Tiết lộ cách vận hành bên trong kho hàng Amazon – SUNO.vn Blog

Nhắc đến Amazon thì có lẽ cũng không còn xa lạ gì với nhiều người nữa. Amazon là một trong những công ty thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới và là nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ. Được thành lập vào năm 1994, đến nay Amazon đã đạt những thành công vượt bậc và có được vị trí hàng đầu trong ngành TMĐT. Một trong những yếu tố nổi bật góp phần tạo nên sự thành công đó chính là cách vận hành vô cùng hiện đại bên trong hệ thống kho hàng Amazon.

Bạn có tò mò về cách vận hành bên trong hệ thống kho hàng Amazon như thế nào hay không? Bạn có tò mò về cách vận hành bên trong hệ thống kho hàng Amazon như thế nào hay không?

Cuối tháng 10/2019 vừa qua, đế chế thương mại điện tử khổng lồ này đã chính thức tuyên bố thành lập đội ngũ chuyên trách tại thị trường Việt Nam. Dự đoán nền thương mại điện tử Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới. Vậy bạn có tò mò về cách vận hành bên trong hệ thống kho hàng Amazon như thế nào hay không? Hãy cùng SUNO tìm hiểu về cách vận hành bằng những công nghệ hiện đại và thông minh bên trong các kho hàng Amazon nhé.

Quy mô bên trong kho hàng Amazon:

Hệ thống kho hàng Amazon nổi bật với đầy đủ các công nghệ hậu cần thông minh đang là trụ cột cho công ty TMĐT trị giá nghìn tỷ USD này. Với 175 kho hàng hiện đại trên toàn thế giới, trong đó có tới 64 kho rải khắp Hoa Kỳ, 25 kho hàng được trang bị hơn 100.000 robot. Cùng hàng trăm nghìn người lao động khác, những nơi này thậm chí còn đang làm thay đổi cách vận hành của thương mại điện tử thế giới.

Ước tính kho hàng của Amazon rộng hơn 28 sân bóng đá 11 người và có thể chứa nước nhiều hơn 10.000 hồ bơi tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi kho hàng có khả năng kết nối chặt chẽ từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến khách hàng. Các kho hàng được đặt ở những vị trí chiến lược, nằm gần những trung tâm tiêu thụ lớn với hệ thống giao thông thuận lợi.

Không hề giống các kho hàng kiểu truyền thống, kho hàng Amazon được tin học hoá cao độ. Đến mức chúng đòi hỏi rất nhiều dòng mã hoá để vận hành, từ lúc những tín hiệu đầu tiên được máy tính gửi đi cho biết những sản phẩm nào được lấy xuống khỏi giá cho đến trình tự đóng gói, chờ đợi, bốc dỡ lên xe. Mọi thứ đều được theo dõi sát sao của những người quản lý nơi đây.

Những quy tắc vận hành bên trong kho hàng Amazon:

1. Hàng hóa được sắp xếp lộn xộn:

Khi các vật phẩm được đưa đến nhà kho, chúng được quét mã và đặt vào một ngăn trống trên một chiếc kệ trong hàng trăm chiếc kệ khác. Tuy nhiên lại chẳng có bất kỳ quy luật gì hay lý do tại sao quyết định chúng được đặt ở đó cả, thậm chí những nhân viên kho hàng dày dặn kinh nghiệm cũng chẳng thể lý giải tại sao. Và chỉ có một từ duy nhất để miêu tả cho việc lưu trữ vật phẩm tại kho hàng của Amazon là: “lộn xộn”.

Trong một nhà kho ngăn nắp kiểu truyền thống, khi một thùng kem đánh răng về tới kho, nó sẽ được đưa về khu vực được chỉ định nào đó. Nhưng trong nhà kho của Amazon thì khác. Khi một thùng 50 tuýp kem đánh răng về đến nơi, nhân viên sẽ mở hộp và lấy từng tuýp ra, đặt vào bất kì chỗ nào họ thấy trống. Hầu hết mọi sản phẩm đều được sắp xếp như vậy, chỉ trừ những sản phẩm quá to như tủ lạnh, máy giặt. Chúng không nằm theo thứ tự kích cỡ mà cũng không theo độ bán chạy.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của Amazon sẽ cho biết nơi nào có không gian kệ trống và cần lấp đầy nó càng nhanh càng tốt để tối đa hóa hiệu quả. Máy quét điện tử sẽ thông báo với nhân viên vị trí các vật phẩm mà họ đang tìm kiếm. Việc đặt sản phẩm vào bất kì chỗ nào đang trống thật ra là một cách tiết kiệm diện tích nhà kho vô cùng hiệu quả. Đồng thời nó cũng giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm hàng hóa để đóng gói.

Nghe có vẻ ngược đời, nhưng việc tìm sản phẩm đặt ngẫu nghiên sẽ dễ hơn việc tìm tới đúng khu để tìm nhiều lắm. Nếu như có một khu vực “kem đánh răng” riêng, nhân viên có thể sẽ phải đi tới cả trăm mét để ra khu vực đó. Nhưng nếu kem đánh răng nằm tại 50 vị trí ngẫu nhiên, nhiều khả năng nhân viên sẽ tìm ra nó sớm hơn.

2. Sử dụng Robot AI để lấy hàng:

Robot ở đây là những cỗ máy giống như những chiếc hộp nhỏ, nhấc giá đồ lên và chạy dọc theo một đường riêng. Các giá chứa đồ sẽ được hệ thống máy tính đảo liên tục để đưa chỗ trống ra phía ngoài. Chẳng phải lo về việc đồ đạc sẽ lộn xộn, bởi vì vị trí của chúng đã ngẫu nhiên sẵn rồi!

Robot sẽ có một trục thẳng hướng lên trên để đỡ những kệ đầy hàng hoá. Nhân công tại kho hàng Amazon chỉ cần đứng ở một khu cụ thể. Và để Robot di chuyển tới các địa điểm khác nhau để lấy hàng. Nhờ vậy, có thể tiết kiệm sức lao động của người lao động thay vì di chuyển nhiều cây số trong ngày. Đây cũng là ví dụ cho thấy con người và máy móc có thể phối hợp nhịp nhàng.

Robot không những cải thiện tốc độ, chính xác và tận dụng khoảng không hiệu quả khi mức tăng trưởng của thương mại điện tử cũng đẩy chi phí cho thuê thương mại tăng theo. Tuy nhiên, tất cả những công nghệ nêu trên đều không thể vượt quá hoạt động tay chân của người. Các công việc kiểm tra hàng hoá luôn đòi hỏi sự xuất hiện của con người để đảm bảo sự chính xác trong công việc. 

3. Đơn giản hóa quy trình hoạt động:

Nhân viên tại kho hàng Amazon thường xuyên thay đổi, nếu theo quy tắc truyền thống, một nhân viên mới vào sẽ mất cả tháng trời chỉ để học thuộc các khu vực chứa hàng. Cách lưu trữ của Amazon đơn giản hơn, dễ thực hiện hơn. Vì nó không có quy tắc cụ thể nào cả, hàng hóa thì sắp xếp ngẫu nhiên, lộn xôn và nhân viên thì đã có sẵn Robot để thực hiện công việc.

Điều này cũng giúp giảm thiểu gánh nặng quản lý kho. Thay vì có người nhập sổ sách, đếm số hàng còn lại, mọi thứ đều được tự động hoá bởi máy tính. Chỉ với vài lần bấm chuột, nhà quản lý có thể tìm ra chính xác “chiếc áo màu đỏ size XL với cổ V” này còn số lượng bao nhiêu trong kho mà không cần vào kho kiểm tra độ chính xác.

4. Không cần phải trữ hàng số lượng lớn mà cần trữ đa dạng hàng hóa:

Việc Amazon bán thẳng sản phẩm cho khách hàng cũng là yếu tố khiến việc lưu trữ hàng ngẫu nhiên trong kho được hiệu quả. Họ chỉ cần bán một tuýp kem đánh răng cho khách hàng, chứ không phải bán một hộp 50 tuýp cho cửa hàng để bán lẻ. Thế nên chẳng cần phải lưu trữ một hộp kem đánh răng 50 tuýp làm gì. Amazon không phải cha đẻ của chiến thuật lưu kho hàng hóa độc đáo này, nhưng đây là công ty đầu tiên có thể biến nó thành một quy mô khổng lồ đến không tưởng.

Hệ thống kho hàng hiện đại lưu trữ được đa dạng các loại mặt hàng và sắp xếp chúng một cách khoa học, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt tại các thị trường tiêu thụ lớn. cho phép việc quản lý được dễ dàng hơn, khi mà khách hàng có thể sẽ đặt bất cứ thứ gì có trong kho của Amazon.

Nhà kho chứa một lượng hàng hóa khổng lồ của đủ loại mặt hàng, có thể được xuất kho bất cứ lúc nào nhưng sẽ không có món hàng nào được tích tồn nhiều quá. Họ không thể có một cái nhà kho đủ lớn để chứa mọi thứ hàng mà cái nào cũng có số lượng lớn.

5. Kiểm soát an ninh chặt chẽ:

Các công nhân làm việc tại kho hàng Amazon không được phép mang bất cứ thứ gì vào trong kho, kể cả điện thoại di động. Như một cách để tăng tính bảo mật, các công nhân đều phải đi qua một trạm kiểm soát an ninh giống như ở sân bay mỗi khi họ rời khỏi kho hàng. Điều này đảm bảo an ninh và kiểm soát chặt chẽ việc thất thoát hàng hóa.

Nhân viên sẽ đi vào tay không và đi ra với hai bàn tay trắng. Charlee Mided – nhân viên làm tại một nhà kho Amazon ở Phoenix, Arizona cho biết: “Nếu bạn tự ý mang điện thoại vào kho hàng, bảo vệ sẽ tịch thu nó và cuối giờ làm việc bản phải đến bộ phân an ninh để lấy lại nó. Sau đó bạn sẽ phải về nhà rất muộn. Vì vậy, không ai muốn vi phạm điều này.”

6. Kiểm soát về tốc độ:

Những người công nhân chuyên lấy các vật phẩm từ trên các kệ hàng xuống để hoàn thành đơn đặt hàng của bạn gọi là “người nhặt đồ”. Trong quá trình làm việc, họ luôn bị theo dõi về tốc độ và độ chính xác.

“Công việc duy nhất hàng ngày của tôi là lấy 2 thùng nhựa lớn màu vàng, đặt vào xe đẩy có hai tầng và làm đầy chúng bằng các vật phẩm mà máy quét thông báo. Vào thời gian đỉnh điểm, tôi có thể chọn được khoảng hơn 120 vật phẩm nhưng hiệu quả làm việc như vậy vẫn chỉ được đánh giá là đủ tốt.” – một cựu nhân viên nhặt đồ chia sẻ về công việc của mình.

7. Sử dụng tấm bọc giảm xung chấn để đảm bảo chất lượng đóng gói hàng hóa:

Tại kho hàng của Amazon, những tấm bọc giảm xung chấn luôn được sử dụng để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi đóng gói. Nó giúp giảm thiểu những rủi ro bị bể vỡ khi va chạm trong quá trình vận chuyển. Đây gần như là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện gói hàng. Vậy nên, những tấm bọc giảm xung chấn luôn ở khắp nơi.

Thậm chí chúng còn dư lại khá nhiều sau khi bọc hàng. Mided – một nhân viên tại kho Amazon chia sẻ, các nhân viên Amazon lại rất thích thú với những bọc xung chấn còn dư lại. Họ hào hứng ngồi lên chúng, bóp chúng để nghe tiếng “bốp bốp”. Tấm bọc xung chấn như một trò giải trí được yêu thích tại kho hàng của Amazon. Nhân viên tại đây nói rằng họ vô cùng thích thú khi làm điều đó.

Lời kết:

Hệ thống kho hàng tiên tiến chính là sự khác biệt lớn và cũng là lợi thế của Amazon so với các đối thủ cạnh tranh. Nhiều công ty TMĐT chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho website mà không quan tâm đến hệ thống kho hàng.

Quy trình xử lí trong kho hàng của Amazon được áp dụng theo mô hình chiến lược CFN (Customer Fulfillment Networking). Nhờ hệ thống vận hành và quy trình xử lý hàng hóa thông minh này mà năng suất kho tăng lên 40%, chi phí vận hành trong 3 năm giảm xuống còn chưa đầy 10% doanh thu.

Tại Việt Nam, chi phí kho vận của các doanh nghiệp còn khá cao, chiếm đếm 20% giá thành phẩm, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển chỉ dao động từ 8-12%. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt đầu nhận ra và tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống kho hàng. Nên có phương án đầu tư hợp lý cho kho hàng với chiến lược lâu dài và nghiêm túc.