Tỉnh Ủy Bến Tre

Nghiệm thu đề tài khoa học Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng tại tỉnh Bến Tre

07/07/2021

​Chiều ngày 06/7/2021, Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng tại tỉnh Bến Tre”, do đồng chí Hồ Thị Hoàng Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh làm chủ nhiệm, Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì nghiên cứu thực hiện.

Đồng chí Lâm Văn Tân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh (gồm 09 thành viên do Tiến sĩ Lâm Văn Tân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng) đánh giá cao kết quả nghiên cứu đạt được của đề tài. Hội đồng đã bỏ phiếu và thống nhất nghiệm thu đề tài đạt xếp loại xuất sắc. Đồng chí Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Phản biện 1 Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh: đánh giá đề tài đạt chất lượng cao. Điểm nổi bật của đề tài là vừa nghiên cứu thực hiện, vừa thí điểm triển khai vào thực tế, đạt được nhiều kết quả có định lượng cụ thể. Đề tài sẽ góp phần quan trọng trong triển khai cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) tỉnh, đồng thời góp phần thực hiện thành công Đề án Chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Được biết, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn: Thực hiện thành công 2 chuyến đi học tập kinh nghiệm, khảo sát tình hình triển khai CCTTHC trong các cơ quan đảng tại 2 thành phố lớn là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Thành ủy Thành phố Cần Thơ. Qua đó, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc chuẩn bị thực hiện đề tài. Đồng thời, thực hiện điều tra bằng bảng câu hỏi 2 lần (lần 1: khảo sát hiện trạng trước khi triển khai đề tài; lần 2 khảo sát kết quả thực hiện đề tài). Mỗi lần khảo sát 400 phiếu, kết quả đã rút ra được trên 40 vấn đề cần lưu ý và trên 20 đề xuất.

Đề tài đã thực hiện và hoàn thành tốt 3 mục tiêu cụ thể và mục tiêu tổng quát của đề tài, góp phần rõ rệt nâng cao chất lượng phát hành văn bản, chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; nâng cao chất lượng tham mưu, hoạt động, phong cách làm việc của cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, nhất là các cơ quan trực tiếp tham gia thực hiện đề tài.

Kết quả nghiên cứu khảo sát đã phân tích chỉ ra mặt được, mặt chưa được CCTTHC trong các cơ quan Đảng tại tỉnh Bến Tre. Cụ thể về mặt được: (1) Các quy định, quy trình, hướng dẫn của Trung ương được nghiêm túc triển khai thực hiện; (2) Các Quy chế hoạt động được cập nhật, thay thế cho phù hợp; (3) Các thủ tục hành chính ngày càng đầy đủ, chặt chẽ, được công khai, minh bạch; (4) Ứng dụng công nghệ thông tin nên giảm được văn bản giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện.

Các mặt còn hạn chế trong việc cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng tại tỉnh Bến Tre như: (1) CCTTHC trong Đảng, Mặt trận, đoàn thể còn chậm nên một vài nội dung đạt hiệu quả chưa cao; (2) Chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của CCTTHC; (3) Thủ tục trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức đảng, đảng viên còn khá rườm rà; (4) Quy trình ban hành văn bản ở mỗi cấp khác nhau, không thống nhất; (5) Nghiệp vụ công tác Đảng, trình độ, năng lực cán bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; (6) Chưa rà soát, thường xuyên điều chỉnh các văn bản đã ban hành; (7) Việc tham mưu công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của một số cán bộ còn hạn chế; (8) Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ CCTTHC trong Đảng còn một số hạn chế.

Từ đó, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm Bộ thủ tục hành chính (TTHC) của Tỉnh ủy với 69 quy trình, 73 biểu mẫu về: công tác tiếp nhận, xử lý, tham mưu nội dung, ban hành, lưu trữ văn bản (15 quy trình), quản trị tài chính Đảng (5 quy trình), Cơ yếu – CNTT (8 quy trình), tổ chức, cán bộ (22 quy trình) và kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đảng (19 quy trình). Bộ TTHC này đã được bổ sung hoàn chỉnh một bước trong thời gian thực hiện thí điểm, sẽ được triển khai thực hiện trong toàn tỉnh sau khi kết thúc đề tài.

Quang cảnh cuộc họp.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tham mưu Kế hoạch thực hiện CCTTHC trong các cơ quan Đảng tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025, được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận và đang lấy ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn chỉnh văn bản ký ban hành (là một trong những sản phẩm chính của đề tài, hệ thống các giải pháp CCTTHC trong các cơ quan đảng tỉnh Bến Tre). Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã có 3 bài báo đăng trên Báo Đồng khởi online trong thời gian thực hiện đề tài; 01 bài báo viết về kết quả thực hiện đề tài đang chờ đăng. Các bài báo này cũng đã được đăng trên Trang thông tin điện tử của Tỉnh ủy.

Quá trình triển khai thí điểm các giải pháp của đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Đảng tại tỉnh Bến Tre” đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực: giúp giảm 20% số lần hội họp, hội nghị; đạt trên 80% phát hành văn bản điện tử, có nơi đạt trên 99% (giảm mạnh phát hành văn bản giấy); nhiều hoạt động thiết thực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tích cực cho CCTTHC trong hệ thống Đảng (huy động nguồn vốn của Đề án về CNTT trong Đảng, đạt trên 3 tỷ đồng). Đã đề xuất, khuyến nghị về Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy 11 giải pháp về CCTTHC. Về mặt kinh tế đã tiết kiệm được trên 6.951.260.000 đồng do giảm chi phí phát hành văn bản giấy và việc tăng cường tổ chức họp trực tuyến, giảm hội họp truyền thống như trước đây.

Về hiệu quả xã hội, những giải pháp của đề tài giúp: (1) Giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho cán bộ, đảng viên và người dân khi có nhu cầu tiếp xúc với các cơ quan Đảng để thực hiện các thủ tục hành chính; (2) Chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và quản lý xã hội sẽ ngày càng tăng do áp dụng CCTTHC thông qua việc ban hành nghị quyết, chỉ thị, công văn chỉ đạo ngày càng sâu sát thực tiển của đời sống xã hội, giản tiện, dễ hiểu, dễ làm và làm đúng. Từ đó niềm tin của cán bộ, đảng viên, người dân vào cơ quan, tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng được củng cố hơn; Đảng gần dân hơn, sát cơ sở và nắm chắc cơ sở hơn; (3) Xã hội sẽ giải phóng được một lượng sức lao động, tài sản, nguyên vật liệu,… phục vụ cho các hoạt động hành chính, thủ tục hành chính, để dành nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác của xã hội cần thiết hơn, cấp bách hơn; (4) Qua thực hiện nhiệm vụ của đề tài, những thành viên chính của đề tài và những cán bộ, đảng viên trực tiếp làm thủ tục hành chính của các cấp ủy, cơ quan đảng được nâng lên về trình độ nghiên cứu khoa học, tác phong, lề lối làm việc khoa học, nghiêm túc, hiệu quả hơn.

Ban chủ nhiệm đề tài đưa ra một số giải pháp cần được triển khai thực hiện trong thời gian tới: 

1. Tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện CCTTHC trong Đảng: Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng; Xây dựng chương trình thiết thực, cụ thể về CCTTHC trong Đảng; Rà soát bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy, các cơ quan; Nâng cao việc kiểm tra, kiểm soát tiến độ hoàn thành công việc. 

2. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác chuyên môn: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn đáp ứng tình hình mới; Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử.

3. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền và quản lý đảng viên: Tiếp tục quán triệt, triển khai các quy định, hướng dẫn; Thực hiện nghiêm quy chế đối thoại của người đứng đầu với Nhân dân; Cải tiến phong cách, lề lối làm việc của thủ trưởng, người đứng đầu cấp ủy; Tiếp tục thực hiện chủ trương “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”.

4. Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy trình, thủ tục; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; Thực hiện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”; giám sát “mở rộng”, kiểm tra “có trọng tâm, trọng điểm”.

5. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT: Thường xuyên cập nhật Hệ thống thông tin điều hành; Nâng cao chấp lượng và sự đa dạng của Website Tỉnh ủy; Khuyến khích cán bộ, công chức tự trang bị thiết bị di động thông minh; Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư.

6. Tăng cường bảo mật thông tin trong hoạt động công vụ trên Internet: Thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Cơ yếu,….; Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá bảo đảm an toàn, an ninh.

7. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện CCTTHC trong các cơ quan Đảng để kịp thời khen thưởng, xử lý các phát sinh, vi phạm. 

Nguyễn Võ Nhất Duy – Nguyễn Quốc Thành, Chuyên viên theo dõi kinh tế, Văn phòng Tỉnh ủy