THỦ TỤC YÊU CẦU TUYÊN BỐ PHÁ SẢN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP – LegalTech
Hiện nay, ngày càng nhiều các doanh nghiệp mới được thành lập, tham gia cạnh tranh sôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, cũng không ít doanh nghiệp vì không thể chống chịu với tình trạng cạnh tranh khốc liệt là phải tuyên bố phá sản. Vậy, trình tự thủ tục để một doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản như thế nào ?
Căn cứ pháp lý:
1. Điều kiện để doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014, “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Cũng tại khoản 1 Điều này quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”
Từ hai quy định trên có thể thấy, điều kiện để doanh nghiệp yêu cầu tuyên bố phá sản là:
– Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn;
– Bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Thời hạn 03 tháng khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ được tính từ ngày đến hạn thanh toán được các bên thỏa thuận cụ thể trên hợp đồng. Nếu hợp đồng không thỏa thuận ngày thanh toán cụ thể thì thời hạn 03 tháng sẽ được tính từ ngày bên có nghĩa vụ thanh toán nhận được thông báo thanh toán từ bên có quyền.
2. Người có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản 2014, những chủ thể sau đây có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
-
Các chủ nợ khi hết hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn chưa được thanh toán;
-
Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi không được trả lương hoặc các khoản nợ đã quá hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn;
-
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;
-
Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;
-
Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng, Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng (nếu Điều lệ công ty có quy định) có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.
3. Thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản
Căn cứ Điều 8 Luật Phá sản 2014, thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản được quy định như sau:
-
Thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi doanh nghiệp có trụ sở chính tại đó;
-
Thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nếu thủ tục phá sản liên quan đến các yếu tố nước ngoài; doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều khu vực địa lý khác nhau; doanh nghiệp có bất động sản ở nhiều khu vực địa lý khác nhau hoặc được Tòa án cấp tỉnh lấy lên giải quyết vì tính chất phức tạp của vụ việc.
4. Hồ sơ yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản
Điều 26 Luật Phá sản 2014 quy định, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản cần nộp các hồ sơ, tài liệu sau:
-
Đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản;
-
Những chứng cứ để chứng minh các khoản nợ đến hạn đã đến hạn nhưng chưa được thanh toán.
Tùy từng đối tượng nộp đơn mà nội dung đơn sẽ khác nhau, tuy nhiên nội dung chủ yếu của đơn yêu cầu xoay quanh những nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm;
– Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
– Tên, địa chỉ của người làm đơn;
– Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản;
– Khoản nợ đến hạn hoặc các căn cứ về tài tài chính chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Trình tự, thủ tục yêu cầu mở thủ tục phá sản
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết đơn yêu cầu như đã nêu ở mục 3 bài viết này.
Bước 2: Tòa án xem xét đơn yêu cầu
Trong 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Chánh án Chánh án Tòa án nhân dân phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu. Nếu đơn hợp lệ sẽ yêu cầu nộp lệ phí phá sản, nếu đơn chưa hợp lệ, yêu cầu bổ sung đơn. Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết, Thẩm phán sẽ chuyển đơn yêu cầu và hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền.
Bước 3: Thụ lý đơn yêu cầu
Tòa án thụ lý đơn yêu cầu sau khi đã nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trong 3 ngày kể từ khi thụ lý, Tòa án sẽ thông báo đến người nộp đơn yêu cầu để mở tục tục phá sản.
Bước 4: Tòa án quyết định mở, không mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản dựa trên khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Bước 5: Hội nghị chủ nợ
Hội nghị chủ nợ do Thẩm phán triệu trong vòng 20 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm kê tài sản, Hội nghị chủ nợ sẽ đưa ra các quyết định sau:
– Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;
– Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;
– Đề nghị tuyên bố phá sản.
Như vậy, thông qua hội nghị chủ nợ, doanh nghiệp có thể được phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc bị phá sản
Bước 6: Phục hồi doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến; Thẩm phán sẽ tổng hợp ý kiến về phương án phục hồi của các bên và đưa ra hội nghị chủ nợ để xem xét thông qua.
Bước 7: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Khi doanh nghiệp không thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn không có khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Bước 8: Thi hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Tiến hành thanh lý tài sản, phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.
6. Chi phí và lệ phí phá sản
– Về chi phí phá sản
Theo Điều 23 Luật Phá sản 2014 và khoản 4 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP về mức thù lao Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản đối với trường hợp DN, HTX bị tuyên bố phá sản, chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ 2 trường hợp không phải nộp giống như lệ phí phá sản.
– Về lệ phí phá sản
Theo Điều 22 Luật Phá sản 2014 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, lệ phí phá sản gồm:
+ Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hiện nay là 1,5 triệu đồng;
+ Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau đây không phải nộp Lệ phí phá sản:
-
Người lao động, công đoàn cơ sở;
-
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh mà doanh nghiệp.
Trên đây là những thông tin liên quan đến thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp. Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ :