Thú chơi hoa ngày Tết

Lý Viết Trường

  –  

Thứ năm, 12/01/2023 13:44 (GMT+7)

Mỗi độ Tết đến Xuân về trong gia đình người Việt dù ở nông thôn hay thành thị, ai nấy cũng đều cố gắng chuẩn bị một loài hoa để chơi Tết. Người miền Bắc trang trí hoa đào, người miền Nam có hoa mai, cùng với đó là mai, cúc, lay ơn, đồng tiền, cát tường, quất…

Thú chơi hoa ngày Tết
Hoa đào đặc trưng cho Tết ở miền Bắc. Ảnh: Hồng Nhiên

Hoa tượng trưng cho cái đẹp, sự xuất hiện của hoa trong ngày Tết là biểu trưng cho những điều tốt đẹp, viên mãn sẽ đến vào năm mới. Mỗi loại hoa lại gắn với những ý nghĩa riêng: Hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, phát tài phát lộc; hoa mai biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ và thuần khiết; hoa cúc gắn với sự trường tồn, hiếu thảo và lòng cao thượng; hoa hướng dương gắn với sự mạnh mẽ và ý chí vươn lên vượt qua mọi khó khăn; cây quất gắn với mong ước xum xuê, đông con nhiều cháu, nhiều phúc lộc và bình an…

Thú chơi hoa là một nét đẹp trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, trong Chương trình Ký ức vui vẻ mùa 3 tập 12, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tự Long cho biết, cách chơi hoa của người miền Bắc phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào thời tiết rét đậm, người ta sẽ mua hoa sớm, còn rét nhạt thì chơi muộn hơn.

Năm nào cũng vậy, NSND Tự Long đều dành thời gian để đi chợ mua hoa trước lễ tiễn ông Công ông Táo, đào Nhật Tân và quất là hai loài không thể thiếu trong gia đình nghệ sĩ. Với Tự Long, niềm vui ngày Tết đơn giản chỉ là được mọi người khen cành đào đẹp, cây quất nhiều lộc.

Nhà thiết kế thời trang Đức Hùng cho hay, Hà Nội với đặc trưng 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa Xuân với tiết trời se lạnh là nền tảng để người ta chơi hoa, bởi trong thời tiết ấy bông hoa nở rất chậm, giúp chúng ta ngắm được bông hoa trỗi dậy từng ngày.

Ở khu phố cổ có một nơi gọi là chợ hoa phố cổ là phố Hàng Lược, Hàng Cót, bắt đầu từ Rằm tháng Chạp ở đó bán rất nhiều loại hoa khác nhau, trong đó có đào bích Nhật Tân, thược dược, violet… Đặc biệt, người Hà Nội còn dâng hoa gói lên bàn thờ Phật, trong hoa gói có rất nhiều hoa và không thể thiếu bông hoa hoàng lan.

Hoa hậu Đỗ Khánh Vân cho biết, vào mỗi dịp cuối năm, chị thường cùng với người thân đi chợ mua hoa vừa để dâng lên cúng ông bà tổ tiên vừa trang trí nhà cửa. Hoa hậu cho hay, ngoài hoa mai, đào thì năm nào nhà chị cũng trang trí hoa cúc và hoa hướng dương.

Hoa đào, hoa mai thường được đặt ở nơi đẹp nhất trong ngôi nhà, trên đó người ta để những phong bao lì xì, đồng tiền, thỏi vàng, đèn lồng, pháo giấy, câu đối nhỏ, thiệp chúc mừng… Chậu mai còn được người ta dùng giấy đỏ để quấn, trông giống như những gói quà, với mong muốn phúc lộc và phát tài.

Ngoài những ý nghĩa về mặt trang trí thú chơi hoa ngày Tết còn chứa đựng những giá trị nhân văn, đó là lối ứng xử giữa con người với con người, giữ con người với tự nhiên.

NSND Hồng Vân nói rằng, mỗi khi nhìn thấy hoa đào, hoa mai lại nhớ đến ký ức của một thời gian khổ. Lúc đó, Tết chỉ mong có được một nhành hoa để trang trí nhà cửa. Sau này khi điều kiện kinh tế đã khá giả hơn thì trong những dịp Tết, nhà nghệ sĩ không thiếu một loại hoa nào.

Hồng Vân cho hay, tối 30 Tết sau khi đã bày biện mâm cỗ, khoảng thời gian từ 19h đến 23h vợ chồng bà lại cùng nhau đi mua hoa đào. Sáng mùng 1 và mùng 2, nghệ sĩ dùng đá để ướp vào gốc đào để hoa nở.

Như vậy, thú chơi hoa, cây cảnh ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống, hiện nay vẫn được người Việt giữ gìn và phát huy. Hoa đào, hoa mai ngày Tết không chỉ góp phần trang trí cho nhà cửa thêm đẹp, mà còn mang đến cho gia chủ sự may mắn, bình an và hạnh phúc.