Lý luận và khái niệm về gia đình, giá trị và giá trị đạo đức truyền thống – VỤ GIA ĐÌNH

Theo Từ điển Tiếng Việt: “Gia đình là tập hợp người sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái” (Hoàng Phê, 1997: 381). Cũng có định nghĩa khác: “Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục… giữa các thành viên” (Đỗ Nguyên Phương, 2004: 236). Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cho rằng: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này” (Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2014). Đối với mỗi cá nhân, gia đình chính là “trường học” đầu tiên, quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người. Đây chính là tổ ấm của mỗi người, vì chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung. Gia đình đồng thời là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
“Truyền thống là chỉ hệ thống quan niệm giá trị cơ bản thể hiện bản chất đặc thù của cộng đồng con người do lịch sử liên tục lưu truyền lại. Văn hóa truyền thống là văn hóa dân tộc, do lịch sử liên tục truyền lại. Văn hóa truyền thống là để tương đối với văn hóa ngoại lai, chỉ văn hóa mẹ, văn hóa bản thổ cũng là văn hóa dân tộc. Văn hóa truyền thống là để tương đối với văn hóa hiện đại, chỉ văn hóa do lịch sử lưu truyền lại” (Trần Chí Lương, 2010: 22, 23). Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, những chuẩn mực giá trị truyền thống tốt đẹp như: yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường… vẫn được nhiều thế hệ gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Khái niệm “giá trị” hiện nay được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học xã hội và khoa học nhân văn với nhiều nội dung, ý nghĩa mang tính tích cực khác nhau. Có thể khẳng định: “nói đến giá trị tức là muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là đã bao hàm cả quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp, là nói đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới” (Nguyễn Trọng Chuẩn, 1998). Giá trị được chia thành giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần được chia thành các loại giá trị cơ bản như: giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị chính trị, giá trị thẩm mỹ…
Cũng căn cứ vào từ điển Tiếng Việt, “Giá trị đạo đức” bao gồm các giá trị truyền thống và cả các giá trị hiện đại. Trong đó, “giá trị truyền thống dân tộc được đúc kết nên trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc… cho nên có thể nói, giá trị truyền thống là cái thể hiện bản chất nhất, đặc trưng nhất cốt lõi văn hóa dân tộc” (Nguyễn Văn Huyên, 1998). Giá trị truyền thống chính là những giá trị tốt đẹp, thể hiện trong những chuẩn mực đạo đức, mang tính ổn định tương đối và ăn sâu vào tâm lý, tập quán xã hội từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác của dân tộc, có tác dụng điều chỉnh hành vi cá nhân cũng như mọi mối quan hệ trong xã hội, được đông đảo thừa nhận và tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội. Giá trị truyền thống là một bộ phận trong hệ giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển cùng với bề dày lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử của dân tộc, nhưng các chuẩn mực đó vẫn còn nguyên ven giá trị, đồng thời đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” (Hồ Chí Minh, 1959). Trong xây dựng nhân cách người Việt Nam hiện nay, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong đó việc bảo lưu giá trị truyền thống đóng vai trò vô cùng quan trọng. Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống trong các gia đình nói chung chính là cơ sở hướng tới các giá trị Chân, Thiện, Mỹ.