[TK 112] Hướng dẫn quyết toán tài khoản 112 (tài khoản tiền gửi ngân hàng) – Hóa Đơn Điện Tử MISA | Tiết kiệm 90% Chi Phí | An toàn nhất
Tài khoản 112, tiền gửi ngân hàng có những nguyên tắc nào khi quyết toán? Bài viết sau đây của MISA MeInvoice sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về nghiệp vụ kế toán tài khoản 112 (TK 112) bằng tiền Việt Nam đồng.
Lưu ý: Bạn đọc có thể xem thêm những tài khoản kế toán khác trong hệ thống TKKT tại bài viết xem thêm dưới đây.
Xem thêm: Hệ thống tài khoản kế toán theo thông tư 200 mới nhất file Excel
1. Nguyên tắc kế toán TK 112 (tài khoản 112) – Tài khoản tiền gửi ngân hàng
Tài khoản 112 là tài khoản được doanh nghiệp dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng hoặc giảm các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng. Căn cứ để doanh nghiệp có thể hạch toán trên TK 112 – Tài khoản tiền gửi ngân hàng là các loại giấy báo Có, báo Nợ hoặc bản sao kê của Ngân hàng cùng các loại chứng từ gốc (ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, séc bảo chi, séc chuyển khoản cùng nhiều loại khác).
– Khi doanh nghiệp nhận được chứng từ do phía Ngân hàng gửi đến, nhân sự làm vị trí kế toán có trách nhiệm kiểm tra và đối chiếu với chứng từ gốc kèm theo. Trường hợp có sự chênh lệch giữa số liệu trên sổ kế toán, số liệu tại chứng từ gốc so với số liệu trên chứng từ của Ngân hàng, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông báo cho Ngân hàng để cùng đối chiếu, xác minh nhằm xử lý kịp thời.
– Cuối tháng, nếu nhân sự kế toán chưa xác định được nguyên nhân gây ra sự chênh lệch thì phải ghi sổ dựa trên số liệu của Ngân hàng trên giấy báo Nợ, báo Có hoặc bản sao kê. Số chênh lệch (nếu có) được ghi vào bên Nợ Tài khoản 138 “Phải thu khác” (1388) (nếu số liệu của kế toán lớn hơn với số liệu của ngân hàng) hoặc ghi vào bên Có Tài khoản 338 “Phải trả, phải nộp khác” (3388) (nếu số liệu của kế toán nhỏ hơn so với số liệu của Ngân hàng). Sang tháng sau, kế toán cần tiếp tục kiểm tra, đối chiếu và xác định nguyên nhân để điều chỉnh số liệu ghi sổ.
– Đối với các tổ chức, doanh nghiệp có các phòng ban, bộ phận phụ thuộc không tổ chức kế toán riêng thì có thể mở TK chuyên thu, chuyên chi hoặc tài khoản thanh toán phù hợp để thuận tiện trong việc giao dịch, thanh toán. Lúc này, kế toán cần phải mở sổ chi tiết dựa theo từng loại tiền gửi (Đồng Việt Nam, các loại ngoại tệ).
– Doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán chi tiết cụ thể số tiền gửi theo từng tài khoản ở Ngân hàng để việc kiểm tra và đối chiếu diễn ra thuận tiện.
– Khoản thấu chi ngân hàng của doanh nghiệp không được ghi âm trên TK (tài khoản) tiền gửi ngân hàng mà cần được phản ánh tương tự giống như khoản vay ngân hàng.
– Trường hợp có các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh, phải quy đổi thành Đồng Việt Nam theo nguyên tắc sau:
- Bên Nợ TK 1122 (Tài khoản 1122) áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế. Riêng trường hợp rút quỹ tiền mặt bằng ngoại tệ gửi vào Ngân hàng thì cần phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ kế toán của TK 1112 (tài khoản 1112).
- Bên Có Tài khoản 1122 áp dụng tỷ giá ghi sổ Bình quân gia quyền.
Để xác định tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế thì cần phải thực hiện theo quy định tại phần hướng dẫn TK 413 (tài khoản 413): Chênh lệch tỷ giá hối đoái và các tài khoản có liên quan.
– Vàng tiền tệ được doanh nghiệp phản ánh trong TK (tài khoản) này là vàng được sử dụng với chức năng cất trữ giá trị chứ không bao gồm các loại vàng được phân loại là hàng tồn kho được dùng với mục đích là nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm hay hàng hóa để bán. Việc quản lý và sử dụng vàng tiền tệ của doanh nghiệp cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
– Tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính (BCTC) theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần phải đánh giá lại số dư ngoại tệ và vàng tiền tệ dựa trên nguyên tắc như sau:
- Tỷ giá giao dịch thực tế được áp dụng khi đánh giá lại số dư tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ là tỷ giá mua ngoại tệ của chính ngân hàng thương mại nơi mà doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ ngay tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Trường hợp có nhiều tài khoản ngoại tệ ở những ngân hàng khác nhau và tỷ giá mua của các ngân hàng này không có chênh lệch đáng kể thì doanh nghiệp có thể lựa chọn tỷ giá mua của 1 trong số các ngân hàng nơi doanh nghiệp đã mở tài khoản ngoại tệ để làm căn cứ đánh giá lại.
- Vàng tiền tệ được đánh giá lại dựa theo giá mua trên thị trường trong nước tại thời điểm Báo cáo tài chính được lập. Giá mua tại thị trường trong nước là mức giá mua được chính Ngân hàng Nhà nước công bố. Nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố giá mua vàng thì tính theo giá mua được công bố bởi các đơn vị được phép kinh doanh vàng theo pháp luật quy định.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của TK 112 (Tài khoản 112) – Tài khoản tiền gửi ngân hàng
Bên Nợ
– Các khoản tiền Việt Nam, vàng tiền tệ gửi vào Ngân hàng, ngoại tệ;
– Chênh lệch tỷ giá hối đoái do số dư ngoại tệ tại thời điểm báo cáo bị đánh giá lại (trường hợp ngoại tệ có tỷ giá tăng so với Đồng Việt Nam).
– Chênh lệch đánh giá lại vàng tiền tệ tăng ngay tại thời điểm báo cáo.
Bên Có
– Các khoản tiền Việt, tiền ngoại tệ và vàng tiền tệ rút ra từ Ngân hàng;
– Chênh lệch tỷ giá hối đoái do số dư ngoại tệ cuối kỳ bị đánh giá lại (trường hợp ngoại tệ có tỷ giá giảm so với Đồng Việt Nam).
– Chênh lệch đánh giá lại vàng tiền tệ giảm ngay tại thời điểm báo cáo.
Số dư bên Nợ
– Số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng tiền tệ hiện vẫn còn đang gửi tại Ngân hàng tại thời điểm báo cáo.
Có 3 tài khoản cấp 2
– TK 1121 (Tài khoản 1121, Tiền Việt Nam): Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện tại vẫn đang gửi tại Ngân hàng bằng Đồng Việt Nam.
– TK 1122 (Tài khoản 1122) – Ngoại tệ: Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện đang gửi tại Ngân hàng bằng ngoại tệ các loại đã được quy đổi thành Đồng Việt Nam.
– TK 1123 (Tài khoản 1123) – Vàng tiền tệ: Phản ánh tình hình biến động và giá trị của vàng tiền tệ của doanh nghiệp đang được gửi tại Ngân hàng ngay tại thời điểm báo cáo.
3. Hướng dẫn quyết toán một số giao dịch chủ yếu của TK 112 (Tài khoản 112) – Tài khoản tiền gửi ngân hàng
3.1. Nếu bán các loại sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ thu ngay bằng tiền gửi ngân hàng, kế toán ghi nhận doanh thu
a) Đối với các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu và thuế bảo vệ môi trường), nhân sự kế toán viên có trách nhiệm phải phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán khi chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp sẽ được tách riêng theo từng loại thuế ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế giá trị gia tăng GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – TK Tiền gửi ngân hàng (tổng giá thanh toán)
- Có TK 511 (Tài khoản 511) – TK Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
- Có TK 333 (Tài khoản 333) – TK Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Nếu hiện tại không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán phải ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
- Nợ TK 511 (Tài khoản 511) – TK Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
- Có TK 333 (Tài khoản 333) – TK Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Nếu nhận được tiền của Ngân sách Nhà nước (NSNN) thanh toán về khoản trợ cấp, trợ giá bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng
- Có TK 333 (Tài khoản 333) – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
3.3. Nếu phát sinh thêm các khoản doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng (tổng giá thanh toán)
- Có TK 515 (Tài khoản 515) – Doanh thu hoạt động tài chính (giá chưa có thuế giá trị gia tăng)
- Có TK 711 (Tài khoản 711) – Thu nhập khác (giá chưa có thuế giá trị gia tăng)
- Có TK 3331 (Tài khoản 3331) – Thuế giá trị gia tăng phải nộp (33311).
3.4. Nếu xuất quỹ tiền mặt gửi vào tài khoản mở tại Ngân hàng
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng
- Có TK 111 (Tài khoản 111) – Tiền mặt.
3.5. Nếu được tiền ứng trước hoặc khi khách hàng trả nợ bằng phương thức chuyển khoản, căn cứ giấy báo Có của Ngân hàng
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng
- Có TK 131 (Tài khoản 131) – Phải thu của khách hàng
- Có TK 113 (Tài khoản 113) – Tiền đang chuyển.
3.6. Nếu thu hồi các khoản nợ phải thu, ký cược, ký quỹ, cho vay bằng tiền gửi ngân hàng; Nhận ký quỹ, ký cược của các doanh nghiệp khác bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)
- Có các Tài khoản sau : TK 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, TK 131 – Phải thu của khách hàng, TK 136 – Phải thu nội bộ, TK 141 – Tạm ứng, TK 244 – Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược, TK 344 – Nhận ký quỹ, ký cược.
3.7. Nếu bán các khoản đầu tư ngắn và dài hạn thu bằng tiền gửi ngân hàng, kế toán cần ghi nhận chênh lệch giữa số tiền thu được và giá vốn khoản đầu tư (xác định dựa theo phương pháp bình quân gia quyền) vào doanh thu hoạt động tài chính / chi phí tài chính
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)
- Nợ TK 635 (Tài khoản 635) – Chi phí tài chính
- Có TK 121 (Tài khoản 121) – Chứng khoán kinh doanh (giá vốn)
- Có các Tài khoản sau: TK 221 – Tài sản cố định, TK 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, TK 228 – Đầu tư khác (giá vốn)
- Có TK 515 (Tài khoản 515) – Doanh thu hoạt động tài chính.
3.8. Nếu đã nhận được vốn góp của chủ sở hữu bằng tiền mặt
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng
- Có TK 411 (Tài khoản 411) – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.9. Nếu nhận tiền của các bên tham gia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân để có thể trang trải cho các hoạt động chung
- Nợ TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng
- Có TK 338 (Tài khoản 338) – Phải trả, phải nộp khác.
3.10. Nếu rút tiền gửi Ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt, chuyển tiền gửi Ngân hàng đi ký quỹ, ký cược
- Nợ TK 111 (Tài khoản 111) – TK Tiền mặt
- Nợ TK 244 (Tài khoản 244) – TK Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – TK Tiền gửi Ngân hàng.
3.11. Nếu mua chứng khoán, cho vay hay đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết… bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ các Tài khoản sau: TK 121 – Chứng khoán kinh doanh, TK 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, TK 221 – Tài sản cố định, TK 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, TK 228 – Đầu tư khác (giá vốn)
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
3.12. Nếu mua hàng tồn kho (bằng phương pháp kê khai thường xuyên), mua tài sản cố định, chi cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản bằng tiền gửi ngân hàng
– Trường hợp thuế giá trị gia tăng GTGT đầu vào được khấu trừ thì kế toán phản ánh giá mua không bao gồm thuế GTGT, ghi:
- Nợ các Tài khoản: TK 151, TK 152, TK 153, TK 156, TK 157, TK 211, TK 213, TK 241
- Nợ TK 133 (Tài khoản 133) – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (1331)
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
– Trường hợp thuế giá trị gia tăng GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm cả thuế GTGT.
3.13. Nếu mua hàng tồn kho bằng tiền gửi ngân hàng (bằng phương pháp kiểm kê định kỳ), nếu thuế giá trị gia tăng GTGT đầu vào được khấu trừ
- Nợ TK 611 (Tài khoản 611) – Mua hàng (6111, 6112)
- Nợ TK 133 (Tài khoản 133) – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (1331)
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
Trường hợp thuế giá trị gia tăng GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm cả thuế GTGT.
3.14. Nếu mua nguyên liệu, vật liệu thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng sử dụng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế giá trị gia tăng GTGT đầu vào được khấu trừ
- Nợ các Tài khoản: TK 621 – Mua hàng, TK 623 – Chi phí sử dụng máy thi công, TK 627 – Chi phí sản xuất chung, TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp, TK 641 – Chi phí bán hàng…
- Nợ TK 133 (Tài khoản 133) – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (1331)
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
Trường hợp thuế giá trị gia tăng GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh chi phí bao gồm cả thuế GTGT.
3.15. Nếu tiến hành thanh toán các khoản nợ phải trả bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ các Tài khoản sau: Tài khoản 331 – Phải trả cho người bán, Tài khaonr 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, Tài khoản 334 – Phải trả người lao động, Tài khoản 335 – Chi phí phải trả, Tài khoản 336 – Phải trả nội bộ, Tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác, Tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính.
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
3.16. Chi phí tài chính, chi phí khác bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ các Tài khoản: TK 635, TK 811,…
- Nợ TK 133 (Tài khoản 133) – Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (nếu có)
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
3.17. Nếu trả vốn góp, trả cổ tức, hoặc trả lợi nhuận cho các bên góp vốn, chi các quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng tiền gửi Ngân hàng
- Nợ TK 411 (Tài khoản 411) – Vốn đầu tư của chủ sở hữu
- Nợ TK 421 (Tài khoản 421) – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
- Nợ TK 353 (Tài khoản 353) – Quỹ khen thưởng, phúc lợi
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
3.18. Nếu thanh toán các khoản chiết khấu thương mại (CKTM), giảm giá hàng bán, hàng bán bị hoàn trả lại bằng tiền gửi ngân hàng
- Nợ TK 521 (Tài khoản 521) – Các khoản giảm trừ doanh thu
- Nợ TK 3331 (Tài khoản 3331) – Thuế giá trị gia tăng phải nộp (33311)
- Có TK 112 (Tài khoản 112) – Tiền gửi Ngân hàng.
3.19. Nếu kế toán hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ:
Cần thực hiện theo quy định tại mục hướng dẫn tại TK 171 – Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
3.20. Nếu các nghiệp vụ kinh tế liên quan tới ngoại tệ:
Phương pháp kế toán các giao dịch có liên quan đến ngoại tệ là tiền gửi ngân hàng được thực hiện tương tự như ngoại tệ là tiền mặt.
3.21. Nếu kế toán đánh giá lại vàng tiền tệ
– Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ có phát sinh lãi thì kế toán ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, ghi như sau:
- Nợ TK 1123 (Tài khoản 1123) – TK Vàng tiền tệ (theo giá mua trong nước)
- Có TK 515 (Tài khoản 515) – TK Doanh thu hoạt động tài chính.
– Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ có phát sinh lỗ thì kế toán ghi nhận chi phí tài chính, ghi như sau:
- Nợ TK 635 (Tài khoản 635) – Chi phí tài chính
- Có TK 1123 (Tài khoản 1123) – Vàng tiền tệ (theo giá mua trong nước).
4. Lời kết
Trên đây là các thông tin liên quan đến cách quyết toán TK 112 (tài khoản 112) – Tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, để giúp kế toán tổng hợp và kế toán trưởng có thể theo dõi, quản lý tình hình sử dụng hóa đơn một cách nhanh chóng và chính xác thông qua các báo cáo cùng biểu đồ trực quan, MISA đã tiên phong ra mắt Phần mềm hóa đơn điện tử MISA MeInvoice.
MISA MeInvoice đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chí theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC, đồng thời có thể kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu của Tổng Cục Thuế. Qua đó, giúp cho quá trình thông báo phát hành hóa đơn của các khách hàng diễn ra nhanh chóng, tiện lợi hơn, đồng thời tăng độ tin cậy và tính pháp lý cho hóa đơn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, kế toán viên nếu quan tâm phần mềm MISA meInvoice và có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm với đầy đủ tính năng trong 7 ngày, vui lòng ĐĂNG KÝ tại đây: