Thời trang kỹ thuật số Metaverse liệu có định hình nền thời trang tương lai?
Sự có mặt của đại dịch đã kéo theo sự bùng nổ của nền tảng số. Như một lẽ tất yếu, một thời đại mới được khai sinh nhằm thỏa mãn nhu cầu kết nối của người khi mọi tương tác vật lý đều trở thành rào cản – Metaverse.
Sự trỗi dậy của Virtual Influencer
Có lẽ nhiều người vẫn còn đặt dấu chấm hỏi lớn cho rằng ở thời đại mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, có không ít tên tuổi fashion influencer (người có tầm ảnh hưởng thời trang) nổi tiếng, thậm chí còn được các thương hiệu xa xỉ “chọn mặt gửi vàng” cho các chiến dịch quảng bá, người mẫu sàn diễn, hay được ngồi ở hàng ghế đầu danh giá trong các show diễn thời trang của họ, nhưng tại sao các nhà mốt lại đặc biệt ưu ái cho các “người mẫu ảo” đến như vậy.
Màn “đánh cược” vào các virtual influencer của các thương hiệu cao cấp không chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn bắt nhịp xu hướng thời trang ảo của tương lai, mà còn là vì chiến lược thông minh mang tính dài hơi của họ trong việc chinh phục các thế hệ Z và Alpha.
Thứ nhất, các ngôi sao thời trang ảo được các công ty công nghệ CGI hàng đầu thế giới phát triển. Từ thần thái khuôn mặt cho đến từng đường nét trên cơ thể không khác gì so với người thật. Điều đặc biệt hơn cả nằm ở vẻ đẹp không tuổi của các virtual influencer khiến họ mãi mãi trẻ trung và xinh đẹp. Tùy vào quốc gia mà virtual influencer được khai sinh mà họ mang những tiêu chuẩn vẻ đẹp về ngoại hình riêng. Nếu như Hàn Quốc chuộng vẻ đẹp trong sáng, nữ tính thì ở các nước Tây phương hiện đại như Mỹ, Brazil… thì họ ưa chuộng người mẫu ảo mang vẻ đẹp sắc sảo, quyến rũ và mạnh mẽ.
Thứ hai, không thể phủ nhận được rằng mức độ nổi tiếng và sự yêu thích của khán giả dành cho một nghệ sĩ đóng vai trò rất lớn trong quyết định lựa chọn gương mặt đại diện của nhà mốt. Thế nhưng, họ không thể lường trước được những khủng hoảng có thể ập đến bất cứ lúc nào khi gương mặt mà họ chọn vướng bê bối. Thế nhưng, sự xuất hiện của các virtual influencer đã giải quyết mọi băn khoăn đó. Virtual influencer là những người vừa nổi tiếng, vừa có “đời tư” luôn luôn trong sạch. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ thuyết phục các “gã khổng lồ” mạnh tay đầu tư vào các gương mặt đại diện ảo này.
Tuần lễ thời trang số: Tương lai của nền công nghiệp thời trang tỷ USD
Có lẽ, sự kết hợp giữa thời trang và kỹ thuật số không phải là điều mới mẻ đối với giới mộ điệu. Địa hạt thời trang đã từng chứng kiến nhà mốt người Áo Helmut Lang trình làng BST thời trang trực tuyến thông qua chiếc đĩa CD-ROM vào năm 1998, hay thương hiệu cao cấp Alexander McQueen tổ chức buổi livestream đầu tiên vào năm 2009. Nhưng một tuần lễ thời trang kỹ thuật số thuần túy thì chưa từng có tiền lệ. Mặc dù trong năm 2020, nhiều nhà mốt lựa chọn nền tảng số để giới thiệu BST mới của họ thay vì các sàn diễn truyền thống có khách mời tham dự như trước khi có đại dịch, nhưng đó chỉ là phương án tạm thời bởi đối với các nhà thiết kế, thời trang không chỉ mang theo tinh hoa nghệ thuật thủ công thượng thừa của nhà mốt đó, mà còn là sự trải nghiệm: không khí náo nhiệt của sàn diễn truyền thống và sự hào nhoáng từ các thiết kế trang phục.
Bên cạnh sự hồi sinh của tuần lễ thời trang truyền thống, các tín đồ thời trang được dịp đắm chìm trong thế giới sáng tạo xa hoa và tráng lệ không kém từ các thương hiệu thời trang xa xỉ tại tuần lễ thời trang kỹ thuật số. Diễn ra từ tháng 3/2022, Tuần lễ Thời trang Metavese lần đầu tiên được tổ chức thông qua Decentraland, nền tảng mạng xã hội ảo phi tập trung được xây dựng trên Ethereum blockchain. Để có một cái nhìn chân thật nhất về cách thức hoạt động của nền thời trang trong vũ trụ Metaverse là mục sở thị các thương hiệu thời trang cao cấp đã gia nhập vào thế giới đầy hứa hẹn này. Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các khoản đầu tư của các nhà mốt vào Metaverse đều thông qua trò chơi điện tử.
Thương hiệu thời trang Tây Ban Nha Balenciaga là nhà mốt tiên phong “dấn thân” vào sân chơi Metaverse. Vừa qua, họ công bố về kế hoạch giới thiệu đơn vị kinh doanh Metaverse để tìm kiếm cơ hội mới trong không gian ảo này. Trong mùa mốt Thu Đông 2021, Balenciaga cũng trình làng một bộ sưu tập thông qua ứng dụng trò chơi và hợp tác cùng Fortnite để tạo ra loạt “skin” cho các nhân vật trong game.
Dolce & Gabbana cũng là “gã khổng lồ” ngành xa xỉ phẩm tiếp theo mê đắm sự hào nhoáng của Metaverse. Theo đó, bộ đôi Domenico Dolce và Stefano Gabbana mang đến một BST bespoke gồm 20 thiết kế nhằm tôn vinh tinh thần sáng tạo không ngừng và sự đổi mới mang tính đột phá của công nghệ và thời trang. Bên cạnh BST, nhà mốt Ý còn giới thiệu DGFamily, một hệ sinh thái NFT độc quyền, cho phép các thành viên tiếp cận các chương trình khuyến mãi, sự kiện truyền thống hoặc kỹ thuật số và các dự án hợp tác đặc biệt.
Và tất nhiên, Balenciaga và Dolce & Gabbana không phải là hai cái tên duy nhất lấn sân sang Metaverse mà còn rất nhiều tên tuổi lừng lẫy khác như Gucci, Etro, Tommy Hilfiger… cũng bị mê hoặc bởi một thế giới xa hoa, lộng lẫy và đầy sáng tạo của Metaverse.
Hơn hết, bên cạnh những lợi ích về mặt truyền thông và lợi nhuận, Metaverse còn là một trong những giải pháp thiết thực giúp các thương hiệu cao cấp khẳng định tinh thần bền vững trong quá trình sáng tạo. Hay nói một cách khác, thời trang kỹ thuật số sử dụng công nghệ hiện đại để tạo nên một địa hạt thời trang thân thiện với môi trường, giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất ngành thời trang gây ra, tạo ra một sân chơi lành mạnh để các tín đồ chuộng mốt có thể khoe cá tính thời trang khác biệt.
Bài: Hoàng Bảo – Fashion Columnist