Tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn dưới góc nhìn luật sư – Công ty luật SB Law – Luật sư, Tư vấn luật, Văn phòng luật Hà Nội

Trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ANTV, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trao đổi về vấn đề quy định pháp luật về doanh nghiệp bỏ trốn, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

Biên tập viên: Thống kê cho thấy, số doanh nghiệp bỏ trốn tại nước ta vẫn tăng đều, lên tới hàng nghìn doanh nghiệp mỗi năm. Ông nhận định ra sao về quy định ” doanh nghiệp bỏ trốn” trong luật hiện hành?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Hiện nay chưa có chế định về Doanh nghiệp bỏ trốn trong Luật doanh nghiệp. Thực trạng hiện nay đang xảy ra nhất nhiều trường hợp Doanh nghiệp mất tích hoặc bỏ trốn mất liên lạc trong khi còn nợ thuế, nợ lương lao động…Chính xuất phát từ vấn đề này nên trong dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi đang đặt ra vấn có chế định pháp luật về việc Doanh nghiệp bỏ trốn.

Hiện nay chỉ mới có Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 27/2/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì có nêu đến việc doanh nghiệp bỏ trốn như sau: Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.

Như vậy quy định về “ Doanh nghiệp bỏ trốn” trong pháp luật hiện hành nói nói chung và Luật doanh nghiệp nói riêng là đang bị bỏ ngõ.

Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về DN có chủ bỏ trốn, quy định từ khái niệm DN có chủ bỏ trốn đến quy trình tổ chức thanh lý tài sản, đến việc giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ; trả các khoản nợ có liên quan đến BHXH, BHYT, nợ các tổ chức tín dụng…

Bên cạnh đó chưa có sự kiểm tra sát sao việc thực hiện pháp luật lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước; nhất là việc thực hiện trả lương, thưởng, nộp các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp

Biên tập viên. Theo ông, tại sao chúng ta khó khống chế hiện tượng doanh nghiệp bỏ trốn? Phải chăng do luật đăng ký thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng? Luật phá sản phức tạp? hay do luật chưa quy định chặt chẽ về hoạt động hậu kiểm tra và quản lý sau khi thành lập doanh nghiệp?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc Doanh nghiệp bỏ trốn bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Do khó khăn kinh tế quốc tế và trong nước, khủng hoảng kéo dài đã khiến doanh nghiệp không trụ vững được khi kinh doanh nêm đã bỏ trốn, đối với doanh nghiệp FDI thì đã bỏ về nước.

Thứ hai, không ít doanh nghiệp khi mới thành lậpđã đặt kì vọng quá lớn vào lợi nhuận sẽ thu được, lâu dần do làm ăn thua lỗ nên đã bỏ trốn hoặc bỏ về nước đối với doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, nhằm mục đích trục lợi để huy động vốn nên khi đạt được mục đích đã ôm tiền bỏ trốn. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp này có lẽ không nhiều.

Việc các Doanh nghiệp bỏ trốn sau một thời gian hoạt động cũng có nguyên nhân từ việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng như không cần vốn pháp định, vốn điều lệ chỉ cam kết đóng và không có các quy định cũng như chế tài hậu kiểm tra việc góp vốn này.

Bên cạnh đó các quy định khi phá sản doanh nghiệp phức tạp cũng là một trong những lý do khiến các Doanh nghiệp không mặn mà với việc thực hiện các quy định này. Trên thực tế cả nước hàng năm may ra chỉ có một vài vụ Tòa án thụ lý việc phá sản doanh nghiệp.

Theo tôi nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất dẫn đến Doanh nghiệp bỏ trốn đó là luật chưa quy định chặt chẽ về hoạt động hậu kiểm tra và quản lý sau khi thành lập doanh nghiệp?

Biên tập viên:Là một luật sư, theo ông cần có chế tài ra sao để xử lý các doanh nghiệp bỏ trốn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho xã hội? Và nên có những quy định gì để hạn chế tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Với tư cách là Luật sư thì theo tôi trong Luật doanh nghiệp phải có chế định về Doanh nghiệp bỏ trốn.

Có quy định về việc phối hợp giữa Cơ quan thuế và bên Đăng ký kinh doanh về hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu Doanh nghiệp 02 lầnliên tục không thực hiện báo cáo thuế thì báo ngay cho Cơ quanđăng ký kinh doanhđể đi kiểm tra ngay.

Có quy định cụ thể về việc quản lý hoạt động của Doanh nghiệp như mất liên lạc 6 tháng liên tục thì bị rút giấy phép.

Cần có thêm những quy định biện pháp chế tài đối với những doanh nghiệp bỏ trốn, trong đó có nêu rõ quy định về hành chính do nhà nước quản lý và những quy định mang tính dân sự đối với nhà đầu tư.

Chế tài xử phạt tăng lên, các chế tài cấm tham gia hoạt động, thành lập và quản lý Doanh nghiệp khác đối với đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp bỏ trốn.

Các quy định về Giải thể doanh nghiệp, Phá sản doanh nghiệp đơn giản các thủ tục hành chính và tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể cho các Doanh nghiệp thực hiện.

Theo quan sát thực tế hiện nay, khoảng thời gian hoàn tất thủ tục xác nhận nghĩa vụ về thuế để giải thể doanh nghiệp thường mất vài tháng thậm chí đến cả năm trời tùy vào từng địa phương do tình trạng “ngâm” hồ sơ…