghĩa cũng như các bài chú khai quang điểm nhãn cho chúng. Quý vị, các bạn chỉ nên coi đó là những thông tin mang tính chất tham khảo.
TỔNG HỢP CÁC BÀI CHÚ KHAI QUANG ĐIỂM NHÃN CHO LINH VẬT PHONG THỦY THEO TRUYỀN THỐNG Á ĐÔNG
I. PHONG THỦY VÀ ỨNG DỤNG CỦA KHOA HỌC PHONG THỦY TRONG THỰC TIỄN
1. Phong thủy là gì?
1.1 Khái niệm phong thủy
Phong thủy là di sản tri thức của các dân tộc Á Đông. Phong thủy được coi là học thuyết về sự ảnh hưởng của hướng gió, sự vận động của mạch nước ngầm… tới đời sống, sinh hoạt của con người.
Phong thủy là tên Hán Việt. Thuật ngữ phong thủy bắt nguồn từ người Trung Hoa và được các dân tộc Á Đông trong đó có Việt Nam nhanh chóng tiếp nhận.
Rất khó để có thể dịch 1 cách sát nghĩa Phong Thủy (風水) là gì. Phong là gió, thủy là nước. Tuy nhiên, phong thủy không chỉ là sự ảnh hưởng của gió và nước tới đời sống phúc họa của con người.
Khoa học hiện đại không thể chứng minh được sự ảnh hưởng của Phong thủy là có thật. Ảnh hưởng của phong thủy tới sinh hoạt đời người chủ yếu tồn tại ở Niềm Tin.
Người xưa cho rằng Cát (may mắn) là do phong thủy hợp, Hung (điều họa, sự không may) là do nghịch phong thủy.
Phong thủy là sự tổng hòa nhiều yếu tố về địa hình, địa thế, hướng gió, mạch nước ngầm, quan hệ sắp đặt, bố cục không gian xây dựng… liên quan đến vận mệnh con người.
Phong thủy gồm 2 phần. Là phong thủy dương trạch và phong thủy âm phần. Tức là sắp đặt, tổ chức xây dựng nhà cửa, nội thất… cho người sống (dương trạch) và xem xét nơi chôn cất cho người chết (âm phần).
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến phong thủy dương trạch.
1.2 Ứng dụng của phong thủy trong thực tiễn
Như trên đã nói, khoa học không có bằng chứng để chứng minh Phong thủy là có thật. Tuy nhiên, từ ngàn đời nay, người ta vẫn tin tưởng vào phong thủy để làm chỗ dựa cho mình.
Cần phải thống nhất với nhau rằng. Ứng dụng của phong thủy trong thực tiễn không nằm ở việc thờ cúng, hương khói. Việc thờ cúng, hương khói chỉ có ý nghĩa ở niềm tin chứ không phải là mục đích cũng như là bản chất của phong thủy.
Phong thủy có thể được ứng dụng vào trong thực tiễn cuộc sống. Đó là việc người ta nghiên cứu các quy luật của hướng gió, các quy luật của mạch ngầm, lựa chọn địa hình – địa thế để chọn nơi xây cất.
Phong thủy cũng nghiên cứu các mối quan hệ giữa các yếu tố nội tại trong 1 tổng thể để có thể giúp người ta tổ chức, sắp xếp các yếu tố đó 1 cách khoa học, hài hòa.
Một số pháp khí phong thủy như lục bình phong thủy, cóc chiêu tài, tượng gỗ phong thủy… được người ta tin rằng có thể hóa giải khí xấu, sao xấu, đem lại bình an, may mắn và tài lộc. Điều này chỉ thực chứng được ở niềm tin dẫn đường cho hành động, chứ không có cơ sở khoa học nào kiểm nghiệm chắc chắn giá trị của những món đồ pháp khí đó.
2. Một số bức tượng phong thủy và ý nghĩa của nó
2.1 Tượng Phật Thích Ca
Tượng Phật Thích Ca là bức tượng tôn giáo nhiều hơn là bức tượng phong thủy. Tượng Phật Thích Ca là hình ảnh về Đức Phật – Người đã phát hiện ra chân lý về cuộc đời. Chân lý về nỗi khổ và cách thức để thoát khỏi nỗi khổ đó.
Tượng Phật Thích Ca được đặt tại các ngôi Chùa. Cũng có nhiều gia đình rước tượng Phật Thích Ca về nhà để thờ cúng.
Tượng Phật Thích Ca được hình dung với hình dáng Ngài ngồi thiền trên đài sen, mắt nhắm hờ. Tinh thần giác ngộ tuyệt đối. (Xem tượng Đức Phật Thích Ca tại bài viết: https://hinhmoc.com/shop/tuong-phat-thich-ca-bang-go-de-ban-dep-nhat-2020-tp-01/
2.2 Tượng Phật Di Lặc
Tượng Phật Di Lặc và tín ngưỡng thờ cúng tượng Di Lặc là 1 điều thú vị trong văn hóa Việt. Đó là sự hòa trộn giữa Phật giáo Ấn Độ, Thần giáo Trung Hoa và tín ngưỡng Việt Nam.
Nguyên mẫu thì Phật Di Lặc là vị Phật trong Phật Giáo nguyên thủy Ấn Độ. Ngài sẽ xuất hiện sau nhiều kiếp nữa. Sứ mệnh của Ngài là khai mở và giáo hóa chúng sinh, khi mà chúng sinh vì thâm sân si mà quên đi Phật Pháp, chìm vào cõi ngu tối, u minh.
Giao lưu với văn hóa Trung Quốc, Phật Di Lặc có sự hóa thân vào vị thần bản địa là Bố Đại Hòa Thượng (nhà sư túi to). Người Hoa coi rằng Di Lặc đem đến của cải và tài lộc, có khả năng chữa bệnh, đem lại niềm vui cho đời.
Hình ảnh Phật Di Lặc ở trần, khoe bụng béo ta vẫn quen thấy chính là hình ảnh Di Lặc trong hình hài của vị Bố Đại Hòa Thượng.
Tượng Phật Di Lặc có thể nói là bức tượng gần gũi, và quen thuộc bậc nhất trong hệ thống các bức tượng phong thủy ở Việt Nam. Với tâm lý nông nghiệp thực dụng của mình, người Việt dễ thích ứng với 1 ông Di Lặc đem đến sức khỏe và tiền bạc hơn là 1 ông Di Lặc đem đến sự giác ngộ về việc từ bỏ hết thảy mọi lạc thú.
Người Việt đặt tượng Di Lặc tại nhà, đặt ở phòng khách hoặc văn phòng làm việc, quầy giao dịch, cửa hàng… với mong ước ông sẽ độ cho sức khỏe, đem lại sự thuận lợi hanh thông, may mắn trong công việc. Tượng Di Lặc chúc phúc thường được đặt tại cửa hàng, sảnh đường nhà hàng – khách sạn.
Tượng Phật Di Lặc ngũ phúc – pho tượng thể hiện ước mơ về muôn sự tốt lành thường được đặt tại phòng khách.
Tượng Phật Di Lặc vác cành đào là lời chúc cho sức khỏe, sống lâu… thường được con cháu lấy làm đồ lễ để tặng các cụ cao tuổi.
Tượng Phật Di Lặc gánh tiền vàng là lời chúc cho công việc, buôn bán được thuận lợi – làm ăn phát đạt…
2.3 Tượng Bồ Tát
Tượng Bồ Tát cũng là 1 pho tượng mang ý nghĩa tín ngưỡng hơn là các giá trị phong thủy vật chất.
Phật giáo quan niệm, Bồ Tát là 1 pháp danh trong các cõi tu. Phải trải qua nhiều kiếp tu, làm nhiều việc thiện. Giác ngộ tuyệt đối mới đạt được tới danh phận Bồ Tát. Bồ Tát đã thoát khỏi luân hồi, sống cuộc đời an nhiên, tự tại.
Có nhiều vị Bồ Tát, trong đó Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát là những vị Bồ Tát gần gũi nhất trong tâm thức người Việt.
• Bồ Tát Quán Thế Âm
Quán Thế Âm Bồ Tát nhiều người còn gọi quen miệng là Phật bà, hoặc Phật mẹ (thực tế thì Bồ Tát chưa đạt đến sự giác ngộ như Phật; Bồ Tát phải trải qua nhiều kiếp tu nữa mới tới danh hiệu Phật). Bồ Tát Quán Thế Âm được hình dung với hình thế chủ yếu là ngồi hoặc đứng trên đài sen, tay cầm bình cam lồ và cành dương liễu.
Bồ Tát Quán Thế Âm có năng lực lắng nghe và thấu hiểu tất cả mọi nỗi đau, sự oan khuất của chúng sinh và ra tay cứu vớt. Vì thế người ta vẫn gọi bà là cứu khổ cứu nạn Bồ Tát. Có việc gì không may mắn, người ta thường kêu cầu ở cửa Bồ Tát.
Tượng Quan Âm Bồ Tát thường được dựng tại khuôn viên nhà chùa. Nhiều người cũng rước tượng Bồ Tát về nhà, lập 1 trang thờ riêng để quanh năm hương khói Ngài.
Ngày nay, nhiều người có niềm tin rằng Bồ Tát sẽ độ cho muôn sự may mắn, hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Đặt tượng Ngài tại xe hơi để được Ngài độ cho những chuyến đi an toàn, may mắn.
• Bồ Tát đại thế chí
Bồ Tát đại thế chí là vị Bồ Tát của sự thông tuệ. Phật giáo quan niệm sở dĩ chúng sinh đau khổ là do u tối, chìm đắm mãi vào nỗi tham sân si. Để được cứu vớt, cần phải được ánh sáng trí tuệ soi tỏ. Bồ Tát Đại Thế Chí bằng trí huệ của mình sẽ soi đường cho chúng sinh lạc lối.
Bồ Tát đại thế chí là vị Bồ Tát bên tay phải, tay cầm cành hoa sen trong bộ Tam Thánh Phật nổi tiếng.
2.4 Tượng Phật A Di Đà
Tượng Phật A Di Đà là bức tượng phong thủy về vị Phật của cõi Tây Phương cực lạc.
Các tín đồ Phật giáo đại thừa vẫn quan niệm Phật A Di Đà trụ tại cõi tây phương. Ngài tỏa ra ánh sáng vô lượng để cứu rỗi chúng sinh. Chúng sinh chăm làm việc thiện, ăn năn sám hối về mọi tội lỗi và thực hành niệm phật từng phút từng giây thì sẽ được cứu rỗi. Thoát khỏi luân hồi, khi lâm chung kêu được tên ngài “Nam Mô A Di Đà Phật!” thì sẽ được Ngài độ cho về thế giới tây phương cực lạc.
2.5 Tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma
Tổ Bồ Đề Đạt Ma xuất thân từ nước Thiên Trúc (1 nước nhỏ thuộc miền Tây Ấn Độ ngày nay). Tuy nhiên, Ngài lại lập thân, dựng nghiệp tại Trung Hoa.
Tổ Đạt Ma được nhắc đến với phép tu Thiền. Phép tu của Ngài là sự kết hợp giữa Thiền Tông Ấn Độ với Đạo lão của Trung Hoa.
Tương truyền, Đạt Ma đã có 9 năm tọa thiền, quay mặt vào vách núi để được giác ngộ.
Phép Thiền của ông là sự từ bỏ, sống an nhiên, tự tại, hòa mình vào khôn cùng của vũ trụ để đạt tới sự giác ngộ. Mọi giá trị, công đức về vật chất đều không được tổ Đạt Ma đánh giá cao. Ông nhấn mạnh, sự giác ngộ, hạnh phúc thực sự phải là sự từ bỏ, giữ tâm mình thanh sạch đến trống rỗng.
Tổ Đạt Ma còn được biết đến như là ông tổ của môn phái Thiếu Lâm nổi tiếng. Ngày nay, nhiều người còn luyện pháp Dịch Cân Kinh theo bài tu luyện sức khỏe của ông.
Tượng Bồ Đề Đạt Ma được dựng lên với ý nghĩa nhắc nhau về sự giác ngộ, giữ cho tâm mình được trong sáng, an nhiên.
Một số bức tượng Đạt Ma trong tư thế mạnh mẽ dữ dằn như Đạt Ma đánh võ, Đạt Ma bay… được coi là có năng lực trấn trạch trừ tà cực tốt.
2.6 Tượng Quan Công
Tượng Quan Công là bức tượng về nhân vật lịch sử có thật. Ông tên là Quan Vũ, tên chữ là Vân Trường. Quan Công (ông lớn họ Quan) là tướng giỏi trong thời Tam Quốc.
Quan Công được người đời biết đến với ý nghĩa như là 1 vị tướng trí dũng song toàn, lòng kiên trung và chữ Tín cao vời vợi.
Người Trung Hoa còn coi Quan Công như là 1 trong 5 vị Thần Tài
Nhiều ngôi chùa còn rước tượng Quan Công vào Tam Bảo như là 1 vị Già Lam – Hộ Pháp bảo hộ cho cửa Chùa.
Người Việt chơi tượng Quan Công để tôn vinh sức mạnh và lòng kiên trung ngay thẳng của ông. Người ta quan niệm, đặt tượng Quan Công tại nhà để được ông độ cho gia trạch được bình an, giải trừ được vận đen, khí xấu.
Đặt tượng Quan Công và tượng Khổng Minh trong phòng làm việc để được 2 ông độ cho sự trí tuệ, sáng suốt. Kẻ tiểu nhân, gièm pha nhìn vào đó cũng không dám dụng tâm làm bậy.
Đặt tượng Quan Công đọc sách tại phòng làm việc để được ông độ cho sự liêm chính, chí công, trí tuệ và sự uyên bác.
Các nhà buôn cũng thường dụng tượng Quan Công ngồi đọc sách hoặc Quan Công hiển thánh… để được cầu mong cho muôn sự hanh thông, sự nghiệp buôn bán – kinh doanh được thuận lợi thuận buồm xuôi gió.
2.7 Bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ
Bên cạnh bức tượng quen thuộc Di Lặc, thì tượng 3 ông Phúc Lộc Thọ cũng là 1 trong những bức tượng phong thủy tâm linh rất gần gũi với người Việt.
Tượng gồm 3 ông tiên, ông Phúc, ông Lộc và ông Thọ. Ông nào cũng tươi cười, hoan hỉ. 3 ông là đại diện cho 3 hạnh phúc lớn ở đời. Đông con nhiều cháu, của cải dồi dào và sống lâu, sống khỏe.
Người ta có thể đặt tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ tại phòng khách, đặt tại phòng thờ, đặt trên tủ trang trí, hay phòng làm việc, văn phòng giao dịch… với ý nghĩa cầu mong cho muôn sự hanh thông – may mắn.
2. 8 Tượng Trần Hưng Đạo
Tượng Trần Hưng Đạo hay tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là bức tượng phong thủy hiếm hoi về nhân cách Việt, con người Việt.
Tượng mô tả về nhân vật lịch sử, người được dân gian phong thánh là Trần Quốc Tuấn – Hưng Đạo Vương – vị tướng tài ba lỗi lạc 3 lần đại phá quân Nguyên Mông đời nhà Nhà Trần.
Tượng Trần Hưng Đạo thường được tạo hình dựa trên nguyên mẫu tượng đài Trần Hưng Đạo tại phủ Thiên Trường – Nam Định quê hương ông.
Tượng Trần Quốc Tuấn, đặc biệt là các mẫu tượng gỗ Trần Quốc Tuấn rất phù hợp với giới tướng lĩnh, quân đội, công an, công chức Nhà nước…
Người ta thường đặt tượng Trần Hưng Đạo tại văn phòng làm việc, kê trên đôn gỗ hoặc đặt trên bàn làm việc. Vừa là để ghi nhớ công ơn của vị tướng tài hoa, vừa là để cầu mong Ngài độ cho muôn sự thành công, tránh được âm mưu thủ đoạn của các thế lực tiểu nhân hãm hại.
Nhiều gia đình muộn con cũng thường đặt tượng Trần Hưng Đạo trong nhà để ông độ cho may mắn, thuận lợi, sớm sinh quý tử.
2.9 Tượng Tỳ hưu và Thiềm Thừ phong thủy
Tỳ hưu và thiềm thừ phong thủy được coi là 2 bức tượng con giống có giá trị hàng đầu trong việc cầu may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng.
• Tỳ hưu
Tỳ hưu nhiều người còn gọi là Tỳ khưu, Khưu Tỳ… là con vật không có thật. Nó được người Trung Hoa tưởng tượng với hình dung đẹp đẽ. Đầu lân, mình gấu, vẩy rồng. Tương truyền, con Tỳ Hưu là con của Thần Rồng, tuy nhiên nó có dị tật là không có hậu môn. Vì vậy Tỳ Hưu chỉ sống được 3 ngày rồi chết. Ngọc Hoàng cảm thông mới cho nó lên Thiên Đình làm quan coi ngân khố.
Cũng có quan niệm cho rằng con Tỳ Hưu là con vật thiêng trong mộng của Minh Thái Tổ. Chuyện rằng, khi mới lập quốc ngân sách trống rỗng nhà vua rất lo lắng. Một đêm ông nằm mộng thấy có con vật đẹp đẽ từ trên trời sa xuống sân rồng. Con vật lạ há miệng, tức thì vàng bạc châu báu từ các nơi bay về chui vào bụng. Sáng hôm sau, Minh Thái Tổ cho thợ khéo tạc tượng con vật lạ đặt tại sân rồng. Quả nhiên, chỉ 1 thời gian ngắn sau tình hình kinh tế – xã hội đã tiến triển. Kho tàng, ngân khố được trù phú.
Từ đó, không chỉ trong cung vua mà dân gian cũng tôn thờ hình tượng con Tỳ Hưu. Người ta đục tượng, tạo hình con Tỳ Hưu đặt tại nhà, văn phòng với ý nghĩa cầu mong tài lộc, may mắn và thịnh vượng.
• Thiềm Thừ phong thủy
Thiềm Thừ phong thủy hay cóc ngậm tiền, cóc tài lộc, cóc 3 chân… cũng là linh vật không có thật. Nó là sản phẩm trong trí tưởng tượng của người Trung Hoa cổ.
Thiềm Thừ phong thủy mang hình dáng gần giống như con cóc. Tuy nhiên, nó chỉ có 3 chân và trong miệng luôn ngậm theo đồng tiền vàng. Người xưa cho rằng, Thiềm Thừ phong thủy sáng thì nhảy đi kiếm tiền vàng, tối thì tha tiền vàng về đền ơn gia chủ. Vì vậy, người ta thường đặt tượng cóc phong thủy tại ban thờ Thần Tài, đặt tại bậu cửa, chân bàn thu ngân, văn phòng giao dịch… để cầu cho sự tài lộc, của cải…
Có 2 truyền thuyết về nguồn gốc Thiềm Thừ
Truyền Thuyết Lưu Hải tiên nhân thu phục Thiềm Thừ
Chuyện rằng xưa kia có con yêu quái mang hình dáng con cóc khổng lồ chuyên đi quấy phá dân làng. Người ta đã tìm mọi cách để tiêu diệt nó mà không được. May, có ông tiên tên là Lưu Hải từ biển tới. Lưu Hải thách đấu với cóc thiềm thừ. Cuộc chiến rất cam go, khốc liệt. Cuối cùng, yêu quái cóc bị mất 1 chân, đuối sức phải quy phục. Lưu Hải thọ giới cho nó. Yêu quái cóc đổi dữ thành lành, nguyện toàn tâm đi kiếm tiền vàng tha về cho gia chủ.
Truyền Thuyết A Bảo câu được cóc vàng
Một câu chuyện khác về nguồn gốc của cóc vàng kể rằng: Xưa kia có nhà phú hộ nọ nhận được 1 cậu chàng tên là A Bảo về ở mướn. Lạ 1 điều rằng A Bảo đến chỉ làm việc chứ không đòi công. Nhà phú hộ được A Bảo giầu lại thêm giầu. 1 hôm, A Bảo gánh nước, thì câu được con cóc vàng, chỉ có 3 chân, miệng ngậm đồng vàng nằm dưới giếng. Chủ tới nhận ra nhau bèn từ biệt nhà phú hộ mà bay về trời.
II. PHÁP KHÍ PHONG THỦY. TẨY TRẦN, KHAI QUANG ĐIỂM NHÃN VÀ 1 SỐ BÀI CHÚ KHAI QUANG ĐIỂM NHÃN
1. Pháp khí phong thủy
Pháp khí phong thủy là các đồ vật tự nhiên hoặc nhân tạo. Được tin rằng có năng lực phong thủy. Đem lại bình an, may mắn hoặc hóa giải sự không may, điều chẳng lành.
Pháp khí phong thủy là sản phẩm của con người. Được con người gửi gắm niềm tin vào đó. Thông thường các pháp khí phong thủy thường gắn với 1 sự tích, hoặc 1 truyền thuyết hoang đường về nguồn gốc của nó.
Có 2 loại pháp khí phong thủy là Chiêu khí và trấn khí
• Chiêu khí
Chiêu khí phong thủy là loại pháp khí có tác dụng thu hút năng lượng tốt, đem lại sự bình an, may mắn.
Một số chiêu khí phong thủy:
+ Cóc chiêu tài
+ Lục bình phong thủy
+ Tỳ hưu
+ …
• Trấn khí
Trấn khí phong thủy là loại pháp khí có năng lượng đẩy lùi, hóa giải các dòng khí xấu, sao xấu, hướng xấu…
Người ta dùng trấn khí phong thủy để hóa giải những điều không may, vận đen… Một số loại trấn khí là:
+ Tượng Quan Công
+ Tượng Đạt Ma
+ Gươm phong thủy
+ …
2. Tẩy trần – Khai quang điểm nhãn
Tẩy trần và khai quang điểm nhãn là 2 hoạt động nối tiếp nhau. Đây được coi là 2 hoạt động mang tính lễ nghi được nhiều nhà phong thủy, nhiều người chuộng phong thủy tín ngưỡng. Nếu coi 1 vật phẩm phong thủy chỉ để trưng bày trang trí thì không cần phải làm lễ khai quang, tẩy trần. Ngược lại, nếu gia chủ coi đồ vật phong thủy là pháp khí có tính linh thiêng – tín ngưỡng thì nhất thiết phải làm lễ tẩy trần và khai quang điểm nhãn cho linh vật phong thủy.
2.1 Tẩy trần
Tẩy trần tức là rũ sạch bụi bặm, sự ô uế còn vương trên pháp khí phong thủy. Sau lễ tẩy trần, vật phẩm phong thủy được trong sạch và sẵn sàng để tiếp nhận linh khí phong thủy hóa thân vào nó.
Nghi lễ tẩy trần được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Khi mua đồ phong thủy về nhà, gia chủ đặt linh vật phong thủy ở 1 nơi cố định. Tránh xê dịch. Sau đó nhờ thầy hoặc tự xem ngày đẹp trên Lịch Vạn Niên để chuẩn bị làm lễ tẩy trần.
Trước khi, làm lễ tẩy trần gia chủ cần chuẩn bị 1 số thức sau:
+ 1 chậu sạch, tốt nhất là chậu sành (nếu không có thì dùng chậu nhựa, không nên dùng chậu nhôm).
+ Khăn sạch (loại khăn mặt dùng 1 lần)
+ Vải điều (vải thông thường có màu đỏ)
+ Vài lát gừng tươi
+ 1 chút rượu trắng (rượu tinh khiết)
+ 3 phần địa thủy (nước giếng); 2 phần thiên thủy (nước mưa)
Nếu không kiếm được nước giếng thì dùng nước máy thông thường. Nhớ trữ nước đó trong chậu sành hoặc hũ sành để hở nắp đặt dưới đất ít nhất 3 giờ đồng hồ trước khi sử dụng.
Nếu không sẵn nước mưa thì dùng nước khoáng đóng chai mua ngoài hàng tạp hóa.
Hòa trộn nước mưa và nước giếng theo tỉ lệ 3 phần nước giếng, 2 phần nước mưa vào chậu sành (hoặc chậu nhựa). Đậy kỹ đợi lúc sử dụng.
Bước 2: Nghi lễ tẩy trần
Gia chủ chọn ngày đẹp, giờ đẹp để làm lễ tẩy trần. Đến giờ hoàng đạo, gia chủ ăn mặc gọn gàng lấy 1 chút rượu đổ vào chậu nước, thả vào đó thêm 1 vài lát gừng tươi. Sau đó nhúng linh vật phong thủy ngập trong nước tẩy trần đó. Thời gian ngâm nước tẩy trần là 24h.
Sau 24h, gia chủ vớt linh vật phong thủy khỏi nước tẩy trần. Dùng khăn sạch lau khô linh vật phong thủy. Sau đó, dùng vải điều đậy kín linh vật phong thủy đợi đến nghi lễ tiếp theo.
2.2 Khai quang điểm nhãn
Khai quang điểm nhãn là nghi lễ thổi hồn vào cho linh vật phong thủy. Người xưa quan niệm, khai quang điểm nhãn để đón linh hồn nhập vào linh vật.
Khai quang tức là mở mang, làm cho sáng tỏ. Điểm nhãn là làm sáng mắt. Vì vậy, nếu không khai quang – điểm nhãn thì linh vật phong thủy chỉ có tác dụng trưng bày trang trí chứ không có năng lực phong thủy tín ngưỡng.
Cần chú ý là nghi lễ khai quang điểm nhãn chỉ dành cho các loại linh vật phong thủy có mắt (ví dụ tượng gỗ Quan Công, tượng Trần Hưng Đạo, tượng cóc thiềm thừ…). Các vật dụng không có mắt như lục bình, hồ lô, gậy phong thủy… thì không cần khai quang – điểm nhãn.
Nghi lễ khai quang điểm nhãn cần được thực hiện sau lễ tẩy trần. Ngày làm lễ khai quang điểm nhãn cần được xem xét kĩ càng, chọn ngày đẹp, giờ đẹp.
Nghi lễ khai quang – điểm nhãn có thể thực hiện ngay tại nhà. Do đích thân gia chủ tự thực hiện.
2.3 Một số thức cần chuẩn bị để làm lễ khai quang – điểm nhãn
Khi tiến hành lễ khai quang điểm nhãn, gia chủ cần chuẩn bị 1 số thức sau:
+ Mâm cơm cúng (cơm có thể là chay hoặc mặn tùy vào linh vật phong thủy cần khai quang).
+ Hương hoa
+ 1 chiếc gương soi loại cầm tay
+ Khăn sạch
+ 1 chén nước gừng
+ Bài chú khai quang – điểm nhãn.
Nghi lễ khai quang điểm nhãn được tiến hành như sau:
+ Gia chủ chuẩn bị 1 phòng riêng, kín đáo để làm lễ khai quang – điểm nhãn. Khi làm lễ khai quang không nên để cho người lạ ra vào.
+ Đến giờ hoàng đạo, gia chủ ăn mặc lịch sự. Bày linh vật phong thủy lên bàn nghiêm trang (linh vật vẫn phải được đậy kín bằng vải điều). Bày biện cỗ bàn cẩn trọng. Gia chủ bỏ vải điều che linh vật phong thủy. Lên hương khấn vái rồi đọc bài chú khai quang điểm nhãn.
+ Sau khi đọc xong bài chú, gia chủ dùng khăn sạch chấm vào nước gừng rồi chấm nhẹ lên 2 mắt linh vật phong thủy. Cầm gương soi đặt trước mặt linh vật phong thủy xoay 3 vòng theo chiều kim đồng hồ.
+ Kết thúc lễ khai quang điểm nhãn, linh vật phong thủy đã có hồn vía nhập vào. Người đầu tiên linh vật phong thủy trông tỏ chính là gia chủ. Gia chủ sẽ được linh vật phong thủy phò trợ và phù hộ cho muôn sự hanh thông – thuận lợi.
Quý vị tham khảo video hướng dẫn khai quang điểm nhãn và bài chú khai quang điểm nhãn cho linh vật phong thủy cóc thiềm thừ trên kênh Youtube của chúng tôi:
3. Một số bài chú khai quang điểm nhãn cho linh vật phong thủy
3.1 Bài chú khai quang điểm nhãn cho tượng Quan Công
Quan Công là nhân vật lịch sử có nguồn gốc từ thời Đông Hán – Trung Quốc. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của Quan Công là cực sâu đậm trong các quốc gia Đông Nam Á. Người ta vẫn thờ tượng Quan Công, rước tượng Quan Công về nhà để cầu mong Ngài độ cho may mắn. Trấn trạch trừ tà, xua ma đuổi quỷ.
Nếu rước tượng Quan Công về nhà chỉ để trưng bày trang trí thì không cần khai quang – điểm nhãn. Nếu tín ngưỡng, cần chú tâm thờ cúng và cần thiết phải làm lễ khai quang – điểm nhãn.
Bài chú khai quang điểm nhãn tượng Quang Công như sau:
“Phụng thỉnh Quan Thánh Đế Quân! Giáng hạ tại vị chứng minh. Kim vì ấn chú tên là:……, tuổi:……, ngụ tại:……
Hôm nay ngày lành tháng đẹp, xin được phát tâm phụng thờ cốt vị. Xin ngài giáng hạ nhập vô. Hồn nhãn nhập nhãn. Hồn nhĩ nhập nhĩ. Hồn tâm nhập tâm. Túc bộ khai quang. Tâm, can, tì, phế, thận. Cấp cấp linh linh!”
Sau đó gia chủ bỏ tấm khăn điều trùm tượng Quan Thánh ra. Dùng khăn mềm, thấm vào chậu nước sạch, chấm nhẹ lên 2 mắt Quan Thánh. Rồi cầm chiếc gương soi loại cầm tay hướng vào tượng Quan Công, xoay thuận chiều kim đồng hồ rồi đọc tiếp bài chú:
Điểm nhãn quang minh
Bừng bừng sát khí
Soi tỏ người ngay
Trấn uy kẻ ác
Điểm nhĩ thanh thanh
Nghe lời chân thật
Ghét tiếng xu nịnh
Trong sạch kiên trung
Điểm thông tứ túc
Vận động thông hành
Trừ gian diệt ác
Bảo hộ người ngay
Cấp cấp như lệnh
Tống thần, Tống Thần!
3.2 Bài chú khai quang điểm nhãn cho tượng Bồ Tát Quán Thế Âm
Bồ Tát là 1 danh phận theo quan điểm của Phật giáo truyền thống. Phải trải qua nhiều kiếp tu thì mới đạt được tới vị trí Bồ Tát. Bồ Tát đã thoát khỏi luân hồi, giác ngộ hoàn toàn, quyền năng vô biên, chỉ kém Phật 1 thứ bậc.
Có nhiều vị Bồ Tát, trong đó vị Bồ Tát gần gũi nhất với người Việt chính là Phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát.
Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, sau khi được rước về tẩy trần thì cần thiết phải làm lễ khai quang – điểm nhãn. Lễ khai quang điểm nhãn có thể nhờ sư thầy có uy tín ở Chùa làm hộ hoặc gia chủ tự hành lễ tại nhà.
Khi làm lễ khai quang điểm nhãn cho tượng Phật mẹ Quán Âm, gia chủ cần chuẩn bị hương hoa, biện cỗ chay, chuẩn bị phòng thờ yên tịnh. Tới giờ hành lễ, gia chủ ăn mặc sạch sẽ, giữ thân thể thanh tịnh, lên hương rồi đọc bài chú sau:
Phụng thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm
Ngự tại Nam Phương Đông Hải
Đệ tử tên là:….
Sinh năm:….
Trú tại:….
Hôm nay, nhằm ngày lành tháng đẹp. Đệ tử sắm sanh hương hoa, đồ chay tịnh. Tượng đẹp, khí lành. Kính dâng lên Người. Xin Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi vô lượng. Xin rằng:
Hồn vô nhập tượng. Phật nhập mãn thân.
Thân thể nhẹ nhàng.
Hào quang sáng tỏ.
Cam Lồ nước ngọt
Dương liễu cành xanh.
Cứu khổ, độ trì.
Phước duyên tốt đẹp
Cấp cấp linh linh!
Đọc xong bài chú, gia chủ bỏ khăn điều che tượng Bồ Tát rồi dùng khăn thấm nước gừng lau mắt cho tượng Bồ Tát. Yên vị tượng tại nơi thờ cúng. Như vậy là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm đã được khai quang điểm nhãn thành công.
3.3 Bài chú khai quang bộ tượng Phúc Lộc Thọ Tam Đa
Bộ tượng 3 ông Tam Đa là bộ tượng rất gần gũi với người Việt. Tượng Tam Đa bao gồm có 3 tượng với kích thước và chất liệu tương đồng. Đó là 3 vị thần tiên theo quan niệm của người Á Đông là ông Phúc, ông Lộc và ông Thọ.
Bộ tượng Tam Đa có thể được rước về để trưng bày trang trí cầu may mắn – hanh thông. Nhiều người kĩ tính có thể làm lễ khai quang điễm nhãn cho bộ tượng Tam Đa.
Nghi thức chuẩn bị lễ khai quang điểm nhãn cũng giống như chuẩn bị đồ để khai quang tượng Phật, tượng Bồ Tát. Đại để gồm có hương hoa, nước tinh khiết, cỗ chay… Gia chủ chuẩn bị phòng thờ sạch sẽ, tinh tươm. Hạn chế người lạ ra vào, đến giờ đẹp thì lên hương và đọc bài chú khai quang điễm nhãn tượng Tam Đa như sau:
“Phụng thỉnh Tam Tiên Phúc Lộc Thọ
Giáng Hạ tại vị chứng minh
Kim vì ấn chú tên là:………………………
Sinh năm:……………………………………
Ngụ tại:…………………………………………
Hôm nay, ngày lành tháng tốt, con phát tâm phụng thờ cốt vị. Xin các Ngài giáng hạ nhập vô.
Hồn nhãn nhập nhãn
Hồn nhĩ nhập nhĩ
Hồn tâm nhập tâm
Túc bộ khai quang
Tâm, can, tì, phế
Cấp cấp linh linh.”
Sau đó, đặt 3 nén nhang xuống mâm hương hoa. Dùng khăn sạch thấm rượu gừng, bỏ vải điều che bộ tượng Tam Đa lại rồi dùng khăn chấm rượu gừng lên mắt của bộ tượng.
Lau mắt xong cho bộ tượng Phúc Lộc Thọ – Tam Đa. Gia chủ cầm chiếc gương soi loại cầm tay hướng vào bộ tượng xoay 3 vòng theo chiều kim đồng hồ. Vừa soi vừa đọc đoạn chú điểm nhãn:
Điểm nhãn nhãn thông minh .
Điểm nhĩ nhĩ thinh thinh.
Điểm khẩu khẩu năng thuyết.
Điểm phủ túc thông hành.
Cấp cấp như luật lệnh.
Tống thần – Tống Thần – Tống Thần!
3.4 Bài chú khai quang tượng Thiềm Thừ phong thủy
Thiềm thừ phong thủy hay nhiều người còn gọi là cóc ngậm tiền, cóc 3 chân… là linh thú phong thủy rất được ưa chuộng. Linh thú này mang hình dáng con cóc nhưng chỉ có 3 chân. Miệng ngậm đồng vàng, chân đạp trên đống tiền vàng lớn. Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng Cóc phong thủy ngày nhảy đi kiếm tiền vàng, tối tha của cải về cho người.
Người ta thường đặt tượng thiềm thừ phong thủy tại đôn gỗ đặt trong phòng khách, văn phòng giao dịch (với loại kích thước lớn). Đặt bên két sắt, dưới chân bàn thu ngân hoặc phối bên cạnh ban thờ Thần Tài với mẫu cóc ngậm tiền cỡ nhỏ.
Cóc ngậm tiền rất nên làm lễ khai quang – điểm nhãn. Bài chú khai quang điểm nhãn cho tượng thiềm thừ phong thủy như sau:
Phụng thỉnh linh thú Thiềm thừ cóc tài lộc
Khai mở thiên tính, linh ứng chứng minh
Kim vì ấn chú tên là: …. sinh năm: …. ngụ tại: …….
Hôm nay, nhằm ngày hoàng đạo, giờ đẹp – khí lành.
Phát Tâm phụng thỉnh cốt vị linh thú Thiềm Thừ cóc tài lộc.
Xin Ngài giáng hạ nhập vô:
Hồn nhãn nhập nhãn
Hồn nhĩ nhập nhĩ
Hồn tâm nhập tâm
Túc bộ khai quang
Tâm can, tì phế, thận
Cấp cấp linh linh!
Sau đó cầm ba cây nhang đặt sau chiếc gương tròn loại cầm tay. Hướng vào mặt thiềm thừ và đọc:
Phụng thỉnh thỉnh như lai
Điểm khai khai thiên nhãn,
Thiên nhãn chiếu quang minh
Khai nhĩ nhĩ thông thanh
Khai khẩu khẩu thông thuyết,
Khai tâm tâm bình chính
Khai túc túc thông hành
Dong nhan thập kỳ diệu
Cấp cấp như luật lệnh!
Đọc 3 lần sau đó xoay gương trước mặt thiềm thừ 3 vòng theo chiều kim đồng hồ.
Khi luyện phép xong phải đọc to câu chú:
“Tống Thần, Tống Thần, Tống Thần!”
3.5 Bài chú khai quang điểm nhãn Tỳ Hưu phong thủy
Tỳ hưu phong thủy là loài vật trong huyền thoại. Nó không phải là con vật có thực. Người Trung Hoa quan niệm Tỳ Hưu là loài vật đẹp đẽ. Nó mang lại muôn sự tốt lành, thịnh vượng. Tỳ Hưu (nhiều người còn gọi là Tỳ Khưu) tương truyền là con thứ 9 của Thần Rồng. Khi mới sinh ra đã có thân thể đẹp đẽ, đầu lân, thân gấu, vẩy rồng. Tiếc là Tỳ Hưu bị dị tật là không có hậu môn. Vì vậy, sinh ra được mấy ngày thì Tỳ Hưu chết. Ngọc Hoàng Thượng Đế mới thương xót mà đưa Tỳ Hưu lên Thiên Đình làm quan coi ngân khố.
Cũng có nhiều người nhắc đến Tỳ Hưu từ sự tích vua nhà Minh. Theo đó, khi Minh Thái Tổ mới lập quốc, tình hình kinh tế gặp muôn sự khó khăn. Một đêm, Minh Thái Tổ mơ thấy có con vật đẹp đẽ mình gấu, đầu lân từ trên trời sa xuống sân rồng. Con vật ngửa cổ há miệng, tức thì vàng bạc, châu báu từ các nơi bay vào trong bụng nó.
Hôm sau, Minh đế mới cho thợ tạc tượng con vật trong mơ ở đúng vị trí Ngài chiêm bao. Từ đó, tình hình đất nước ổn định, phù túc, nhân dân được no ấm…
Sau này, người ta đúc tượng, làm hình Tỳ Hưu ở khắp nơi với ý nghĩa là linh thú phong thủy quan trọng. Đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Khi quyết định rước tượng Tỳ Hưu phong thủy về nhà, cần thiết phải làm lễ tẩy trần và khai quang điểm nhãn. Bài chú khai quang điểm nhãn cho linh thú Tỳ Hưu như sau:
Phụng thỉnh linh thú Tỳ Hưu phong thủy!
Khai mở thiên tính, linh ứng chứng minh
Kim vì ấn chú tên là:……
Sinh năm:….
Ngụ tại:….
Hôm nay, nhằm giờ hoàng đạo, ngày đẹp tháng lành
Con xin phát tâm phụng thờ cốt vị
Xin Ngài giáng hạ nhập vô
Hồn nhãn nhập nhãn
Hồn nhĩ nhập nhĩ
Hồn tâm nhập tâm
Túc bộ khai quang
Tâm can, tì phế, thận
Cấp cấp linh linh!
Sau đó, gia chủ đốt 3 nén hương trên tay, cầm gương soi, xoay 3 vòng thuận chiều đồng hồ trước mặt linh thú Tỳ Hưu phong thủy rồi đọc bài chú khai quang:
Hồn hề! Hồn hề!
Thong dong, tự tại
Nhập vô cốt vị
Thân thể trong lành
Đầu lân, mình gấu
Miệng cọp, vẩy rồng
Khai mở nhãn quang
Linh linh ứng ứng!
Như vậy là linh thú phong thủy Tỳ Hưu đã được khai quang. Quý vị, các bạn yên vị tượng Tỳ Hưu, chớ nên dịch chuyển. Làm vệ sinh sạch sẽ thân tượng hàng ngày. Chú ý thờ cúng vào ngày mùng 1, hôm rằm hàng tháng.
Hinhmoc.com