Tìm hiểu về chùa Trấn Quốc | Kiến trúc cổ đẹp bậc nhất Thủ đô
Chùa Trấn Quốc, trước đây còn có tên gọi khác là chùa Khai Quốc hay Trấn Quốc cổ tự được xây dựng nhằm mục đích cầu mong quốc thái dân an. Không chỉ là địa điểm du lịch văn hóa tâm linh với du khách quốc tế, mà với người dân Hà Nội nói chung, đây là một ngôi chùa rất linh thiêng. Mỗi dịp mùng 1, ngày rằm hay đầu năm mới, người dân Hà Nội lại đến đây dâng hương, cầu mong mọi sự như ý, gia đình bình an, quốc gia hưng vượng.
Chùa Trấn Quốc Hà Nội nằm ở phía Đông Hồ Tây, là nơi thờ tự thuộc quản lý của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, chùa mở cửa hàng ngày từ 8h – 16h cho khách và người dân tới tham quan, phúng viếng.
Giới thiệu về chùa Trấn Quốc
Đây là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam, tính đến nay chùa đã tồn tại được hơn 1500 năm. Chùa từng là trung tâm Phật giáo thời Lý Trần, các vua thời bấy giờ hay ngự giá đến chùa vào các dịp lễ để khấn bái, cầu nguyện.
Địa chỉ chùa Trấn Quốc ở đâu?
Chùa nằm trên một hòn đảo ở phía Đông Hồ Tây, địa chỉ cụ thể là nằm trên đường Thanh Niên, phố Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa khá gần các địa điểm vui chơi, du lịch khác ở Hà Nội như công viên Bách Thảo 1km; đền Quán Thánh 1,1km; quảng trường Ba Đình 1,5km; cách hoàng thành Thăng Long 2,3km và cách chợ Đồng Xuân 2,7km
Di chuyển đến đây như thế nào?
Du khách có thể di chuyển tới đây bằng xe buýt, xe máy hoặc taxi. Cụ thể phương thức di chuyển như sau:
Xe buýt: Có một tuyến buýt chạy qua chùa là xe số 50. Xe chạy từ 5h00 – 20h45 mỗi ngày với tần suất 20 phút/chuyến và giá vé là 7.000đ/người/lượt. Du khách nên xuống điểm dừng trên đường Thanh Niên sau đó tiếp tục đi bộ tới cổng chùa.
Xe máy: Với những du khách sử dụng xe máy thì có thể di chuyển từ trung tâm thành phố tới đây trong khoảng 20p, sau đó gửi xe ở bãi gửi xe đối diện cổng chùa chùa Trấn Quốc, cạnh quán kem Tây Hồ. Giá vé gửi xe dao động từ 5.000 – 10.000đ/xe/lượt.
Taxi hoặc Grab:. Một số hãng taxi Hà Nội như: Taxi Mai Linh – 024 38 333333; Taxi Group – 024 38 26 26 26; Taxi Thanh Nga – 024 38 215 215
Tìm hiểu Chùa Trấn Quốc thờ ai?
Ngôi chùa là nơi thờ tự của đạo Phật, dưới sự quản lý của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Chùa từng là nơi thăm viếng của các bậc vua chúa ngày xưa để cầu nguyện, điển hình như: vào thời vua Lê Nhân Tông, chùa là nơi thái hậu Ỷ Lan thường lui tới đàm đạo; Chùa cũng được vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị ghé thăm và ban tiền tu sửa,…
Nguồn: @lethanh2408
Đi lễ Chùa Trấn Quốc cầu gì?
Đi lễ tại chùa, mọi người thường cầu nguyện cho sự bình an, hạnh phúc của gia đình hay cầu cho tài lộc, tiền tài, công danh. Gợi ý cho bạn rằng một bài văn khấn chùa Trấn Quốc được chuẩn bị từ trước sẽ giúp bạn dễ dàng cầu nguyện hơn khi tới đây.
Quy trình dâng lễ thì đầu tiên bạn nên dâng lễ ở ban Đức Ông (nên là lễ mặn) sau đó đến ban Tam Bảo (lễ chay) cuối cùng là dâng lễ ở nhà Tổ.
Nguồn: @nltd1905
Chùa còn được vinh dự khi 2 lần được tổng thống Ấn Độ và một lần được tổng thống Nga đến thăm trong các chuyến tới công du Việt Nam.
Quy định:
Chùa Trấn Quốc giờ mở cửa: Chùa mở cửa hàng ngày từ 8h00 – 16h00 cho du khách và người dân đến tham quan.
Quy định khi tham quan chùa:
- Đây là nơi thờ tự nên du khách nên ăn mặc trang phục gọn gàng, không nên mặc đồ hở hang, áo sát nách, quần cộc, váy ngắn,…
- Tới chùa du khách hạn chế lời to tiếng, ồn ào gây ảnh hưởng tới không khí uy nghiêm của chốn thờ tự.
- Du khách tới tham quan để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi ra chùa.
Lịch sử và Kiến trúc chùa Trấn Quốc
Lịch sử chùa Trấn Quốc Hà Nội
Chùa ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu.
Sau đó, trong khoảng thế kỷ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Theo lịch sử, đây từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết tại chùa.
>> Tìm hiểu về chùa Trầm, một trong những ngôi chùa lâu đời nhất Thủ đô
Kiến trúc chùa Trấn Quốc Hà Nội
Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi được di dời từ ven bờ sông Hồng và khu vực gò trên Hồ Tây, di tích lịch sử ở Hà Nội này vẫn giữ nguyên được nét đẹp kiến trúc vốn có của thời nhà Lý với cổng tam quan – sơn vàng, bảo tháp, am thắp hương,… Thời xa xưa chùa là trung tâm Phật giáo của thành Thăng Long, cũng là nơi các vị vua thường lui tới vãn cảnh và cúng lễ.
Tổng diện tích chùa hiện tại là 3.000m2, được trùng tu lần cuối vào năm 1815 với 03 khu vực chính là: thượng điện, nhà tổ và vườn tháp. Đứng trước cổng vào chùa Trấn Quốc, du khách sẽ ấn tượng bởi kiến trúc cổng tam quan (03 cổng – một cổng chính hai cổng phụ), phía trên được trang trí bằng hình tượng rồng mang tới vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính.
Cổng chùa – Nguồn: @champ34_cnx
Do ảnh hưởng của Phật giáo Bắc Tông mà khu tiền đường, nhà thiêu hương, thượng điện được xây đối diện nhau tạo thành hình chữ 工. Phía trước của điện có một lư hương lớn bằng đồng, phía sau là gác chuông. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tấm bia đá ghi dấu ấn lịch sử của chùa bằng chữ Nôm
Chùa nhìn từ trên cao – Nguồn: bihaku.vn
Bên trong sân vườn của chùa Trấn Quốc Hà Nội là tòa bảo tháp 11 tầng cao 15m, mỗi ô cửa hình vòm. Tại mỗi tầng tháp lại được đặt một bức tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng. Trên đỉnh của bảo tháp là tháp sen 9 tầng, tức Cửu phẩm liên hoa được làm bằng đá quý.
>> Khám phá kiến trúc cổ kính của chùa Tây Phương Thạch Thất
Bảo Tháp tại chùa – Nguồn: @gepi_74
Đặc biệt đối diện với bảo tháp tại danh thắng Hà Nội này có mộtcây bồ đề lớn được chiết từ cây Đại Bồ Đạo Tràng – Nơi Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền mà đắc đáo. Toàn bộ không gian chùa đều toát lên một vẻ trầm lắng, yên tĩnh đối lập hoàn toàn so với con đường Thanh Niên nhộn nhịp phía trước chùa.
Cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc – Nguồn: @nayuuki1991
Ý nghĩa chùa Trấn Quốc
Từ lúc mới được xây dựng, Trấn Quốc được xem là ngôi chùa tâm linh quan trọng của quốc gia, địa điểm cầu nguyện giúp nhân dân xua tan đi thiên tai, ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Vào thời Lý – Trần thì nơi đây còn đảm nhiệm vai trò như trung tâm Phật giáo của kinh thành, nơi mọi hoạt động tâm linh quan trọng của thành Thăng Long xưa đều được tổ chức tại Trấn Quốc.
Ngày nay, chùa là địa điểm tâm linh được người dân thập phương đến cúng bái, cầu nguyện, là địa điểm khám phá, tham quan du lịch được du khách không chỉ trong mà còn ngoài nước yêu thích mỗi dịp ghé du lịch Hà Nội.
Địa điểm lưu trú gần chùa
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử của thành phố Hà Nội, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó sừng sững, uy nghi như một nét đẹp riêng vốn có của người Hà Thành. Đây cũng là địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động tôn giáo quan trọng của hội Phật Giáo và được người dân nơi đây ca tụng là “Ngôi chùa linh thiêng tại Hà Nội”.