Thời trang xa xỉ: Câu chuyện nguồn gốc đằng sau mỗi chiếc logo – Style-Republik.com | Thời Trang, sáng tạo và kinh doanh
Nội Dung Chính
Thời trang xa xỉ: Câu chuyện nguồn gốc đằng sau mỗi chiếc logo
Ngày đăng: 19/11/21
Từ Chanel đến YSL, logo của những đế chế thời trang xa xỉ có tuổi đời hàng trăm năm có lẽ là những thứ dễ nhận diện nhất trên đời. Không chỉ vậy, nó còn đại diện cho những giá trị tinh hoa nhất của ngành thời trang, là biểu tượng của sự sang trọng mà chỉ cần nhìn thấy thôi, bất cứ ai cũng đều khao khát được sở hữu.
Thế kỷ 21, một thế giới mà danh tiếng của thương hiệu không chỉ nói lên đẳng cấp của người diện, mà còn kể cho người đối phương nghe về câu chuyện, phong cách sống cũng như tư duy của bạn. Khi đó, chiếc logo sẽ như một ký tự đại diện cho di sản và những thông điệp mà thương hiệu muốn gắn liền với khách hàng của mình.
Logo là cách mà người ta nhận ra nhanh nhất sự hiện diện của thương hiệu đó ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, và dù trong hoàn cảnh nào. Nhưng câu chuyện và ý nghĩa đằng sau những biểu tượng huyền thoại này thì dường như không nhiều người biết đến.
Chanel
Logo của thương hiệu hàng đầu Paris được đích thân nhà thiết kế Coco Chanel thiết kế vào năm 1925 và chưa từng thay đổi cho đến tận bây giờ. Kể từ đó, biểu tượng với 2 chữ C lồng vào nhau trở nên gắn liền với mọi sản phẩm của thương hiệu thời trang đình đám này. Dù vậy, những người yêu thời trang nói chung và dành cảm tình đặc biệt cho thương hiệu hoa trà nói riêng vẫn luôn tin vào những sự lý giải khác nhau về ý nghĩa của logo thương hiệu.
Cách lý giải được nhiều người tin nhất chính là sự viết tắt của hai chữ C trong tên của nhà sáng lập ra thương hiệu này – Coco Chanel. Nó thể hiện sự tôn vinh và mãi tưởng nhớ đến người đã tạo dựng ra thương hiệu. Cũng có những giả thiết khác, đồng ý rằng đây là tên viết tắt của những cá nhân, nhưng không chỉ là tên của Coco Chanel, mà là sự kết hợp giữa Coco với Arthur Capel – người bạn tri kỷ, người tình và cũng được xem là người đã đồng hành cùng Coco trong những bước đầu sự nghiệp thời trang. Việc lựa chọn chữ C trong tên của ông lồng vào tên của bà giống như việc thay cho lời cảm ơn của Chanel, một sự tri ân dành cho ông.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng logo thương hiệu Chanel xuất phát từ những mẫu hình học được tìm thấy trong cửa sổ tại Nhà nguyện Aubazine – nơi mà Coco đã sinh sống lúc thiếu thời. Một số khác lại khẳng định rằng hai chữ C được lấy cảm hứng từ tác phẩm của nghệ sĩ người Nga Mikhail Vrubel (vẽ vào năm 1886) – một tác phẩm mà Coco rất yêu thích. Theo đó, hai móng ngựa bắt chéo được vẽ như một dấu hiệu của sự may mắn và kiên định.
Versace
Người phụ nữ trong logo của Versace là nữ quỷ tóc rắn Medusa nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Truyền thuyết kể rằng Medusa từng là một thiếu nữ xinh đẹp với mái tóc bồng bềnh say đắm lòng người. Nhưng thay vì khiêm tốn, Medusa lại ngạo mạn cho rằng mình còn đẹp hơn cả nữ thần chiến tranh và nghệ thuật Athena. Sắc đẹp ấy khiến thần biển Poseidon mê mẩn theo đuổi nàng và cuối cùng cả hai đã ân ái với nhau trong điện thờ Athena. Tức giận vì hành vi phạm thượng của đôi uyên ương, nữ thần Athena đã biến Medusa thành một ác quỷ xấu xí với mái tóc rắn khủng khiếp, có khả năng hóa đá tất cả sinh vật sống nào chẳng may nhìn vào mắt nàng.
Người sáng lập nhà mốt, Gianni Versace, với niềm đam mê to lớn dành cho thần thoại nói riêng và nghệ thuật cổ điển của Hy Lạp nói chung, đã lấy cảm hứng từ câu chuyện trên cùng hình ảnh gợi ý trên cờ Sicily (một vùng tự trị của Italy, nằm trong Địa Trung Hải), làm mới nó theo xu hướng đương đại để tạo ra logo thương hiệu độc đáo này vào năm 1978. Thay vì sử dụng toàn bộ đầu rắn của Medusa, Gianni chỉ khắc họa nàng trên logo là một người phụ nữ với mái tóc bồng bềnh tỏa hào quang, đôi môi đầy đặn và tỷ lệ gương mặt hoàn hảo. Đôi mắt không có con ngươi của nàng sâu hun hút như ẩn chứa cả thế giới mê hoặc.
Vẻ đẹp chết người của Medusa là mấu chốt để Versace lấy làm tôn chỉ thương hiệu trong suốt 37 năm qua. Có một sự liên tưởng tinh tế về Medusa khi nhắc đến đặc trưng thiết kế của nhà mốt. Versace là tập hợp những hình ảnh mạnh mẽ nhất, quyến rũ nhất và cũng gợi cảm tới mức có thể “hóa đá” người xem
Gucci
Cha đẻ của thương hiệu thời trang đến từ nước Ý là Guccio Gucci – Tên của ông cũng chính là lý do đằng sau logo với cặp chữ G lồng vào nhau của Gucci. Tuy nhiên, chỉ đến khi người con trai là Aldo tham gia vào việc điều hành Gucci, chiếc logo 2 chữ G này mới chính thức ra đời. Còn trước đó, thương hiệu không hề có logo.
Dần dần, tên tuổi và giá trị thương hiệu Gucci được nâng lên lên đến tầm cỡ và vị thế vững chãi trên thị trường thời trang quốc tế vào những năm 60-70, logo thương hiệu được mọi người dễ dàng nhận diện ở bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên trong lịch sử của thương hiệu cũng có một vài biến cố diễn ra, bất chấp mức độ quan trọng và lịch sử lâu đời của logo thương hiệu này, Gucci từng suýt mất đi quyền sở hữu logo GG.
Gần đây nhất, khi Alessandro Michele tiếp quản Gucci để vực dậy ngoạn mục một thương hiệu lâu đời đang trên bờ thoi thóp, anh đã thành công khi thay đổi hoàn toàn bộ mặt hình ảnh của Gucci với việc xây dựng một đế chế “tắc kè hoa” cho thương hiệu – một hình ảnh mới mẻ và nổi loạn hơn nhiều so với một Gucci rất cổ điển trước đó, mà nổi bật nhất phải kể đến biểu tượng Rắn cùng 3 tông màu đỏ, đen, trắng. Gucci cho biết rằng biểu tượng rắn mang ý nghĩa của sức mạnh, sự quyến rũ, nỗi sợ hãi và là đại diện cho tri thức trong nghệ thuật Hy Lạp và La Mã.
Louis Vuitton
Thời gian đầu mới thành lập, các sản phẩm của Louis Vuitton thường xuyên bị ăn cắp ý tưởng bởi không mang một hoạ tiết hay hoa văn nào biểu tượng cho tính chất riêng của hãng. Chính vì thế, khi con trai của Louis Vuitton là Georges Vuitton kế nghiệp, ông buộc phải bắt đầu nghiên cứu một hoa văn có thể bảo vệ bản quyền của sản phẩm tốt hơn. Từ đó, hoạ tiết logo thương hiệu monogram mang nét cổ điển được ra đời năm 1896 và nhanh chóng trở thành một huyền thoại trong ngành thiết kế thời trang, đồng thời tạo ra khái niệm về “thương hiệu” cho ngành công nghiệp này.
Họa tiết hoa 4 cánh monogram được lấy cảm hứng theo hình dáng của những cánh hoa tại Nhật Bản. Logo lấy cảm hứng từ thẩm mỹ phương Đông như vậy khiến cho hình ảnh thương hiệu Louis Vuitton nói chung cũng mang một mức độ sang trọng, bí ẩn và đẳng cấp nhất định.
Trải qua hơn 120 năm, biểu tượng monogram không chỉ dừng lại ở đó, mà còn biến hóa đa dạng dưới nhiều triều đại của các nhà thiết kế khác nhau. Dưới thời Marc Jacob, ông đã tài tình kết hợp giữa nghệ thuật đường phố graffiti thay thế cho họa tiết LV để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng. Hay dưới thời Kim Jones, ta được chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của hoạ tiết monogram qua sự kết hợp giữa LV và Supreme. Và gần nhất với Virgil Abloh cùng bộ sưu tập Xuân-Hè 2020, biểu tượng logo thương hiệu đã phủ khắp các bộ trang phục trên nền chất liệu đa dạng và ấn tượng.
Yves Saint Laurent
Logo nguyên thủy của Yves Saint Laurent được giới thiệu chính thức đến công chúng vào năm 1961, và là sản phẩm của họa sĩ, chuyên gia thiết kế chữ nghệ thuật người Pháp Adolphe Jean-Marie Mouron (hay còn được biết với tên là Cassandre). Ba chữ cái đầu đại diện cho tên người sáng lập thương hiệu là “Y”, “S” và “L” được lồng vào nhau một cách cân xứng đẹp mắt, hài hòa đã trở thành biểu tượng logo của hãng cho tới tận ngày nay.
Nhà thiết kế Cassandre đã thành công khi tạo ra một sự kết hợp tuyệt vời giữa các chữ cái, phối ngẫu các kiểu chữ sans và serifs một cách đầy thanh lịch, cùng lúc đó là sự kết hợp tài tình giữa kiểu chữ roman và phom dáng chữ nghiêng. Điều thú vị nhất chính là việc Cassandre dám phá vỡ quy luật của việc ‘không kết hợp’ hai loại kiểu chữ về nguyên tắc, vốn được xem là cực kì xung khắc để tạo ra một huyền thoại về logo thương hiệu độc nhất và khó mô phỏng lại. Bên cạnh đó, ông cũng thành công trong việc kết hợp các chữ cái một cách tinh tế mà không gây rối rắm hoặc thừa thãi, bắt được hoàn hảo dáng vẻ nhạy cảm, ẩn chứa sự gợi cảm của phong thái Yves Saint Laurent.
Prada
Năm 1919, chỉ sau sáu năm thành lập, Prada được chọn để trở thành nhà cung cấp phụ kiện chính cho hoàng gia. Cũng từ đó, thương hiệu này có “đặc quyền” và đã xây dựng logo thương hiệu đầu tiên của mình dựa trên 2 yếu tố của House of Savoy: quốc huy và dây thừng thắt hình số 8.
Lựa chọn sử dụng ký hiệu đại diện cho hoàng gia nên thiết kế logo “Hybrid” của hãng được xem là một trong những ý tưởng vượt thời đại của nhà Prada. Việc có sự bảo trợ của hoàng gia đã giúp Prada cạnh tranh với các đối thủ của mình, ví dụ như Gucci. Thêm vào đó, logo được thiết kế theo thể loại workmark với typeface đầy tinh tế nhưng không kém phần ấn tượng, lý giải vì sao logo thương hiệu này ghi được dấu ấn đến thế.
Tuy nhiên, đến năm 1978, nhà mốt này đã quyết định loại bỏ các yếu tố đã kết nối thương hiệu với chế độ quân chủ Ý. Thiết kế dây thừng, huy hiệu và thậm chí cả hình dạng biểu ngữ biến mất, chỉ để lại biểu tượng logo wordmark. Với phông chữ có chân không thay đổi và màu đen sang trọng. Điều này giúp logo thương hiệu Prada trở thành một trong những thương hiệu thời trang dễ nhận biết nhất trên thế giới.
Burberry
Hơn 160 năm tồn tại, dấu ấn bản sắc của Burberry được khắc họa mạnh mẽ bởi hình ảnh một hiệp sĩ đang cưỡi ngựa, trên tay cầm theo lá cờ bay phấp phới với dòng chữ “Prorsum” (có nghĩa là Forwards – Tiến lên phía trước trong tiếng Latin). Theo quan điểm của người Anh, hình ảnh “hiệp sĩ” chính là đại diện cho sự kiêu hãnh, tinh khiết và cao quý của dân tộc.
Burberry ra đời trong thời kỳ đỉnh cao của Đế quốc Anh – một lực lượng mạnh mẽ và sức ảnh hưởng đến toàn thế giới ở đầu thế kỷ 20. Hình ảnh kỵ sĩ cưỡi ngựa tiến về phía trước ngụ ý về định hướng trở thành một trong những thương hiệu thời trang tiên phong của Burberry. Chiếc khiên là hình ảnh nhằm truyền tải thông điệp rằng Burberry sẽ bảo vệ bạn khỏi những làn khói sương mù dày đặc – một kiểu khí hậu đặc biệt của nước Anh.
Hermès
Được ra mắt công chúng vào khoảng năm 1950, Hermès đã sở hữu nguyên tác logo từ một họa sĩ tên tuổi. Đó là bức phác họa chì của họa sĩ Alfred de Dreux – Một họa sĩ nổi tiếng của châu Âu, một nhà nghệ thuật lớn trong thời kỳ của chủ nghĩa nhân văn.
Thiết kế logo hoàn chỉnh của Hermès bao gồm biểu tượng một cỗ xe ngựa Đức không người lái cùng hình ảnh một quý ông thượng lưu đầy uy nghiêm, oai vệ đứng trước xe ngựa. Tổng thể logo mang đến cho người nhìn một cảm giác đẳng cấp, quyền quý của giới quý tộc Âu châu hệt như phong cách thời thượng, xa xỉ của Hermès (Hermès cũng bắt đầu từ việc chuyên sản xuất yên và cương ngựa để phục vụ cho giới thượng lưu Pháp). Qua logo của Hermès, phần nào người xem có thể hình dung một phần về sự ra đời và quá trình hình thành thương hiệu trong lịch sử Hermès.
Việc sử dụng hình tượng cỗ xe ngựa không người lái chính là một dụng ý đầy tính tế của Hermès muốn gửi đến nhóm khách hàng của mình. Nhà mốt này luôn mong muốn khách hàng có thể tự làm chủ tư duy và phong cách của chính mình, giống như việc có thể tự mình điều khiển cỗ xe ngựa mà không cần đến người dẫn dắt. Qua hình tượng logo đầy tính nghệ thuật, ý nghĩa của logo Hermès cũng được nâng lên thành triết lý kinh doanh của hãng, rằng chỉ tạo ra những sản phẩm mà khách hàng cần. Chính triết lý kinh doanh đầy khác biệt này đã khiến Hermès luôn chiếm giữ vị trí độc tôn của mình trong làng thời trang xa xỉ của thế giới.
Lanvin
Không chỉ là một thương hiệu “lão làng” của nền thời trang Pháp, câu chuyện Lanvin còn là cội nguồn ý tưởng và nền tảng sáng tạo của rất nhiều các thương hiệu thời trang và nước hoa nổi tiếng thế giới. Là một người tìm kiếm cảm hứng kiểu cổ điển, tư duy thẩm mỹ của nhà sáng lập Jeanne Lanvin cho rằng thời trang tiệm cận với nghệ thuật.
Từ 1908, Jeanne đã bắt đầu sự nghiệp thiết kế trang phục bằng việc may quần áo cho cô con gái nhỏ của mình. Các sản phẩm của cô ngay lập tức thu hút sự chú ý của những người giàu có và đặt may các mẫu hệt như vậy cho con em của họ. Dần dần, Jeanne Lanvin đảm nhận luôn việc thiết kế và may cho những phụ huynh đó, một trong số đó còn là những tên tuổi nổi tiếng bậc nhất Châu Âu lúc bấy giờ.
Lanvin sở hữu logo thương hiệu mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Lấy ý tưởng từ một bức ảnh Jeanne Lanvin nắm lấy tay con gái của mình (dự đoán chụp vào năm 1907), năm 1923, nhà thiết kế trang phục và đồ họa nổi tiếng – Paul Iribe, đã cách điệu hình ảnh người mẹ nắm tay con gái xoay tròn trở thành mẫu logo nổi tiếng trong giới thời trang hiện nay, là biểu tượng của tình mẫu tử cảm động mà bất cứ ai cũng không khỏi ngưỡng mộ.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo 1st Dibs
Please follow and like us: