Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là gì ?
Unesco có hoạt động chính là thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, pháp luật, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo.
Nội Dung Chính
Định nghĩa về tổ chức UNESCO
Unesco có tên tiếng Anh đầy đủ là United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, với hoạt động chính là thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, pháp luật, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo.
Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống Liên hợp quốc, được thành lập ngày năm 1945 tại Luân Đôn (Anh). Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc là một trong những tổ chức chuyên môn lớn nhất của Liên hợp quốc, đến năm 1998 có 183 thành viên. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc từ năm 1977. Năm 1984 Hoa Kì, năm 1985 Xingapo và Liên hiệp Anh rút khỏi tổ chức này.
Mục đích của tổ chức UNESCO
Hoạt động của tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá nhằm mục đích thúc đẩy hoà bình, an ninh quốc tế thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học, văn hoá; khuyến khích thực hiện trật tự công bằng trong pháp luật, nhân quyền cho mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo. Để thực hiện được nhiệm vụ và mục đích nêu trên, trong phạm vi thẩm quyền của mình tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá thường xuyên phối hợp và thông qua của uỷ ban của tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá quốc gia tổ chức hội nghị quốc tế và hội nghị chuyên đề để giúp các nước đang phát triển xây dựng các cơ sở vật chất, tiến hành các hoạt động thống kê, thông tin và công bố các tài liệu về các lĩnh vực có liên quan.
Mục tiêu của Unesco là góp phần xây dựng hòa bình, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững và đối thoại liên văn hóa thông qua giáo dục, khoa học, văn hóa, truyền thông và thông tin.
Các quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc có quyền gia nhập Unesco, còn các quốc gia khác cũng có thể nếu được hai phần ba thành viên Hội đồng chấp hành giới thiệu và được Đại hội đồng có mặt tán thành.
Chức năng của UNESCO
UNESCO có các chức năng sau:
– Là cơ sở thí nghiệm các ý tưởng mà nhiệm vụ trí tuệ là dự đoán và xác định những vấn đề quan trọng nhất đang phát sinh trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình, tiếp đó nhận dạng những chiến lược và chính sách thích hợp nhằm giải quyết chúng.
– Là tổ chức soạn thảo quy chuẩn nơi xây dựng những hiệp định chung về đạo đức, chuẩn mực và tri thức mang tính sống còn trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Vấn đề này đã đưa UNESCO vào những tiến trình trao đổi tri thức liên ngành phức tạp và vào quá trình đàm phán với các chuyên gia và các quốc gia thành viên.
– Là trung tâm chỉ dẫn, giao dịch nơi đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, chuyển giao, truyền bá và chia sẻ các thông tin, tri thức và những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.
– Là tổ chức tạo dựng năng lực cho các quốc gia thành viên, UNESCO giúp các nước thành viên xây dựng năng lực về thể chế và nhân lực trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hoá, truyền thông và thông tin.
– Là nhân tố xúc tác cho hợp tác quốc tế. Chức năng này được thực hiện thông qua tất cả bốn chức năng nêu trên.
Năm chức năng cơ bản này là những phương cách chủ yếu để UNESCO thực hiện nhiệm vụ của mình. Thông qua các chiến lược và hoạt động cụ thể của mình, UNESCO đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặc biệt là những mục tiêu nhằm:
+ Giảm một nửa tỉ lệ ngườidân sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở các nước đang phát triển vào năm 2015;
+ Đạt phổ cập giáo dục tiểu học ở tất cả các nước vào năm 2015;
+ Xoá bỏ sự bất bình đẳng về giới trong giáo dục tiểu học và trung học vào năm 2005;
+ Giúp các nước thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển bền vững trước năm 2005 nhằm đảo ngược xu hướng hiện nay về tổn thất các nguồn tài nguyên môi trường vào năm 2015.
Cơ cấu của UNESCO
Cơ cấu của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc gồm:
1) Đại hội đồng là cơ quan cao nhất gồm đại diện tất cả các quốc gia thành viên, họp thường kì 2 năm một lần để quyết định đường lối, chính sách, kết nạp thành viên mới;
Đại hội đồng là cơ quan quyền lực cao nhất, gồm đại biểu của các nước thành viên, họp hai năm một lần. Đại hội đồng quyết định đường lối, chính sách, kết nạp thành viên mới, bầu Hội đồng chấp hành và Tổng giám đốc, thông qua chương trình và biểu quyết ngân sách. Ngôn ngữ làm việc tại Đại hội đồng gồm Ả- rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha.
2) Hội đồng chấp hành gồm 45 thành viên do Đại hội đồng trực tiếp bầu ra theo thể thức bỏ phiếu kín. Hội đồng chấp hành có chức năng thực hiện các chương trình do Đại hội đồng vạch ra;
Hội đồng chấp hành là cơ quan thay mặt Đại hội đồng trong thời gian giữa hai kỳ họp của Đại hội đồng, giám sát việc thực hiện chương trình và quản lý ngân sách; duy trì quan hệ tham khảo ý kiến với Liên Hợp Quốc, Toà án quốc tế và các tổ chức quốc tế khác thuộc Liên Hợp Quốc; lập chương trình nghị sự và chuẩn bị cho Đại hội đồng; nghiên cứu dự thảo chương trình và ngân sách do Tổng giám đốc đệ trình và đưa dự thảo này ra Đại hội đồng với những ý kiến cần thiết; đề nghị kết nạp thành viên mới và giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Tổng giám đốc…
Hội đồng chấp hành gồm 58 ủy viên với nhiệm kỳ 4 năm. Để bảo đảm tính liên tục của Hội đồng chấp hành, Đại hội đồng bầu lại một nửa số ủy viên Hội đồng chấp hành trong mỗi kỳ họp thường lệ của Đại hội đồng. Việc bầu ủy viên Hội đồng chấp hành có tính đến sự đa dạng văn hoá cũng như khu vực địa lý mà ứng viên đó đại diện. Các ủy viên Hội đồng chấp hành có vai trò quan trọng trong việc vạch chiến lược và xây dựng chương trình hành động của UNESCO. Hội đồng chấp hành họp một năm hai lần.
3) Ban thư kí là cơ quan duy trì hoạt động thường xuyên của tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá do tổng giám đốc đứng đầu. Đến nay, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc có quan hệ với hơn 400 tổ chức quốc tế về khoa học và xã hội phi chính phủ.
Ban thư ký là cơ quan thực hiện, bảo đảm hoạt động thường xuyên của UNESCO, thi hành nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng chấp hành, nhất là thực hiện các chương trình đã được Đại hội đồng thông qua.
Về nguyên tắc, Ban thư ký được tuyển chọn trên cơ sở địa lý rộng rãi và gồm những người có năng lực và hiệu suất công tác cao. Các nước thành viên có quyền đề cử người để được tuyển lựa làm viên chức trong Ban thư ký theo số lượng nhất định quy định theo tỉ lệ đóng góp niên liễm của mỗi nước. Ban thư ký do Tổng giám đốc lãnh đạo, tổ chức và tuyển dụng. Cho đến tháng 1/2007, Ban thư ký gồm 2.100 nhân viên từ 170 nước. Theo chính sách phi tập trung hoá hiện nay, hơn 700 nhân viên làm việc tại 58 văn phòng UNESCO khu vực trên thế giới, trong đó có Văn phòng UNESCO tại Hà Nội được thành lập tháng 9 năm 1999.
Tổng giám đốc là viên chức cao nhất của UNESCO do Đại hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm (có thể được tái cử). Tổng giám đốc có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động thường xuyên của UNESCO, dự thảo chương trình và ngân sách, thực hiện chương trình, quản lý ngân sách, chịu trách nhiệm về mọi sáng kiến và quyết định trong phạm vi quyền hạn của mình.
Từ khi thành lập đến nay, UNESCO đã lần lượt có 9 Tổng Giám đốc: Julian Huxley, người Anh (1946-1948); Jaime Torres Bodet, người Mê-hi-cô (1948-1952); John W.Taylor, người Mỹ (1952-1953); Luther Van, người Mỹ (1953-1958); Vittorino Veronese, người Ý (1958-1961); René Maheu, người Pháp (1961-1974); Amadou-Mahtar M’Bow, người Xê-nê-gan (1974-1987); Federico Mayor, người Tây Ban Nha (1987-1999) và hiện nay là ông Koichiro Matsuura, người Nhật, được bầu Tổng giám đốc nhiệm kỳ 1 từ 1999-2005 và nhiệm kỳ 2 từ 2005 đến nay.
Các mối quan hệ của UNESCO
1. Với Liên Hợp Quốc và các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc
Theo thỏa ước được Đại hội đồng UNESCO lần thứ nhất thông qua ngày 6/12/1946 và được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận ngày 14/12/1946, UNESCO là cố vấn kỹ thuật của Liên Hợp Quốc về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO: giáo dục, khoa học, văn hoá, thông tin. Đồng thời UNESCO cũng là cơ quan thực hiện các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về những lĩnh vực đó.
Khác với các cơ quan trực thuộc của Liên Hợp Quốc khác như UNDP, UNCTAD, UNICEF… có quyền quan hệ trực tiếp với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, UNESCO cũng như các cơ quan chuyên môn khác quan hệ với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) và hàng năm gửi báo cáo lên Hội đồng này. UNESCO và Liên Hợp Quốc thường xuyên tham khảo ý kiến và tham dự những hội nghị của nhau nhưng không có quyền biểu quyết.
UNESCO có quan hệ ngang với các tổ chức chuyên môn khác như FAO, ICAO, ILO, WHO, IMF… cũng như với các cơ quan trực thuộc của Liên Hợp Quốc, chủ yếu là về các vấn đề chính sách và những “chương trình hành động phối hợp”. Các “Chương trình ngoài ngân sách” của UNESCO chủ yếu do các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc tài trợ (UNDP, UNICEF, UNIDO, UNCTAD, FAO …) nhưng việc thiết kế và thực hiện do các đơn vị nghiệp vụ của UNESCO đảm nhiệm.
2. Với các nước thành viên
Tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đều có thể là thành viên của UNESCO. Các nước ngoài Liên Hợp Quốc có thể gia nhập UNESCO nếu được 2/3 Đại hội đồng UNESCO chấp nhận. Ngoài thành viên chính thức, UNESCO còn có một số thành viên liên kết. Nước thành viên nào bị khai trừ khỏi Liên Hợp Quốc mặc nhiên sẽ không còn là thành viên của UNESCO. Bất cứ nước thành viên hoặc thành viên liên kết nào cũng có thể xin ra khỏi UNESCO theo những thủ tục và điều kiện nhất định. Trong lịch sử UNESCO đã từng có các nước xin ra khỏi UNESCO như Mỹ (năm 1984), Anh và Singapore (năm 1985). Sau một thời gian rút khỏi UNESCO, Mỹ và Anh đã quay trở lạiTổ chức này (Anh năm 1997 và Mỹ năm 2003). Với việc gia nhập UNESCO của Cộng hoà Montenegro tháng 3/2007, hiện nay UNESCO gồm 192 nước thành viên và 6 thành viên liên kết.
Công ước thành lập UNESCO quy định tại mỗi nước thành viên có một (UBQG) gồm đại diện của Chính phủ, các bộ/ngành liên quan và các nhân vật có khả năng hoạt động về giáo dục, khoa học, văn hoá thông tin. Đối với UNESCO, Ủy ban quốc gia có các chức năng: tư vấn, liên lạc, thông tin và thực hiện. Nhiệm vụ của UBQG do Chính phủ của mỗi nước quy định. Các nước thành viên cử Phái đoàn thường trực của nước mình bên cạnh tổ chức UNESCO ở Paris để đảm bảo quan hệ trực tiếp với UNESCO.
3. Các mạng lưới chuyên môn của UNESCO
UNESCO hợp tác với mạng lưới các đối tác để triển khai các hoạt động của mình. Hiện nay có:
– Khoảng 100 Ủy ban tư vấn, các Ủy ban quốc tế và các hội đồng liên Chính phủ được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của UNESCO;
– 4.000 các Hiệp hội, Trung tâm, các Câu lạc bộ UNESCO ở 100 nước truyền bá ý tưởng UNESCO và thực hiện các hoạt động UNESCO ở cấp cơ sở;
– 7.900 các Trường liên kết ở 176 nước giúp thế hệ trẻ hình thành thái độ khoan dung và hiểu biết quốc tế;
– Hơn 335 tổ chức phi chính phủ (NGO) duy trì quan hệ chính thức với UNESCO;
– Một nhóm gồm hơn 40 nhân vật nổi tiếng – Đại sứ thiện chí UNESCO- dùng tài năng và địa vị của mình để giúp mọi người trên thế giới chú ý đến công việc và nhiệm vụ mà UNESCO đang thực hiện;
– Hơn 580 Giáo sư đại học và 65 các trường đại học kết nghĩa bao gồm mạng lưới UNITWIN/UNESCO khuyến khích việc nghiên cứu, đào tạo và phát triển giáo dục đại học;
– 179 nước thành viên có Phái đoàn thường trực bên cạnh UNESCO;
– Các nghị sĩ có vai trò quan trọng đối với UNESCO trong quan hệ với các tổ chức khu vực và quốc tế nhằm thúc đẩy hoà bình và phát triển thông qua giáo dục và dân chủ.
Một số di sản Việt Nam được Unesco công nhận:
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.
Quần thể di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa.
Thánh địa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình.
Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.