Tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch huyện Trùng Khánh

Sau thời gian dịch COVID-19 được kiểm soát, những tháng gần đây, du lịch trên địa bàn huyện Trùng Khánh cũng đã dần phục hồi và sôi động trở lại. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Trùng Khánh đón trên 147.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy du lịch – một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện biên giới này đang khởi sắc tích cực sau dịch COVID-19.


Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh.

Với lợi thế là vùng đất có bề dày lịch sử và được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần, hồ Bản Viết, sông Quây Sơn… cùng nhiều nét văn hóa độc đáo đã tạo cho huyện Trùng Khánh một thế mạnh về du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá vùng đất, con người, văn hóa, đặc biệt là phong tục tập quán của người dân bản địa. Đây là lần thứ hai chị Alessia Rizzo cùng bạn bè lựa chọn Trùng Khánh làm điểm đến ngay khi du lịch mở cửa trở lại. Vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên khiến những vị khách quốc tế này càng thêm hào hứng khi được trở lại với mảnh đất nằm trọn trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Chị Alessia Rizzo chia sẻ: “Thời điểm dịch bệnh bùng phát, mọi kế hoạch đều phải tạm dừng, đi lại cũng hạn chế nhiều. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, các khu du lịch mở cửa trở lại, tôi chọn huyện Trùng Khánh, Cao Bằng làm điểm đến bởi khung cảnh yên bình, và có nhiều bản sắc văn hóa độc đáo”.

Trong quý II/2022, khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, huyện Trùng Khánh đã đón trên 93.000 lượt người đến tham quan, tăng hơn nhiều so với các thời điểm trước đó. Trong đó, khu du lịch thác Bản Giốc đón hơn 62.000 lượt khách, động Ngườm Ngao đón khoảng 30.000 lượt khách. Ngay từ thời điểm bước vào mùa hè, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, lượng khách du lịch bắt đầu tăng nhanh. Chỉ tính riêng dịp này đã có gần 28.000 lượt khách đến với Trùng Khánh. Những con số này đầy lạc quan, khởi sắc, báo hiệu hoạt động du lịch đang sôi động trở lại sau 2 năm bị đóng băng do dịch COVID-19 gây ra.

Để đạt được những kết quả này, ngoài việc thực hiện tốt, hiệu quả các phương châm, biện pháp phòng, chống dịch, thì huyện Trùng Khánh cũng đã chủ động, tích cực trong thực hiện các giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch. Toàn huyện hiện có 51 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 2 làng du lịch cộng đồng là xóm Lũng Niếc và xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy. Công tác quy hoạch du lịch đã được quan tâm, chú trọng, đồng thời tiếp xúc, vận động, kêu gọi, thu hút một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai thực hiện dự án phục vụ du lịch. Để từng bước kích cầu du lịch, huyện Trùng Khánh cũng đã đưa ra những kế hoạch xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị kinh tế cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo nên thương hiệu và hình ảnh mỗi điểm đến du lịch của huyện. Bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: “Ngoài việc thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, huyện tiếp tục quan tâm kêu gọi đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng. Trước mắt là phê duyệt đề án một số điểm, xây dựng đường lên ngắm cảnh về đêm thị trấn Trùng Khánh, hàng tuần tổ chức chợ đêm Co Sầu. Bên cạnh những di tích đã được công nhận, chúng tôi tiếp tục tích cực quảng bá hình ảnh của các điểm khác mà du khách chưa biết đến. Năm nay, huyện tiếp tục tổ chức lễ hội thác Bản giốc và sẽ tổ chức vào mùa vàng tháng 10 trong năm nay, rất mong là được đón các du khách gần xa đến với Trùng Khánh”.

Với sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cùng những tín hiệu tích cực sau khi mở cửa trở lại sẽ là bước tạo đà để du lịch của huyện Trùng Khánh sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn, an toàn đối với du khách.

Diệu Linh – Đàm Kiều