Tổng cục Thống kê làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài
Sáng ngày 5/8/2022, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) về Báo cáo thường niên đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam 2022.
Tham dự buổi làm việc về phía TCTK có Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu; đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số vụ liên quan của cơ quan TCTK.
Về phía VAFIE, có Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Mại và Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Anh Tuấn cùng các thành viên Tổ Biên tập.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, TCTK sẵn sàng phối hợp chia sẻ với VAFIE để cùng làm rõ giá trị dữ liệu hướng tới xây dựng hoàn thiện Báo cáo thường niên FDI của Việt Nam 2022. Để hợp tác hai bên đạt hiệu quả, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương giao nhiệm vụ cho Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng làm đầu mối hợp tác với VAFIE.
GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE, cảm ơn TCTK đã tạo điều kiện cho VAFIE có buổi làm việc. Năm 2021, lần đầu tiên VAFIE công bố báo cáo thường niên về FDI của Việt Nam và đã nhận được đánh giá cao. Tiếp nối thành công của Báo cáo thường niên về FDI của Việt Nam 2021, VAFIE khởi động quá trình biên tập Báo cáo thường niên về FDI của Việt Nam 2022 với chủ đề “FDI với tăng trưởng xanh và cơ cấu kinh tế hiện đại”. Tại buổi làm việc, VAFIE cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với TCTK để có cơ sở dữ liệu làm căn cứ khoa học thực tiễn và đưa ra đánh giá, nhận định khách quan nhằm lượng hóa hiệu quả kinh tế – xã hội và những điểm nghẽn lớn nhất, từ đó kiến nghị đưa ra giải pháp về tình hình đầu tư nước ngoài.
Tại buổi làm việc, đại diện VAFIE đã giới thiệu kế hoạch thực hiện Báo cáo thường niên về FDI của Việt Nam 2022. Theo đó, dự thảo nội dung Báo cáo thường niên năm 2022 gồm 3 chương: Chương I: Toàn cầu và ASEAN; Chương II: Tình hình đầu tư nước ngoài; Chương III: Định hướng và giải pháp.
Mục đích của Báo cáo thường niên là đánh giá khách quan, khoa học tình hình đầu tư nước ngoài dựa trên các tiêu chí số lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam; trên cơ sở so sánh với định hướng, mục tiêu hàng năm, trung hạn và dài hạn để nhận thức đầy đủ vai trò và tác động của khu vực FDI đối với kinh tế – xã hội của nước ta theo hướng xây dựng nền kinh tế xanh, chuyển đổi số.
Báo cáo thường niên mỗi năm có một số yếu tố mới phát sinh, trong đó năm 2022 là thuế tối thiểu toàn cầu và sự điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư của các quốc gia, trong đó có các nước ASEAN.
Báo cáo thường niên là tài liệu để Quốc hội, Chính phủ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tham khảo khi hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện và vận dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời là công trình khoa học để các giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam tham khảo.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa TCTK và VAFIE
Tại buổi làm việc, hai bên cũng dành thời gian thảo luận tập trung cho ý kiến vào nội dung báo cáo thường niên năm 2022.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trường Lê Trung Hiếu khẳng định tăng trưởng FDI đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế. Để thống nhất và tạo thuận lợi về hệ thống số liệu đồng bộ, chất lượng và có tính cập nhật, Phó Tổng cục trường Lê Trung Hiêu đề nghị VAFIE cần xem xét, cân nhắc thời gian thực hiện báo cáo.
Kết thúc buổi làm việc, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đề nghị phía VAFIE cần có khung báo cáo để TCTK dựa vào đó sẽ lên khung dữ liệu gửi VAFIE, đảm bảo đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin số liệu phục vụ xây dựng Báo cáo thường niên FDI của Việt Nam 2022 của VAFIE./.
M.T