Thực trạng quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở trường Trung học phổ thông

Thực trạng quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở trường Trung học phổ thông

(GDTĐ) – Thông qua kết quả nghiên cứu về thực trạng quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cùng các yếu tố trong nhà trường và chủ quan ảnh hưởng đến công tác quản lý ứng dụng CNTT, bài viết đề xuất các biện pháp quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học trong nhà trường. Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp sẽ nâng cao được chất lượng hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học nói chung và chất lượng dạy học các trường THPT huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội nói riêng.

Ý nghĩa của việc quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT

Ngày nay, CNTT đã có ảnh hưởng sâu rộng và thâm nhập mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, hỗ trợ đắc lực công tác nhà trường, dịch vụ xã hội… tạo nên một nền kinh tế thông tin, kinh tế tri thức. Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong GD&ĐT ở các cấp học, bậc học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, GV các trường THPT đã có nhiều cố gắng ứng dụng CNTT vào việc dạy học. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý và GV còn mang tính tự phát, chưa thật sự trở thành một nhu cầu, hiệu quả chưa cao vì một số nguyên nhân như: Nhận thức của cán bộ quản lý, GV về vai trò của CNTT chưa đầy đủ nên chưa tích cực trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học; Trình độ về CNTT của cán bộ quản lý và GV còn hạn chế; Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, môi trường ứng dụng CNTT chưa đảm bảo ở một số đơn vị trường học….

 

Từ những nguyên nhân trên cho thấy cần phải có những biện pháp cụ thể để quản lý việc ứng dụng CNTT trong dạy học của đội ngũ GV trường THPT, tìm ra cách thức tổ chức ứng dụng CNTT một cách khoa học và hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở các trường THPT, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ cho xã hội. Để làm điều này phải thay đổi tư duy quá trình quản lý dạy và học một cách cụ thể, tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền GD nói chung và đổi mới theo hướng GD 4.0 nói riêng. Tức là phương pháp GD cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Qua đó, hình thức GD sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân phát triển E- learning hay sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt. Cụ thể, cần áp dụng mô hình GD mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; Giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội…

Khung lý luận để khảo sát thực tiễn

* Ứng dụng CNTT trong dạy học:

Ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường phổ thông hiện nay qua các khâu: Chuẩn bị giáo án, dạy học trên lớp, kiểm tra và lưu trữ sản phẩm có ứng dụng CNTT…

* Nội dung quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học:

Cũng như các hoạt động quản lý khác, việc quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học ở trường THPT gồm những nội dung sau:

– Xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong dạy học.

– Tổ chức sử dụng CNTT trong chuẩn bị bài và trong dạy học.

– Chỉ đạo GV sử dụng CNTT trong chuẩn bị bài, lên lớp.

– Kiểm tra đánh giá việc ứng dụng CNTT trong chuẩn bị bài, tổ chức quá trình dạy học.

* Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý ứng dụng CNTT trong các trường THPT hiện nay:

Việc quản lý ứng dụng CNTT trong các trường THPT hiện nay gồm các yếu tố trong nhà trường: Nhận thức, năng lực, trình độ của đội ngũ CBQL, GV, nhân viên và học sinh và các yếu tố ngoài nhà trường: môi trường sư phạm, hạ tầng kĩ thuật, cơ sở vật chất nhà trường, chương trình dạy học, cơ chế chính sách, các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Kết quả nghiên cứu

Tổ chức khảo sát

* Cách cho điểm và đánh giá:

– Rất thường xuyên/Hiệu quả/Tốt/Rất cần: 4 điểm;

– Thỉnh thoảng/Khá/Cần thiết: 3 điểm;

– Ít khi thực hiện/Trung bình/Chưa cần thiết: 2 điểm;

– Chưa bao giờ thực hiện/Không hiệu quả/Yếu/Không cần thiết: 1 điểm

– Mức điểm bình quân của mỗi nội dung: (4+3+2+1): 4 = 2,5 điểm.

* Mẫu và đối tượng khảo sát:

– Các biểu mẫu thống kê để thu thập số liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu;

– Các phiếu thăm dò ý kiến để tìm hiểu về nhận thức, ý kiến đánh giá và ý kiến đóng góp về các nội dung của vấn đề nghiên cứu.

Mẫu phiếu điều tra bao gồm:

– Phiếu 1: Trưng cầu ý kiến về “Thực trạng ứng dụng CNTT ở trường THPT huyện Thanh Trì”.

-Phiếu 2: Tham khảo ý kiến về “Thực trạng quản lý ứng dụng CNTT ở trường THPT huyện Thanh Trì”.

-Phiếu 3: Tham khảo ý kiến của CBQL ở Sở GD&ĐT và CBQL và GV là tổ trưởng chuyên môn các trường THPT về “Mức độ cần thiết và khả thi của các biện pháp quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở trường THPT huyện Thanh Trì”.

* Ứng dụng CNTT trong tổ chức giảng dạy trên lớp

Qua khảo sát, việc ứng dụng CNTT vào tổ chức giảng dạy trên lớp được thể hiện ở mức độ khá, với điểm trung bình chung =2.67 (thang điểm thấp nhất là Min=1 và cao nhất Max=4 và trung bình là =2.5);

Nội dung ứng dụng CNTT vào tổ chức giảng dạy trên lớp gồm 5 nội dung khác nhau và được thực hiện không đồng đều nhau, có sự khác biệt theo từng nội dung. Trong đó, nội dung “sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy như máy chiếu, máy tính, máy chiếu vật thể…” được sử dụng ở mức thường xuyên nhất, đạt điểm trung bình =2.72 xếp thứ hạng cao nhất 1/5. Ngược lại, nội dung “sử dụng phòng máy tính, phòng học đa năng” được sử dụng ở mức kém thường xuyên nhất, đạt điểm trung bình =2.47 xếp thứ hạng thấp nhất 5/5. Điều này được hầu hết đội ngũ GV giải thích do CSVC của trường chưa được đầu tư nhiều nên phòng máy tính hay phòng học đa năng chưa đáp ứng được các yêu cầu dạy học. Vì vậy rất ít GV sử dụng tốt phòng máy tính hay phòng học đa năng.

* Ứng dụng CNTT trong công tác kiểm tra đánh giá

Kết quả khảo sát về kiểm tra đánh giá kết quả học tập trong 6 nội dung khảo sát cho thấy, điểm trung bình chung ở các nội dung = 2.15 thấp hơn mức trung bình, nhưng trong các nội dung ứng dụng CNTT vào kiểm tra đánh giá kết quả học tập thì khâu thiết kế câu hỏi kiểm tra đạt mức điểm =3.04 xếp thứ hạng 1/6 và sử dụng các thiết bị máy in đề trắc nghiệm (máy in laser để in) xếp thứ 2 với điểm trung bình là =2.67. Qua khảo sát và phỏng vấn GV thì đa số GV sử dụng phần mềm trộn câu hỏi trắc nghiệm rồi in ra phát cho học sinh làm bài trực tiếp trên giấy hầu hết ở các môn học để phục vụ thi THPT quốc gia như toán, lý, hóa, sinh… còn việc cho học sinh kiểm tra trắc nghiệm thông qua phòng máy tính rất ít thực hiện hoặc không thực hiện với lý do kỹ năng sử dụng CNTT còn hạn chế khi vào phần mềm do vậy chỉ có một số GV môn tin học kiểm tra trắc nghiệm thông qua máy tính.

* Ứng dụng CNTT xây dựng tài nguyên (lưu trữ các sản phẩm)

Ứng dụng CNTT vào lưu trữ sản phẩm dạy học có điểm trung bình chung là = 3.23 đều cao hơn mức trung bình là =2.5, chứng tỏ GV có ý thức lưu trữ sản phẩm để sau này khai thác. Trong các nội dung được khảo sát thì nội dung xây dựng bài giảng E-learning xếp thứ 7/7 với điểm trung bình chung là =2.33 dưới mức trung bình =2.5. Các thầy cô phản ánh do tạo bài giảng E-learning khó, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và công phu, nội dung bài giảng E-learning phải do tác giả thể hiện do vậy rất ít các thầy cô lưu trữ bài E-learning của người khác.

Qua khảo sát tại các trường THPT huyện Thanh Trì cho thấy cơ bản GV đã biết ứng dụng CNTT vào dạy học, điều đó thể hiện qua điểm trung bình chung của các hoạt động là =2.69. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập ở mức độ thấp, mới chỉ đạt điểm trung bình chung =2.1 so với mức điểm trung bình là =2.5. Điều đó cho thấy GV chưa chú trọng ứng dụng CNTT vào khâu kiểm tra đánh giá.

Thực trạng quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT huyện Thanh Trì

Việc quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT huyện Thanh Trì được thể hiện qua các yếu tố sau: Lập kế hoạch ứng dụng CNTT vào dạy học; Tổ chức bộ máy quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học; Chỉ đạo ứng dụng CNTT vào dạy học; Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT vào dạy học. Qua bảng đánh giá tổng hợp cho thấy công tác quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT thực hiện khá tốt thể hiện ở điểm trung bình chung là =2.61.

Ở nội dung “lập kế hoạch ứng dụng CNTT vào dạy học” được thực hiện tốt nhất với điểm trung bình chung là =2.80 xếp thứ 1/4. Như vậy, bước đầu đội ngũ cán bộ quản lý đã quan tâm đến công tác xây dựng kế hoạch để quản lý. Nếu kế hoạch tốt thì các bước quản lý tiếp theo để triển khai cũng tốt. Tiếp đến nội dung “tổ chức bộ máy quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học” xếp thứ 2/7 với điểm trung bình =2.6 được đánh giá ở mức độ khá tốt. Tuy nhiên việc “chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng CNTT” và “kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thực hiện ứng dụng CNTT vào dạy” chỉ đánh giá ở mức trung bình khá với điểm trung bình chung là =2.55 và =2.5 xếp thứ 3 và thứ 4.

Từ những kết quả khảo sát ở trên cho thấy các đơn vị vẫn chưa sát sao trong công tác kiểm tra đánh giá. Cho dù kế hoạch tốt nhưng trong quá trình thực hiện mà không chú trọng đến kiểm tra để phát hiện những sai sót kịp thời và điều chỉnh kế hoạch thì công tác quản lý sẽ có thể dễ dàng thất bại. Kết quả việc ứng dụng CNTT trong dạy học là quá trình xuyên suốt. Hiện nay các đơn vị gần như bỏ khâu kiểm tra xem việc thực hiện ứng dụng CNTT của đơn vị mình như thế nào.

Bên cạnh đó, vẫn còn bộ phận không nhỏ CBQL và GV chưa thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong dạy học, trong khi đó Ban Giám hiệu cũng chưa có chế tài hay các biện pháp đánh giá vào thi đua cuối năm để nâng cao hiệu quả quản lý ứng dụng CNTT trong dạy học. Đây cũng chính là điểm yếu của các trường THPT huyện Thanh Trì trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu tham quan các gian triển lãm trong ngày hội CNTT cấp Thành phố

Các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT huyện Thanh Trì

Việc quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở các trường THPT huyện Thanh Trì chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố trong nhà trường và chủ quan. Từ bảng số liệu cho thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học thể hiện ở điểm trung bình chung =3.38.

Các yếu tố trong nhà trường gồm có: Nhận thức của cán bộ quản lý về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT vào dạy học; Năng lực quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học; Tri thức, kinh nghiệm và quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học của cán bộ quản lý; Nhận thức của GV về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT vào dạy học; Ý thức và lòng yêu nghề dạy học của GV; Hiểu biết và kỹ năng sử dụng CNTT vào dạy học; Hứng thú của GV với ứng dụng CNTT vào dạy học; Phong trào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới giáo dục trong nhà trường; Tuổi đời của cán bộ quản lý và GV trong nhà trường; Hạ tầng CNTT trong nhà trường phục vụ cho dạy học; Vấn đề đánh giá thi đua của GV dựa vào tiêu chí ứng dụng CNTT vào dạy học. Trong số các yếu tố bên trong nhà trường có yếu tố “hiểu biết và kỹ năng sử dụng CNTT vào dạy học” là ảnh hưởng nhiều nhất. Mặc dù Sở GD&ĐT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV những tri thức, kỹ năng về CNTT nhưng các tổ chuyên môn lại thiếu đi các hoạt động nhằm tổ chức cho đội ngũ được thực hành thể hiện các tri thức và kỹ năng về CNTT trong dạy học một cách khoa học, có tổ chức, có kế hoạch. Các hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học thường được thực hiện theo ngẫu hứng, tùy tiện, không có những quy trình hướng dẫn cho GV thực hiện, từ khâu ứng dụng CNTT trong soạn giáo án, đến khâu giảng bài trên lớp hay hướng dẫn HS ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp học tập, thiếu tính kế hoạch, thiếu sự tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện.

Các yếu tố ngoài nhà trường gồm có: Chỉ đạo của Sở GD&ĐT về ứng dụng CNTT trong nhà trường; Cơ chế, văn bản, nghị quyết, chính sách về ứng dụng CNTT vào dạy học; Định hướng của các cấp quản lý ngoài nhà trường về vấn đề ứng dụng CNTT; Sự thống nhất chặt chẽ của các cấp quản lý trong việc đưa CNTT vào nhà trường; Sự phát triển văn hoá – kinh tế – xã hội của địa phương; Tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giai đoạn hiện nay; Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nhà trường; Đổi mới giáo dục và đổi mới giáo dục phổ thông; Chỉ đạo phong trào đổi mới phương pháp dạy học của Sở GD&ĐT; Đầu tư về CSVC, hạ tầng CNTT cho các trường THPT. Trong các yếu tố ngoài tác động ảnh hưởng đến ứng dụng CNTT yếu tố “cơ chế, văn bản, nghị quyết, chính sách về ứng dụng CNTT trong dạy học” được đánh giá là ảnh hưởng nhiều nhất. Khi các đơn vị có cơ chế ưu đãi hay chế độ đãi ngộ tốt thì sẽ kích thích động viên GV ứng dụng CNTT vào dạy học. Nhưng theo đánh giá chung hiện nay thì chưa thấy trường nào có văn bản rõ ràng hỗ trợ GV kinh phí hay đánh giá khen thưởng khi GV ứng dụng CNTT vào dạy học.

Các biện pháp nâng cao chất lượng việc quản lý ứng dụng CNTT vào dạy học ở trường THPT huyện Thanh Trì

– Nâng cao nhận thức cho CBQL, GV về ứng dụng CNTT trong việc dạy và học.

– Xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong dạy học cho GV và CBQL.

– Tổ chức hiệu quả ứng dụng CNTT trong dạy học.

– Tăng cường chỉ đạo ứng dụng CNTT trong dạy học.

– Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá ứng dụng CNTT trong dạy học.

– Tăng cường đầu tư kinh phí, CSVC, thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT vào dạy học.

– Xây dựng kho học liệu điện tử dùng chung phục vụ dạy học.

Việc ứng dụng CNTT vào dạy học trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết đối với các trường THPT trên địa bàn huyện Thanh Trì. Nếu biết sử dụng đúng cách và hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả lớn đối với các trường THPT nói chung và các trường THPT huyện Thanh Trì nói riêng. Để đẩy mạnh được việc ứng dụng CNTT trong trường THPT huyện Thanh Trì thì phải phát huy các điểm mạnh và khắc phục các tồn tại. Đặc biệt là sự vào cuộc của Ban Giám hiệu thúc đẩy GV ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng được công tác dạy học trong bối cảnh hiện nay.

Trần Văn Đức – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 105, tháng 10/2018