Thủ tục Thành lập công ty liên doanh – Công ty Luật Việt An
Khái niệm công ty liên doanh được quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như sau: Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Mặc dù, gần dây trong Luật Đầu tư 2020 khái niệm này không còn, nhưng trên thực tế các nhà đầu tư vẫn thường xuyên sử dụng thuật ngữ công ty liên doanh để chỉ các công ty có vốn góp của cả nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, công ty liên doanh hiện nay đang tồn tại có thể là:
- Công ty được thành lập ngay từ đầu đã có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam.
- Công ty Việt Nam thành lập trước sau đó có thêm nhà đầu tư mua phần vốn góp, nhận chuyển nhượng cổ phần từ nhà đầu tư Việt Nam.
Khi lựa chọn thời điểm tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài để doanh nghiệp trở thành công ty liên doanh có một số vấn đề lưu ý về thủ tục và những ưu nhược điểm cụ thể. Tại bài viết này, công ty luật Việt An sẽ phân tích cụ thể liên quan đến thành lập công ty liên doanh để quý khách hàng có góc nhìn cụ thể nhất.
Nội Dung Chính
Công ty liên doanh được thành lập ngay từ đầu đã có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam.
Bước 1: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi thành lập công ty có vốn nước ngoài bao gồm:
- Công ty có từ 1% đến 100% vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp ngay khi thành lập;
- Công ty có vốn nước ngoài (Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Việt Nam) tiếp tục thành lập thêm tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư: Thành lập mới hoặc góp vốn từ 1% đến 100% vốn điều lệ công ty;
Bước 2: Thủ tục thành lập công ty cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau khi nhà đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 3: Cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
Đối với công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tới người tiêu dùng hoặc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa cần xin thêm Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ;
Công ty liên doanh thành lập theo cách công ty có vốn Việt Nam thành lập trước sau đó nhà đầu tư mua phần vốn góp, nhận chuyển nhượng cổ phần từ nhà đầu tư Việt Nam
Trường hợp 1: Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần dưới 50% trong doanh nghiệp tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh các ngành nghề không có điều kiện
Nhà đầu tư thực hiện góp vốn/ chuyển nhượng vốn, kê khai thuế thu nhập từ chuyển nhượng (nếu có).
Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trước đây gọi là thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh).
Hồ sơ cần chuẩn bị
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh;
- Quyết định về việc thay đổi của công ty;
- Biên bản họp về việc thay đổi công ty;
- Hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của đại diện pháp luật của công ty;
- Danh sách thành viên góp vốn hoặc Danh sách cổ đông là người nước ngoài;
- Bản sao công chứng hộ chiếu/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà đầu tư.
Nơi nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ sau ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho doanh nghiệp.
Trường hợp 2: Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần đầu tư kinh doanh các ngành nghề có điều kiện hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp công ty Việt Nam dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Bước 1: Đăng ký góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần vào doanh nghiệp Việt Nam tại Cơ quan đăng ký đầu tư
Hồ sơ chuẩn bị
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Thủ tục thực hiện
- Nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ sau ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp Việt Nam.
Bước 2: Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp Việt Nam.
- Trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn trên 50%, Công ty Việt Nam thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Nhà đầu tư thực hiện góp vốn, chuyển vốn thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp.
- Các thành viên, cổ đông chuyển nhượng vốn thực hiện kê khai thuế khi chuyển nhượng theo pháp luật thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có)
Bước 3: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bổ sung người nước ngoài trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư
Các điểm khác biệt liên quan đến thời điểm góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty liên doanh
Về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Khác với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập công ty với nhà đầu tư Việt Nam ngay từ đầu dù góp 1% hay 99,99% vốn tại công ty đều phải xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần vào công ty Việt Nam đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (kể cả trường hợp mua tới 100% vốn góp của công ty) cũng không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ trường hợp công ty kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nếu nhà đầu tư nước ngoài mua từ 1% phần vốn góp cũng cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Do đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty liên doanh nên lựa chọn hình thức mua phần vốn góp, cổ phần sẽ tiết kiệm được thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đặc biệt, khi công ty không có Giấy chứng nhận đầu tư trong quá trình kinh doanh nếu có sự thay đổi công ty sẽ tiết kiệm được thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giảm được chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp.
Chứng minh năng lực tài chính khi thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần
Nếu như nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập công ty với nhà đầu tư Việt Nam ngay từ đầu thì các nhà đầu tư nước ngoài phải nộp hồ sơ chứng minh năng lực tài chính như; Sổ tiết kiệm, Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tương đương với số vốn góp tại Việt Nam thì khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại công ty Việt Nam không cần xuất trình thủ hồ sơ chứng minh năng lực tài chính.
Về việc thực hiện góp vốn vào tài khoản vốn đầu tư
Đặc điểm chung của các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, đầu tư tại Việt Nam là đều phải thực hiện góp vốn qua tài khoản vốn đầu tư tại Việt Nam. Quý khách hàng tham khảo thủ tục góp vốn đầu tư tại bài viết: https://luatvietan.vn/tai-khoan-von-dau-tu-truc-tiep-cua-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai.html
Một số câu hỏi liên quan đến thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam
Công ty liên doanh có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không?
Trường hợp công ty liên doanh thành lập mới ngay từ đầu sẽ có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn vào doanh nghiệp VIệt Nam thì không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Công ty liên doanh có thời hạn hoạt động bao nhiêu lâu?
Trường hợp công ty liên doanh thành lập mới ngay từ đầu, thời hạn của công ty liên doanh được thể hiện trên trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam thì thời hạn quy định tại Điều lệ công ty đã đăng ký, thông thường trường hợp này công ty đăng ký vô thời hạn.
Công ty có bao nhiêu % vốn nước ngoài được hiểu là công ty liên doanh?
Pháp luật không có quy định về công ty liên doanh, tuy nhiên, trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn cùng nhà đầu tư Việt Nam dù tỷ lệ % là bao nhiêu vẫn được hiểu là công ty liên doanh.
Thành lập công ty liên doanh ngay từ đầu được không hay phải thông qua hình thức góp vốn, mua phần vốn góp, cổ phần?
Công ty liên doanh có thể thành lập ngay từ đầu tư công ty có vốn đầu tư nước ngoài 100% hoặc thông qua hình thức góp vốn vào doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam.
Công ty luật Việt An tư vấn thành lập công ty liên doanh tại các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, tại mỗi tỉnh thành khi yêu cầu đối với hồ khi nhà đầu tư nước ngoài, mua phần vốn góp, cổ phần tại Việt Nam có sự khác nhau. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu thành lập công ty, mua phần vốn góp, cổ phần tại công ty Việt Nam xin vui lòng liên hệ công ty luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.