Thường trực Ủy ban Xã hội làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Phó Chủ tịch Eurocham Jean-Jacques Bouflet phát biểu
Tại cuộc làm việc, đại diện EuroCham đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thường trực Ủy ban Xã hội liên quan đến các dự luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban sẽ được trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Trong đó, liên quan đến việc sửa đổi Luật Dược, đại diện EuroCham cho biết, hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31.12 năm nay và sang năm 2023 sẽ có 3.741 giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn, dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc. Trong điều kiện Luật Dược chưa sửa đổi được ngay trong năm 2023, đại diện EuroCham mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết cho phép: tiếp tục kéo dài thời hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc cho đến khi thủ tục về gia hạn giấy đăng ký lưu hành được bãi bỏ và áp dụng, hoặc ít nhất đến cuối năm 2024; giao Bộ Y tế thí điểm việc áp dụng cơ chế tham chiếu (Regulatory Reliance) trong đăng ký thuốc phù hợp với Việt Nam nhằm tối ưu hóa nguồn lực và đẩy nhanh tốc độ cấp phép lưu hành thuốc mới, thuốc hiếm, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận với các loại thuốc này rất nhanh tại Việt Nam sau khi được cấp phép tại các nước như Mỹ, châu Âu; hài hòa các quy định về thay đổi, bổ sung tại Việt Nam với các hướng dẫn của ASEAN (đối với thuốc) và WHO (đối với vaccine)…
Đại diện EuroCham cũng mong muốn Quốc hội Việt Nam sớm sửa đổi Luật Dược, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm đạt các mục tiêu về đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá thành hợp lý, an toàn, hiệu quả cho người dân; cân nhắc bổ sung thêm nguồn lực cho Bộ Y tế cũng như có cơ chế đánh giá, giám sát để bảo đảm thời gian phê duyệt đúng theo quy định tại Luật Dược.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu
Quang cảnh buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, các kiến nghị của EuroCham liên quan tới nhiều quy định tại Luật Dược hiện hành, bao gồm: cấp phép lưu hành thuốc, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, kiểm nghiệm thuốc, thông tin thuốc…, trong đó, vấn đề nổi lên trước mắt là việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tháo gỡ một phần khó khăn trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thông qua việc ban hành một số Nghị quyết như Nghị quyết số 30/2021/QH15, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Pharma Group, Chủ tịch Sanofi tại Việt Nam Emin Turan phát biểu
Vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với Bộ Y tế về tiến độ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, dự Luật này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội ghi nhận các kiến nghị của EuroCham và nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ nghiên cứu, báo cáo cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về vấn đề này để vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa bảo đảm chất lượng thuốc được cấp phép lưu hành bởi đây là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại cuộc làm việc
Tại cuộc làm việc, đại diện EuroCham cũng nêu một số đề xuất đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)… Ghi nhận và cảm ơn những góp ý tâm huyết của EuroCham, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực y tế của Việt Nam, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết sẽ nghiên cứu, xem xét cụ thể trong quá trình sửa đổi các dự án Luật này.