Thờ cúng tổ tiên ngày Tết thế nào để cả năm may mắn, vạn sự như ý?
Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hoá truyền thống từ ngàn đời nay của người dân Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết đến, xuân về. Các gia đình thường mua sắm lễ vật, thắp hương để thờ cúng tổ tiên, thế nhưng cúng lễ như thế nào để được nhiều lợi ích theo tinh thần đạo Phật, không phải ai cũng hiểu được.
Kính mời quý vị cùng tìm hiểu qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
Ý nghĩa phong tục thờ cúng tổ tiên
Thứ nhất, cúng tổ tiên để bày tỏ sự cung kính, lòng biết ơn và nhớ ơn đối với những người đã khuất hoặc các đấng thiêng liêng. Ở đây người đã khuất có thể là cha mẹ, người thân hay những người anh hùng chiến sĩ đã hy sinh.
Thứ hai, thờ cúng đồng thời cũng là để học theo gương của người đã khuất. Lấy gương tốt, điểm sáng của họ để giáo dục, dạy dỗ con cháu sống thảo hiền, nhân nghĩa.
Thờ cúng tổ tiên là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người đã khuất (ảnh minh họa)
Người xưa có câu cây có gốc, nước có nguồn, cũng giống như chúng ta thờ cúng ông bà tổ tiên để gìn giữ chặt giềng mối của tổ tông và để đoàn kết con cháu dòng họ. Có nhà thờ họ để con cháu biết mình là con cháu nhà ai? Mình thuộc chi, ngành nào?
Ý nghĩa thứ tư của việc thờ cúng là cúng thí cho người mất. Bên cạnh đó, bàn thờ cũng là nơi chúng ta kết nối tâm linh với thế giới bên kia. Thế giới bên kia có thể là vong linh gia tiên, có thể là chư Thiên, chư Thần, có thể là chư Phật, Bồ Tát.
Tổ tiên có thọ hưởng được đồ cúng?
Ở cõi người này, chúng ta cúng lễ cho người đã mất thì họ có về ăn được không? Nếu người ấy tái sinh lên cõi Trời và làm các vị tiên trên Trời, vị Thần thì họ sẽ không ăn đồ cúng của chúng ta. Bởi họ ăn thức ăn ở cõi Trời còn đồ cúng của chúng ta rất bẩn và tanh họ không ăn được.
Trường hợp vong linh tổ tiên đầu thai thành người khác hoặc làm súc sinh hoặc bị đọa vào địa ngục thì cũng không về ăn được đồ cúng. Họ chỉ ăn được khi đầu thai vào gia đình chúng ta, quay trở lại làm con cháu trong nhà.
Nếu chúng sinh đó tái sinh làm ngã quỷ (vong hồn, linh hồn hoặc các chúng đói khát) thì có thể về thọ thực đồ cúng của con cháu được. Trong hàng ngã quỷ, chỉ có một số ngã quỷ về ăn được, có loài ăn bằng hương hoa, loài cô hồn ăn bằng tư tưởng. Tuy nhiên, có những vong hồn do nghiệp, họ nhìn thấy thức ăn, mùi hương nhưng lại không thọ thực được. Những vong linh ấy, chúng ta phải làm phúc, cúng dường thì họ mới có thể ăn được.
Cúng tổ tiên thế nào là lợi ích nhất?
1. Mâm cơm cúng thanh tịnh
Với mong muốn được lợi ích cho kẻ còn, người mất và giúp cho những ngày Tết thêm phần ý nghĩa, trọn vẹn. Dù là cúng đêm giao thừa, ngày 30, cúng Ông Công Ông Táo cho đến cúng mùng 1… chúng ta nên sắm vật thực cúng chay tịnh, không nên sát sinh con vật để cúng lễ. Như vậy là cúng đúng Pháp và sẽ mang lại phúc báu cho người cúng và cho vong linh ông bà tiên tổ.
Trong kinh Tế Đàn, Đức Phật dạy: “Những loại tế đàn nào, này Bà La Môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại. Loại tế đàn ấy, này Bà la môn liên hệ đến sát sinh, ta không tán thán loại tế đàn ấy. Những loại tế đàn có sát sinh như vậy, này Bà la môn, các A la hán và những ai đi trên con đường hướng đến A la hán không có đi đến”. Đức Phật nói tất cả những đàn lễ có sát sinh bò, lợn, gà, trâu… thì Ngài đều không tán thán các đàn lễ đó.
>>> https://chuabavang.com/bai-cung-mung-1-mung-2-mung-3-tet-d2464.html
Chúng ta nên sắm sửa vật thực chay tịnh để dâng cúng ông bà (ảnh minh họa)
2. Cúng dường Tam Bảo để hồi hướng phúc báu cho gia tiên
Để cúng lễ được thành tựu công đức, bên cạnh việc cúng đồ chay chúng ta nên cúng dường Tam Bảo để hồi hướng phước đến cho tiên tổ. Khi họ có phúc báu thì mới có oai lực, ít nhiều gia hộ cho gia đình chúng ta được.
3. Tụng kinh sám hối
Bên cạnh đó chúng ta có thể tụng kinh, sám hối cho gia tiên và những vị quỷ thần. Chúng ta tác phúc hồi hướng cho vong linh tiên tổ để họ có thêm phúc báu và cùng hoan hỷ để họ có thể trợ duyên cho chúng ta. Cho nên, khi chúng ta nỗ lực, cố gắng tinh tấn thì sẽ được thiên nhân hộ trì.
Qua bài viết trên, mong rằng quý Phật tử hiểu được cách thờ cúng tổ tiên để được lợi ích cho kẻ còn, người mất. Mong rằng, chúng ta luôn giữ được nét đẹp văn hoá này để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân tổ tiên và cầu mong sức khỏe, hạnh phúc, bình an cho gia đình.