Thanh niên quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa
Thanh niên quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được trao truyền qua các thế hệ, thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập như hiện nay, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một, biến mất. Bởi vậy, ở nhiều huyện miền núi trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định để các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ và ngày càng phát huy thì phải bắt đầu từ thế hệ trẻ.
Anh Bùi Anh Sơn (người đứng giữa cầm hoa), Bí thư Đoàn xã Phượng Nghi (Như Thanh), nhận giải tại Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa năm 2021.
Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Mường, Thái, Thổ, với vai trò thanh niên luôn xung kích đi đầu trong các hoạt động, phong trào, những năm qua Huyện đoàn Như Thanh luôn đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền cho ĐVTN về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; vận động ĐVTN tích cực tham gia các lớp truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc do xã, huyện tổ chức; đồng thời, trong các buổi sinh hoạt đoàn, đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cùng với đó, các cơ sở đoàn trong huyện còn chú trọng việc đẩy mạnh, duy trì đội văn nghệ tại các thôn, bản với nòng cốt là ĐVTN thường xuyên tham gia tập luyện, sẵn sàng phục vụ vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương; đồng thời, khuyến khích ĐVTN đưa các loại hình trò chơi dân gian, điệu múa, âm nhạc dân tộc… để biểu diễn, giao lưu. Qua đó, vừa góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ĐVTN trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.
Một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu trong việc tích cực tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Như Thanh phải kể đến là anh Bùi Anh Sơn, Bí thư Đoàn xã Phượng Nghi. Anh không chỉ là tấm gương năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động, phong trào của địa phương mà còn là một người đam mê và tâm huyết với việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Anh Sơn chia sẻ: “Nghệ thuật dân gian của dân tộc Mường trên địa bàn xã Phượng Nghi rất phong phú, đa dạng, lại có nhiều điểm độc đáo, đặc sắc. Trong đó, các loại hình múa dân gian có nội dung phong phú, phản ánh sinh hoạt, sản xuất, tâm tư tình cảm của người dân Mường. Các nhạc cụ biểu diễn cũng rất đa dạng có sáo, kèn, nhị, cồng chiêng… Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đang dần bị lãng quên nếu không sớm có biện pháp bảo tồn. Là bí thư đoàn xã, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, sau thời gian dài kỳ công tìm hiểu, nghiên cứu tôi đã mạnh dạn thực hiện Dự án “Khôi phục các nghề truyền thống, các trò chơi, các phong tục, làn điệu hát, ru, mo, xường của dân tộc Mường trên địa bàn xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa” để tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa năm 2021. Trong dự án này, mục tiêu chính mà tôi muốn thực hiện đó là phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới khi về với xã Phượng Nghi nói riêng và huyện Như Thanh nói chung. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa của người Mường. Ngoài ra, du khách sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn, dạy các nghề truyền thống, hát xường, mo mường… Dự án của tôi đạt giải ba trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong ĐVTN tỉnh Thanh Hóa năm 2021”.
Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc không chỉ phổ biến trong ĐVTN mà còn có sức lan tỏa sâu rộng trong các trường học. Nhiều trường trên địa bàn tỉnh như Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân (Thường Xuân), Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Hóa (Quan Hóa), Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)… thông qua việc giáo dục văn hóa, kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong tiết học, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Tại Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân, với đặc thù là con em dân tộc Thái chiếm trên 95% nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt quan tâm. Vào các buổi sáng thứ 2 hằng tuần, các ngày lễ lớn của đất nước, nhà trường đều quy định học sinh phải mặc trang phục của dân tộc mình. Cùng với đó, việc giáo dục bản sắc văn hóa cho các em còn được nhà trường lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa; đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian, như: ném còn, nhảy sạp, bắn nỏ, dệt thổ cẩm… Qua đó, giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bản sắc văn hóa chính là “linh hồn” của đồng bào dân tộc thiểu số, phản ánh quá trình hình thành, phong tục, tập quán, lối sống của địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, hiện nay cùng với quá trình hội nhập của đất nước, nguy cơ đồng hóa, mai một, thậm chí là mất bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Bởi vậy, là những chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ trẻ vùng dân tộc thiểu số đã và đang cố gắng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình bằng những việc làm tích cực, hành động cụ thể. Qua đó, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thời gian tới, các cấp bộ đoàn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới ĐVTN về những giá trị, nét đẹp văn hóa của các dân tộc để tuổi trẻ hiểu, quý trọng hơn những giá trị truyền thống; đồng thời, quan tâm phối hợp xây dựng, duy trì các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm văn nghệ để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc tại địa phương với lực lượng chủ yếu là ĐVTN; khuyến khích ĐVTN mặc trang phục truyền thống, chơi các trò chơi dân gian của dân tộc mình… Qua đó, góp phần định hướng cho thế hệ trẻ tiếp thu giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống gắn với các giá trị văn hóa hiện đại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt