Thơ hay như người đẹp
Đây không phải là so sánh của tôi, mà là của thi sĩ Chế Lan Viên từ mấy chục năm trước. Nguyên văn ông viết: “Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp, ở đâu đi đâu cũng lấy được chồng”…
Vâng, người đẹp thì ai nhìn cũng thấy đẹp, cũng thấy hấp dẫn. Thơ mà hay thì ai đọc cũng thấy hay, cũng thấy ám ảnh. Như nàng Kiều chỉ có kẻ dở người mới không cho là đẹp. Như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du chỉ có kẻ tâm thần mới không cho là hay. Tôi không đồng tình với quan niệm cho rằng: Một tác phẩm gây ra sự tranh cãi mới là tác phẩm có giá trị. Giá trị của một tác phẩm là ở sức hấp dẫn, ở sức thuyết phục càng nhiều người, nhất là những người am hiểu lĩnh vực đó thì giá trị càng cao. Còn có sự tranh cãi là do sức thuyết phục còn hạn chế, thế thì chưa thể gọi là đẹp, là hay được, nhất là sự tranh cãi của những người công minh và am hiểu.
Lịch sử văn chương dân tộc truyền lại cho chúng ta hôm nay những bài thơ hay hấp dẫn, ám ảnh và thuyết phục. Bài thơ “Quy hứng” (Hứng muốn trở về) của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn ở thế kỷ XIV khi ông đang đi sứ Trung Quốc. Bài thơ viết bằng chữ Hán:
Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì.
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy.
Dịch là:
Dâu già lá rụng tằm vừa chín,
Lúa sớm bông thơm, cua béo ghê.
Nghe nói ở nhà, nghèo vẫn tốt,
Dẫu vui đất khách chẳng bằng về.
(Theo “Hoàng Việt thi tuyển”)
Bài thơ có sức ám ảnh bởi tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ khó hiểu hay là dễ hiểu? Có lẽ là cả hai! Dễ hiểu bởi ai đọc cũng có thể hiểu được. Khó hiểu bởi đây là bài thơ của một ông quan đã đỗ Hoàng giáp (sau Trạng Nguyên, Bảng Nhãn) của kỳ thi Đình. Bài thơ được làm trong khi ông đang đi sứ được trọng vọng. Thế mà hơi thơ lại dân dã. Thơ hay của muôn đời thường giản dị thế chăng?
Nhân có sự ồn ào về một tập thơ viết về Yên Tử, tôi xin dẫn ra đây chỉ một bài thơ thôi của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi, bài thơ “Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự” (Đề chùa Hoa Yên ở núi Yên Tử), cảnh thiên nhiên hoành tráng kỳ thú lạ lùng, tất nhiên là qua đó để nói lên lòng tự hào về giang san hùng vĩ của dân tộc:
Trên núi Yên Tử ở ngọn cao nhất,
Mới đầu canh năm mặt trời đã đỏ rực
Cảnh vũ trụ, mắt nhìn cùng tột tít ngoài biển xanh;
Tiếng nói cười con người ở trong làn mây biếc.
Bao quanh cửa, giáo ngọc rậm nghìn mẫu;
Treo trên đá, dải châu rơi xuống lưng trời….
Độ cao hiếm có của Yên Tử so với các danh thắng khác được tác giả thể hiện trong hai hình ảnh khác biệt: “Mới đầu canh năm mặt trời đã đỏ rực/ Cảnh vũ trụ, mắt nhìn cùng tột tít ngoài biển xanh”. Hai hình ảnh “giáo ngọc (trúc) rậm nghìn mẫu” và “Dải châu (thác) rơi xuống lưng trời” cũng rất riêng Yên Tử. Trên phong cảnh thiên nhiên được vẽ rõ từng nét đó, hình ảnh vua Trần Nhân Tông (Trúc Lâm đệ nhất tổ) hiện lên ở hai câu kết như linh hồn của Yên Tử, cho ta thấy tài thơ của Nguyễn Trãi.
Thơ hay thì không gì có thể phủ nhận được, nó sống bằng chính sức sống của nó. Tôi nhớ đến tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Khoảng ba thập niên của thế kỷ trước (1955-1985), tác phẩm này không được giảng dạy trong nhà trường ở miền Bắc. Tôi không bàn đến sự đúng sai này. Tôi chỉ muốn nói rằng, dù ba thập niên tác phẩm “Chinh phụ ngâm” không được nhắc đến, nhưng nó vẫn sống trong lòng mọi người với một đời sống riêng, vẫn được mỗi người nâng niu và trân trọng. Cho đến khi luồng không khí đổi mới “cởi trói” cho văn chương nghệ thuật (1986) thì nó lại được tươi xanh với sức sống của một trong hai tác phẩm (cùng với “Truyện Kiều”) đại diện cho thơ ca dân tộc. Đây là những câu thơ nói về cảnh chia ly ngậm ngùi trong chiến tranh:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Và đây là cảnh chiến trận tàn khốc và đau thương, một bức tranh hiện thực qua những người yêu hòa bình nhìn nhận:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng rõi rõi soi.
Chinh phu tử sĩ bao người,
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn…
Đúng là thơ hay thì không cần lời bình, giống như người đẹp thì không cần mối lái, quảng cáo; như hoa sen cứ tự nhiên thơm ngát vậy, như nấm hương giữa rừng sâu vẫn nức tiếng thơm… Tôi thấy những cuộc rùm beng về thơ gần đây nó cứ thế nào ấy. Sự quảng cáo chân chính là cần thiết. Nhưng mà sự quảng cáo thời nay, nhiều khi lại làm mọi người thiếu tin tưởng về chất lượng của tác phẩm.
Đỉnh cao nhất của văn chương dân tộc là “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du tuy có nhiều điển tích và từ Hán Việt, nhưng mọi người đọc vẫn hiểu từ trí thức đến mỗi người bình dân. “Truyện Kiều” đã có sức hấp dẫn và ám ảnh mọi người suốt hai trăm năm qua. Bây giờ, một số nhà thơ trẻ không còn bái phục Nguyễn Du nữa, họ cho thơ Nguyễn Du là cổ, là cũ. Có thật như vậy chăng? Chúng ta cùng đọc lại một số câu thơ tả cảnh của ông:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa”.
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”…
Và một số câu thơ tả tâm trạng:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Mây trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu…”
Thơ Nguyễn Du vẫn mới đấy chứ. Đó là những bức tranh và cảnh về tâm trạng con người rất đẹp rất sáng. Thơ là gì, nghệ thuật là gì nếu không phải là cái đẹp. “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” mà! Nhưng cái đẹp cụ thể thì mỗi người quan niệm một khác, mọi người dễ thống nhất về những tiêu chí chung. Có như thế mới tổ chức thi hoa hậu thế giới được chứ. Các nước, các dân tộc khác nhau còn có tiêu chuẩn chung thì làm sao những người yêu thơ của một nước lại không thể thống nhất đánh giá những tập thơ của nước mình? Chắc chắn những tập thơ đó không có sức thuyết phục rồi.
Ta thử tìm những vần thơ thế sự xem sao. Một trong những người làm thơ thế sự nhiều là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những câu thơ của Trạng Trình đến nay người đọc vẫn thấy gần gũi khi nói về thói đời trắng đen:
Vụng khéo nào ai chẳng có nghề
Khó khăn phải lụy đến thê nhi
Gặp thời, thân thích chen chân đến
Thất thế, hương lư ngoảnh mặt đi
Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến
Gang không mật mỡ, kiến bò chi
Thời nay những trọng người nhiều của
Bằng đến tay không, ai kẻ vì…
Nói về thế sự mà dễ hiểu thì mới đi vào lòng người được. Chứ cứ như những tập thơ hũ nút không biết có cao siêu không, nhưng chẳng ai hiểu cả thì có tích sự gì? Viết đến đây tôi lại thấy một câu của thi sĩ Chế Lan Viên: “Chỗ này sâu ư? Không chỉ là nước đục ngầu/ Chỗ này cạn ư? Không chính vì nó trong nên ta nhìn thấy đáy” sao mà đúng thế. Thì ra chân lý bao giờ cũng giản dị thôi, không bao giờ rắc rối cả. Sự rắc rối là do con người tạo ra. Không làm được những bài thơ hay thì phải “cải trang” thôi.
Chẳng lẽ thơ dễ hiểu thì không phải là thơ hay? Theo tôi, một tác phẩm nghệ thuật nói chung và thơ nói riêng, yêu cầu đầu tiên là phải làm cho người thưởng thức hiểu. Một người nói mà mọi người không hiểu thì tất phải là câm hay nói ngọng, hoặc không cùng ngôn ngữ. Một tác phẩm mà đối tượng thưởng thức không sao hiểu được thì tất là do có khuyết tật. Tôi dẫn chứng hơi nhiều những bài thơ thông thường ở trên để thấy thơ hay trong lịch sử văn chương dân tộc đều dễ hiểu cả. Điều sâu sắc ở một bài thơ không phải ở sự khó hiểu mà ở độ sâu của ý tứ. Truyền thống của thơ phương Đông, thơ Việt Nam là “văn dĩ tải đạo”, tức là truyền đạt những tư tưởng, những triết lý, những bài học, những kinh nghiệm sống của con người. Các vĩ nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh được thế giới yêu kính về nhiều mặt, trong đó có giá trị thơ ca, thì thế giới phải hiểu thơ của các cụ chứ! Không hiểu thì ai người ta biết hay dở mà công nhận là danh nhân? Ngược lại các nhà thơ của thế giới Khuất Nguyên (Trung Quốc), Tagorơ (Ấn Độ), A.Puskin (Nga), Bairơn (Anh), Úytman (Mỹ)… người dịch cũng phải hiểu thì mới dịch ra cho chúng ta thưởng thức được chứ. Thơ cổ, thơ nước ngoài hay, chúng ta đọc còn hiểu, hà cớ gì thơ hiện đại đọc lại không hiểu. Nên tôi có thể khẳng định thơ Việt Nam hiện đại mà để cho tầng lớp độc giả có văn hóa đọc không hiểu thì đấy là thơ không hay, hoặc nó là một dạng nghệ thuật khác, không liên quan đến thơ