Thành công và nước mắt của những gương mặt trẻ xuất sắc
3 khách mời tham gia giao lưu với độc giả Báo VietNamNet gồm: Ngô Quý Đăng (sinh năm 2004, lĩnh vực Học tập); Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học); Nguyễn Thị Ngọc Tâm (sinh năm 1990, lĩnh vực Hoạt động xã hội).
Lãnh đạo Báo VietNamNet tặng hoa các khách mời. Ảnh: Hoàng Hà.
Được biết đến với rất nhiều thành tích, nhưng cũng từng là học sinh trượt đội tuyển, Đăng có thể chia sẻ cảm xúc lúc đó và động lực nào khiến em đứng lên bước tiếp?
Cảm xúc của em lúc ấy là buồn và thất vọng do em cũng đặt nhiều kỳ vọng vào lần thi năm 2021. Bởi lẽ, năm 2020 em cũng đã giành được một huy chương vàng nên em đã trải qua cảm giác thành công và tất nhiên, em cũng muốn tiếp tục thành công. Nhưng ngay sau khi rời khỏi phòng thi ngày thi thứ hai em biết mình làm không tốt và em buồn từ hôm ấy.
Chiều hôm đó em khóc khá lâu, nhưng em cũng nhận được sự động viên, tin tưởng của thầy cô, người thân và bạn bè và quan trọng là mọi người tin tưởng thực lực của em, tin em sẽ có thể đạt được thành công trong những bước đi tiếp theo. Hôm ấy, có những người thân còn an ủi em trước cả khi em cập nhật kết quả, dù thất bại nhưng em cũng vui vì mình nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Đó là một trong những động lực để em bước tiếp. Sau kỳ thi đó, bố mẹ cho em đi du lịch ở Quảng Bình, em cũng đỡ buồn hơn. Chuyến du lịch đó giúp em tạm quên đi hai ngày thi, tạm thời gác lại nỗi buồn và tận hưởng một chuyến du lịch hòa mình vào thiên nhiên.
Động lực lớn nhất là sau chuyến đi em quay trở lại việc học tập, được các bạn và thầy cô trong lớp học Toán chào mừng và mọi người động viên em tiếp tục tập trung cho mục tiêu quan trọng tiếp theo là các kỳ thi trong năm học 2021-2022.
Em Ngô Quý Đăng – chủ nhân 2 huy chương vàng và là nam sinh Việt đạt điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế. Ảnh: Hoàng Hà.
Được mệnh danh là “vua giải thưởng Toán học”, tình yêu với Toán học của Đăng bắt đầu khi nào và được nuôi dưỡng ra sao?
Em nghĩ rằng biệt danh đó nhiều khi cũng chỉ để cho vui chứ em thấy thành tích của mình đến giờ cũng còn khiêm tốn, em còn phải nỗ lực và cố gắng nhiều.
Tình yêu với các con số của em bắt đầu từ khi còn nhỏ, người đầu tiên đưa em vào thế giới của các con số là ông ngoại. Ông bày cho em những trò vừa chơi và vừa học, với em, từ đó những con số đã rất thú vị.
Khi học tiểu học, em tự thấy mình học giỏi Toán hơn Tiếng Việt và cũng thích Toán hơn Tiếng Việt nhưng sở thích đó chỉ thực sự thành niềm đam mê khi em bước vào THCS Archimedes Academy.
Các thầy cô ở đó đã giới thiệu cho em những kiến thức mới, dạng bài mới cùng những lời giải rất hay và thú vị. Ngày đó, em làm hết bài này qua bài khác, mỗi khi tìm được đáp án đúng thì cảm giác thật tuyệt vời.
Em ấn tượng nhất là sự quan tâm của các thầy cô, những người luôn đồng hành, động viên và cổ vũ em suốt chặng đường.
Nhà trường cũng giới thiệu cho em đến với những kỳ thi Toán giao hữu quốc tế, những sân chơi Toán học – nơi em được thử sức cũng như gặp những người bạn mới. Em rất thích tham gia và cũng đạt được một vài thành tích nho nhỏ.
Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên là điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình của em. Ở đây em được tiếp cận với môi trường đội tuyển, nơi mà chúng em may mắn được học những thầy cô giỏi.
Đồng hành cùng em là những người bạn, những anh chị có cùng đam mê, động lực và mục tiêu, thời gian này, em đã học hỏi từ mọi người rất nhiều. Em được chia sẻ ý tưởng, tranh luận những bài Toán khó và em đã dần trưởng thành từ đó.
Ảnh: Hoàng Hà.
Đăng có rất nhiều giải thưởng về Toán học lại đam mê học Toán từ bé, em có chú trọng trau dồi những kỹ năng sống cho mình không?
Để có thể theo con đường đội tuyển, chúng em phải dành phần lớn thời gian học môn chuyên nên em cũng không có quá nhiều thời gian cho những hoạt động khác.
Em nghĩ rằng học đội tuyển không chỉ cho em kiến thức Toán mà còn có những kỹ năng khác như kỹ năng tranh luận. Ví dụ như sau khi em giải xong bài, em cũng phải giải thích thậm chí là thuyết phục mọi người với cách giải của em và đó cũng là một cách trau dồi kỹ năng.
Thú thực em cũng chưa chăm chút lắm cho việc trau dồi kỹ năng sống, trong năm nay em dự kiến sẽ đi học ở Pháp nên song song với học đại học, em cũng sẽ chú trọng và tập trung hơn những kỹ năng sống cơ bản như nấu ăn…
Đăng có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong lần dự thi Olympic gần đây nhất?
Kỳ thi Olympic năm 2022 là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất thời học sinh của em. Đây là lần đầu tiên em được đi châu Âu – một vùng đất hoàn toàn mới. Khi đặt chân đến Na Uy em thấy sự đón chào nồng nhiệt của ban tổ chức và cảm nhận sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nước chủ nhà.
Trước khi thi em cũng rất hồi hộp vì đây là lần cuối em được phép tham dự kỳ thi này. Em cũng từng trải qua thành công trước đó nên mong muốn chinh phục được tấm huy chương vàng một lần nữa.
Thú thật, đề thi năm đó phù hợp với sở trường nên em cũng nhanh chóng chớp thời cơ, nhưng tất nhiên em cũng không nghĩ nó đơn giản thậm chí có những câu khó mà có lúc tưởng chừng em không thể làm được.
May thay, em đã không bị cuống, đã làm và trình bày cả 6/6 bài của hai ngày thi. Em cũng chỉ vừa kịp làm xong trong thời gian cho phép.
Sau đó trưởng và phó đoàn đi chấm thi còn chúng em được đi chơi. Ban tổ chức có rất nhiều hoạt động, để bọn em được khám phá thủ đô Oslo và quan trọng hơn là được gặp gỡ những người bạn từ những nền văn hóa khác và hiểu thêm về thế giới rộng lớn.
Chúng em cũng vinh dự được gặp những nhà Toán học hàng đầu và có được những tấm ảnh vô cùng đáng quý. Họ rất thân thiện và chia sẻ cho chúng em những câu chuyện thú vị.
Ảnh: Hoàng Hà.
Dù làm được hết bài nhưng em vẫn có chút lo lắng khi nghĩ rằng có thể mình đã trình bày ẩu ở một số chỗ nhưng em cố gắng tạm quên đi ngay sau đó để tận hưởng những ngày thư giãn này.
Lúc em biết mình được điểm tuyệt đối em thấy thật nhẹ nhõm. Các bạn ở đó cũng đã chúc mừng em vì thế em có thể hoàn toàn chú tâm vào tận hưởng chuyến đi có một không hai này.
Cảm giác nhận huy chương có thể nói là một trong những thời điểm xúc động nhất. Em được nhận huy chương ở tòa nhà thị chính của thành phố Oslo – nơi trao giải Nobel hòa bình hàng năm.
Lúc tên em được xướng lên, em được cầm lá cờ Việt Nam và bước lên sân khấu, nhận huy chương vàng từ Ngài thị trưởng.
Em còn nhận được sự tán dương của bạn bè, các trưởng đoàn, phó đoàn từ khắp nơi trên thế giới, giây phút đó em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và hãnh diện.
Để có được ngày hôm nay, với Đăng nhân tố quan trọng nhất là gì? Liệu có phải do em gặp được những người thầy cô giỏi?
Vâng, đúng thế. Em thấy may mắn khi chặng đường của mình gặp được những thầy cô giỏi và tâm huyết. Họ không tiếc mồ hôi, công sức tạo ra những bài Toán hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. Có gì không hiểu các thầy cô cũng sẵn sàng giải đáp.
Ngoài ra, em nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía gia đình. Bố mẹ là hậu phương vững chắc để em có thể chuyên tâm vào việc học Toán.
Khi em có những thành công thì bố mẹ ở cạnh cổ vũ em còn khi thất bại cũng là họ ở cạnh để động viên em, cho em động lực đứng lên và bước tiếp.
Đăng có thể chia sẻ một chút về bí quyết học Toán của mình?
Chẳng có thần dược gì giúp học Toán giỏi. Việc học Toán nói riêng cũng như các môn học nói chung đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ. Hơn nữa, cần có sự đam mê để có động lực học tập và khám phá.
Thật ra em có một thói quen là viết những bài khó mà em không giải được vào một quyển sổ. Thỉnh thoảng, em sẽ lôi quyển sổ đó ra và đọc lại. Lần đầu có thể không hiểu nhưng đọc nhiều giúp em thẩm thấu được ý tưởng của thầy cô và từ đó, em có thể dùng ý tưởng đó để áp dụng vào những bài tương tự.
Hiện tại Đăng đang học ĐH Khoa học Tự nhiên, em có thể chia sẻ một chút về sự khác nhau giữa học THPT và đại học?
Môi trường đại học là môi trường hoàn toàn mới và khi bước vào em tương đối bỡ ngỡ. Trước hết, em làm quen với những người bạn và thầy cô mới. Những ngày đầu, em thấy các thầy hơi lạnh lùng nhưng sau đó em hiểu rằng đó là phong cách của việc học đại học – mình phải tự giác, các thầy cô vẫn nhiệt tình giảng nhưng mình phải tự đảm bảo hiệu quả học tập.
Các môn học ở đây chuyên sâu hơn nhiều so với thời học cấp 3 và kiến thức được trình bày một cách hàn lâm hơn. Nhiều lúc em phải đọc lại nhiều lần để hiểu những gì tác giả muốn truyền đạt. Em cũng thấy hơi choáng khi phải làm quen với việc tự đọc và nghiền ngẫm các tài kiệu cả trong nước và nước ngoài. Học đại học, em được chọn tín chỉ để học ở mỗi kỳ, đó cũng là trải nghiệm mới khi em được quyết định xem học gì trong học kỳ tiếp.
Đăng có thể chia sẻ một vài dự định sắp tới?
Trước hết trong thời gian sắp tới em sẽ trau dồi kiến thức Toán cao cấp để có nền tảng vững chắc. Dự kiến tháng 9 em sẽ du học tại trường ENS (tại Paris, Pháp) theo diện học bổng của nhà trường trong thời gian 3 năm. Không chỉ để tiếp tục rèn luyện kiến thức Toán mà em phải chọn ngành học mình ưa thích, cũng như cố gắng mở rộng mối quan hệ trong lĩnh vực Toán học. Nếu mọi thứ thuận lợi em mong muốn trở thành nhà nghiên cứu toán học chuyên nghiệp. Hiện tại, đó là ước mơ nhưng em sẽ nỗ lực biến nó thành hiện thực.
Trương Thanh Tùng (áo đen sinh năm 1989, lĩnh vực Nghiên cứu khoa học). Ảnh: Hoàng Hà.
Chào TS Trương Thanh Tùng, tôi đọc báo và được biết anh có nghiên cứu phát minh thuốc điều trị HIV mới và được thế giới đánh giá rất cao với tiềm năng thuốc điều trị trong tương lai. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về hướng nghiên cứu và tính mới trong phát minh của anh? (Độc giả Văn Phúc, 55 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội).
Hướng nghiên cứu của tôi là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virut ra khỏi cơ thể. Có thể nói, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virut trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tức các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV”.
Nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai. Nghiên cứu của tôi được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu bệnh AIDS (amfAR) – quỹ nghiên cứu HIV uy tín nhất thế giới. Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của tôi là các dược chất có thể thức tỉnh virut HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng.
Khó nhất đối việc điều trị HIV hiện nay là loại bỏ hoàn toàn virut ở thể ngủ ra khỏi cơ thể – việc mà nghiên cứu của tôi có thể giải quyết được. Hiện nay, phương pháp điều trị theo hướng nghiên cứu này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Đức và cho kết quả bước đầu khả quan.
Chào TS Tùng, tôi năm nay 60 tuổi, không biết đến nay, bối cảnh thuốc điều trị HIV trên thế giới có những bước tiến cao nhất như thế nào rồi. Mong anh chia sẻ để nắm rõ hơn? (Độc giả Trần Hoàng, 60 tuổi).
Hiện nay, trên thế giới đã có những tổ hợp thuốc trong quá trình điều trị bệnh nhân, chẳng hạn như ARV đang được sử dụng tại Việt Nam và có thể kiểm soát được nồng độ virut trong máu. Về tổng quan, các tổ hợp thuốc này chưa thể loại bỏ hoàn toàn virut HIV ra khỏi cơ thể người.
Ảnh: Hoàng Hà.
Chào TS Tùng, em là một học sinh THPT ở Thanh Hóa muốn hỏi ngày trước, TS học môn Hóa học hay Sinh học có giỏi không? Cơ duyên nào đưa TS đến với con đường nghiên cứu khoa học này?
Tôi có niềm yêu thích môn Hóa học từ cấp THCS. Đó cũng là lý do tôi quyết tâm thi và chọn vào học lớp chuyên Hóa Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, tôi cũng rất quan tâm tới những khả năng mà các chất hóa học có thể tác động lên cơ chế, môi trường sinh học. Do đó, môn Sinh cũng là một môn mà tôi yêu thích. Chính nhờ những điều này giúp tôi có thêm động lực, quyết tâm học tập và đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia môn Hóa.
Tốt nghiệp THPT, cũng vì yêu thích môn Hóa học và Sinh học, tôi muốn lựa chọn các ngành có thể ứng dụng kiến thức của 2 môn học này. Lúc đó tôi đứng trước 2 lựa chọn, ngành Y hoặc Dược. Nhưng với suy nghĩ đơn giản, học Y có thể cứu được người theo từng ca bệnh, còn học Dược nếu thành công, có thể cứu được nhiều, thậm chí rất nhiều người cùng lúc. Chính vì vậy, tôi chọn theo học ngành Dược học của Trường ĐH Dược Hà Nội. Tại đây, tôi có cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học từ rất sớm- con đường nghiên cứu của tôi cũng bắt đầu từ đây.
Trong quá trình làm khoa học, khó khăn nào là lớn nhất mà Tùng từng trải qua?
Khó khăn nhất của tôi là giai đoạn 4 tháng đầu học thạc sĩ Hóa dược tại ĐH Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, khoảng năm 2012. Khi đó tôi 23 tuổi. Môi trường nghiên cứu khoa học tại Hàn Quốc khá khắc nghiệt. Thuở đó, có những hôm, tôi phải làm việc tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm đến 1-2 sáng ngày hôm sau. Làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần là hoàn toàn bình thường.
Do chưa quen với nhịp độ công việc nên nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc. Có thể do lúc đó tuổi đời còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nên việc bắt kịp nhịp độ tại môi trường mới thực sự là một thử thách lớn. Tuy nhiên, sau này tôi nghiệm lại, đó lại chính là những nền tảng giúp tôi thêm bản lĩnh, rắn rỏi để thích nghi với các môi trường thậm chí khắc nghiệt hơn ở những quốc gia khác.
Chào TS Tùng, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong hành trình nghiên cứu khoa học của anh?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là bài báo ISI đầu tiên mà tôi là tác giả chính, được công bố khi còn là sinh viên đại học năm thứ tư. Đề tài của bài báo về các chất mới có tiềm năng điều trị ung thư. Với tôi, việc một sinh viên có bài báo khoa học trên tạp chí ISI chính là niềm hạnh phúc lớn, là động lực để tôi quyết định theo đuổi nghiên cứu khoa học sau khi tốt nghiệp. Bởi thời điểm đó, thường các bạn đồng lứa sau khi ra trường sẽ lựa chọn kinh doanh dược – một công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều so với theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Ảnh: Thanh Hùng.
Người ảnh hưởng đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Tùng là ai?
Người ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi là GS.TS Nguyễn Hải Nam, hiện đang là Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội. Nhờ sự dìu dắt, hướng dẫn của thầy (khi đó là Trưởng bộ môn Hóa dược, Trường ĐH Dược Hà Nội), tôi mới có những thành công bước đầu khi còn là sinh viên và vững tin đi theo con đường nghiên cứu khoa học.
Kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn không quên đó là một lần mải mê nghiên cứu xuyên trưa tại trường để giải quyết một công đoạn khó của dự án. Hôm đó, đến hơn 1h chiều, tôi thấy thầy gõ cửa mang theo mỳ tôm và mời tôi cùng ăn. Có thể lúc đó thầy biết rằng, tôi vì say việc mà quên ăn. Việc làm nhỏ của thầy nhưng khiến tôi ấm lòng và trân quý thầy.
Được biết, anh còn là thành viên Ban Biên tập của nhiều tạp chí ISI uy tín trên thế giới. Để trở thành thành viên, có khó không thưa anh, họ lựa chọn anh vì tiêu chí gì? Hiện nay, anh là thành viên ban biên tập của bao nhiêu tạp chí ISI?
Để trở thành thành viên Ban Biên tập của các Tạp chí ISI uy tín trên thế giới thực sự không dễ dàng. Bởi thành viên Ban Biên tập các tạp chí này có quyền quyết định chấp nhận đăng hoặc từ chối các bản thảo khoa học gửi về từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, nhà khoa học phải có uy tín, được công nhận, đánh giá qua các công trình khoa học mới được chọn.
Hiện nay, tôi là thành viên Ban Biên tập của 6 tạp chí khoa học ISI.
Công việc của một thành viên Ban Biên tập tạp chí thuộc danh mục ISI như thế nào, có bận rộn không?
Công việc của một thành viên Ban Biên tập Tạp chí ISI là nhận các bản thảo khoa học từ khắp nơi trên thế giới về lĩnh vực của mình. Sau đó, tôi sẽ phải đánh giá sơ bộ chất lượng của bản thảo đó. Nếu đạt tiêu chí cơ bản, tôi sẽ gửi phản biện độc lập lấy ý kiến trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Mỗi tháng tôi có nhiệm vụ thẩm định khoảng 10 bản thảo/tạp chí. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định, các bản thảo này sẽ được tôi gửi đến cho 2 – 4 nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực đó phản biện độc lập. Do đó, công việc không quá bận rộn nhưng đòi hỏi một sự tập trung cao độ mỗi khi xử lý.
Những phát minh, sáng kiến của anh về điều trị HIV có thể thực hiện được tại Việt Nam không? Anh có thể chia sẻ khó khăn trong quá trình nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới?
Những phát minh, sáng kiến của tôi về các chất hóa dược vẫn có thể được tiến hành tại Việt Nam, song công việc thử nghiệm sinh học thì chưa thể, hiện tôi vẫn phải thực hiện ở châu Âu.
Có thể nói, ở Việt Nam chưa đủ các điều kiện để tiến hành nghiên cứu sâu hơn.
Khó khăn nhất trong quá trình phát triển sâu hơn thuốc điều trị HIV mới là việc thử nghiệm phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, trang thiết bị của nước ngoài.
Đến nay, có sản phẩm thuốc “Make in VietNam” nào theo hướng nghiên cứu của anh sắp hoàn thành? Anh có thể nói về dự định trong tương lai gần?
Hiện nay, nhóm nghiên cứu của tôi đang phát triển tổng hợp các peptit kháng khuẩn tự nhiên dùng ngoài da để điều trị nhiễm khuẩn, làm liền sẹo. Đây là nhóm sản phẩm về dược mỹ phẩm. Sản phẩm này đang trong quá trình thử nghiệm để trở thành sản phẩm thuốc dùng ngoài da thay thế kháng sinh.
Trong tương lai gần, tôi mong muốn mở rộng nhóm nghiên cứu để trở thành một nhóm mạnh, tiên phong trong lĩnh vực tổng hợp thuốc tại Việt Nam.
Nguyễn Thị Ngọc Tâm (áo vàng, sinh năm 1990, lĩnh vực Hoạt động xã hội). Ảnh: Hoàng Hà.
“Đặc biệt” hơn các bạn đồng trang lứa, khi còn nhỏ, chị có bao giờ thắc mắc hay tự ti về bản thân không? Nếu có, làm sao để chị vượt qua nỗi mặc cảm ấy?
Chưa bao giờ mình cảm thấy tự ti về bản thân vì mình luôn nghĩ mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh, một hoàn cảnh và một khởi đầu khác nhau. Dù bước đầu của cuộc hành trình ấy có như thế nào, mình hãy cứ sống thật tốt cuộc đời của mình là được. Mình luôn sẵn sàng tiếp nhận mọi thứ xảy đến với mình, bởi lẽ buồn cũng phải sống, vui cũng phải sống. Vậy nên hãy lạc quan lên để sống.
Trước đây, việc học của Tâm diễn ra như thế nào, có gì khó khăn hơn so với các bạn trong lớp không?
Hành trình đi học của mình luôn cần phải có sự đồng hành của cả gia đình. Bố mẹ, ông bà phải thay nhau đưa đón và ngồi trước cửa lớp để hỗ trợ con khi cần. Ngoài ra, bố cũng phải đóng cho mình một chiếc ghế gỗ để ngồi riêng, tránh bị các bạn xô đẩy dẫn đến ngã gãy xương.
Nhưng khó khăn nhất vẫn là vấn đề sức khỏe dần giảm sút theo thời gian. Danh sách bệnh của mình ngày một dày thêm với nhiều căn bệnh khác như bệnh tim, phổi, dạ dày,… Đó cũng là lý do khiến mình không thể tiếp tục học lên cấp 3. Đến bây giờ, mình có thể nhớ được số tuổi của mình, nhưng không thể nhớ hết số lần mình bị ngã gãy xương.
Ảnh: Hoàng Hà.
Em được biết chị Tâm mở một lớp học đặc biệt “5 không” miễn phí cho học trò nghèo. Chị có kỷ niệm gì đặc biệt trong quãng thời gian dạy học này không?
Có một kỷ niệm mà mình rất nhớ về một cô học trò đặc biệt. Em là trẻ khuyết tật, không có khả năng ghi nhớ mặt chữ. Dù đã được mẹ đưa đi tới rất nhiều trung tâm nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi.
Tuy ở cách nhà mình gần 20km, nhưng chị vẫn đưa con tìm đến mình, với nguyện vọng muốn nhờ mình kèm cặp con để biết đọc, biết viết.
Nhìn em, mình nhớ lại câu chuyện của bản thân. Khởi đầu của việc đi học cũng chỉ với một mong muốn duy nhất là có thể biết đọc, biết viết như các bạn đồng trang lứa. Nhưng mình đã đi được xa hơn so với những điều mong đợi, là mở ra lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh. Vì vậy, mình quyết định nhận cô học trò đặc biệt này.
Tất nhiên, quãng thời gian đầu cũng vô cùng khó khăn. Mình phải tìm hiểu từng sở thích của em để tìm ra phương pháp dạy khiến em hứng thú và có thể ghi nhớ mặt chữ.
Có những lần cả học đi học lại một chữ cái mất cả tháng trời, nhưng học trò vẫn quên. Sau đó, cả hai cô trò phải bắt đầu lại. Suốt một năm kiên trì, cuối cùng, em cũng đã thuộc hết mặt chữ và có thể theo học cùng các bạn trong lớp.
Lắng nghe câu chuyện của chị, em vô cùng nể phục trước nghị lực phi thường và ý chí không ngừng vươn lên. Làm sao một cô gái nhỏ bé như chị lại mạnh mẽ đến vậy?
Mình nghĩ rằng, khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải là bất hạnh.
Mạnh mẽ của ngày hôm nay là do những khó khăn và thử thách mà mình đã trải qua tôi luyện. Mình nghĩ rằng, sự mạnh mẽ không tự nhiên mà có, đó là do vượt khó mà nên.
Do vậy, cần phải tạo cho mình những suy nghĩ tích cực, vì suy nghĩ tạo hành động. Những suy nghĩ tích cực sẽ tạo nên những hành động tích cực và đem lại những kết quả tốt đẹp.
Ai là người ảnh hưởng nhất đến Tâm?
Người ảnh hưởng nhất đến mình chính là mẹ. Mẹ là người đã hy sinh cho mình cả cuộc đời. Mẹ đã từ bỏ những đam mê, ước mơ và công việc, trở về làm một người nông dân để có thêm nhiều thời gian chăm sóc cho con.
Mình nhớ hồi còn bé, mình ở viện nhiều hơn ở nhà. Hành trình chiến đấu với căn bệnh xương thủy tinh cũng vô cùng khắc nghiệt. Biết bao nhiêu lần phẫu thuật đau đớn, chân không thể duỗi thẳng; cả những lần tập đi, xương lại rạn, gãy, bó bột,… hay những thời điểm phải nằm yên 2 tháng trời khiến lưng lở loét,… mẹ luôn là người đồng hành.
Nếu không có mẹ hỗ trợ trong mọi sinh hoạt hàng ngày, có lẽ mình không thể xoay xở.
Lý do chị Tâm mở lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh là gì?
Năm 8 tuổi, khi mới là học sinh lớp 1, nhìn các thầy cô giáo đứng trên bục giảng, mình đã có mơ ước một ngày nào đó cũng được trở thành cô giáo dạy chữ.
Nhưng lớn dần lên, mình hiểu rằng bản thân không thể đứng trên bục giảng. Vì vậy, năm 2004, khi đang học lớp 6, mình quyết định thực hiện hóa ước mơ bằng cách mở lớp học Ngọc Tâm Thủy Tinh.
Tính đến năm 2023, sau 19 năm, lớp học đã chào đón hàng trăm em học sinh. Có nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi và tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng… Đây cũng chính là động lực để mình tiếp tục chuyến hành trình thủy tinh này.
Ảnh: Hoàng Hà.
Có bao giờ chị cảm thấy tiếc nuối vì chỉ được học đến lớp 9 không?
Phải dừng lại việc học khi các bạn vẫn tiếp tục tới trường, với người “cuồng” đi học như mình sẽ có những tiếc nuối nhất định.
Tuy nhiên, mình phải đối mặt với sự thật rằng bản thân không thể tiếp tục tới trường vì sức khỏe không cho phép.
Nhưng ngừng đi học không đồng nghĩa với việc ngừng ước mơ. Cánh cửa này khép lại sẽ có nhiều cánh cửa khác mở ra.
Mình đã quyết định tự học thông qua Internet để có thể tìm kiếm tài liệu kèm thêm cho các em học sinh một cách tốt nhất trong khả năng.
Chị Tâm quan niệm ra sao về sống đẹp, sống có ý nghĩa? Chị có cảm thấy hài lòng về những việc mình đang làm?
Châm ngôn sống của mình là: “Không quan trọng mình sống bao lâu. Quan trọng mình sống sâu và ý nghĩa như thế nào”.
Với mình, mỗi ngày được sống, được làm những việc yêu thích, được dạy các em học sinh, tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện, hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật,… đó đều là những ngày hạnh phúc.
Đôi khi, hạnh phúc là từ những điều nhỏ nhoi nhất, được góp nhặt trong cuộc sống tươi đẹp này.
Và, có thể chúng ta không có một bề ngoài hoàn hảo nhưng hãy có một trái tim hoàn hảo, biết sống và yêu thương.
Ban Giáo dục