Thi công xuyên Tết trên công trường giao thông

(TBTCO) –

Những ngày cuối năm 2022, toàn ngành Giao thông vận tải vẫn làm việc khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 vào đúng dịp Tết Dương lịch 2023, cũng như thi công xuyên Tết Quý Mão 2023, phấn đấu đến 2025 cơ bản hoàn thành cả 12 dự án… Những đại lộ đang dần mở ra, góp sức tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

“Chiến dịch” thẩm định thiết kế lớn nhất từ trước đến nay

Theo ông Lê Quyết Tiến – quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), mỗi dự án đầu tư công trình giao thông trải qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn từ phê duyệt chủ trương, chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công là vất vả, phức tạp nhất. Từ đầu năm 2022 đến nay, đối với dự án cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn II), các cán bộ, kỹ sư của Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã huy động 2 đợt “chiến dịch” kéo dài 2 – 3 tháng liền. Sở dĩ họ không thể đem việc về nhà làm vì có quá nhiều hồ sơ giấy tờ, tài liệu và nhiều nguyên nhân khách quan khác, nên ở lại cơ quan làm rất muộn là phương án tối ưu hơn cả.

Cũng theo ông Lê Quyết Tiến, ngay từ khi triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam (giai đoạn II), lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tổ chức họp, quán triệt tinh thần cho cán bộ xác định vào chiến dịch thời gian gấp rút nên sẽ thường xuyên đi sớm, về muộn giống như giai đoạn triển khai dự án mở rộng, cải tạo quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhiều thời điểm mấy tháng liền mọi người không có ngày nghỉ trọn vẹn.

Với khối lượng công việc khổng lồ, tiến độ gấp của dự án, từ cán bộ đến chuyên viên của Cục Quản lý đầu tư xây dựng đều phải xắn tay cùng làm, rà soát kỹ từng hồ sơ thẩm định, xây dựng dự toán, định mức nhằm đáp ứng tiến độ. Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định, rà soát biện pháp thi công tổng thể, chi tiết các cầu – hầm, mã định mức áp dụng, phương án điều phối vật liệu, bảo đảm tính tổng thể giữa các dự án thành phần, giải pháp kỹ thuật không bị “vênh nhau”. Để làm được việc này thì công tác thẩm định hồ sơ đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ, chi tiết và cẩn trọng, xong dứt điểm việc này mới chuyển sang việc khác.

Bộ Giao thông vận tải chính thức thông xe Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Toàn Nguyễn Bộ Giao thông vận tải chính thức thông xe Cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Toàn Nguyễn

Nhờ đó đã hoàn thành thẩm định thiết kế và dự toán để các đơn vị tiếp tục triển khai các bước tiếp theo phục vụ cho việc triển khai công tác khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu cao tốc

Theo Bộ GTVT, 12 dự thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025) đã đồng loạt khởi công ngày 1/1/2023 trên địa bàn 9 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau. 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần đã được khởi công.

Còn đối với dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Bộ GTVT cũng cho biết đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án) khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”. Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có tổng chiều dài hơn 110 km, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, được Bộ GTVT giao do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Cao tốc có điểm đầu tại nút giao IC2 (nút giao nối vào QL 91 – QL Nam Sông Hậu, TP. Cần Thơ), điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Dự án được chia thành 2 dự án thành phần, gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài hơn 37 km và đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài hơn 73 km.

Bên cạnh đó, cũng trong dịp Tết Dương lịch 2023, Bộ GTVT đã chính thức thông xe Cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn. Dự án thành phần đầu tư xây dựng Cam Lộ – La Sơn có tổng chiều dài 98,3 km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Trị là 37,3 km, đoạn qua Thừa Thiên – Huế là 61 km. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 7.600 tỷ đồng, công trình được khởi công năm 2019.

Địa phương vào cuộc giải phóng mặt bằng đồng bộ, quyết liệt

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn, địa phương vào cuộc giải phóng mặt bằng (GPMB) đồng bộ, quyết liệt; không để khởi công xong không triển khai thi công được vì vướng GPMB. Công tác GPMB triển khai đồng bộ, ngay từ đầu xử lý rốt ráo các ảnh hưởng, vướng mắc hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, các khu tái định cư cho các hộ dân diện di dời, GPMB cao tốc cần đảm bảo hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Người dân được hưởng lợi tốt hơn từ tái định cư…

Bộ GTVT cũng cho biết thêm, các nhà thầu được lựa chọn thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đều là những nhà thầu mạnh, có bề dày thi công nhiều dự án cao tốc lớn trên cả nước. Tuy nhiên, thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp chỉ kéo dài 34 tháng trong bối cảnh quy mô gói thầu lớn hơn giai đoạn 1, trong khi số lượng nhà thầu ít hơn nên các đơn vị cần phải tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai ngay từ đầu để đảm bảo tiến độ.

Theo ông Phạm Văn Khôi – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, định hướng không chia nhỏ gói thầu của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ giúp cho các nhà thầu tập trung được nguồn lực, tổ chức thi công liền mạch, nâng cao hiệu quả triển khai…

Là doanh nghiệp quân đội đã và đang tham gia nhiều dự án cao tốc lớn như: Mai Sơn – QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cần Thơ – Hậu Giang, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc – Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, từ kinh nghiệm triển khai giai đoạn 1, dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đã có nhiều thay đổi tích cực về quy mô phân chia gói thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ kỹ thuật. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thời gian gấp nên các vấn đề thiết kế kỹ thuật cũng khó tránh khỏi sai sót. Chính vì vậy, các nhà thầu rất mong sẽ nhận được sự hỗ trợ và phối hợp tối đa của chủ đầu tư để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, đảm bảo tiến độ đồng bộ của dự án.