Thực trạng kiến thức về phòng và xử trí phản vệ của sinh viên Đại học Điều dưỡng chính quy năm thứ 4 Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định | Tạp chí Khoa học Điều dưỡng
Tóm tắt
Mục tiêu: Mô tả thực trạng và tìm các yếu tố liên quan đến kiến thức về phòng và xử trí phản vệ của sinh viên đại học chính quy năm thứ 4 Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 270 sinh viên năm cuối (khóa 12) của Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Sử dụng bộ câu hỏi được thiết kế sẵn dựa trên thông tư 51/2017/TT-BYT.
Kết quả: Kiến thức về phòng phản vệ: 81,9% sinh viên cho rằng cần ghi chép các thông tin liên quan đến dị ứng của người bệnh vào bệnh án, giấy ra viện, chuyển viện. Tỷ lệ sinh viên biết khai thác rõ tiền sử dị ứng của người bệnh và chỉ định đường dùng thuốc phù hợp lần lượt chiếm 55,2% và 26,7%. Kiến thức về xử trí phản vệ: Phần lớn sinh viên biết cách xử trí ban đầu phản vệ là dừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên chiếm 85,6%. Tỷ lệ sinh viên trả lời đúng về bước cấp cứu tiếp theo sau khi xử lý ban đầu chiếm 30%; Có lần lượt 43,3% và 42,2% sinh viên cho rằng cách sử dụng Adrenalin là tiêm bắp, ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ 1 và độ 2 trở lên.
Kết luận: Kiến thức về phòng và xử trí phản vệ của sinh viên còn hạn chế với 74,1% có kiến thức trung bình. Các yếu tố: đã được học; thời gian gần nhất tìm hiểu về phản vệ và nguồn hướng dẫn ban đầu có mối liên quan với kiến thức về phòng và xử trí phản vệ của sinh viên.