Thuyết gắn bó lý giải nguyên nhân bạn vẫn chưa có mối quan hệ như ý
Trong một buổi nói chuyện với Bill Gates và sinh viên tại Đại học Columbia, Warren Buffett chia sẻ rằng quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người chính là chọn người bạn đời của mình. Có thể thấy, một mối quan hệ như ý và hôn nhân hạnh phúc vô cùng có ý nghĩa với chúng ta.
Tình yêu bắt đầu từ sự rung động của trái tim, nhưng một mối quan hệ dài lâu, bền chặt lại cần sự thấu hiểu. Ngoài các yếu tố như ngoại hình, tính cách, công việc, quan điểm sống, định hướng tương lai,…, hiểu về kiểu gắn bó của mình và người yêu/bạn đời sẽ giúp chúng ta đưa ra lựa chọn đúng đắn và cải thiện mối quan hệ.
Nội Dung Chính
Thuyết gắn bó là gì?
Thuyết gắn bó (attachment theory) là một thuyết tâm lý học giải thích sự gắn bó về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ của con người, đặc biệt là những mối quan hệ lâu dài. Thuyết này áp dụng cho cả mối quan hệ giữa bố mẹ/người nuôi dưỡng và con cái, lẫn mối quan hệ giữa các cặp đôi hay bạn đời.
Thuyết gắn bó được giới thiệu lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học người Anh John Bowlby. Ông mô tả hành vi gắn bó này là “bản tính gắn kết lâu dài về mặt tâm lý của loài người”.
Những thuyết tâm lý học hành vi sơ khai nhất cho rằng việc gắn bó chỉ đơn thuần là hành vi được hình thành dựa trên quan sát và học hỏi (learned behavior), là kết quả của mối quan hệ “nuôi nấng” (feeding relationship) giữa con cái và bố mẹ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu của mình John Bowly phát hiện ra rằng yếu tố quyết định sự gắn bó không chỉ là việc chăm lo chuyện ăn uống, mà là sự quan tâm, yêu thương và trách nhiệm.
Kiểu gắn bó với bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách và quyết định kiểu gắn bó với người bạn đời sau này.
Thử bài kiểm tra để xác định kiểu gắn bó của mình tại đây.
Có 4 kiểu gắn bó, đó là:
Có 4 kiểu gắn bó: Gắn bó an toàn, Gắn bó lo âu, Gắn bó né tránh và Gắn bó lo âu – né tránh.
1. Gắn bó an toàn
Thường gặp ở những đứa trẻ được bố mẹ đáp ứng nhu cầu và yêu thương chăm sóc đầy đủ, nhất quán. Người trưởng thành thuộc kiểu gắn bó an toàn cảm thấy thoải mái với sự thân mật và dễ dàng thể hiện tình cảm với người yêu. Họ biết cách giao tiếp với nửa còn lại và truyền đạt nhu cầu, mong muốn của mình một cách hiệu quả.
2. Gắn bó lo âu
Những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc và tình yêu của bố mẹ, hoặc chỉ được đáp ứng thiếu nhất quán sẽ hình thành kiểu gắn bó này. Họ luôn khao khát sự thân mật, sợ bị bỏ rơi nên thường nhạy cảm thái quá về các dấu hiệu chia cách trong mối quan hệ và xu hướng kiểm soát, bám đuổi. Họ cần nhận được sự đảm bảo và xoa dịu liên tục từ người yêu.
3. Gắn bó né tránh
Hình thành ở những đứa trẻ gặp phải sự lạnh nhạt, xa cách, thờ ơ hoặc thiếu hẳn bóng dáng của người chăm sóc trong thời thơ ấu. Người thuộc kiểu gắn bó né tránh không thoải mái với sự thân mật, e ngại sự ràng buộc. Họ đánh đồng sự thân mật với việc đánh mất độc lập tự do và liên tục cố gắng giảm thiểu sự gần gũi. Họ gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc sâu kín của mình với nửa kia.
4. Gắn bó lo âu – né tránh
Đây là kiểu gắn bó hình thành từ một tuổi thơ bị bạo hành hoặc bỏ bê nặng nề, tập hợp những điểm tiêu cực của hai kiểu lo âu và né tránh. Người thuộc nhóm này sợ gần gũi lẫn thân mật với người khác. Họ nhìn nhận các mối quan hệ theo cách rất mâu thuẫn: họ cần tiếp cận một ai đó nếu muốn được đáp ứng nhu cầu, nhưng nếu tiếp cận quá gần thì sẽ bị tổn thương.
Nói cách khác, họ muốn tìm kiếm sự an toàn từ ai thì đồng thời cũng sợ bản thân quá gần gũi với người đó. Kết quả là họ không biết cách nào để bày tỏ mong muốn của mình.
Kiểu gắn bó với bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách và quyết định kiểu gắn bó với người bạn đời sau này.
Vì sao cần nhận biết kiểu gắn bó của mình trong mối quan hệ?
Việc gắn bó giúp con người kết nối tình cảm sâu sắc và lâu dài, giúp ta cảm thấy an toàn, hạnh phúc và khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu gắn bó giống nhau.
Ví dụ, kiểu gắn bó lo lắng sợ bị bỏ rơi và cô đơn, còn kiểu gắn bó né tránh thì căng thẳng với sự gần gũi và luôn duy trì một khoảng cách nhất định với người yêu. Nếu hai người này ở trong cùng một mối quan hệ, có khả năng họ sẽ trải nghiệm nhiều đau khổ và thất vọng do sự khác biệt về nhu cầu gắn bó. Không hẳn là mối quan hệ của họ chắc chắn sẽ thất bại, tuy nhiên họ cần rất nhiều nỗ lực để hiểu nhau và hỗ trợ nửa kia.
Do đó, nhận biết được kiểu gắn bó của mình và của đối phương là chìa khóa giúp chúng ta cải thiện và giữ mối quan hệ lâu dài. Bạn nhận ra được điểm mạnh hay khía cạnh dễ tổn thương trong mối quan hệ. Bạn xác định được nhu cầu cụ thể của mình và biết ai có thể hoặc không thể đáp ứng những nhu cầu này.
Nhận biết được kiểu gắn bó của mình và của đối phương là chìa khóa giúp chúng ta cải thiện và giữ mối quan hệ lâu dài.
Kiểu gắn bó lo lắng và né tránh nên làm gì để cải thiện mối quan hệ?
Nếu bạn có kiểu gắn bó an toàn, thật tuyệt vời vì bạn có thể hẹn hò và yêu bất kỳ người thuộc kiểu gắn bó nào. Theo Amir Levine – bác sỹ tâm thần và nhà thần kinh học và Rachel S.F. Heller – Thạc sỹ tâm lý học từ Đại học Columbia, những người thuộc kiểu gắn bó lo lắng hoặc né tránh có xu hướng dần chuyển sang kiểu gắn bó an toàn nếu ở trong mối quan hệ hạnh phúc với người gắn bó an toàn.
Nếu bạn thuộc kiểu gắn bó lo lắng hay né tránh, đừng thất vọng vì bạn hoàn toàn có thể thay đổi điều này. Theo gợi ý của Amir Levine và Rachel S.F. Heller, bạn có thể học cách nhận ra và thay đổi các hành vi, cảm xúc, suy nghĩ đang cản trở để bạn có được mối quan hệ như ý.
Người gắn bó lo lắng có thể học cách xây dựng hình ảnh bản thân tích cực, thiết lập các ranh giới lành mạnh. Quan trọng hơn hết là biết cách chọn người yêu, người bạn đời thích hợp với nhu cầu gắn bó của mình.
Tương tự, người gắn bó né tránh có thể học cách mở lòng và chia sẻ, bộc lộ bản thân với người khác nhiều hơn, tin tưởng và dần thu hẹp khoảng cách trong các mối quan hệ thân mật. Trong cả hai trường hợp, giao tiếp và kiên nhẫn là nhân tố thiết yếu tạo ra sự thay đổi tích cực.
Dù là kiểu gắn bó nào thì giao tiếp và kiên nhẫn cũng là nhân tố thiết yếu tạo ra sự thay đổi tích cực.
Theo thuyết gắn bó, không có kiểu gắn bó nào bị xem là thiếu lành mạnh hoặc là “bệnh lý”, và bạn có thể đưa ra bất kỳ lựa chọn nào phù hợp với nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, nếu bạn khao khát được yêu thương và có mối quan hệ tốt đẹp nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại, đã đến lúc bạn nên dành thời gian chiêm nghiệm lại những mối quan hệ cũ, xác định kiểu gắn bó của bản thân để tự thay đổi và tạo ra mối quan hệ như ý.