THỰC HIỆN TỐT KỸ THUẬT “VỖ RUNG LỒNG NGỰC” NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG HÔ HẤP
Bệnh nhân Đ.T.B 54 tuổi, địa chỉ Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng, có tiền sử hen phế quản điều trị nhiều lần, cách ngày vào viện 10 ngày bệnh nhân xuất hiện ho từng cơn, có đờm trắng, dính, khó thở tăng dần, tức ngực, dùng thuốc ở nhà không đỡ, được người nhà đưa đến viện vào khoa Nội tổng hợp điều trị. Sau khi thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Hen phế quản bội nhiễm, được chỉ định điều trị nội khoa kết hợp với kỹ thuật vỗ rung lồng ngực hàng ngày. Sau 07 ngày điều trị bệnh ổn định và được ra viện. Bệnh nhân chia sẻ: Tôi bị bệnh hen phế quản mãn tĩnh nhiều năm nay, thường xuyên ho, có rất nhiều đờm và khạc rất khó, mỗi lần được vỗ rung lồng ngực, cảm giác rất dễ chịu, khạc đờm dễ hơn và đặc biệt có cảm giác sạch phổi, khỏe hơn, bệnh ổn định nhanh hơn.
Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân Vy, Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết: Vỗ rung lồng ngực là kỹ thuật nằm trong nhóm kỹ thuật làm sạch phổi, dùng lực cơ học, bàn tay kỹ thuật viên làm long đờm, dịch, chất tiết sau đó được đẩy ra các phế quản rộng hơn và thoát ra ngoài nhờ tư thế dẫn lưu và phản xạ ho khạc. Vì vậy song song với việc điều trị nội khoa người bệnh có các bệnh như ứ đọng, tăng tiết đờm dịch trong đường hô hấp cần được kết hợp cùng kỹ thuật này để tăng hiệu quả, làm rút ngắn thời gian điều trị, giúp cho người bệnh giảm tần suất và độ nặng của các triệu chứng, giảm số lần xuất hiện các đợt cấp, giảm biến chứng ho khạc đờm, khó thở, giảm tác dụng phụ của trị liệu, tăng sức chịu đựng của cơ thể với các hoạt động thể lực, tăng chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên chống chỉ định tuyệt đối kỹ thuật “vỗ rung lồng ngực” đối với những trường hợp sau: Có gãy hoặc rạn xương sườn mới, ho ra máu đỏ tươi, người bệnh loãng xương nặng, người mới phẫu thuật lồng ngực, đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp.
Với việc đưa kỹ thuật vỗ rung lồng ngực vào ứng dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Bệnh lý đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau: vi khuẩn, virus, dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá…Vì vậy để phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh cần thực hiện tốt các hoạt động như: Vệ sinh cá nhân hàng ngày, xúc miệng bằng nước muối pha loãng, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh nên rửa tay bằng xà phòng để có thể loại bỏ virus, không để virus có cơ hội sâm nhập vào cơ thể, đeo khẩu trang khi ra đường, khi tiếp xúc với những người mắc bệnh, khi tới những khu vực đông người, hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh, khi thời tiết thay đổi, cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh vật dụng, đồ dùng, nơi ở và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tạo không gian thoáng mát, tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển, tăng cường đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhằm nâng cao sức đề kháng, vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Nếu bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, người bệnh cần đi khám và điều trị triệt để, nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng hơn, tiến triển thành mạn tính, gây biến chứng.