Thông cáo báo chí Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021

I. GIỚI THIỆU CHUNG

Tổng điều tra kinh tế là một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê. Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và Quyết định số 1344/QĐ-BKHĐT ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương năm 2021 về ban hành Phương án Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (viết gọn là Tổng điều tra).

Để chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra, ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế (BCĐ) Trung ương. Để giúp việc cho BCĐ Trung ương triển khai các công việc của Tổng điều tra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 912/QĐ-BKHĐT ngày 18/6/2020 về việc thành lập Tổ thường trực Tổng điều tra kinh tế Trung ương.

Tổng điều tra kinh tế 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Khác với các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây, trong Tổng điều tra kỳ này, đơn vị điều tra là cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện. Trong báo cáo kết quả sơ bộ này chưa bao gồm thông tin của các cơ quan hành chính. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra.

Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, cuộc Tổng điều tra kinh tế đã được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Công an. Đến nay, công tác xử lý, tổng hợp kết quả sơ bộ đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Nhằm phổ biến kịp thời thông tin phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và người dùng tin, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương công bố báo cáo kết quả sơ bộ Tổng điều tra với các chỉ tiêu thống kê chủ yếu phản ánh số lượng và lao động của các đơn vị điều tra, đồng thời đưa ra nhận định khái quát về những thay đổi do tác động của các chính sách kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước trong 5 năm qua.

Kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ được công bố trong Quý I năm 2022 với hệ thống các chỉ tiêu thống kê chi tiết, đầy đủ, những chuyên đề phân tích chuyên sâu sẽ được phổ biến dưới nhiều hình thức, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin thống kê cho công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và các đối tượng sử dụng thông tin khác.

II. NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện với nhiều điểm mới so với Tổng điều tra năm 2017 trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng được yêu cầu cao hơn với mức độ phân tổ chi tiết hơn; yêu cầu tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả của thông tin thống kê trong bối cảnh chung về nguồn lực con người và kinh phí hạn chế. Có 6 điểm mới chủ yếu của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 như sau:

  Thứ nhất, đổi mới nội dung và hình thức thu thập thông tin thông qua việc sử dụng triệt để các nguồn dữ liệu hành chính: Tổng điều tra sử dụng triệt để các nguồn dữ liệu hành chính, trong đó có cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) nhằm giảm thiểu các thông tin cần thu thập qua điều tra, đồng thời vẫn đáp ứng được các yêu cầu tăng cao về số lượng và chất lượng thông tin cần thu thập.

Thứ hai, cập nhật và áp dụng khái niệm chuẩn quốc tế về đơn vị cơ sở: Thu thập thông tin của các đơn vị cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động chi tiết theo ngành kinh tế cấp 3 và theo địa bàn quản lý hành chính cấp xã.

  Thứ ba, thống nhất năm số liệu cho các loại đơn vị điều tra: Các kỳ Tổng điều tra trước đây, năm số liệu của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể khác với năm số liệu của các loại đơn vị điều tra còn lại. Kỳ Tổng điều tra lần này, Tổng cục Thống kê đã nỗ lực để có thể thu thập, tổng hợp thông tin năm 2020 của toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thống nhất năm số liệu với các loại đơn vị điều tra khác (doanh nghiệp; đơn vị sự nghiệp; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo). Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể năm 2021 là điều tra chuyên sâu nhằm mô tả tổng thể của năm 2020.

Thứ tư, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý đến công bố kết quả. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định, sắp xếp, phân loại các cơ sở kinh tế vào các ngành kinh tế dựa trên sản phẩm chính được sản xuất ra. Các câu hỏi logic và công nghệ nhận dạng đã định vị chuẩn xác cấu trúc đơn vị điều tra, từ đó đưa ra bảng hỏi phù hợp.

Thứ năm, đổi mới cách thức phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Tổng điều tra: Cải tiến cách thức phối hợp trong triển khai thực hiện Tổng điều tra; trong đó, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) khai thác dữ liệu hành chính để bổ sung nguồn thông tin cho Tổng điều tra; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tuyên truyền; phối hợp với Bộ Nội vụ trong triển khai các hội nghị tập huấn và tổ chức thu thập thông tin các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng thông tin và tiết kiệm gần một nửa kinh phí so với điều tra truyền thống trước đây: Đổi mới nội dung và hình thức của các phiếu điều tra theo hướng dẫn dắt, tạo thuận lợi nhất cho người trả lời, đồng thời thu được kết quả chuẩn xác nhất. Cụ thể, không đưa ra các câu hỏi ngành thống kê cần phải trả lời, chỉ hỏi các câu hỏi đảm bảo đơn vị điều tra sẽ trả lời được và trả lời đúng. Với mục tiêu làm rõ sản phẩm được sản xuất ra ở đâu (xã, huyện, tỉnh nào); trong loại hình đơn vị nào? nguồn lực sản xuất (lao động, vốn) ra sao?… Từ đó nhận biết cấu trúc kinh tế của các địa phương đến cấp xã và toàn nền kinh tế. Đồng thời cho thấy rõ hơn việc phân bố nguồn lực sản xuất theo vùng, miền và theo khu vực kinh tế.

Bên cạnh đó, nhờ áp dụng triệt để công nghệ thông tin, Tổng điều tra đã tiết kiệm khoảng một nửa kinh phí so với cách điều tra truyền thống trước đây.

III. KẾT QUẢ SƠ BỘ TỔNG ĐIỀU TRA KINH TẾ NĂM 2021

Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, số lượng và lao động các đơn vị điều tra năm 2020 đều tăng so với năm 2016 nhưng mức độ tăng về lao động thấp hơn so với các giai đoạn trước.

Theo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có gần 6,0 triệu đơn vị điều tra, tăng 444,7 nghìn đơn vị, tương đương tăng 8,0% so với năm 2016; số lao động trong các đơn vị điều tra là gần 26,0 triệu người, tăng 752,8 nghìn người, tương đương tăng 3,0%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 1,9% về số đơn vị và tăng 0,7% về số lao động (Giai đoạn 2006-2011 tăng 4,9% và tăng 7,7%; giai đoạn 2011-2016 tăng 1,5% và tăng 3,6%).

Số doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng nhưng các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có dấu hiệu chững lại trong 5 năm qua.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có gần 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 7,9% (Bình quân giai đoạn 2011-2016 tăng 8,7%); số lao động tăng 1,2%, thấp hơn mức tăng 5,1% của giai đoạn 2011-2016.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có 15,3 nghìn hợp tác xã với số lao động là 169,6 nghìn người, tăng 17,5% về số hợp tác xã và giảm 15,6% về lao động so với năm 2016.

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể (Cơ sở SXKD cá thể) năm 2020 gần 5,2 triệu cơ sở với số lao động 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số đơn vị và tăng 3,0% về số lao động so với năm 2016.

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,1% về số lao động (giảm 154,8 nghìn người) so với năm 2016.

Số đơn vị hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động 37,9 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và tăng 2,5% về số lao động so với năm 2016.

Số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm trong các cơ sở này so với năm 2016.

Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016, trong đó giảm mạnh ở khối doanh nghiệp.

Lao động bình quân trong các đơn vị điều tra giảm nhẹ từ 4,5 người năm 2016 xuống 4,3 người năm 2020. Trong đó: Doanh nghiệp giảm từ 27,2 người xuống 21,5 người; hợp tác xã giảm từ 15,1 xuống 11,1 người; cơ sở SXKD cá thể giảm nhẹ từ 1,7 người xuống 1,6 người. Các đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ và tôn giáo, tín ngưỡng lại có biến động tăng so với năm 2016, cụ thể: Đơn vị sự nghiệp năm 2020 tăng 11 người so với năm 2016; tổ chức phi Chính phủ tăng 5,9 người; đơn vị hiệp hội tăng 0,2 người.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng đơn vị và lao động.

Trong tổng số đơn vị điều tra, khu vực dịch vụ có gần 4,9 triệu đơn vị, chiếm 81,8% (năm 2016 là 80,8%); khu vực công nghiệp – xây dựng là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 18,0% (năm 2016 là 19,0%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,8 nghìn đơn vị, chiếm 0,2% (tương đương với năm 2016). Về số lao động, khu vực dịch vụ có hơn 14,2 triệu người, chiếm 53,8%, tăng 4,9% so với năm 2016; khu vực công nghiệp – xây dựng là 11,4 triệu người, chiếm 44,8%, tăng 0,8%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 349,7 nghìn người, chiếm 1,4%, giảm 0,6%.

Các đơn vị điều tra tập trung nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Hồng; Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu là vùng thu hút nhiều doanh nghiệp nhất cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Hồng có số lượng đơn vị điều tra lớn nhất cả nước với 1,6 triệu đơn vị, chiếm 25,9% tổng số đơn vị điều tra của cả nước; đứng thứ hai là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 1,3 triệu đơn vị, chiếm 21,9%; Đông Nam Bộ là 1,2 triệu đơn vị, chiếm 20,6%; Đồng bằng sông Cửu Long là 1,1 triệu đơn vị, chiếm 17,9%; Trung du và Miền núi phía Bắc là 530,3 nghìn đơn vị, chiếm 8,8%; Tây Nguyên là 285 nghìn đơn vị, chiếm 4,8%.

Trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, Đông Nam Bộ thu hút tới gần 280,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 41,1% tổng số; Đồng bằng sông Hồng là 216,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 31,7%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 89,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 13,1%; thấp nhất là Tây Nguyên với 17,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 2,6%.

1. Doanh nghiệp và Hợp tác xã

Trong giai đoạn 2016-2019, số doanh nghiệp và số lao động tăng nhanh qua từng năm và có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại thời điểm 31/12/2020, cả nước có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh và số lao động là 14,7 triệu người, tăng 2,3% về số doanh nghiệp và giảm 3,1% về số lao động so với năm 2019[1], đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 9,8%/năm; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 2,6%/năm. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân là 7,9%; tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp là 1,2%/năm.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so với năm 2019 và tăng 35,0% so với năm 2016; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2%, tăng 18,4%  và tăng 58,6%; doanh nghiệp Nhà nước là gần 2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,3%, giảm 5,5% và giảm 25,1%.

Về lao động, khu vực doanh nghiệp Nhà nước thu hút hơn 1 triệu người, chiếm 6,9% tổng lao động của doanh nghiệp, giảm 8,9% so với năm 2019 và giảm 21,5% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 8,6 triệu người, chiếm 58,4%, giảm 5,5% và giảm 0,01%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5,1 triệu người, chiếm 34,7%, tăng 2,6% và tăng 22,7%.

Xét theo khu vực kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 465,6 nghìn doanh nghiệp, chiếm 68,2% tổng số doanh nghiệp, tăng 3,1% so với năm 2019 và tăng 31,4% so với năm 2016; doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng là 211,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,9%, tăng 0,9% và tăng 44,5%; doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 6,5 nghìn doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 13,6% và tăng 45,2%..

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với số lao động là 9,3 triệu người, chiếm 63,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, giảm 3,1% so với năm 2019 và tăng 2,3% so với năm 2016; lao động doanh nghiệp khu vực dịch vụ là 5,1 triệu người, chiếm 34,9%, giảm 3,5% và tăng 9,7%; lao động doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 253 nghìn người, chiếm 1,7%, tăng 1,5% và tăng 0,8%.

Số hợp tác xã năm 2020 giữ mức tăng ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lao động làm việc trong hợp tác xã giảm sâu hơn mức giảm bình quân giai đoạn 2016-2020.

Tính đến 31/12/2020, tổng số hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước là 15,3 nghìn hợp tác xã, tăng 6,2% so với năm trước và tăng 17,5% so với năm 2016. Số lao động làm việc trong hợp tác xã là 169,6 nghìn người, giảm 5,7% so với năm 2019 và giảm 15,6% so với năm 2016.

Xét theo khu vực kinh tế, hợp tác xã khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 7,8 nghìn hợp tác xã, chiếm 50,7%, tăng 17,2% so với năm 2016; hợp tác xã khu vực công nghiệp và xây dựng là 2,8 nghìn hợp tác xã, chiếm 18,5%, tăng 11,3%; hợp tác xã khu vực dịch vụ là 4,7 nghìn hợp tác xã, chiếm 30,8%, tăng 21,9%.

Về lao động làm việc trong hợp tác xã khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thu hút nhiều lao động nhất với 75,6 nghìn người, chiếm 44,6% tổng số lao động đang làm việc trong hợp tác xã, giảm 12,1% so với năm 2016; khu vực dịch vụ là 57,8 nghìn người, chiếm 34,1%, giảm 15,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng là 36,2 nghìn người, chiếm 21,3%, giảm 22,6%.

Trong giai đoạn 2016-2020, số hợp tác xã tăng ổn định, bình quân mỗi năm tăng 3,5% nhưng số lao động trong hợp tác xã giảm dần, bình quân mỗi năm giảm 4,4%. Quy mô hợp tác xã đang dần bị thu hẹp, số lao động bình quân mỗi hợp tác xã giai đoạn 2016 – 2020 là 13,2 người/hợp tác xã, giảm 21,9% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

2. Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản

Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ phân bố các cơ sở cá thể giữa các vùng kinh tế – xã hội không đồng đều.

Tính đến năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể với số lao động là 8,5 triệu người, tăng 5,7% về số cơ sở (tăng 281,1 nghìn cơ sở) và tăng 3,0% (tăng 246,4 nghìn người) so với năm 2016, đây là mức tăng thấp nhất qua các kỳ Tổng điều tra[2].

Đồng bằng Sông Hồng vẫn là nơi tập trung nhiều cơ sở cá thể nhất cả nước, với 1,3 triệu cơ sở, chiếm 25,0%, tăng 3,4% so với năm 2016; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ hai với 1,2 triệu cơ sở, chiếm 23,1%, tăng 6,6%; Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,0 triệu cơ sở, chiếm 19,3%, tăng 1,9%; Đông Nam Bộ là 943 nghìn cơ sở, chiếm 18,2%, tăng 10,1%; Trung du và miền núi phía Bắc là 485,7 nghìn cơ sở, chiếm 9,4%, tăng 7,8%; Tây Nguyên là 260,2 nghìn cơ sở, chiếm 5,0%, tăng 10,0%.

Xét theo khu vực kinh tế, số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể khu vực dịch vụ tiếp tục dẫn đầu về số lượng và lao động với hơn 4,3 triệu cơ sở và số lao động là 6,5 triệu người, tăng 8,0% về số cơ sở và tăng 6,0% về số lao động so với năm 2016. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể khu vực công nghiệp và xây dựng là 863,3 nghìn cơ sở với số lao động là 2,0 triệu người, giảm 4,5% về số cơ sở và giảm 5,4% về số lao động so với năm 2016.

3. Đơn vị sự nghiệp, Hiệp hội, Tổ chức phi chính phủ

So với năm 2016, đơn vị sự nghiệp giảm cả về số lượng đơn vị và quy mô lao động trong khi đơn vị hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ giảm về số lượng đơn vị nhưng tăng về số lượng lao động.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 59 nghìn đơn vị với tổng số lao động là hơn 2,4 triệu người. Trong đó: Đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với số lao động là 2,39 triệu người; hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ là 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 37,9 nghìn người.

Xét theo lĩnh vực, đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 42,2 nghìn đơn vị với số lao động là 1,7 triệu người, giảm 8,2% về số đơn vị và giảm 5,3% về số lao động so với năm 2016; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực y tế là 1,8 nghìn đơn vị với 435,6 nghìn người, giảm 86,8% và tăng 3,6%; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao là 1,2 nghìn đơn vị với số lao động là 37,8 nghìn người, giảm 29% và giảm 13,1%; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông là 0,8 nghìn đơn vị với số lao động là 38 nghìn người, giảm 41,8% và giảm 21,2%; đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khác là 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 204,1 nghìn người, giảm 39,8% và giảm 22,7%.

Cả nước có gần 6,3 nghìn đơn vị hiệp hội đang hoạt động với số lao động là  33,3 nghìn người, giảm 2,2% về số lượng đơn vị và tăng 1,8% về số lượng lao động so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 0,6% về số đơn vị và tăng 0,4% về số lao động.

Tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam là 184 tổ chức với số lao động là 4,6 nghìn người, giảm 17,1% về số đơn vị và tăng 8,5% về số lao động so với năm 2016. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm 2,6% về số tổ chức và tăng 2,1% về số lao động.

4. Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

Giai đoạn 2016-2020 có sự phát triển khá nhanh số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và tạo điều kiện phát triển hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nước ta.

Tính đến năm 2020, cả nước có trên 46,8 nghìn cơ sở thuộc các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người so với năm 2016. Mặc dù tốc độ tăng số lượng của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016 so với 2011 (19,5%) và năm 2011 so với 2006 (27,4%) nhưng quy mô lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lại tăng từ 3,3 người/1 cơ sở lên 3,6 người/1 cơ sở.

Số lượng các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử năm 2020 tăng so với năm 2016. Cả nước có 10,1 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử, chiếm 21,6% trong tổng số cơ sở, tăng 1,4 nghìn cơ sở so với năm 2016, trong đó các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 27,8% trong số các cơ sở đã được xếp hạng, tăng 234 cơ sở; các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố chiếm 72,2%, tăng 1,1 nghìn cơ sở.

Số cơ sở tôn giáo là 28,5 nghìn cơ sở, chiếm 60,9% trong tổng số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên có tới 88,2% cơ sở chưa được xếp hạng; các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử chỉ chiếm 11,8% với 3,4 nghìn cơ sở, chủ yếu là các cơ sở thuộc Phật giáo (chùa). Trong đó, các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố là 2,4 nghìn cơ sở; chiếm 72,5%; cấp Quốc gia là 925 cơ sở, chiếm 27,5% trong tổng số các cơ sở đã được xếp hạng.

Số cơ sở tín ngưỡng là 18,3 nghìn cơ sở trên cả nước, trong đó có 11,6 nghìn cơ sở chưa được xếp hạng, chiếm 63,2%; số cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích là 6,7 nghìn cơ sở, chiếm 36,8%. Trong tổng số 6,7 nghìn cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng, số cơ sở được xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố là 4,8 nghìn cơ sở, chiếm 72,0%; cấp Quốc gia đạt gần 1,9 nghìn cơ sở, chiếm 28,0%; trong tổng số các cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng./.

[1] Tốc độ tăng  doanh nghiệp các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 14,1%; năm 2017 tăng 11,0%; năm 2018 tăng 9,0%; năm 2019 tăng 9,5%; năm 2020 tăng 2,3%.

Tốc độ tăng lao động trong doanh nghiệp các năm giai đoạn 2016-2020: Năm 2016 tăng 9,0%; năm 2017 tăng 3,6%; năm 2018 tăng 2,1%; năm 2019 tăng 2,3%; năm 2020 giảm 3,1%.

[2] Về số cơ sở: Năm 2016 tăng 15,9% so với năm 2011; năm 2011 tăng 23,7% so với năm 2006.

Về số lao động: Năm 2016 tăng 9,3% so với năm 2011; năm 2011 tăng 19,8% so với năm 2006.