Thẻ tín dụng cashback: Ngân hàng lo rủi ro, khách hàng ngại phiền phức
Hoàn tiền tới 10%
Báo cáo nghiên cứu hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng năm 2021 của Công ty Nghiên cứu thị trường Mibrand, dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm 34%. Do vậy, thời gian gần đây, hoàn tiền khi chi tiêu qua thẻ tín dụng là một hình thức được nhiều ngân hàng áp dụng để kêu gọi khách hàng mở thẻ.
Mới đây, Agribank vừa ra mắt thẻ đa ứng dụng (ghi nợ và tín dụng) Lộc Việt. Thẻ này cung cấp hạn mức tín dụng lên đến 30 triệu đồng, hồ sơ, thủ tục đơn giản, thao tác thuận tiện trên nhiều kênh thanh toán cùng lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, chủ thẻ sẽ được hoàn tiền trị giá 100.000 đồng khi thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ hợp lệ bằng thẻ tín dụng Lộc Việt có giá trị từ 500.000 đồng.
Tương tự, tại Sacombank, khi thanh toán các giao dịch mua sắm bằng thẻ tín dụng cá nhân với mỗi giao dịch thành công từ 3 triệu đồng, khách hàng sẽ được hoàn 3%, tối đa 600.000 đồng/tháng. Chương trình áp dụng cho cả hóa đơn mua sắm trực tiếp và hóa đơn mua sắm trực tuyến, số tiền hoàn sẽ được chuyển vào thẻ tín dụng mà khách hàng sử dụng để thanh toán. Tại Techcombank, từ ngày 1/3/2022 ngân hàng áp dụng hoàn tiền 5% cho thẻ tín dụng Techcombank Signature và 1% thẻ ghi nợ của Techcombank, quy định hoàn tiền này áp dụng cho giao dịch chi tiêu trong nước trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, tối đa 5 triệu VND tháng/chủ thẻ…
Tại VPBank, khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng VPBank Lady Mastercard sẽ được hoàn tiền 6% cho các giao dịch thanh toán bảo hiểm online, 2% cho các chi tiêu tại một số siêu thị cùng các dịch vụ y tế, giáo dục và hoàn 0,3% cho các chi tiêu khác, tối đa 600.000 VND/kỳ sao kê/chủ thẻ chính. Khách hàng sử dụng thẻ SHB ManCity Cashback được hoàn 6% cho chi tiêu mua sắm sản phẩm dịch vụ thể thao, 5% chi tiêu cho giáo dục. Thẻ tín dụng SCB Mastercard Gold còn được hoàn đến 10% lĩnh vực giải trí, ăn uống, thời trang, mua sắm trực tuyến, du lịch…
Lo ngại giao dịch khống
Tiện ích và nhiều ưu đãi là thế nhưng chính sách này đang phát sinh những mặt trái là các “giao dịch mua hàng khống”, như quẹt thẻ tín dụng thanh toán tại điểm bán hàng (POS) nhưng không phát sinh hàng hóa tương ứng với mục đích sử dụng, nhằm trục lợi các chương trình ưu đãi của ngân hàng. Đây là hành vi gian lận thương mại điện tử, vi phạm các quy định cấm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư bổ sung quy định cấm loại hình gian lận thanh toán điện tử này, yêu cầu các ngân hàng siết chặt rà soát, kiểm tra để không xảy ra vi phạm pháp luật tại các đơn vị chấp nhận thẻ và khách hàng dùng thẻ tín dụng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi, sử dụng thẻ sai mục đích… ngân hàng có quyền rà soát, yêu cầu khách hàng cung cấp hóa đơn mua hàng để xác thực giao dịch và rà soát lại việc áp dụng ưu đãi đã chi trả.
Mặc dù quy định này là đúng, nhưng việc cung cấp lại hóa đơn cho ngân hàng để rà soát lại gây bức xúc cho khách hàng sử dụng. Gần đây, nhiều khách hàng đã phản ánh về việc ngân hàng yêu cầu hóa đơn để chứng minh giao dịch, nếu không có thì sẽ truy thu khoản tiền đã hoàn trước đó của khách hàng. Anh L.Q.K (Đà Lạt) đã phản ánh, trong 1 năm sử dụng thẻ tín dụng Techcombank Visa Signature cho các giao dịch ăn uống, nhà hàng, khách sạn nên được hoàn tiền 5%. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2022, anh K. nhận được email của Techcombank yêu cầu phải cung cấp hóa đơn giao dịch từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, nếu không cung cấp được hóa đơn trong 6 ngày thì sẽ bị thu hồi tất cả tiền đã được hoàn là hơn 12 triệu đồng.
Với việc này, anh K. bức xúc vì đây là những giao dịch cách đây 6 tháng nên không còn giữ hóa đơn và cũng là chi tiêu cá nhân nên không lấy hóa đơn VAT. Vì thế, vị này cho rằng, yêu cầu của ngân hàng là hợp lệ nhưng vẫn không rõ ràng và gây khó cho người sử dụng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng, trưởng đại diện Hiệp Hội Ngân hàng tại TPHCM cho rằng, khách hàng cần lưu ý và đọc kỹ các quy định của chương trình và đặc biệt lưu giữ các hóa đơn/chứng từ hàng hóa hợp pháp, hợp lệ để cung cấp xác minh giao dịch. Về phía ngân hàng, , các ngân hàng vẫn đưa ra cảnh báo khách hàng trong trường hợp ngân hàng nghi ngờ các giao dịch không phù hợp với quy định hoàn tiền, ngân hàng sẽ liên hệ chủ thẻ yêu cầu cung cấp chứng từ/hóa đơn chứng minh tính xác thực của giao dịch. Khi thực hiện các chi tiêu giá trị lớn trong các lĩnh vực được hoàn tiền, quý chủ thẻ lưu ý lưu lại các chứng từ giao dịch, đặc biệt là hóa đơn VAT theo quy định của Bộ Tài chính để cung cấp cho ngân hàng/các cơ quan nhà nước khi cần thiết.