Thương hiệu Lý Tử Thất có nguy cơ biến mất

Lý Tử Thất không còn xa lạ với giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ thế giới nói chung, với gần 3 triệu người follow, Lý Tử Thất trở thành hiện tượng mạng và là động lực của nhiều bạn trẻ chọn lối sống “bỏ thành thị về nông thôn”.

Lý Tử Thất là một người nổi tiếng trên mạng chuyên làm vlog về ẩm thực và cuộc sống thôn quê ở Trung Quốc. Cô được biết đến qua việc tạo ra các video chuẩn bị thực phẩm và thủ công mỹ nghệ ở quê nhà tại Tứ Xuyên. Các video này thường được làm từ các nguyên liệu và công cụ thô sơ theo kỹ thuật thủ công truyền thống của Trung Quốc.

Cô bắt đầu đăng tải những video ghi lại cuộc sống đồng quê yên bình, xinh đẹp lên YouTube vào năm 2017 và khiến nhiều người mê mẩn bởi những thước phim đẹp như tranh vẽ cùng nhiều hoạt động thú vị: trồng trọt, nấu ăn, trang trí – cải tạo nhà cửa, sân vườn, làm đồ thủ công…

Tháng 2.2021, cô vừa phá kỷ lục Guinness, trở thành nhà sáng tạo nội dung Hoa ngữ có nhiều người theo dõi nhất trên YouTube. Tính đến ngày 31 tháng 8, kênh YouTube của “tiên nữ đồng quê”  31 tuổi đã có hơn 16 triệu người đăng ký. 

Tuy nhiên, gần đây, các “fan ruột” của Lý Tử Thất đã không khỏi lo lắng và thắc mắc lý do Lý Tử Thất không update các video mới trong một thời gian khá dài. Ngày 30 tháng 8, Lý Tử Thất quyết định ngừng sản xuất, đăng tải những video đồng quê lên mạng để chú tâm vào những kế hoạch khác. Cô muốn dành thời gian học tập và khám phá nhiều điều mới mẻ. Xoay quanh việc này, có không ít các thông tin đề cập về lý do thực sự khiến Lý Tử Thất tạm ngừng đột ngột là do có mâu thuẫn với quản lý Lưu Đồng Minh. Lưu Đồng Minh là người có công rất lớn trong việc đưa hình ảnh của Lý Tử Thất đến gần hơn với công chúng. Lý Tử Thất sáng tạo nội dung, công ty quảng bá, cả hai cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của thương hiệu. Phía Lưu Đồng Minh không can thiệp việc sáng tạo của Tử Thất.

Vận dụng Luật Bản quyền nhân dân Trung Hoa[1] và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2019, Pháp luật & Bản quyền có đánh giá về vụ việc.

Lý Tử Thất có quyền gì đối với các video ?

Lý Tử Thất là người trực tiếp lên ý tưởng video, viết kịch bản, đồng thời đảm nhận vị trí diễn viên cũng như trực tiếp thực hiện các ý tưởng của mình. Có thể hiểu, Lý Tử Thất sẽ được hưởng các quyền: Đặt tên cho tác phẩm, Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Tuy nhiên, Lưu Đồng Minh và công ty quản lý của Lý Tử Thất lại có vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật các video này. Công ty quản lý sẽ có quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, trừ khi, giữa Lý Tử Thất và công ty có thỏa thuận khác về việc đồng ý để Lý Tử Thất công bố tác phẩm hay đồng sở hữu.

Có thể thấy, quy định pháp luật của Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề này khá tương đồng.

Luật Bản quyền nhân dân Trung Hoa:

Article 15: “The copyright in a cinematographic work or in a work created by a process analogous to cinematography shall be enjoyed by the producer of the work, while its scriptwriter, director, cameraman, lyricist, composer and other authors shall enjoy the right of authorship therein and shall be entitled to receive remuneration in accordance with the terms of the contracts concluded between them and the producer”. (Tạm dịch: Bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra bằng quy trình tương tự như kỹ thuật điện ảnh sẽ do nhà sản xuất tác phẩm hưởng, còn tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, viết lời, soạn nhạc và các tác giả khác sẽ được hưởng quyền tác giả trong đó và được nhận thù lao theo các điều khoản của hợp đồng đã giao kết giữa họ và người sản xuất.)

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2019

Điều 21: Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu

“1. Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.

Người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm sân khấu được hưởng các quyền quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này và các quyền khác theo thỏa thuận.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này.”

Chủ sở hữu của kênh Youtube ?

Để xác định chủ sở hữu thực sự đối với kênh Youtube “ 李子柒 Liziqi” cần xác định ai là chủ tài khoản youtube này hay nói cách khác ai là người mở kênh youtube. Người thực hiện việc mở kênh youtube sẽ có quyền sở hữu kênh và các khoản lợi nhuận thu được từ kênh youtube này.

(Ảnh: Sưu tầm Internet)

Lý Tử Thất có quyền đối với công thức nấu ăn do mình sáng tạo ra?

Bên cạnh việc làm video, Lý Tử Thất cũng thực hiện việc kinh doanh ẩm thực từ năm 2018 trên trang bán trực tuyến Tmall. Lý Tử Thất mở cửa hàng bán sản phẩm trên trang Taobao với hơn 20 mặt hàng. Đồng thời, cô cũng mở công ty thực hiện việc sản xuất và bán hàng chục sản phẩm như bún ốc, bún chua cay, bún củ sen, cháo vừng, bánh trung thu, đồ khô. Các công thức này có thể coi là bí mật kinh doanh của công ty Lý Tử Thất.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bởi vậy cần xác định rõ ràng, công thức nấu ăn mặc dù do Lý Tử Thất sáng chế nhưng nó thuộc quyền sở hữu của công ty nếu nó được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới danh nghĩa công ty. Hoặc nếu Lý Tử Thất góp vốn vào công ty bằng công thức nấu ăn thì công thức này thuộc sở hữu công ty.

Điều gì sẽ xảy ra khi Lý Tử Thất và Công ty “tách nhau”?

Phải khẳng định, sự thành công của Lý Tử Thất ngày hôm nay, có công lao rất lớn của Lưu Đồng Minh và công ty quản lý. Bởi Lưu Đồng Minh là người đã phát hiện và khai thác tài năng của Lý Tử Thất, thực hiện việc nghiên cứu thị trường, kế hoạch marketing, kỹ xảo điện ảnh để đưa đến cho người xem những video chất lượng về nội dung và hình ảnh. Tuy nhiên, Lý Tử Thất cũng là nhân vật tiềm năng và chủ chốt của công ty thực phẩm. Bởi vì yêu thích hình ảnh trong sáng, thuần khiết, giản dị của cô mà lượng tiêu thụ nông sản tăng nhanh dẫn đến thành công của công ty như bây giờ.

Nếu Lý Tử Thất và công ty xảy ra mâu thuẫn và mỗi người một hướng thì tổn thất cho cả hai bên sẽ không hề nhỏ. Đối với Lý Tử Thất, như đã phân tích, hầu hết các video cô tham gia với vai trò là đạo diễn và diễn viên, công ty mới thực sự là chủ sở hữu của video này và có quyền công bố, Lý Tử Thất sẽ gặp khó khăn với việc điều hành kênh youtube. Bên cạnh đó, các công thức cũng không được sử dụng với tư cách cá nhân vì đây là tài sản của công ty. Còn với công ty thì các video là nơi thu hút lượng tương tác cũng không còn, lượng khách hàng sẽ giảm đáng kể do thiếu đi hình bóng của Lý Tử Thất.

Bài học cho cá nhân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh doanh

Thương hiệu Lý Tử Thất nói riêng và thương hiệu trên toàn thế giới nói chung được tạo lên từ nhiều yếu tố như logo, slogan, tên công ty, tên sản phẩm, uy tín cá nhân người lãnh đạo/góp vốn… Nó là sự kết hợp tổng thể và cố gắng của không chỉ một cá nhân mà cả một tập thể. Để thương hiệu có thể phát triển mạnh thì các vấn đề về nhân sự cần đảm bảo và hạn chế các tranh chấp nội bộ diễn ra. Các cá nhân và doanh nghiệp khi có định hướng kết hợp cùng nhau phát triển cần xác định mong muốn và nhu cầu kinh doanh cũng như tiềm lực kinh tế. Đặc biệt, cần chọn nhà đầu tư kỹ lưỡng, cẩn thận và thực sự tin tưởng. Bên cạnh đó, cần phải có nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của cá nhân khi tham gia vào các thỏa thuận và hợp đồng pháp lý, cần thường xuyên trao đổi và giải quyết các tranh chấp mới bắt đầu.

Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.

Thu Hiền

[1] Được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ VII ngày 7 tháng 9 năm 1990 và theo Lệnh số 31 của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 7 tháng 9 năm 1990; được sửa đổi theo Quyết định sửa đổi Luật Bản quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ IX vào ngày 27 tháng 10 năm 2001