Tiền điện tử: Sự ra đời và xu hướng phát triển

Tiền điện tử, có tên gọi khác là tiền kỹ thuật số là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên Internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử. Tiền điện tử do Chính phủ phát hành được gọi là tiền số pháp định. Tiền điện tử không pháp định được gọi là tiền ảo.

Tiền điện tử được thiết kế với mục đích làm phương tiện trao đổi thay thế cho tiền pháp định, sử dụng thuật toán để bảo mật và xác nhận các giao dịch cũng như kiểm soát việc thành lập các đơn vị mới trong một mạng lưới tiền điện tử nhất định. Về cơ bản, tiền điện tử là một dạng cơ sở dữ liệu giới hạn đầu vào, không ai có thể thay đổi nếu không đáp ứng đủ một số điều kiện xác định sẵn.

Tiền điện tử có 2 hình thức chính là pháp định và không pháp định:

– Tiền điện tử pháp định: là dạng số hóa của tiền pháp định mà được Chính phủ phát hành, để có thể dễ dàng trao đổi qua Internet (các loại ví điện tử: MoMo, AirPay, Zalo Pay, Moca,…)

– Tiền điện tử không pháp định (tên gọi khác là tiền ảo): là một loại tiền điện tử không được kiểm soát, không được phát hành bởi Chính phủ mà thường được phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập. Loại tiền này được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của một cộng đồng ảo cụ thể. Tiền mã hóa là một lớp con của tiền ảo, là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi, sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Tiền mã hoá không được ban hành bởi bất kỳ tổ chức hay Ngân hàng trung ương nào, điều này khiến về mặt lý thuyết nó miễn nhiễm với sự can thiệp hoặc thao túng của Chính phủ. Bitcoin là loại tiền mã hoá đầu tiên được ra đời năm 2008.

Nguồn gốc xuất xứ, sự vận động của đồng tiền này từ khi ra đời đến nay

Năm 1983, một bài nghiên cứu của David Chaum đã giới thiệu ý tưởng về tiền điện tử. Năm 1990, ông thành lập DigiCash, một công ty tiền điện tử, ở Amsterdam để thương mại hóa các ý tưởng trong nghiên cứu của mình. Sau đó công ty này tuyên bố phá sản vào 1998.

coin

Ảnh minh họa

Cũng trong giai đoạn những năm 90, E-Gold cũng là 1 dự án gây được tiếng vang lớn tại Mỹ, phổ biến tới mức ở thời điểm đó E-Gold xử lý tổng giao dịch có khối lượng lên tới số tiền cả tỷ USD mỗi tháng. Tuy nhiên do hạn chế về mặt bảo mật lỏng lẻo, cho nên E-Gold đã bị hacker tấn công, cũng như bị sử dụng với mục đích xấu cho nên kể từ năm 2000 E-Gold bắt đầu đi xuống và bị khai tử trong năm 2009.

Năm 2008, một lập trình viên (hoặc một nhóm lập trình viên) sử dụng tên Satoshi Nakamoto đã xuất bản một bài báo mô tả các loại tiền điện tử và năm 2009 đã ra mắt Bitcoin, loại tiền điện tử mà sau này được chấp nhận và sử dụng rộng rãi nhất.

Trong giai đoạn 2009 – 2010, đã có thêm gần 100 loại tiền kỹ thuật số khác được ra đời. Tính đến hết tháng 5/2021, thế giới có 10.284 loại tiền điện tử, trong đó có 5.526 tiền điện tử được niêm yết trên thị trường (theo số liệu từ trang https://coinmarketcap.com/, trang thống kê thông tin hàng đầu của tất cả các đồng tiền ảo). Cho đến nay, Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa phổ biến và có giá trị nhất. Hàng ngàn loại tiền mã hóa thay thế, không phải Bitcoin, được gọi tên chung là Altcoin (viết tắt của các đồng tiền thay thế), có các chức năng hoặc thông số kỹ thuật khác nhau. Tiền mã hóa được xây dựng dựa trên những thuật toán phức tạp, hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu chuỗi khối (blockchain) – một sổ cái công cộng khổng lồ liệt kê tất cả các giao dịch được xác thực bởi một hệ thống máy tính kết nối toàn cầu. Do đó, nó cho phép các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa người gửi và người nhận mà không cần có sự kiểm soát của Chính phủ, ngân hàng hay các tổ chức tài chính mà vẫn đảm bảo tính an toàn và chính xác của giao dịch. Có thể nói, sự ra đời của tiền mã hóa đã đánh dấu bước ngoặc lịch sử về hình thức thanh toán điện tử.

Đánh giá về xu hướng phát triển của tiền điện tử

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) mới đây đã công bố một báo cáo cho thấy, 86% trong số 65 ngân hàng trung ương được khảo sát đang có một số hoạt động về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC – Central Bank Digital Tokens). Chúng có thể là nghiên cứu, chứng minh tính khả thi hoặc phát triển thí điểm. Trong khi đó, gần 15% còn lại đang chuyển sang nghiên cứu thực tế cho các đồng tiền thử nghiệm. Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng tập trung vào CBDC bắt nguồn từ việc người tiêu dùng đang ngày càng xa rời tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19. Tuy nhiên, xu hướng giảm sử dụng tiền mặt có thể không phải là lý do duy nhất. Tính tiện lợi và nhanh chóng, tránh nguy cơ rửa tiền, tiền giả… là những yếu tố tiện ích được tính đến. Hầu hết Nhóm 20 quốc gia (G20) đang khám phá, phát triển hoặc thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số, trong khi các quốc gia không thuộc G20 như Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ và Campuchia cũng cho biết họ đang xem xét các loại tiền kỹ thuật số.

tien ao

Đối với tiền điện tử pháp định: xu hướng phát triển tất yếu của xã hội tương lai, sẽ tồn tại dựa trên sự quản lý của các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các quốc gia.

Trung Quốc, thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới, là một trong những quốc gia coi tiền kỹ thuật số là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng Mỹ. Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC) đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm liên quan đến hệ thống Thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số và khẳng định, Trung Quốc đã “cơ bản hoàn thành” thiết kế cấp cao nhất, thiết lập tiêu chuẩn, nghiên cứu các chức năng và thử nghiệm tích hợp của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã nhiều lần xác nhận rằng không có thời gian biểu cho việc ra mắt chính thức đồng tiền kỹ thuật số của quốc gia này.

Có thể thấy sự phát triển của tiền điện tử pháp định và không pháp định đều là xu hướng tất yếu của xã hội tương lai, đi kèm với sự phát triển của khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông. Tiền điện tử, tiền ảo có thể trở thành phương tiện trao đổi, thanh toán mới của thế giới, khi tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử dường như đang ở mức cao nhất so với trước đây, khi công chúng đã thể hiện mức độ chấp nhận tiền kỹ thuật số như một phương tiện giao dịch khả thi. Việc chấp nhận tiền điện tử cũng đang đi theo con đường tương tự như Internet thương mại xuất hiện vào khoảng 1989-1990.

Mặc dù nhiều công ty chậm chấp nhận công nghệ mới, nhưng cuối cùng họ buộc phải nhượng bộ. Đến nay, internet không chỉ là xu hướng chủ đạo, mà các doanh nghiệp muốn hoạt động trong thế giới hiện đại bắt buộc phải sử dụng nó. Các ngân hàng có thể là tác nhân thúc đẩy việc áp dụng tiền điện tử trở thành xu hướng phổ biến vì nếu không cập nhật xu hướng mới, hệ thống ngân hàng có nguy cơ bị giảm sức mạnh và khả năng chịu đựng cạnh tranh.

Dự báo về sự tồn tại của coin

Đối với tiền điện tử pháp định: xu hướng phát triển tất yếu của xã hội tương lai, sẽ tồn tại dựa trên sự quản lý của các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các quốc gia.

Đối với tiền không pháp định: Với Bitcoin: Nếu trước đây Bitcoin chỉ được coi là một kênh đầu tư thì đến nay, việc thể chế hóa đồng tiền kỹ thuật số ngành tài chính ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Đi đầu trong tiến trình này chính là việc các nhà chức trách Mỹ ngày càng cấp phép nhiều hơn cho các nền tảng giao dịch dưới sự điều hành của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) hoặc thậm chí được hỗ trợ từ Sàn giao dịch Nasdaq để tung ra các công cụ phái sinh dành riêng cho bitcoin. Điều này đang dần tạo ra niềm tin cho việc sử dụng bitcoin trong trật tự tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Bitcoin và tiền ảo nói chung vẫn đang đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của các ngân hàng trung ương, vốn là cán cân kiểm soát nền kinh tế.

Với Altcoin và các đồng tiền mã hóa riêng tư: sẽ có hàng loạt coin rác bị xóa sổ bởi các nhà thực thi pháp luật. Và một số ít những đồng tiền được sinh ra từ hệ sinh thái đa dạng như Ethereum, Binance Coin,… sẽ tìm được chỗ đứng để phát triển song song với Bitcoin và tiền điện tử pháp định.

Tác động ảnh hưởng của coin với thế giới và Việt Nam.

Theo góc nhìn của Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc (PBOC), các loại tiền điện tử, kỹ thuật số pháp định sẽ đem lại các lợi ích như: (i) Khả năng tính toán chính xác hơn các chỉ tiêu như tỷ lệ lạm phát và các tiêu chí kinh tế vĩ mô khác; (ii) Tăng khả năng thu thập dữ liệu thời gian thực như việc phát hành, ghi sổ và lưu hành của tiền, góp phần làm tăng sức mạnh cho các công cụ chính sách tiền tệ và hỗ trợ nhà hoạch định chính sách; (iii) Nâng cao khả năng phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và trốn thuế thông qua hoạt động của Trung tâm dữ liệu lớn; (iv) Giảm bớt việc cung cấp thông tin, báo cáo giữa các tổ chức tín dụng và nhà quản lý.

Bên cạnh những lợi ích mang lại thì luôn có những rủi ro đi kèm khi sử dụng phương tiện thanh toán là tiền kỹ thuật số. Trong đó, có thể kể đến nguy cơ mất an toàn khi sàn giao dịch bị sập, ổ cứng bị lỗi, dữ liệu bị virus, các tập tin bị mất cắp, luôn hiện hữu hacker và tội phạm mạng… Cùng với đó, đối với tiền điện tử không pháp định, do tính ẩn danh và thuận lợi, dễ dàng trong giao dịch nên có thể bị lợi dụng cho các giao dịch phi pháp cũng như sẽ là một thách thức lớn với các NHTW và cơ quan quản lý trong kiểm soát lượng cung tiền, quản lý, giám sát và xử lý sự cố, rủi ro.

Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước coi tiền kỹ thuật số là một loại tài sản ảo (tiền ảo) và không coi nó là tiền tệ hay phương tiện thanh toán, việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam là vi phạm quy định pháp luật. Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam cũng cần có sự chuẩn bị và đưa ra những kịch bản, giải pháp phù hợp, thận trọng để nắm bắt xu thế của thế giới. Với sự phát triển của khoa học công nghê, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của tiền kỹ thuật số cũng như thừa nhận thị trường kỹ thuật số và xây dựng khung pháp lý về quản lý thị trường tiền kỹ thuật số tại Việt Nam là xu thế tất yếu.

Để quản lý được tiền kỹ thuật số, các nhà quản lý Việt Nam có thể cân nhắc việc xây dựng khung pháp lý quản lý thị trường tiền kỹ thuật số theo hướng cho phép thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số để giao dịch, đồng thời, kiểm soát được các rủi ro, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và hội nhập quốc tế. Điều đó sẽ tạo cơ chế bảo vệ hữu hiệu đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức sử dụng tiền kỹ thuật số, đồng thời, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ việc thu thuế các giao dịch sử dụng tiền kỹ thuật số.