Tiến sĩ ĐH California: ‘Nghiên cứu Truyện Kiều khó hơn Vật lý’

Say mê và bén duyên với việc nghiên cứu Truyện Kiều, tiến sĩ Jaipal Tuttle (ĐH California, Mỹ) dự định gắn bó quãng đời còn lại của mình với Việt Nam.

Là tiến sĩ ngành Vật lý, giảng dạy tại ĐH California (Mỹ) và làm việc về tài chính, chứng khoán ở Phố Wall, Jaipal Tuttle thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình khi ông biết đến Truyện Kiều.

Năm 1998, trong chuyến du lịch, ông say mê những yếu tố về văn hóa, giá trị gia đình của Việt Nam. Về Mỹ, ông quyết định nghỉ việc và quay lại Việt Nam để học tiếng Việt.

TS vat ly nghien cuu truyen kieu anh 1

Tiến sĩ Jaipal Tuttle muốn gắn bó quãng đời còn lại của mình với Việt Nam và nghiên cứu Truyện Kiều.

Vốn yêu thích văn hóa truyền thống, ông tìm đọc nhiều sách, báo, xem phim, nghe nhạc Việt Nam. 5 năm sống trên dải đất hình chữ S, vốn nghĩ mình đã “rành” tiếng Việt, nhưng trong lần tình cờ tìm được cuốn Truyện Kiều dịch từ chữ Nôm sang chữ Hán Việt, Jaipal Tuttle không hiểu một từ nào trong đó.

“Lúc đó, tôi rất kinh ngạc và tự hiểu rằng mình phải làm gì sau đó”, TS Jaipal Tuttle kể về cơ duyên đưa mình đến với Truyện Kiều.

Từ đó, ông say mê đọc và nghiên cứu Truyện Kiều. Hiện, ông tìm dịch khoảng 50 bài thơ được nhắc đến trong Truyện Kiều nhưng không được Nguyễn Du viết ra.

“Tôi đọc từ bản nguyên tác ‘Kim Vân Kiều Truyện’ của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân rồi dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh những bài thơ này”, TS Vật lý ĐH California chia sẻ.

Ngoài ra, ông còn tìm hiểu văn học hiện đại đầu thế kỷ XX thông qua các tác phẩm hiện thực.

Khi được hỏi giữa nghiên cứu Truyện Kiều và Vật lý, việc nào khó hơn, Jaipal Tuttle nói rằng: “Chắc chắn việc nghiên cứu về Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm khó hơn nhiều so với bất cứ điều gì ông từng làm trong Vật lý, thậm chí là lấy bằng tiến sĩ.

“Cả hai lĩnh vực nghiên cứu đều hấp dẫn nhưng có nhiều người trên thế giới nghiên cứu Vật lý. Thật không may, ít người nghiên cứu Truyện Kiều và những người thực sự là chuyên gia đang rất già. Chúng ta phải học càng nhiều càng tốt”, ông nói.

TS Jaipal Tuttle đang sở hữu bộ sưu tập hơn 100 cuốn Truyện Kiều, có những cuốn là bản in quý. Ông chia sẻ mình đặc biệt thích nhân vật Thúy Kiều, Từ Hải và so sánh hai người như Romeo và Juliet.

“Tình yêu của Từ Hải dành cho Thúy Kiều mạnh mẽ, bất diệt. Chấp nhận quá khứ, để hướng về những gì tốt đẹp nhất tương lai, đó là tình yêu bao dung và trường cửu. Tôi bị xúc động mạnh với hình ảnh Từ Hải hiên ngang, chết đứng ở chiến trường, chân vùi trong cát, nhưng khi thấy những giọt nước mắt đau đớn của Kiều khi chạy tới, Từ Hải đổ xuống”, TS Jaipal Tuttle phân tích.

Ông dự định gắn bó với Việt Nam và công việc nghiên cứu Truyện Kiều trong suốt quãng đời còn lại của mình.

“Tôi và hai con sẽ ở lại đây. Có thể khi già hơn, tôi sẽ rời TP.HCM, về miền nông thôn nào đó để tận hưởng tuổi xế chiều”, ông chia sẻ.

TS vat ly nghien cuu truyen kieu anh 2

TS Jaipal Tuttle và hai người con dự định gắn bó với Việt Nam lâu dài. Ảnh: NVCC.

Ông khoe đã đặt chân đến nhiều tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Phan Thiết. Riêng miền Nam, Jaipal Tuttle đã đi không thiếu tỉnh nào. Ông đi nhiều nơi để tìm hiểu về truyền thống văn hóa mỗi địa phương và để tìm cách lý giải tại sao nhiều giá trị văn hóa của người Việt được truyền qua nhiều thế hệ.

Jaipal Tuttle đặc biệt ấn tượng với ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Theo ông, giá trị lớn nhất của ngày Tết chính là sự đoàn viên, gắn kết gia đình.