Thực trạng tiếp nhận các ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị của độc giả hiện nay

Thứ ba, 01 Tháng 12 2020 11:26

1127 Lượt xem

(LLCT) – Tạp chí Lý luận chính trị là cơ quan nghiên cứu, ngôn luận, diễn đàn khoa học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ phản ánh những kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận chính trị đóng góp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tạp chí đã có sự hấp dẫn nhất định bởi những bài viết sắc sảo, những vấn đề thời sự cấp bách trong lý luận và thực tiễn xây dựng đất nước, được đông đảo các đối tượng độc giả đón nhận.

Ảnh: Ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị

Trải qua gần 45 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Lý luận chính trị đã có những bước phát triển toàn diện mạnh mẽ về nội dung và hình thức. Từ những ấn phẩm ban đầu còn khiêm tốn về hình thức, trình bày chất liệu giấy, số kỳ xuất bản số lượng trang còn ít, Tạp chí Lý luận chính trị đã xuất bản hàng tháng, phát hành rộng rãi trong cả nước, được đông đảo người đọc đón đợi. Đến nay, Tạp chí đã xây dựng thêm phiên bản điện tử và Tạp chí tiếng Anh và hoạt động ổn định, góp phần quảng bá rộng rãi hơn thành tựu lý luận của Việt Nam với thế giới.

Tạp chí đã xây dựng hệ thống chuyên mục, đề tài phong phú và sinh động, kịp thời phản ánh các hoạt động đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện cũng như phản ánh kết quả công tác lý luận của Đảng và đời sống chính trị đất nước. Các chuyên mục của Tạp chí đã không ngừng có sự thay đổi từ tiêu đề đến nội dung chuyên mục trong từng giai đoạn để không chỉ phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí mà còn phù hợp với thực tiễn đất nước.

Các bài đăng trên Tạp chí đều bảo đảm đúng nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, thực hiện công tác tư tưởng lý luận, tuyên truyền phổ biến và triển khai thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đóng góp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện.

Tạp chí đã có sự hấp dẫn đối với đa dạng các đối tượng độc giả, độc giả gắn bó lâu năm với ấn phẩm truyền thống của Tạp chí, độc giả mới biết đến qua các ấn phẩm điện tử và tiếng Anh trong những năm gần đây.

Qua khảo sát 639 mẫu nghiên cứu là các đối tượng độc giả của các ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị trên địa bàn các vùng, miền của cả nước về thực trạng tiếp nhận các ấn phẩm Tạp chí của độc giả, bài viết khái quát một số kết quả như sau:

1. Đặc trưng các đối tượng độc giả của Tạp chí Lý luận chính trị

Tạp chí Lý luận chính trị có đối tượng độc giả ở những mức độ khác nhau. Cụ thể, các đối tượng độc giả của Tạp chí tiếng Việt phần lớn đã biết đến và gắn bó với ấn phẩm trong thời gian dài. Số liệu khảo sát cho thấy, đối tượng độc giả của ấn phẩm này hầu hết đã biết đến và đọc Tạp chí tiếng Việt từ rất nhiều năm nay, các mốc thời gian từ trên 12 năm, 10-12 năm đều nhận được những chỉ số cao trong lựa chọn của độc giả về thời gian đọc Tạp chí. Trong đó, đối tượng độc giả đọc tạp chí Tiếng Việt từ 12 năm trở lên chiếm tỷ lệ lớn nhất (26,6%).

Ở các mốc thời gian mới đọc từ 1 đến 7 – 8 năm, đối tượng độc giả có tỷ lệ khá đồng đều là dưới 20%.

Ấn phẩm Tạp chí in tiếng Việt là ấn phẩm chính, có thời gian ra đời song hành với quá trình hình thành và phát triển Tạp chí Lý luận chính trị. Đặc biệt từ năm 2001, khi sáp nhập 2 Tạp chí Nghiên cứu lý luận và Thông tin lý luận thành Tạp chí Lý luận chính trị với diện mạo mới. Tạp chí đã nhận được sự đón đọc của  độc giả ở khắp các vùng, miền của Tổ quốc. Kết quả khảo sát độc giả biết đến và đọc ấn phẩm này với thời gian trên 12 năm là lớn nhất cho thấy, trong chặng đường qua, Tạp chí Tiếng Việt đã luôn nhận được sự quan tâm đón đọc của độc giả.

Với các ấn phẩm mới ra đời từ năm 2014 là Tạp chí tiếng Anh và Trang thông tin điện tử, các đối tượng độc giả phần lớn cũng mới gắn bó với các ấn phẩm trong 3-4 năm trở lại đây. Phân tích số liệu khảo sát cho thấy, độc giả biết đến và đọc Tạp chí tiếng Anh từ 1-3 năm trở lại đây chiếm 70,3% trong tổng số độc giả có đọc ấn phẩm này. Chỉ số này cũng diễn ra tương tự với ấn phẩm Trang thông tin điện tử nhưng ở mức thấp hơn (46,6%). Các độc giả biết đến và đọc 2 ấn phẩm này trong khoảng 4-6 năm trở lại đây chiếm tỷ lệ thấp hơn: Tạp chí tiếng Anh là 23,9%, với Trang thông tin điện tử là 37,7%.

Như vậy, với các ấn phẩm ra đời sau, sự quan tâm của độc giả chủ yếu trong khoảng 2-4 năm trở lại đây. Đó cũng là khoảng thời gian Tạp chí tiếng Anh và Trang thông tin điện tử ra đời và phát triển. Điều này cho thấy độc giả đã theo sát những bước phát triển của Tạp chí trong suốt chặng đường qua.

Các đối tượng độc giả của Tạp chí cũng rất đa dạng về lĩnh vực công tác và các chuyên ngành nghiên cứu. Phần lớn độc giả tập trung ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, trong đó nhiều nhất là các chuyên ngành triết học (20%), kinh tế học (16,7%), lịch sử Đảng (11,7%), tiếp sau là các ngành: xây dựng đảng và chính quyền Nhà nước (6,7%), quan hệ quốc tế (6,1%), Hồ Chí Minh học (3,9%), chủ nghĩa xã hội khoa học (3,8%), chính sách công (3,8%), quản lý công(3,1%) và trải đều với số lượng ít hơn ở các ngành xã hội học, văn hóa học, nhà nước và pháp luật, tâm lý học.

Như vậy, có thể nói, các thông tin đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí đã không chỉ phục vụ đơn thuần các độc giả trong lĩnh vực khoa học chính trị mà còn phục vụ rộng rãi các đối tượng độc giả thuộc nhiều chuyên ngành khoa học xã hội khác.

Các đối tượng độc giả của Tạp chí phần lớn đều đã có trình độ lý luận nhất định, từ sơ cấp lý luận chính trị đến cử nhân và cao cấp lý luận chính trị. Trong đó, tỷ lệ độc giả có trình độ cao cấp lý luận chính trị chiếm lớn nhất, gần một nửa (48,7%) tổng số độc giả được khảo sát.  Độc giả có trình độ sơ cấp lý luận chính trị chiếm 1,9%. Số độc giả chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị chiếm số lượng không nhiều, chỉ 4,7% trong tổng số độc giả được khảo sát. Từ kết quả khảo sát cho thấy, bạn đọc của Tạp chí phần lớn có nhiều kiến thức lý luận chính trị và các bài viết đăng tải trên các ấn phẩm Tạp chí đã đáp ứng yêu cầu về lý luận chính trị ở trình độ cao.

Trong đa dạng về nghề nghiệp của độc giả Tạp chí, nổi trội nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất là giảng viên các học viện, trường đại học, tiếp đó đến các đối tượng độc giả là cán bộ nghiên cứu ở các đơn vị chuyên môn. Điều này cho thấy, tính chất khoa học và đối tượng độc giả đặc thù của Tạp chí phần lớn là những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Độ tuổi các đối tượng độc giả của Tạp chí từ 25 đến 70 tuổi, trong đó tỷ lệ độc giả trong khoảng tuổi 36-45 tuổi chiếm cao nhất và tiếp sau là 46-59 tuổi. Đây là lứa tuổi mà phần lớn cá nhân đã tích luỹ được vốn tri thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Đối với độc giả là giảng viên, nghiên cứu viên, hai khoảng tuổi thể hiện nhiều nhất quá trình nghiên cứu, tích luỹ và truyền thụ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, độc giả Tạp chí có thâm niên công tác đa tầng từ 1 năm đến trên 20 năm, trong đó đối tượng độc giả công tác trên 20 năm chiếm số lượng lớn nhất trong tổng mẫu điều tra. Do đó, có thể nói, Tạp chí đã có những hữu ích nhất định và thu hút được sự quan tâm lớn đối với các độc giả có quá trình công tác lâu dài trong các cơ quan, ban ngành của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên bên cạnh đó, các ấn phẩm của Tạp chí vẫn còn nhận được ít sự quan tâm của các độc giả trẻ tuổi. Trong các cơ quan, đơn vị luôn cần có sự nối tiếp của thế hệ cán bộ trẻ. Riêng đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nơi tập trung đông độc giả của Tạp chí), việc xây dựng thế hệ cán bộ trẻ nối tiếp và phát huy truyền thống về chuyên môn, phẩm chất chính trị được xem là nhiệm vụ then chốt trong công tác cán bộ. Do đó, Tạp chí cần đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm cũng như phương thức phát hành để Tạp chí đến với các độc giả trẻ tuổi nhiều hơn nữa, thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của đối tượng này, từ đó, góp phần vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Học viện.

2. Những nội dung được độc giả tiếp nhận khi đọc Tạp chí Lý luận chính trị

Mức độ đọc các ấn phẩm Tạp chí của độc giả

Qua khảo sát cho thấy, độc giả có mức độ đọc khác nhau đối với mỗi ấn phẩm của Tạp chí. Khi được hỏi về việc đọc các ấn phẩm Tạp chí như thế nào gắn với các mức độ Rất thường xuyên (trên 1 lần/tháng), Thường xuyên (1-3 lần/1-3 tháng), Thỉnh thoảng (4-8 lần/năm) và Hiếm khi (1-3 lần/năm), các độc giả đã có sự lựa chọn khác nhau về mức độ đọc đối với từng ấn phẩm Tạp chí tiếng Việt, tiếng Anh và Trang thông tin điện tử. Trong đó:

Ấn phẩm Tạp chí tiếng Việt nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả hơn cả, thể hiện cụ thể trong tỷ lệ lớn độc giả lựa chọn mức độ đọc Rất thường xuyên và Thường xuyên. Trong tổng số mẫu điều tra, tỷ lệ này lần lượt chiếm 32,1% và 49,1%. Mức độ đọc Thỉnh thoảng đối với ấn phẩm này chiếm tỷ lệ không lớn, chỉ 16,6%. Những độc giả được khảo sát có mức độ đọc Tạp chí này là Hiếm khi có tỷ lệ thấp nhất trong tổng mẫu điều tra.

Ấn phẩm Tạp chí tiếng Anh: mức độ đọc của độc giả đã có nhiều khác biệt so với ấn phẩm Tạp chí tiếng Việt, thể hiện rõ rệt trong tỷ lệ độc giả lựa chọn mức độ đọc Thỉnh thoảng đối với ấn phẩm này là lớn nhất trong các mức độ đọc Tạp chí, tỷ lệ này chiếm 34,9% trong tổng số các độc giả đọc Tạp chí Tiếng Anh. Những độc giả Hiếm khi đọc ấn phẩm này cũng chiếm tỷ lệ không lớn (21,1%), trong tổng mẫu điều tra. Mức độ đọc Rất thường xuyên và Thường xuyên đối với ấn phẩm này của độc giả qua số liệu khảo sát là rất ít. Các mức độ đọc này lần lượt chỉ chiếm 7,4% và 12,2%, trong những độc giả được khảo sát. Điều khác biệt lớn giữa độc giả của 2 ấn phẩm này là cùng một tổng mẫu khảo sát thì tỷ lệ đọc Tạp chí Tiếng Việt là 100% nhưng với Tạp chí Tiếng Anh thì tỷ lệ này chỉ còn 75,6%, nghĩa là có đến 24,4% trong những người có đọc ấn phẩm tiếng Việt thì không đọc ấn phẩm Tiếng Anh của Tạp chí.

Những phân tích này cho thấy có khác biệt lớn trong sự quan tâm của độc giả đối với mỗi ấn phẩm. Có thể do tính chất của từng ấn phẩm, Tạp chí tiếng Việt đã có lịch sử ra đời từ gần 21 năm nay và có ngôn ngữ đại chúng với người Việt, còn ấn phẩm Tạp chí tiếng Anh mới chỉ ra đời cách đây 3-4 năm, chưa thực sự phổ biến rộng rãi trong giới nghiên cứu lý luận và lại là ấn phẩm có ngôn ngữ nước ngoài, đòi hỏi độc giả phải có trình độ tiếng Anh nhất định mới có thể đọc và hiểu được các nội dung đăng tải trên ấn phẩm, từ đó đã hình thành sự khác biệt lớn trong mức độ quan tâm của độc giả Tạp chí với 2 ấn phẩm.

Tuy nhiên, hiện trạng này cũng phần nào phản ánh trong thực tế Tạp chí Tiếng Anh vẫn chưa có nhiều độc giả biết đến và ít nhận được sự quan tâm của các đối tượng độc giả. Điều này đòi hỏi Ban Lãnh đạo Tạp chí cần có cơ chế quảng bá hình ảnh cũng như phổ biến rộng rãi ấn phẩm Tạp chí tiếng Anh tới công chúng, đặc biệt là giới nghiên cứu lý luận nhiều hơn nữa.

Đối với Trang thông tin điện tử, mức độ đọc Tạp chí của độc giả thể hiện thông qua mức độ truy cập trang web lyluanchinhtri.vn. Các mức độ truy cập Rất thường xuyên (hàng tuần), Thường xuyên (hàng tháng), Thỉnh thoảng (3-4 lần/tháng) và Hiếm khi (trên 5 tháng/lần) được sử dụng làm thang đo mức độ đọc Trang Thông tin điện tử của Tạp chí với cả ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh của độc giả. Kết quả khảo sát cho thấy, có sự khác nhau trong các mức độ truy cập của độc giả đối với ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt của ấn phẩm này. Đối với ngôn ngữ tiếng Việt trên trang web, tỷ lệ độc giả có mức độ truy cập Thường xuyên là lớn nhất (50,4%) trong tổng số người được hỏi. Các độc giả có mức độ truy cập Rất thường xuyên và Thỉnh thoảng ấn phẩm này bằng ngôn ngữ tiếng Việt là không lớn, các tỷ lệ này lần lượt chiếm 25,4% và 19,6% trong tổng mẫu điều tra. Đối với ngôn ngữ tiếng Anh, việc truy cập thông tin của độc giả bằng ngôn ngữ này ít hơn nhiều so với tiếng Việt, thể hiện qua tỷ lệ độc giả truy cập trang web bằng ngôn ngữ Tiếng Anh ở mức độ Rất thường xuyên, Thường xuyên rất nhỏ (các tỷ lệ lần lượt là 3,6% ; 12,5%) và ở mức độ Thỉnh thoảng là lớn nhất (47,1%) trong tổng mẫu điều tra.

Những phân tích trên cho thấy, có sự khác nhau trong mức độ đọc các ấn phẩm của độc giả, thể hiện cụ thể trong từng ấn phẩm, trong đó Tạp chí Tiếng Việt và Trang thông tin điện tử được độc giả đọc Thường xuyên nhiều nhất. Ấn phẩm tiếng Anh chưa thực sự phổ biến trong công chúng và còn ít nhận được sự quan tâm của độc giả. Điều này đòi hỏi Tạp chí cần có sự quảng bá hình ảnh, đưa ấn phẩm này đến nhiều đối tượng độc giả hơn nữa.

Những nội dung được độc giả tiếp nhận

Qua khảo sát ý kiến của độc giả về các nội dung họ quan tâm khi đọc các ấn phẩm của Tạp chí Lý luận chính trị cho thấy có sự đa dạng trong nội dung thông tin được độc giả tiếp nhận. Các mức độ Rất quan tâm, Khá quan tâm, Quan tâm, Ít quan tâm và Không quan tâm được dùng làm thang đo mức độ tiếp nhận những nội dung thông tin đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí của độc giả.

Phân tích số liệu cho thấy, độc giả tiếp nhận đa dạng thông tin đăng tải trên các ấn phẩm, trong đó các bài viết về “Nghiên cứu vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta”, “Phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước” ; “Phản ánh về các vấn đề mới, nổi bật trong các Văn kiện Đại hội”; “Phản ánh các nghiên cứu, phát triển lý luận trong nước”; “Đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” nhận được mức độ Rất quan tâm của độc giả lớn nhất. Mức độ Rất quan tâm của độc giả về những nội dung này đều chiếm khoảng 50% trong tổng số ý kiến của độc giả về các mức độ quan tâm đối với những nội dung trên.

Các bài viết “Thông tin các sự kiện chính trị – xã hội trong nước” ; “Thông tin về công tác đào tạo – bồi dưỡng và các chương trình, hoạt động khoa học” nhận được ít sự quan tâm của độc giả hơn khi mức độ Khá quan tâm được lựa chọn nhiều trong các câu trả lời của độc giả. Mức độ Khá quan tâm với những nội dung đều có tỷ lệ là 32,7%, cao nhất trong các mức độ quan tâm của độc giả về những chủ đề này.

Các bài viết “Phản ánh các kết quả tổng kết thực tiễn” ; “Thông tin về công tác đào tạo, bồi dưỡng, các chương trình, hoạt động khoa học” và “Các vấn đề thời sự quốc tế” nhận được sự quan tâm khá đồng đều của độc giả ở các mức độ, trong đó các bài viết về về công tác đào tạo – bồi dưỡng, các chương trình, hoạt động khoa học nhận được sự quan tâm của độc giả hơn cả khi mức độ Quan tâm chiếm tỷ lệ (34,4%), nhỉnh hơn các mức độ khác trong các câu trả lời của độc giả về nội dung này (Bảng 1).

Bảng 1: Các nội dung được độc giả quan tâm khi đọc các ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị

 Đơn vị: %

 

 

Nội dung các bài viết

Mức độ quan tâm

Rất quan tâm

Khá quan tâm

Quan tâm

Ít quan tâm

Tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta

 

51,3

 

18,6

 

25

 

5

Phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của NN

49,5

21,4

23,6

5

Phản ánh về các vấn đề mới trong các Văn kiện (dự thảo) Đại hội của Đảng

46,9

23

25,7

3,9

Phản ánh các nghiên cứu, phát triển lý luận trong nước

50,7

22,4

21,8

4,1

Đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

49,3

22,4

21,4

5,8

Thông tin các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong nước

28,5

32,7

32,2

4,9

Thông tin về công tác đào tạo, bồi dưỡng các chương trình, hoạt động khoa học

20,5

29,7

34,4

14,9

Phản ánh các kết quả tổng kết thực tiễn

33

32,9

29

4,7

Thông tin các vấn đề thời sự quốc tế

32,2

28,6

31,6

6,9

 

(Nguồn : Số liệu của nhiệm vụ khảo sát năm 2020 “Nghiên cứu, khảo sát thực trạng tiếp nhận, đánh giá và nhu cầu của độc giả đối với các ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị”. )

Như vậy, các nội dung được độc giả tiếp nhận khi đọc các ấn phẩm của Tạp chí chủ yếu là các bài viết về Tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta; Phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ; các vấn đề mới, nổi bật trong các Văn kiện Đại hội Đảng; Nghiên cứu, phát triển lý luận trong nước và quốc tế ; Đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ; các thông tin các sự kiện chính trị – xã hội trong nước và quốc tế; các thông tin về công tác đào tạo bồi dưỡng và các chương trình, hoạt động khoa học;  các kết quả tổng kết thực tiễn. Những nội dung này đều nhận tỷ lệ cao ở mức độ Rất quan tâm của độc giả khi đọc Tạp chí. Mỗi nội dung trên đều thể hiện chủ đề cốt lõi của mỗi chuyên mục thường kỳ và không thường kỳ mà Tạp chí đã duy trì trong nhiều năm. Đồng thời, đây cũng là những nội dung trọng tâm trong tôn chỉ, mục đích của Tạp chí. Điều này cho thấy Tạp chí đã có những phản ánh sắc rõ, sinh động và kịp thời các giá trị khoa học trong công tác truyền thông lý luận chính trị và thu hút được sự quan tâm của độc giả với các chuyên mục đã xây dựng thời gian qua.

3.  Mục đích tiếp nhận các ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị của độc giả

Qua khảo sát cho thấy, độc giả Tạp chí Lý luận chính trị có đa dạng mục đích tiếp nhận thông tin khi đọc ấn phẩm của Tạp chí. Đó là các mục đích cập nhật thông tin về: các văn bản, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quá trình nghiên cứu, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế ; về các chương trình bồi dưỡng, đào tạo và các hoạt động khoa học của Học viện ; các nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong nước và quốc tế; các thông tin hoạt động chuyên môn khoa học. Các mục đích cập nhật thông tin về những chủ đề này đều chiếm tỷ lệ lớn (60-70%) trong sự lựa chọn của độc giả được khảo sát.

Bên cạnh mục đích cập nhật thông tin, độc giả các ấn phẩm Tạp chí còn sử dụng các bài viết đăng trên Tạp chí như là học liệu cung cấp, bổ trợ kiến thức cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập lý luận chính trị của họ. Mục đích này cũng chiếm tỷ lệ lớn (lần lượt là 62,9% và 65,1%) trong lựa chọn của độc giả được khảo sát.

Các mục đích cập nhật sự kiện chính trị trong nước và quốc tế ; cập nhật các thông tin hoạt động chuyên môn khoa học chiếm tỷ lệ nhỏ hơn so với các mục đích trên. Tỷ lệ lần lượt của các mục đích này là 56,3% và 52,5%.

Tuy là cơ quan ngôn luận của Học viện, song có thể do các bài viết về công tác đào tạo – bồi dưỡng chưa được đăng tải thường xuyên mà việc độc giả sử dụng thông tin đăng tải trên Tạp chí để cập nhật các hoạt động này còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong kết quả khảo sát. Mục đích này chỉ chiếm 33,9% trong tổng số các câu trả lời về mục đích tiếp nhận thông tin đăng tải trên Tạp chí của độc giả.

Các mục đích sử dụng ấn phẩm Tạp chí tiếng Anh như là học liệu phục vụ học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh và các bài viết đăng trên Tạp chí như là thể thức bài báo khoa học mẫu để tham khảo, vận dụng còn nhận được ít nhận sự lựa chọn của độc giả về mục đích tiếp nhận thông tin trên các ấn phẩm Tạp chí của họ. Các mục đích này chỉ chiếm tỷ lệ lần lượt là 19,8% và 25,5% trong tổng số các ý kiến trả lời của độc giả.

Để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng thông tin đăng tải trên các ấn phẩm Tạp chí đối với các mục đích tiếp nhận thông tin của độc giả, nhóm nghiên cứu dùng thang đo Likert 5 lựa chọn với 5 mức độ: 5 – Rất hiệu quả, 4 – Khá hiệu quả, 3- Hiệu quả, 2 – Không hiệu quả, 1- Rất không/chưa thực sự hiệu quả. Kết quả khảo sát cho thấy, giá trị trung bình trong tổng các ý kiến của độc giả (về các mức độ hiệu quả của việc sử dụng thông tin đăng tải trên các ấn phẩm Tạp chí đối với mục đích tiếp nhận thông tin) là 3.468. Giá trị này tương ứng với mức độ Khá hiệu quả của thang đo. Điều đó cho thấy các thông tin đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Lý luận chính trị đã phục vụ Khá hiệu quả các mục đích tiếp nhận thông tin của độc giả.

Như vậy, qua phân tích số liệu khảo sát cho thấy, những nội dung được độc giả tiếp nhận trong các thông tin đăng tải trên các ấn phẩm của Tạp chí Lý luận chính trị đã phục vụ khá hiệu quả đa dạng các mục đích tiếp nhận thông tin báo chí khoa học của độc giả. Điều này cho thấy, Tạp chí đã không chỉ làm tốt nhiệm vụ truyền thông lý luận theo như tôn chỉ, mục đích mà còn đáp ứng tốt nhu cầu tiếp nhận thông tin báo chí khoa học của độc giả. Đây là cơ sở thực tiễn góp phần khẳng định vị thế là đơn vị đi đầu trong công tác truyền thông lý luận chính trị của Tạp chí Lý luận chính trị trong những năm qua.

Bước sang thời kỳ mới, trước yêu cầu ngày càng cao của việc khẳng định bản sắc cơ quan ngôn luận của Học viện, là diễn đàn rộng lớn bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trên cơ sở nắm bắt thực trạng tiếp nhận ấn phẩm báo chí khoa học, Tạp chí phát huy tính truyền thông lý luận của mỗi ấn phẩm đặc thù gắn với các nội dung thông tin được xác định trong tôn chỉ, mục đích, góp phần hơn nữa vào công tác thông tin lý luận chính trị.

__________________

(*) Bài viết là kết quả nhiệm vụ khảo sát năm 2020: “Nghiên cứu, khảo sát thực trạng tiếp nhận, đánh giá và nhu cầu của độc giả đối với các ấn phẩm của Tạp chí Lý luận chính trị”.

ThS Nguyễn Thị Lan

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh