Tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa tộc người Chăm

  1.    Đặt vấn đề

Cùng với các dân tộc anh em khác, dân tộc Chăm với những giá trị văn hóa đặc sắc, những mảng màu trầm tích được lắng đọng, chắt chiu qua ngàn năm lịch sử đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đất Việt có đủ sắc, vị, thanh, hương. Nói đến văn hóa Chăm chúng ta không chỉ nhìn thấy những công trình kiến trúc, điêu khắc đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, đầy huyền bí và vượt tầm thời đại. Hay những điệu múa Chăm mềm mại, rạo rực chạm tới trái tim người xem về cái đẹp và cảm xúc được truyền qua tự bao đời mà còn đó là lớp lớp các giá trị văn hóa dân gian. Và trong kho tàng giá trị văn hóa dân gian ấy, tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm vô cùng đa dạng được biểu hiện ở nhiều khía cạnh và ăn sâu trong đời sống cộng đồng theo thời gian. Và Cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á cổ đại khác, tín ngưỡng phồn thực trong đời sống văn hóa của người Chăm được biểu hiện ở nhiều hình thức từ thờ các biểu tượng, kiến trúc, điêu khắc, lễ hội, phong tục đến các nghi lễ vòng đời. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, tác giả chỉ đi vào tìm hiểu tín ngưỡng phồn thực ở một số bình diễn tiêu biểu nhất là thờ sinh thực khí, kiến trúc, lễ hội, tục thờ đá và một số phong tục trong nghi lễ cưới hỏi.

2.    Nội dung

2.1.   Một số khái niệm

Khái niệm về tín ngưỡng

Từ thời xa xưa con người luôn sợ hại trước sức mạnh của tự nhiên, sự thần bí của vũ trụ cho nên tôn giáo cũng như tín ngưỡng đã xuất hiện. Tín ngưỡng được xem là dạng nhận thức đặc biệt dựa trên trực giác, tạo cho con người niềm tin có tính thiêng liêng. Và chính trong niềm tin đó con người đã tạo ra thế giới vô hình, những siêu linh và rồi chính các vị thần, các đấng siêu linh này lại có thể chi phối, tác động tới đời sống trần tục trong quan điểm, tâm thức của con người.

Tín ngưỡng là thuật ngữ có nhiều cách hiểu khác nhau thùy theo góc độ tiếp cận của mỗi người, mỗi ngành khoa học. Dưới góc nhìn của Tôn giáo học, Nhân học thì tín ngưỡng là trạng thái tâm lý của con người đối với thế lực thiêng, là một bộ phận của tôn giáo và không thể tách rời khỏi tôn giáo, là cơ sở hình thành nên tôn giáo. Trong công trình Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, tác giả Đặng Nghiêm Vạn đã phân tích rất rõ khái niệm tín ngưỡng với tư cách là đức tin tôn giáo, tín ngưỡng không hoàn toàn tách rời khỏi tôn giáo: “Nếu hiểu tín ngưỡng là niềm tin thì có một phần ở ngoài tôn giáo, nếu hiểu là niềm tin tôn giáo (belief, believe, theo nghĩa hẹp, croyance religieuse) thì tín ngưỡng chỉ là một bộ phận chủ yếu cấu thành của tôn giáo” [5, tr.88].

Tuy nhiên, tín ngưỡng dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam thì tín ngưỡng hoàn toàn khác và độc lập với tôn giáo. Theo tác giả Trần Ngọc Thêm, ông xếp tín ngưỡng thuộc về văn hóa tổ chức đời sống cá nhân và đồng thời nhấn mạnh rằng: “Khi đời sống và trình độ hiểu biết còn thấp, họ tin tưởng và ngưỡng mộ vào những thần thánh mà họ tưởng tượng ra. Từ tự phát lên tự giác theo con đường quy phạm hóa thành giáo lý, có giáo chủ, thánh đường-tín ngưỡng trở thành tôn giáo. Ở xã hội Việt Nam cổ truyền, do mạnh về tư duy tổng hợp mà thiếu óc phân tích nên các tín ngưỡng dân gian chưa chuyển biến hoàn toàn được thành tôn giáo theo đúng nghĩa của nó-mới có những mầm móng của những tôn giáo như thế-đó là đạo Ông Bà, đạo Mẫu. Phải đợi khi các tôn giáo thế giới như Phật giáo, Đạo giáo, Kitô giáo du nhập vào và đến thời điểm giao lưu với phương Tây, các tôn giáo dân tộc (như Đạo Cao Đài, Đạo Hòa Hảo) mới xuất hiện” [3, tr.233]

Và theo Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước Việt Nam được ban hành năm 2004 thì: “Tín ngưỡng là hoạt động thể hiện sự tôn thờ tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng thần, thánh, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội” [1, tr.8-9].

Khái niệm tín ngưỡng phồn thực

Cũng như nhiều vấn đề thuộc văn hóa khác, tín ngưỡng phồn thực cũng được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, chính vì thế hiện có nhiều khái niệm về nó.

Theo GS Trần Ngọc Thêm trong công trình “tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” thì “Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người” [3, tr.234].

Và theo tác giả Hồ Thị Hồng Lĩnh thì tín ngưỡng phồn thực được hiểu như sau: “Người ta cầu mùa màng tươi tốt để duy trì cuộc sống và con người cần phải sinh sôi nảy nở để tồn tại và phát triển, từ đó phát sinh cái gọi là tín ngưỡng phồn thực: Tín ngưỡng là niềm tin; phồn là nhiều; thực là nảy nở. Như vậy tín ngưỡng phồn thực là niềm tin vào sự này nở ra nhiều vật”.

Như vây ta nhận thấy rằng mỗi khái niệm có một cách diễn đạt khác nhau, tuy nhiên đều có một điểm chung là đều nói về sự sinh sôi, nảy nở. Từ đây ta có thể đưa ra khái niệm tín ngưỡng phồn thực như sau: Tín ngưỡng phồn thực là một hình thức tín ngưỡng dân gian thể hiện ước vọng của người dân về sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người, về cuộc sống ấm no, đủ đầy. Nó được thể hiện dưới các hình thức mang tính phô diễn dưới dạng âm dương, đực cái.

2.2.  Biểu hiện tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa dân tộc Chăm

2.2.1.  Thờ sinh thực khí

Ở các nước có nền nông nghiệp lúa nước như Đông Nam Á, việc thờ sinh thực khí luôn phổ biến, được xem là “biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài”. Bởi với người dân làm nông nghiệp, họ quan niệm việc thờ sinh thực khí sẽ đem lại sự sinh sôi nảy nở, tốt tươi cho cây cối, hoa màu giúp mùa màng bội thu. Và sinh thực khí được biểu hiện qua các biểu tượng như linga yoni, nõ nường, chày cối.

Trong văn hóa Chăm, linga và yoni xuất hiện rất phổ biến, đa dạng về hình dáng, kích thước và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo quan niệm của người Chăm, linga và yoni chính là biểu hiện hai mặt âm dương của vũ trụ thể hiện sự sinh tồn của loài người, là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Mặt khác, văn hóa Chăm còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn cho nên linga trong các biểu hiện nghệ thuật của dân tộc Chăm còn mang màu sắc ý nghĩa của linga Ấn Độ. Vì vậy linga còn là biểu tượng của chiếc cột chống đỡ vũ trụ, là ngọn núi thần thoại Mêru nơi ngự trị của các vị thần. Đồng thời linga còn là biểu tượng cho sự vĩnh cửu của các triều đại là sức mạnh, uy lực tổng hợp của vương quyền và thần quyền.

Hiên nay, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học có một số linga tiêu biểu sau: thứ nhất linga chỉ có một thành phần là khối trụ tròn, đây là loại linga phổ biến nhất. Thứ hai là loại linga có hai thành phần, phần trên là hình trụ tròn được kết hợp với hình khối vuông ở dưới.

Loại linga thứ ba thì ngoài phần trụ tròn ở trên và hình khối vuông ở dưới còn có một đoạn hình bát giác ở giữa. Và cấu trúc ba phần này phản ánh triết lý Bàlamôn giáo Ấn Độ: Phần hình vuông (âm tính) ở dưới ứng với Brahma – vị thần sáng tạo, khối hình bát giác ở giữa là đoạn chuyển tiếp ứng với thần Vishnu – thần bảo tồn và phần hình trụ tròn ứng với thần Shiva – thần hủy diệt. Đây là ba vị thần quyền năng tối thượng của Ấn Độ giáo và có thể trong chừng mực nào đó nó còn nhấn mạnh yếu tố vương quyền ở Chămpa. Không những thế, việc linga có biểu thị ba phần như trên còn mang ý nghĩa triết học về sự giải thích quá trình phát sinh, phát triển và diệt vọng của sự vật, là sự giải thích về vũ trụ trong sự vận động không ngừng nghỉ với ba khuynh hướng tất yếu là sáng tạo (vật được sinh ra), bảo tồn (vật được tồn tại), hủy diệt (vật bị hủy diệt để được tái tạo, hủy diệt là động lực của đổi thay) cũng như việc quy tụ ba vị thần tối linh trong Ấn Độ giáo. Bên cạnh đó còn có loại linga có mặt người trên đỉnh, được gọi là Mukha – Linga. Tuy nhiên đây là trường hợp rất hiếm, hiện mới thấy một Mukha – Linga ở trong lòng tháp chính Pôklông Garai (Ninh Thuận) – tháp thờ vua Pôklông Garai (1151 – 1205). Vì vậy, linga này còn được xem là biểu thị vua Pôklông Garai, là sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền.

Không chỉ có linga mà biểu tượng yoni trong tín ngưỡng phồn thực của người Chăm cũng rất đa dạng từ khối hình vuông, hình khối tròn và có cả khối hình chữ nhật nhưng loại này thì ít hơn.

Trong điêu khắc chăm, bên cạnh những linga và yoni rời thì biểu tượng linga – yoni đi liền với nhau rất thường gặp. Đa số trên mỗi bệ yoni lại được thể hiện một linga, chúng tạo thành một khối thống nhất thể hiện sự kết hợp hài hòa âm dương làm cho mọi vật được sinh sôi nảy nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, tạo hóa được tái sinh. Và biểu tượng này chúng ta thấy được thờ tại nhiều hệ thống tháp của người Chăm như bên trong lòng tháp Nam của cụm tháp Hòa Lai, trong lòng tháp chính Poshanu cũng như tháp Nam, tháp Đông Nam, tháp Tây Bắc của cụm tháp Bà Ponagar hay tại Khu Đền tháp Mỹ Sơn. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp trên một bệ yoni lại có nhiều linga ví như tại Thánh địa Mỹ Sơn có một linga đôi nằm trên bệ yoni. Đặc biệt nhất có lẽ phải kể tới là biểu tượng linga được thay thế bằng hình ảnh vị thần ngồi trên bệ yoni. Tiêu biểu cho kiệt tác về điêu khắc này là bộ yoni ở tháp chính Ponagar Nha Trang. Tượng nữ thần Pô Inư Nagar được tạc bằng đá hoa cương màu đen nguyên khối, trong tư thế ngồi uy nghiêm trên bệ đá hình đài sen, lưng tựa vào phiến đá lớn hình lá đề. Với bố cục như trên thì linga chính là tượng thờ còn yoni là bệ thờ đã tạo nên một bộ linga – yoni hoàn chỉnh, là vật thể linh thiêng của dân tộc Chăm.

Như vậy từ thực tiễn trên cho thấy tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm gắn liền với tôn giáo, mang tính tôn giáo đậm nét do đó nó chi phối mọi mặt đời sống của người Chăm. Đồng thời, nó cũng không đơn thuần mang tính bản địa mà có sự giao lưu, tiếp biến sâu sắc với văn hóa khu vực và đặc biệt là văn hóa Ấn cho nên tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm có nhiều nét độc đáo, riêng biệt so với các dân tộc khác ở nước ta từ sự phong phú về số lượng, đa dạng về hình thức biểu hiện cho tới nhiều tầng ý nghĩa khác nhau mà các biểu tượng linga – yoni mang lại.

2.2.2.      Biểu hiện qua kiến trúc

Có thể nói rằng, kiến trúc là lĩnh vực nổi bật nhất trong hệ thống di sản văn hóa vật thể của dân tộc Chăm. Và khi nói tới kiến trúc người ta lại nghĩ ngay tới hệ thống đền tháp Chăm xưa, cho dù đứng trước sự bào mòn của thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn phá của chiến tranh, tháp Chăm vẫn đứng sừng sững một góc trời như một lời thách đố. Cho đến nay đã có nhiều nhà khoa học cả phương Tây và cả Việt Nam bỏ nhiều công sức, thời gian nghiên cứu về tháp Chăm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải mã, nhiều câu hỏi vẫn còn để ngỏ như kỹ thuật xây pháp? Chất kết dính giữa các viên gạch? hay làm thế nào mà các viên gạch xây tháp không bị rêu phong, vẫn giữ được màu đỏ tươi theo năm tháng? Vì thế kiến trúc tháp không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Chăm mà còn là di sản văn hóa dân tộc hay như Thánh địa Mỹ Sơn giá trị đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia trở thành di sản văn hóa thế giới.

Từ ngàn xưa tới nay đền tháp luôn đóng vai trò quan trọng trong tâm thức và đời sống văn hóa của cư dân Chăm. Nó không chỉ là nơi thờ tự tôn giáo mà còn mang ý nghĩa tâm linh, là nơi gửi gắm những ước vọng của người dân qua niềm tin tín ngưỡng – đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực. Các quần thể tháp Chăm được xây dựng ở những thời kỳ khác nhau nên tùy vào quan điểm thẩm mỹ cũng như sự hưng thịnh của triều đại mà có quy mô, số lượng tháp trong từng quần thể khác nhau. Tuy nhiên về mặt kiến trúc kiến tạo các ngôi tháp đặc biệt là tháp chính dường như không khác nhau và thể hiện tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Chăm rất rõ nét. Đó là các tháp chính được xây dựng theo dạng hình núi ngoài ý nghĩa tượng trưng cho ngọn núi Meru – trung tâm vũ trụ nơi ngự trị của các vị thần trong thần thoại Ấn Độ thì còn là biểu tượng của linga (dương) và bệ tháp hình vuông biểu tượng của yoni (âm). Âm dương kết hợp với nhau tạo nên sự vững chãi, cân đối, hài hòa. Đồng thời tháp chính thường có ba tầng cấu trúc như nhau, mỗi tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một linga trên trên nóc tháp. Hay như tại quần thể Tháp Bà Ponagar Nha Trang, trên đỉnh tháp Giữa thờ Gri Cambhu – một hóa thân của thần Shiva (và theo Việt hóa là hoàng tử Bắc Hải – chồng bà) cũng được kết thúc bởi một linga. Chúng ta có thể thấy rằng cấu trúc của tháp đã chứa đựng một triết lý thâm sâu. Nền và móng tháp là hình khối vuông, biểu thị cho sự vững chãi, tịnh tại, ổn định (thuộc âm) và linga được đặt trên nóc tháp (thuộc dương) tạo nên sự giao hòa âm dương trong sự xoay vần vũ trụ làm cho sự sống được tái sinh.

Và chúng ta thấy rằng toàn bộ kiến trúc đền tháp Chăm từ Mỹ Sơn đến Ninh Thuận đều khoác lên mình vẻ phồn thực. Ví như tháp Chăm thường có 3 tầng, bởi với người Chăm con số 3 là con số phát triển, may mắn. Vì thế, cụm tháp Chăm cũng thường có 3 tháp như tháp Po Klong Garai có tháp cổng, tháp lửa và tháp chính. Kiến trúc tháp luôn mang yếu tố nước và lửa. Tháp cổng là nơi rước nước tắm tượng Linga – Yoni, trong khi đó tháp lửa là nơi cất giữ ngọn lửa thiêng.

Như vậy tín ngưỡng phồn thực thể hiện ước vọng vạn vật được sinh sôi nảy nở, cuộc sống hạnh phúc, no đủ của cư dân được gửi gắm trong kiến trúc Chăm mà đặc biệt là hệ thống đền tháp rất rõ.

2.2.3.      Biểu hiện qua lễ hội

Lễ hội là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện tính cộng đồng và hàm chứa tính giáo dục cao, là hình thức biểu hiện rõ nét nhất trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với dân tộc Chăm các lễ hội vô cùng phong phú và mang nhiều ý nghĩa khác nhau được trao truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác như một cách thức hướng về cội nguồn tâm linh, hướng về những giá trị văn hóa mà ông cha đi trước đã dày công vun trồng. Và trong lễ hội Chăm nhiều tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng phồn thực nói riêng được tái hiện rất sống động. Theo tác giả Sakaya: Tín ngưỡng phồn thực hay nói một cách khác là tư tưởng lưỡng hợp (clualesn) hay triết lý âm dương (yin – yang) trong lế hội Chăm được biểu hiện sâu sắc trên nhiều bình diễn. Và trong phạm vi bài viết, tác giả không đi sâu miêu tả hay nêu bật giá trị của một lễ hội mà chỉ đi tìm những biểu hiện tín ngưỡng phồn thực thông qua một số lễ hội.

Lễ hội Katê

Lễ hội Katê được xem là tết cổ truyền của người Chăm Bàlamôn được tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch) trong khoảng 3 ngày và diễn ra trong không gian rộng lớn từ đền tháp đến làng rồi gia đình. Ở Ninh Thuận, lễ hội Katê được tổ chức cùng giờ, cùng ngày tại ba nơi là tháp Pô Kluang Giarai, tháp Pô Rame và đền Pô Inư Nưgar theo tuần tự các bước từ lễ rước y phục, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục, lễ mặc y phục, đại lễ và hội. Và trong quá trình diễn ra lễ hội có một số yếu tố chứa đựng triết lý phồn thực của người Chăm như lễ tắm tượng, các lễ vật cúng thần…

Lễ tắm tượng thần diễn ra sau lễ mở cửa tháp, đây là một thủ tục linh thiêng chỉ có một số người trong ban lễ được lựa chọn trước thực hiện bên trong tháp. Khi tắm thầy Kanhi hát “Chúng con mang nước này từ con sông hằng về gội đầu, rửa chân rửa tay cho thần. Chúng con xin lấy những tấm khăn đẹp nhất mà chúng con dệt để đem lau mồ hôi cho thần”. Và đặc biệt là những người tham gia tắm tượng sẽ lấy nước tắm cho linga và yoni bôi lên đầu, khắp thân thể mình để cầu mong tài lộc, mạnh khỏe, hạnh phúc, đây là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Ngoài ra tín ngưỡng phồn thực còn được thể hiện rất rõ trong lời hát về nữ thần Pô Inư Nưgar nhằm ca ngợi công lao của thần và cầu thần phù hộ cho cuộc sống sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu: “Thần là nữ thần xứ sở vĩ đại, thần sinh ra đất nước, con người/Thần mẹ cho trần gian cuộc sống/Thần cho cây cối tốt tươi, con người nảy nở/Thần mẹ sinh ra cây lúa, đất đai, ruộng vườn”.

Về lễ vật dâng cúng thần linh cũng chứa đựng triết lý âm – dương, một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Lễ vật dâng cúng trong lễ hội Katê tại đền tháp bao gồm: một con dê (dê tương trưng cho dương); ba con gà (gà tượng trưng cho âm); năm mâm cơm, canh với thịt dê; một mâm cơm với muối vừng; ba ổ bánh gạo và hoa quả; ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè. Qua lễ vật dâng cúng tại tháp chúng ta thấy rằng vừa có yếu tố âm – vừa có yếu tố dương, đồng thời vừa có lễ vật lớn là dê (dê được xem là con vật quý của người Chăm, dê phải được giết tại đền theo nghi thức hiến sinh nên người Chăm hạn chế giết dê tại gia đình và tuyệt đối không để máu dê vương sót ra nhà) lại có những lễ vật bình dân như muối vừng, bánh gạo nhằm dâng lên thần linh tấm lòng thành cầu mong thần linh phù hộ ban cho cuộc sống sung túc, đủ đầy, vạn vật sinh sôi.

Như vậy, Katê là lễ hội lớn được xem là ngày tết cổ truyền của người Chăm nhưng cũng là lễ hội nông nghiệp với nghi thức cầu mưa và mang theo ý niệm phồn thực cầu mong cho con người, vật nuôi, cây trồng sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu, cuộc sống hạnh phúc, no đủ của người Chăm xưa và được lưu truyền tới thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Lễ hội Rija Nưgar

Nếu như lễ hội Katê được xem là lễ hội lớn nhất của dân tộc Chăm thì lễ hội mang yếu tố phồn thực rõ nét nhất phải kể tới lễ hội Rija Nưgar. Đây là lễ hội nằm trong hệ thống lễ hội chuyển mùa của dân tộc Chăm, nó được tổ chức vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5 dương lịch khi tiếng sấm rền vang báo hiệu thời khắc chuyển mùa của đất trời. Lễ này được xem là lễ hội đầu năm mới, tống tiễn năm cũ nhưng cũng mang tính chất lễ hội nông nghiệp bởi có nghi lễ cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Và có thể nói rằng đây là lễ hội còn lưu giữ được rất nhiều nét nguyên sơ của văn hóa Chăm và những tín ngưỡng dân gian bản địa, đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng này được thể hiện ngay từ quan niệm tổ chức, thời gian diễn ra lễ hội cho tới các lễ vật, cách hành lễ và cả những điệu múa phồn thực cũng được phô diễn.

Về thời gian tổ chức, Rija Nưgar là lễ hội của cả người Chăm Bàlamôn và Chăm Bàni, diễn ra trong hai ngày nhưng Chăm Bàlamôn tổ chức vào thứ 4, thứ 5 (bởi theo quan niệm của người Chăm Balamôn thứ 4 là ngày đẹp nhất trong tuần nên những việc tốt như hiếu, hỉ đều tổ chức vào thứ 4) còn Chăm Bàni tổ chức vào thứ 5, thứ 6 trong tuần. Trong hai ngày diễn ra lễ hội được xem là “một ngày vào và một ngày ra” và ngày vào thường cúng vào buổi chiều âm và ngày ra thường cúng vào buổi sáng dương. Như vậy ngay từ thời gian tổ chức đã cho ta thấy tư duy âm dương rõ rệt của lễ hội.

Cũng như lễ hội Katê, vật cúng không thể thiếu dê, gà, cơm canh, trầu cau và ngoài ra bắt buộc trên bàn lễ còn phải có lửa và nước, đây cũng là hình thái mang biểu tượng âm dương. Và theo thời gian tổ chức có quy định ngày vào, ngày ra nên các lễ vật cúng tế cũng được thực hiện theo biểu tượng âm dương. Đó là ngày đầu cúng gà tượng trưng cho âm và ngày hôm sau cúng dê, tượng trưng cho dương. Thậm chí khi cúng dê người ta cũng phân làm thành hai phần để cúng. Phần đầu, hai chân trước và tim phổi được sắp trên mâm cao – tượng trưng cho trời (dương). Phần sau từ rốn dê trở đi gồm hai chân sau và đuôi dê đặt trên mâm thấp – tượng trưng cho đất (âm). Với cách sắp xếp như trên, người Chăm hy vọng âm dương hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi. Và đặc biệt hơn là vào ngày thứ hai (ngày ra) phần lễ cúng còn có thêm “hình nhân thế mạng” đậm chất tín ngưỡng phồn thực. Các hình nhân này được làm bằng bột gạo sống do thầy Mưduôn (thầy vỗ trống) và thầy Ka in (thầy bóng) thực hiện bao gồm bốn hình người (hai đàn bà, hai đàn ông), trâu hai con (một đực, một cái), gà, heo, chuột, rắn cũng đều một đực một cái, ngoài ra còn nặn thêm chày cối – cũng là biểu tượng của âm dương, tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ. Như vậy từ việc phân lễ cúng cho phù hợp với quan niệm “ngày vào ngày ra” cùng với các lễ vật “hình nhân thế mạng” đều phản ánh tín ngưỡng phồn thực rõ nét của cộng đồng người Chăm để cầu sức khỏe, mùa vụ bội thu và tống tiễn tai ương, bệnh tật.

Lễ hội Rija Nưgar là một đại lễ hội của người Chăm và điều đặc biệt là có sự thống nhất khá cao về mặt thời gian và tính chất tổ chức lễ hội giữa các làng Chăm khác nhau. Tuy nhiên tại làng Chăm Bỉnh Nghĩa, trong hai ngày diễn ra lễ hội về cơ bản có nhiều điểm giống như ở các nơi khác thì vẫn có một số nét riêng biệt như có thêm màn hát đối đáp nam – nữ và điệu múa phồn thực.

Trong các màn hát đối đáp về các vị thần thì tín ngưỡng phồn thực được thể hiện rõ nhất trong lời hát về nữ thần Pô Inư Nưgar.

Nam hát: Sa bok kvak par mưng paye lik di hamu tanưh

Nữ hát: Sa bok kawh mưng klam, klek di dam hamu tanưk

(Nam hát: Cò bay trong buổi sáng tinh mơ, cò bay cò đậu trên đồng phù sa

Nữ hát: Cò bay trong đêm tối mịt mù, cò bay cò đậu trên đồng lúa xanh)

Để ý đoạn hát, chúng ta thấy rằng màn đối đáp có nam có nữ và họ hát đối nhau từng đoạn từng ý như: “buổi sáng – đêm tối”, “tinh mơ – mịt mù”, “đồng phù sa – đồng lúa xanh” thể hiện hai mặt âm dương đối lập nhau, là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực.

Và có lẽ điều đặc biệt nhất trong lễ hội Rija Nưgar của làng Chăm Bỉnh Nghĩa so với các làng Chăm khác là có múa phồn thực, nó diễn ra sau màn hát đối đáp. Để thực hiện điệu múa này thì dân làng đã chọn ra một người đàn ông cường tráng và bà bóng đứng ra đảm nhiệm. Sau khi mặc các y phục váy, áo, khăn trùm đầu, người đàn ông cầm ba cây dương vật làm bằng gỗ dài khoảng 25cm có phần đầu đẽo nhọn được tô màu đen, bước ra múa và nhún nhảy họa theo các động tác chốn phòng the trong tiếng đàn Rabap và tiếng hát ca ngợi công ơn nữ thần Pô Inư Nưgar được thầy Kadhair thực hiện. Sau đó người đàn ông chuyển ba cây dương vật cho bà bóng rồi tiếp tục múa và cuối cùng làm lễ tẩy uế ba cây dương vật trên cái tra đặt những “hình nhân thế mạng”. Sau đó dân làng tiễn đưa ba cây dương vật cùng “hình nhân thế mạng” ra ngã ba đường làng hoặc thả trôi sông và kết thúc lễ hội.

Lễ hội Rija Nưgar khép lại, người Chăm hy vọng đã tống tiễn đi những tai ương, điều xui xẻo để đón nhận những điều may mắn, hạnh phúc hơn. Và có thể nói rằng Rija Nưgar là đại lễ hội của người Chăm, nó chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian mà đặc biệt là tín ngưỡng phồn thực. Điều này được phản ánh chân thực, rõ nét qua việc lựa chọn thời gian, lễ vật cúng tế, trong lời những màn hát đối đáp, những điệu múa phồn thực… nhằm gửi lời thỉnh cầu tới thần linh ban cho sức khỏe, mưa thuận gió hòa, vạn vật nảy nở sinh sôi.

2.2.4.  Tín ngưỡng phồn thực qua một số phong tục

2.2.4.1.  Tục thờ đá

Thờ đá, một hình thức tín ngưỡng sơ khai xuất hiện từ rất sớm trên thế giới. Với quan niệm vạn vật hữu linh nhiều dân tộc có niềm tin vạn vật đều có linh hồn. Do đó xuất hiện tín ngưỡng thờ đá, thờ cây và dân tộc Chăm cũng không ngoại lệ. Và việc thờ đá có mối quan hệ với tín ngưỡng phồn thực qua việc thờ sinh thực khí. Đầu tiên là đá gắn với linga, yoni. Các cặp linga, yoni đều được làm bằng đá sa thạch, điều đó cho thấy người Chăm có niềm tin vào đá và tục thờ đá ra đời từ rất sớm. Không những thế, thờ đá còn được thấy trong các đền tháp như Pô Kluang Giarai, Pô Rame, hay tượng của các vị thần cũng được làm bằng đá. Trong tín ngưỡng phồn thực, người Chăm đã chọn đá làm chất liệu để gửi gắm, thể hiện niềm tin, ước vọng của mình. Và để thỏa mãn những ước vọng đó, họ luôn có những động tác mang tính ma thuật như tưới nước lên linga yoni, lên tượng các nữ thần. Do đó những nghi lễ đối với đá luôn được người Chăm coi trọng. Và tín ngưỡng thờ đá luôn hướng tới cái đích phồn thực tồn tại lâu dài trong niềm tin của cư dân Chăm, cầu mong cho gia đình mạnh khỏe, xóm làng bình an, mùa màng tốt tươi.

2.2.4.2.  Tín ngưỡng phồn thực trong nghi lễ cưới hỏi

Trong nghi lễ cưới hỏi của dân tộc Chăm có rất nhiều dấu ấn thể hiện tín ngưỡng phồn thực nhằm cầu mong vợ chồng sớm sinh con đàn cháu đống, hạnh phúc, an yên, làm ăn gặp nhiều may mắn như lễ vật hỏi cưới và một số phong tục trong lễ cúng trình tổ tiên, lễ nhập phòng the…

Cưới xin là việc trọng đại trong cuộc đời mỗi người và khi ngày lành tháng tốt được ấn định nhà cô dâu sẽ mang lễ vật sang nhà chú rể hỏi cưới. Và lễ vật bắt buộc phải có là hai loại bánh. Một là bánh Sakaya, tượng trưng cho trời (dương) và một bánh giống như bàn tay người lớn, tượng trưng cho âm. Loại bánh thứ hai không thể thiếu là bánh tét. Người ta gói một loại bánh tét hình linga, một loại hình chữ nhật tượng trưng cho yoni. Tất cả đều thể hiện mong muốn cho đôi vợ chồng hạnh phúc, cuộc sống sung túc đủ đầy.

Hay như trong lễ cúng trình tổ tiên (khan prauk), mâm lễ vật cúng thần linh và tổ tiên bên nhà gái gồm một khay trầu cau, một chiếc cổ bồng, trên đó có một nải chuối để úp, một khay lửa trầm hương, một lọ dầu dừa, một chung rượu, một chiếc ống nhổ, một bộ bình trà, một gạt tàn thuốc lá, trên đó để hai điếu thuốc đã được đốt lên. Tất cả lễ vật được để trên một chiếc chiếu tục Chăm (chiew bang). Phía bên trái để hai chiếc chiếu, hai chiếc gối. Như vậy, tất cả các lễ vật dưng cúng có đủ ngũ hành kim, thủy, mộc, thổ, hỏa và  cùng với cách sắp xếp, trưng bày lễ vật đều thể hiện tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa Chăm.

Và trong lễ nhập phòng the (Jaw tangin ong iinưmư – trao tay ông inưmư) Ở chính giữa phòng người ta bày một khay trầu hình trụ, cái ống nhổ, một chén nước bằng đồng. Một ngọn nến sáp được đốt lên, đính vào khay trầu. Và trong lúc mọi người tập trung ở phòng khách, ông inưmư nhà trai dùng tay phải (dương) cầm tay chú rể đi đến thẳng the phòng cô dâu để trao cho ông inưmư nhà gái nhưng không được bước chân vào phòng the. Ông inưmư nhà gái đón nhận tay chàng rể bằng tay trái (âm) từ tay ông inưmư đàng trai và dắt vào phòng the. Và khi trải chiếu trên giường cho cô dâu chú rể phải trải hai chiếc chiếu chồng lên nhau, chiếc chiếu trên cùng trải ngược (mặt trái lên trên).

Đồng thời trong lễ cưới, cô dâu chọn lấy một lá trầu to nhất, đẹp nhất xé làm đôi và têm với vôi (miếng trầu – âm) đưa cho chú rể. Chú rể chọn lấy một quả cau (miếng cau – dương) bổ làm đôi đưa cho cô dâu. Miếng trầu cau cô dâu chú rể trao cho nhau ngày cưới như một lời hứa vợ chồng sẽ thủy chung son sắt, sống với nhau thắm đượm nghĩa tình.

Như vậy, trong các nghi lễ cưới hỏi truyền thống của dân tộc Chăm đã thể hiện rất rõ tín ngưỡng phồn thực nhằm cầu mong cho đội vợ chồng trẻ sống hòa thuận, đông con nhiều cháu, cuộc sống đủ đầy.

3.    Kết luận 

Như vậy trong sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian, tín ngưỡng phồn thực vẫn trường tồn theo dòng chảy văn hóa và thấm sâu trong đời sống của người Chăm qua ngàn năm lịch sử, đã góp phần tạo nên một nền văn hóa Chăm đầy huyền bí, độc đáo với những sắc thái riêng có của mình. Đồng thời nó cũng góp thêm những sợi chỉ màu đặc sắc để dệt nên bức tranh văn hóa Việt Nam rực rỡ hơn, đa dạng hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Ban Tôn giáo chính phủ (2007), Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

2. Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Đặng Nghiêm Vạn (2005),  Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

                                                                                                                          Nguyễn Thị Nga