Tìm hiểu Đề cương Văn hóa VN (Bài 2): Bàn về tính “khoa học” trong định hướng văn hóa
(Ảnh: H.A)
Đề cương Văn hóa VN nêu khá rạch ròi về 3 định hướng lớn là “Dân tộc”, “Khoa học”, “Đại chúng”. Trên thực tế, cả ba thành tố này có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, bổ trợ nhau và không loại trừ nhau. Muốn áp dụng nguyên tắc dân tộc trong văn hóa một cách đầy đủ, sâu sắc ta không thể tách nguyên tắc khoa học ra được.
Diễn đạt một cách giản dị, cái gì tiến bộ hợp với lẽ tiến hóa của sự vật tức là khoa học; cái gì thoái hóa, ngăn trở sự phát triển tự nhiên của sự vật tức là trái với khoa học; đồng thời, cái được cho là dân tộc nhưng không phù hợp nữa thì cũng không thể duy trì, bởi nó không bảo đảm tính khoa học. Như vậy, khoa học là yếu tố phù hợp với sự phát triển của xã hội, không chỉ ở hiện tại mà còn xu hướng vận động ở tương lai.
Tính khoa học trong văn học – nghệ thuật
Ở một khía cạnh cụ thể mang tính phổ biến của văn hóa là văn học, yếu tố khoa học cũng cần được quan tâm thể hiện rõ nét. Một nền văn học muốn có tính chất tiến bộ, khoa học phải biểu dương, làm lan tỏa những xu hướng tiến bộ của xã hội. Nhưng sự tiến bộ là không ngừng, nó luôn theo một định luật chung là từ thấp lên cao, từ giản đơn tới phức tạp, từ một trạng thái còn non nớt sang một trạng thái chín mùi hơn. Các tác phẩm văn học phải thể hiện được điều đó thì mới coi là khoa học.
Thí dụ, một tiểu thuyết bây giờ không thể viết bằng lối chương hồi như hồi vài thế kỷ trước; cho dù viết đề tài lịch sử nhưng phải phản ánh cái gì đó mới mẻ, phù hợp sự vận động, như nhận thức mới về vấn đề đó, có giá trị tư tưởng phù hợp với hiện tại…; nếu nội dung chỉ thuần túy mô tả cái gì đó rất xưa cũ mà không gợi được điều gì để người đọc hiện đại phải nghĩ và có thể học được thì không thể coi là có tính khoa học.
Kể từ khi nước VN mới ra đời, nền văn nghệ nước ta đến nay nói chung có một xu hướng tiến bộ rõ rệt, có sự cố gắng rất đáng khen, nhất là trong đả phá, bài xích chế độ cũ với các tàn dư của nó và ca ngợi những giá trị mới tinh thần mới. Trong đó, nhiều tác phẩm lớn đã phản ánh sinh động cuộc chiến tranh giành độc lập anh dũng của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến, về những cuộc “trở mình” ở các bước ngoặt của dân tộc…
Nhưng bên cạnh những tác phẩm lớn đó, dù hiện tại có khá nhiều tác phẩm dày về dung lượng, kể cả có nội dung viết về những tiến bộ của đời sống xã hội, người ta vẫn có cảm giác rằng hình như những tác phẩm ấy vẫn quanh quẩn một số chủ đề khá cũ, còn những thành tựu vẻ vang do Cách mạng tháng Tám tạo nên và đang tiếp tục khẳng định thì chưa được thể hiện sâu sắc. Trong đó, vai trò và đóng góp của công cuộc đổi mới trong hơn 35 năm qua đối với toàn thể nhân dân dù có ý nghĩa lịch sử nhưng dường như chưa có tác phẩm nào tương xứng. Nói cách khác, thực tế cách mạng ở nước ta gần 80 năm qua đã có một bước khá dài mà văn nghệ nước ta vẫn còn chưa theo kịp. Như vậy, tính khoa học chưa được khẳng định.
Vai trò của văn nghệ sĩ – những “kỹ sư tâm hồn”
Có người nhận xét, mặc dù nền văn hóa nước nhà có xu hướng tiến bộ chung nhưng nếu nó không phản ánh một cách điển hình, tiêu biểu cho được sự vận động vốn luôn xảy ra trong xã hội thì nền văn hóa đó không thể đảm nhận được cái sứ mạng tiên phong của nó và những văn nghệ sĩ không thể đóng được vai trò cao quý là những “kỹ sư tâm hồn” của nhân dân. Có nghĩa là, tính khoa học đã chưa được thể hiện đầy đủ, đúng mực.
Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, qua tác phẩm Đôi mắt, nhà văn Nam Cao đã mạnh mẽ phê phán người có cái nhìn sai lệch về thời cuộc cũng như tinh thần chống giặc của nhân dân, hay những người lối suy nghĩ ích kỷ, phiến diện theo lối mòn của một bộ phận tầng lớp trí thức đã quen với cuộc sống xa hoa, thì hiện nay, liệu có tác phẩm nào phê phán lối mê tín của một bộ phận người dân, trong đó có cán bộ, đảng viên khi “say sưa” với việc tranh giành ấn Đền Trần, đi lễ chùa, hầu đồng, thậm chí lễ lạt thành kính ở chùa, miếu được cho là linh ứng?
Hay một phim truyện kinh điển về chiến tranh là Cánh đồng hoang (kịch bản: Nguyễn Quang Sáng; đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến) đã khắc họa tính nhân dân của cuộc chiến bằng sự chân thật từ hình ảnh đến cốt truyện thì hiện có tác phẩm nào phản ánh sinh động, thuyết phục được sự vươn lên làm giàu cho bản thân và đóng góp cho quê hương bằng những mô hình có thật?…
Tính khoa học của văn hóa phải đi từ thực tiễn cách mạng và thành tựu của dân tộc
Khi đặt câu hỏi vì sao trong nền văn hóa nước ta thời gian qua nguyên tắc khoa học chưa áp dụng được một cách phong phú, cụ thể, có lẽ nguyên nhân chính không phải vì thực tiễn cách mạng ta không có một nội dung phong phú để có thể làm chất liệu cho hoạt động sáng tác. Trái lại, chúng ta có thể tự hào rằng, cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm cho dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới, như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tức là, nước ta đã bước những bước rất dài mà bình thường có thể cần phải hàng trăm năm mới đạt được, bao gồm cả về mặt dân khí và về mặt thành tích vật chất. Vậy thiếu những tác phẩm lớn phải chăng từ sự hạn chế về tính khoa học?
“Chính thực tiễn đó là chất liệu để văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm xứng tầm, có ý nghĩa động viên, khích lệ sự nỗ lực của mỗi người dân với khát vọng hùng cường.”
(Nguyễn Minh Hải)
Đương nhiên hiện nay chúng ta không giấu rằng vẫn còn nhiều khuyết điểm, tàn dư để lại, như tính thiếu kỷ luật, óc mê tín, tham nhũng… và những điều đó đang được dần khắc phục. Nhưng phần lớn người dân có óc suy xét, có tinh thần xây dựng đều nhận thấy những thành tựu nổi bật mà nước nhà đã đạt được trong thời gian qua. Đó là nền tảng quan trọng để đất nước ta sẽ sớm vươn tới vị thế mới trên trường quốc tế, cũng như tiếp tục đem lại niềm tự hào, hạnh phúc cho nhân dân. Chính thực tiễn đó là chất liệu để văn nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm xứng tầm, có ý nghĩa động viên, khích lệ sự nỗ lực của mỗi người dân với khát vọng hùng cường.
Bên cạnh đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta cần tiếp tục tiếp thu những tiến bộ văn hóa, văn minh của nhân loại miễn sao phù hợp với điều kiện thực tế của VN. Đó cũng là tính khoa học của nền văn hóa nước nhà!