Tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp

Bướu tuyến giáp, có thể mang thai?Mổ thành công u nhân tuyến giáp hai thùy khổng lồChỉ dấu ung thư giả

zCJxwj5g.jpgPhóng toTS.BS Trần Thanh Phương khám cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp trước khi phẫu thuật – Ảnh: L.TH.H.

TS.BS Trần Thanh Phương – trưởng khoa ngoại 3 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết VN là một trong những vùng dịch tễ về bệnh lý phình giáp (còn gọi là bướu cổ).

Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 50% dân số có hạt giáp (nhân giáp), 10% trong số những người có hạt giáp là ung thư.

Diễn tiến chậm

Vẫn sinh con bình thường

Nhiều phụ nữ trẻ, chưa lập gia đình bị ung thư tuyến giáp lo lắng không biết có mang thai và sinh con được không. Bác sĩ Thanh Phương khẳng định với ung thư tuyến giáp, mặc dù đã phẫu thuật và uống thuốc phóng xạ, thậm chí là uống thuốc bướu cổ suốt đời vẫn có thể mang thai, sinh con bình thường. Việc sử dụng thuốc điều trị không ảnh hưởng thai nhi.

Một buổi sáng trung tuần tháng 7, tại khoa ngoại 3, bác sĩ Trần Thanh Phương và các bác sĩ đã khám, hội chẩn cho hàng chục bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp. Hầu hết bệnh nhân được hội chẩn là nữ, nhiều người mới 20 tuổi như chị L.T.M.S., hoặc 21 tuổi như chị N.T.T.T.. Người lớn hơn là chị T.T.L. cũng chỉ 37 tuổi. Một số bệnh nhân cho biết tự rờ thấy có “cục gì” ở cổ nên đến bệnh viện khám. Có bệnh nhân được bác sĩ phát hiện ung thư tuyến giáp khi siêu âm kiểm tra sức khỏe định kỳ tại cơ quan làm việc. Tuy nhiên, có một bệnh nhân nữ từ Đắk Lắk bị ung thư tuyến giáp tái phát. Trước đó năm năm, bệnh nhân này được phẫu thuật tại địa phương để lấy bướu giáp nhưng bác sĩ không phát hiện bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp nên không điều trị đúng và triệt để cho bệnh nhân. Lần này bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TP khám vì khó thở, mệt, bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp, bắt đầu có di căn…

Theo bác sĩ Thanh Phương, ung thư tuyến giáp là loại ung thư diễn tiến rất chậm, nên tiên lượng điều trị thường rất tốt. Ở giai đoạn sớm (đường kính khối u dưới 1cm), hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì. Khi sờ vào cổ, bệnh nhân cũng không thấy khối u mà bệnh thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm, khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên khi đó mới chỉ phát hiện thấy có hạt giáp chứ chưa thể biết lành hay ác. Ở giai đoạn trễ hơn, khi hạt giáp to ra sẽ nhìn thấy được hoặc rờ thấy có một cục (hạt giáp) ở trước cổ. Nếu trễ hơn nữa, khi cổ bắt đầu nổi hạch hay khàn tiếng thì ung thư đã di căn xa. Tuy nhiên, dù trễ vẫn điều trị được song sẽ tốn thời gian và tiền bạc nhiều hơn.

Để chẩn đoán ung thư tuyến giáp, hiện nhiều bệnh viện có máy siêu âm hiện đại, độ phân giải cao giúp bác sĩ có thể nhìn được hạt giáp đó lành hay ác tính. Song hình ảnh siêu âm chỉ mang tính gợi ý, để chẩn đoán chính xác bác sĩ phải dùng kim nhỏ chọc hút (FNA) để lấy tế bào trong hạt giáp đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có thể xác định là ung thư hoặc không, nếu ung thư còn định danh được là loại ung thư tuyến giáp gì.

Thường gặp ở phụ nữ trẻ

Ung thư tuyến giáp đa số xảy ra ở phụ nữ (cứ năm bệnh nhân mắc bệnh có bốn người là nữ) ở độ tuổi dậy thì và mang thai – độ tuổi phát triển mạnh mẽ của tế bào. Bệnh được chia thành hai loại chính: loại biệt hóa tốt (chiếm đa số), loại biệt hóa xấu hay không biệt hóa. Với loại biệt hóa tốt, tế bào ung thư rất “hiền” và bệnh diễn tiến chậm. Nếu điều trị đúng và kịp thời, bệnh nhân có thể sống suốt đời. Với loại biệt hóa xấu, tiên lượng bệnh thường rất xấu do khó điều trị được tận gốc.

Nguyên nhân của bướu tuyến giáp đơn thuần, theo bác sĩ Thanh Phương, chủ yếu do người bệnh thiếu iốt dẫn tới phình giáp lan tỏa ban đầu, rồi từ đó chuyển sang hạt giáp, nhân giáp nhưng là bướu lành tính. Nếu bướu giáp nhỏ dưới 2cm, không gây chèn ép, không có triệu chứng gì thì chỉ cần theo dõi và người bệnh sống chung hòa bình với nó. Trường hợp bướu giáp to hơn 2cm, lớn nhanh, xuất huyết, gây chèn ép mới cần phẫu thuật. Ngoài ra nếu bướu lớn, bệnh nhân thấy xấu, muốn mổ vì lý do thẩm mỹ bác sĩ sẽ phẫu thuật. Còn nguyên nhân của ung thư tuyến giáp theo y văn là do người bệnh bị nhiễm chất phóng xạ từ khi còn trẻ (khi bị phơi nhiễm phóng xạ, khoảng mười năm sau tỉ lệ ung thư tuyến giáp tăng lên rất cao). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy tỉ lệ ung thư tuyến giáp còn tăng cao ở những người bị viêm giáp (cao gấp 10-11 lần so với người bình thường).

Về điều trị, bác sĩ Thanh Phương cho biết nếu bệnh được phát hiện sớm thì tiên lượng rất tốt và việc điều trị cũng rất đơn giản, chỉ cần phẫu thuật một ngày là hôm sau bệnh nhân có thể xuất viện, không phải điều trị bằng thuốc phóng xạ. Bệnh nhân cũng hoàn toàn yên tâm vì trước và trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá độ lan rộng, kích thước của bướu, bướu có xâm lấn ra ngoài vỏ bao hay không, tuổi bệnh nhân, có di căn hay chưa… để có phẫu thuật cắt bướu phù hợp. Sau khi phẫu thuật, tùy giai đoạn bệnh, bệnh nhân sẽ được điều trị tiếp bằng thuốc phóng xạ hoặc chỉ cần theo dõi.