THỰC TRẠNG LO ÂU, TRẦM CẢM Ở HỌC SINH LỚP 12 TẠI 2 TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA THÀNH PHỐ THÁI BÌNH NĂM 2020 | Tạp chí Y học Việt Nam
Nghiên cứu mô tả cắt ngang nhằm mô tả thực trạng lo âu, trầm cảm của học sinh và một số yếu tố liên quan ở đối tượng học sinh lớp 12 tại 2 trường THPT của thành phố Thái Bình năm 2020. Nghiên cứu thu thập thông tin qua phát vấn bộ câu hỏi sử dụng bộ công cụ DASS-21. Kết quả cho thấy tỷ lệ học sinh có biểu hiện lo âu là 24%, trầm cảm là 60%. Về mức độ, tỷ lệ lo âu từ nhẹ, vừa, nặng, rất nặng lần lượt là 10,5%; 6,8%; 4,5%; 2,2%. Tỷ lệ trầm cảm từ nhẹ, vừa, nặng, rất nặng lần lượt là 13,3%; 24,2%; 10,3%; 12,2%. Sự thiếu quan tâm của bố mẹ, thầy cô làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, lo âu ở học sinh. Ngoài ra thường xuyên bị áp lực thi, kiểm tra cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Các yếu tố hài lòng về mối quan hệ bạn bè, và tình trạng hôn nhân của bố mẹ có liên quan tới tình trạng lo âu của đối tượng nghiên cứu. Tăng cường sự quan tâm của gia đình, bạn bè, thầy cô và nhà trường trong việc sắp xếp thời gian học sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ở học sinh.