Thế mạnh đặc trưng

Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Trong nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp với nhiều công trình hữu ích, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo cảnh quan và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của cư dân tỉnh nhà. Trên con đường phát triển, để sớm trở thành một tỉnh khá, giàu, thế mạnh đặc trung của Vĩnh Long sẽ được khai thác một các có hiệu quả, đó là:

– Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống giao thông đối ngoại khá thuận lợi, kể cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không (có quốc lộ 1A, 80; 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậi được nối liền bởi sông Mang Thít; gần cảng và sân bay Cần Thơ…), gần thành phố Cần Thơ – Trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

– Đất có chất lượng cao, độ phì khá lớn, nguồn nước ngọt quanh năm, hệ thống sông rạch dày, thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Vĩnh Long hiện là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước, đặc biệt nằm trong vùng tứ giác phát triển cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng phát triển các lúa, màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu

– Vĩnh Long là có tiền năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa, hội nghị, hội thảo, thương mại…

– Lao động dồi dào và có trình độ, đặc biệt lao động nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm, khả năng nâng cao tỷ lệ qua đào tạo lớn. Có truyền  thống và tiềm năng về đào tạo với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề lớn, cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt. Nhân dân Vĩnh Long có truyền thống cách mạng, luôn luôn đi đầu trong đấu tranh chống ngoại xâm trước kia và trong phát triển kinh tế.

Về nông nghiệp

Vĩnh Long có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: quỹ đất nông nghiệp năm 2013 gần 119 ngàn ha, chiếm 78,23% diện tích tự nhiên; nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên đất đai màu mỡ, lại đảm bảo đủ nước ngọt quanh năm phục vụ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện. Khai thác những lợi thế đó, tỉnh Vĩnh Long đã phân bổ sản xuất nông nghiệp theo hướng: khu vực đất liền sẽ tập trung trồng lúa, cây ăn quả, cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi bò, lợn, gà và nuôi trồng thuỷ sản; các cù lao trên sông là nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp trồng các loại cây ăn quả đặc sản, nuôi cá trong các mương vườn, vùng bãi bồi ven sông, ven cù lao. Từ sự phân bổ này, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm hướng tới mục tiêu đưa kinh tế vườn thành thế mạnh thứ hai trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng liên tục và bền vững theo vùng sinh thái, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại giá trị ngày càng tăng trên một đơn vị diện tích. 

Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, đem lại giá trị thu nhập cao hơn cho người nông dân và phá thế độc canh cây lúa, tỉnh Vĩnh Long chủ trương đưa giá trị kinh tế từ vườn cây ăn quả thành thế mạnh thứ hai sau cây lúa. Trong những năm qua, người dân Vĩnh Long đã tích cực cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, tận dụng diện tích ngoài đê bao để lập vườn và trồng các lọai cây có giá trị kinh tế, góp phần đưa diện tích vườn cây ăn quả của tỉnh lên gần 47 nghìn ha năm 2010. Đặc biệt, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây đặc sản như: cam sành ở Tam Bình, bưởi Năm Roi ở Bình Minh, nhãn, chôm chôm ở Long Hồ…  

Do làm tốt công tác thuỷ lợi, áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa tăng theo từng năm. Vì thế, tuy diện tích gieo trồng lúa giảm, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng và đã đạt trên 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, việc đưa rau màu xuống ruộng đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Vĩnh Long. Chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu và luân canh cây màu trên ruộng lúa diễn ra rộng khắp.  Những mô hình chuyên canh rau màu an toàn, mô hình 3 vụ màu/năm; 2 lúa – 1 màu, 2 màu – 1 lúa, 1 lúa – 3 màu…, các vùng chuyên canh màu tập trung đã và đang hình thành đã mang lại giá trị cao trên 1 đơn vị diện tích.

Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng có những chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có trên 350 ngàn con heo, gần 70 ngàn con bò và gần 5 triệu con gia cầm. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển mạnh theo hướng phát triển các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và các mô hình xen canh. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản gần 2,5 ngàn ha, trong đó khoảng 450 ha nuôi cá tra thâm canh và khoảng 650 lồng bè nuôi cá, cho sản luộng hàng năm khoảng 150 ngàn tấn và chủ yếu làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Trong tương lai, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại và khai thác thế mạnh về nuôi thủy sản phục cụ cho chế biến xuất khẩu là lĩnh vực ưu tiên trong định hướng phát triển của tỉnh.

Về công nghiệp.

Vĩnh Long luôn là một trong các tỉnh đứng đầu cả nước trong việc thu hút đầu tư thông qua những chính sách mời gọi hợp lý, cởi mở và cho thấy vẫn còn nhiều tiềm năng đầu tư, phát triển.

Cơ sở hạ tầng: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 02 khu công nghiệp, 01 tuyến công nghiệp và sẽ có 3 khu công nghiệp mới cùng với các cụm công nghiệp.

– Khu công nghiệp Hoà Phú, giai đoạn 1: Quy mô 122,16 ha, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đã lấp đầy 100% đất công nghiệp với 16 doanh nghiệp, trong đó có 07 nhà đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư 99,74 triệu USD và 09 nhà đầu tư trong nước với vốn đầu tư trên 644 tỷ đồng. Giai đoạn 2: Quy mô 129,91 ha, san lấp mặt bằng đạt trên 25%. Hình thức xây dựng cuốn chiếu nên sẵn sàng đáp ứng cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất.

– Khu công nghiệp Bình Minh: Quy mô 131,5 ha, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 75% và đã cho thuê 47 ha, chiếm 55% đất công nghiệp với 10 doanh nghiệp, trong đó có 01 đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký đầu tư là 14 triệu USD và 09 đầu tư trong nước với vốn đăng ký đầu tư trên 1.087 tỷ đồng.

– Ngoài các khu công nghiệp hiện hữu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Vĩnh Long quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Đông Bình với diện tích 350 ha; Khu công nghiệp An Định với diện tích 200 ha và Khu công nghiệp Bình Tân với diện tích 400 ha.

– Tuyến công nghiệp Cổ Chiên: Khu IV với diện tích 30 ha, san lấp đạt 72% khối lượng và đã có 2/5 doanh nghiệp hoạt động, vốn đăng ký đầu tư là 7,4 triệu USD và 1.394 tỷ đồng.

– Cụm công nghiệp: Tỉnh đã quy hoạch phát triển 13 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích trên 642 ha và giai đoạn năm 2016-2020 là 6 cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với diện tích là 242 ha. Đã có 7 cụm Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp  đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, diện tích 354 ha và đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 nhà đầu tư.

Sản phẩm công nghiệp.

– Hàng thủ công mỹ nghệ: Dự báo nhu cầu thị trường xuất khẩu về những sản phẩm này tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới đồng thời tạo nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn;

– Tân dược: Là sản phẩm truyền thống của Vĩnh Long, đang chiếm thị phần khá lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và trong nước. Cùng với mức sống dân cư tăng, nhu cầu về các loại thuốc sẽ tăng. Đây là một lợi thế cần được duy trì và phát huy.

– Sản phẩm công nghiệp nhẹ: Thị trường xuất khẩu và trong nước đối với những loại sản phẩm này còn lớn, đặc biệt là các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

– Sản phẩm cơ khí: Đối với Vĩnh Long đây là sản phẩm có nhiều tiềm năng. Trước hết, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền là ngành truyền thống, là vùng sông nước nên nhu cầu về các loại sản phẩm của ngành dự báo sẽ tiếp tục tăng, cần được duy trì và phát huy; cùng với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước nhu cầu về các loại sản phẩm cơ khí chế tạo, cơ khi chính xác sẽ ngày một lớn. Là địa bàn có tiềm năng lớn về đào tạo, khoa học công nghệ, dự báo những ngành cơ khí này sẽ phát triển mạnh trong tương lai.

Nguồn nhân lực.

Dân số tỉnh Vĩnh Long trên 1 triệu người, trong đó dân số nông thôn chiếm trên 80% nhưng bình quân đất canh tác thấp. Đây là nguồn lao động cho hoạt động sơ chế, gia công trong thời điểm nông nhàn và các công đoạn không đòi hỏi tay nghề cao, lao động theo kiểu ly nông mà không ly hương.

Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ này khá cao so với bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây vừa là tiềm năng, song cũng là sức ép lớn về tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác trên địa bàn.

Mạng lưới đào tạo được mở rộng, đến nay toàn tỉnh đã có 03 trưòng đại học, 03 trường cao đẳng, 03 trường trung học chuyên nghiệp. Mạng lưới dạy nghề có trường trung cấp dạy nghề và công nhân kỹ thuật là trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long và Trung cấp Nghề số 9 cùng với nhiều cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và huyện, thị, thành phố có khả năng đào tạo được số lượng khá lớn học sinh, sinh viên cho tỉnh và các tỉnh trong vùng.

Hiện nay tỉnh đang thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phấn dấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật lên khoảng 55% và năm 2020 khoảng 65-66%.  Đây là nguồn lực hết sức cần thiết cho công nghiệp hoá – hiện đại hoá trong những năm tới.