Thần đạo Nhật Bản – GIẢI MÃ các biểu tượng thường thấy tại đền thờ

Thần đạo Nhật Bản là loại hình tôn giáo phổ biến nhất tại “đất nước Phù Tang”, như một phần gắn liền với cuộc sống của con người nơi đây: từ sinh ra, trưởng thành, kết hôn và chết đi…Đến với nước Nhật cũng là đến với thế giới của Thần đạo – của những vị thần. Nếu một lần đặt chân đến đền thờ Thần đạo Nhật Bản, có lẽ bạn sẽ không khỏi thích thú và tò mò với những biểu tượng độc đáo nơi đây: từ cổng trời Torri, gương thần Shinkyo đến dây thừng Shimenawa…Vậy những biểu tượng này mang ý nghĩa gì?

Thần đạo – Tín ngưỡng và tôn giáo Nhật Bản

Thần đạo Nhật Bản – được gọi là Shinto. Đây là tín ngưỡng và tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Là tôn giáo chính thống của Nhật Bản, Thần đạo luôn khẳng định vị trí của mình trong lòng mỗi người dân Nhật Bản. Với giáo lý cao đẹp mà giản dị, Thần đạo là tôn giáo được phổ biến nhất tại “đất nước mặt trời mọc”.

>>> Tín ngưỡng Thần đạo có từ bao giờ?

Theo một số tài liệu, Thần đạo cổ xuất hiện khoảng 2000 năm trước, được xem là hệ tín ngưỡng khởi thủy của người Nhật và hợp nhất với các tín ngưỡng, phong tục khác, hình thành nên nền văn hóa Nhật Bản.

Tôn giáo này được bắt nguồn từ câu chuyện về Thiên Hoàng – cháu đích tôn của nữ thần Mặt trời – Amaterasu, được phái xuống cai trị Nhật Bản. Thần đạo cổ ở Nhật được ghi lại qua truyền thuyết và những câu chuyện thần thoại.

Theo từ gốc Trung Hoa, Thần đạo Shinto là “Con đường của các thần linh”. Đối với người Nhật, từ này được dịch là “Kami no michi”. Trong đó, “Kami” là những linh thể hiện diện ở khắp nơi trong vũ trụ, được thờ cúng đặc biệt trong các điện thờ hay Jinja.

>>> Tại sao Thần Đạo là tôn giáo Nhật Bản phổ biến nhất?

80.000 ngôi đền thờ Thần đạo

Tại đất nước Nhật Bản, khắp cả nước có khoảng 80.000 ngôi đền thờ các vị thần trong Thần đạo. Con số này cho thấy sự phổ biến của Thần đạo tại “xứ mặt trời”. Đi liền với đó là những lễ hội gắn liền với các đền thờ được diễn ra thường xuyên khắp cả năm.

Các lễ hội này được xem là một hình thức người Nhật dâng lên các đấng linh thiêng sự thành kính và lời cầu nguyện. Đây cũng là chất gắn kết tinh thần giữa những người dân cùng tín ngưỡng.

55% người Nhật theo tín ngưỡng Thần đạo

Theo một kết quả thống kê, số người theo ước tính khoảng 106 triệu người, chiếm khoảng 55% dân số.

Đặc biệt, Thần đạo có mặt trong hầu hết các nghi lễ quan trọng của người Nhật. Theo dòng thời gian, một người Nhật sẽ gắn liền với những ngôi đền Thần đạo thông qua các nghi lễ: Shichigosan; Lễ thành nhân; Lễ cưới và Lễ tang.

Thần đạo “có mặt’ trong mọi hoạt động đời sống

Một đám cưới truyền thống Nhật Bản sẽ được cử hành theo nghi thức của Thần đạo. Hay mỗi dịp năm mới, gần như người Nhật nào cũng đến đền thờ Thần đạo để cầu nguyện một năm mới may mắn…Hoặc đến đền thờ để cầu mong may mắn mỗi dịp thi cử, mong được kết duyên nếu đang yêu, mong việc sinh đẻ thuận lợi nếu đang mang thai…

Khác với nhiều loại hình tôn giáo khác, Thần đạo Nhật Bản không cấm hay bắt buộc con người phải thực hiện theo bất cứ nguyên tắc hay giáo lý nào. Nó chỉ đơn thuần hướng đến sự trong sáng, làm việc thiện và tránh làm điều ác.

Đặc biệt, những tín đồ cũng không cần phải thực hành nghi lễ Thần đạo khi mới gia nhập. Thần đạo nhấn mạnh và đề cao sự trong sáng, ngay thẳng, là tôn chỉ trong sự hình thành nhân cách.

Tinh thần chính của Thần đạo được thể hiện trong mỗi gia đình là trẻ con phải biết kính trọng tổ tiên và luôn lắng nghe trái tim mình. Người Nhật sinh ra và lớn lên với tinh thần đó. Nó được xem là truyền thống gia đình và tự ý thức rèn luyện để trở thành người tốt.

Ý nghĩa biểu tượng thường thấy tại đền thờ Thần đạo Nhật Bản

Nếu một lần đến với đền thờ Thần đạo, hẳn bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với những biểu tượng gắn liền với nét văn hóa tinh thần độc đáo này. Vậy những biểu tượng trong đền thờ Thần đạo có ý nghĩa gì?

Cổng Torii – Lối vào đền thờ Thần đạo

Biểu tượng dễ nhận biết nhất của Thần đạo là những cánh cổng tráng lệ mở lối vào những ngôi đền thờ. Thông thường, cổng Torii sẽ được làm từ chất liệu gỗ hoặc đá, như một vật thể đánh dấu ranh giới lãnh địa của một “Kami”.

Cổng Torii được gọi là “cổng trời”. Khi vào đền thờ, bạn phải đi qua chiếc cổng này như một hình thức thanh tẩy vô cùng quan trọng khi đến thăm một ngôi đền. Nghi thức thanh tẩy được xem là chức năng chính của Thần đạo Nhật Bản.

>>> Vì sao cổng Torii thường được sơn màu đỏ hoặc vàng?

Có rất nhiều du học sinh Nhật Bản, thực tập sinh hay khách du lịch đến với đất nước này đều thắc mắc tại sao chiếc cổng Torii lại được sơn màu đỏ hoặc màu vàng rực rỡ. Vậy lý do là gì?

Trong quan niệm của người Nhật, màu đỏ được xem là tượng trưng cho mặt trời và cuộc sống, tránh khỏi những điều gở hay chuyện xấu. Như vậy, đi qua những cánh cổng màu đỏ này sẽ được thanh tẩy, gột rửa khỏi những năng lượng xấu. Điều này để đảm bảo chỉ có những nguồn năng lượng tích cực mới được mang vào nơi các thần sinh sống.

Theo một cách lý giải ít tâm linh và nhiều thực tế hơn, màu đỏ đơn giản chỉ là màu của lớp sơn thường được sử dụng để phủ lên phần gỗ của cánh cổng torii để bảo vệ cổng khỏi sự bào mòn của tự nhiên.

Dây Thừng Shimenawa

Nếu đã một lần được đặt chân đến đền thờ Thần đạo, có lẽ rất nhiều người thắc mắc về những chiếc dây dừng xuất hiện tại các góc đền hay treo trên những chiếc cổng Torii. Vậy những sợi dây thừng này có ý nghĩa gì?

Sợi dây thừng này được gọi là Shimenawa, được làm bằng nhiều sợi rơm khô đan lại với nhau khiến chúng trở lên cứng và cực kỳ chắc chắn.

Thực tế, người ta không biết chính xác nguồn gốc ra đời của sợi dây thừng Shimenawa. Một vài nguồn tài liệu cho rằng, Shimenawa có liên quan đến câu chuyện của thần Susanoo tỉnh Tottori. Ông đã chỉ dẫn cho người dân đan rơm thành dây thừng treo 2 bên đường để đuổi tà ma. 

Những chiếc dây thừng Shimenawa tuy mang nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng nhìn chung chúng mang cùng một ý nghĩa. . Shimenawa là vật đánh dấu ranh giới giữa nơi linh thiêng dành cho những vị thần và để xua đuổi tà ma.

Với ý nghĩa này, chiếc dây thừng Shimenawa còn được “biến tấu” để trao trước cửa nhà vào dịp tết. Mỗi người dân sẽ chuẩn bị một chiếc vòng do mình trang trí và đặt trước cửa. Mục đích của việc này là thể hiện ước cầu sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới và xua đuổi tà ma, bệnh tật.

Hoạt động truyền thống này đã có từ rất lâu, thể hiện ước muốn may mắn, thịnh vượng trong năm mới và xua đuổi tà ma, bệnh tật…

Shide

Cùng với biểu tượng Shimenawa là những tờ giấy trắng Shide được xếp rất độc đáo. Nếu đến đền thờ Nhật, bạn sẽ bắt gặp chúng được treo trên những sợi dây thừng.

Những sợi dây thừng này thường được treo trên các cổng torii, quấn quanh những thân cây và phiến đá linh thiêng hay buộc chặt quanh eo của các đô vật là nhà vô địch sumo. Theo đó, thân cây, phiến đá, và “yokozuna” (những nhà vô địch sumo) đặc biệt này được biết đến với tên gọi “yorishiro”, mang ý nghĩa người/vật linh thiêng thu hút các vị thần hoặc được thần nhập vào.

Biểu tượng này được dùng để phân tách ranh giới giữa phàm tục và không gian linh thiêng của những vị thần bên trong đền. Nhiều quan niệm cho rằng hình ảnh này biểu trưng cho tia sấm sét – lời nguyện của người dân về mùa màng bội thu như được gửi đến thần linh. Vì sấm sét đi kèm với mưa và mưa giúp cho cây cối được tươi tốt, thực vật sinh sôi nảy nở.

Sakaki – cây linh thiêng của Thần đạo

Gắn liền với triết lý hòa hợp với thiên nhiên, cây cối là một phần quan trọng trong Thần đạo Nhật Bản. Trong đó, có một số loại cây được coi là linh thiêng và được biết đến với tên “shinboku”. Cũng giống như  Torii, những cây này được trồng quanh một ngôi đền, tạo ra một hàng rào linh thiêng để bảo vệ không gian thanh tịnh bên trong.

Trong những loài cây được coi là linh thiêng thì Sakaki là cây quan trọng nhất. Loài cây này thường được trồng xung quanh đền thờ, tạo nên một hàng rào linh thiêng. Đôi khi, một cành Sakaki cũng được sử dụng làm đồ cúng tế cho các vị thần.

Lý do cây Sakaki trở thành cây linh thiêng trong Thần đạo vì chúng là cây thường xanh, điều này đồng nghĩa với sự bất tử. Một lý do quan trọng khác là Sakaki gắn liền với một truyền thuyết trong đó một cây sakaki được trang trí để dụ nữ thần mặt trời Amaterasu ra khỏi nơi ẩn náu trong hang động.

Shinkyo – tấm gương thần trong Thần đạo

Tương truyền, gương thần Shinkyo là một vật linh thiêng, được dùng để kết nối dương gian với thế giới tâm linh. Shinkyo có thể xuất hiện tại những bàn thờ Thần đạo Nhật Bản với tư cách là hình ảnh đại diện của Kami. Các vị thần sẽ đi vào gương để giao tiếp với con người.

> Câu chuyện về chiếc gương trong Thần đạo Nhật Bản

Niềm tin này xuất hiện cùng với một truyền thuyết liên quan đến nữ thần mặt trời Amaterasu – người đã từng ẩn mình trong hang động, khiến thế giới bị bao trùm trong bóng tối.

Và để dụ nữ thần ra khỏi hang, nhiều vị thần khác đã tập trung bên ngoài hang và tổ chức một lễ hội. Các vị thần treo trang sức và một chiếc gương lên cây Sakaki trước cửa hang để đánh lạc hướng sự chú ý của Amaterasu nếu nữ thần ra khỏi hang.

Tò mò về những tiếng ồn ào bên ngoài, Amaterasu lén ra khỏi hang và hỏi tại sao các vị thần khác lại ăn mừng. Đáp lại, các vị thần nói với Amaterasu rằng có một nữ thần thậm chí còn xinh đẹp hơn cả Amaterasu ngoài hang. Khi ra khỏi hang, Amaterasu được chào đón bởi tấm gương và hình ảnh phản chiếu của chính mình. Đúng lúc đó, các vị thần khác đã nhân cơ hội lấp cửa hang lại bằng một sợi thừng Shimenawa.

Sau đó, chiếc gương đã được trao lại cho cháu trai của Amaterasu để thờ phụng như bài vị của vị thần này.

Như vậy, người ta không khấn cầu Shinkyo, mà là đang gửi lời khẩn cầu tới vị thần của ngôi đền, còn chiếc gương chỉ là vật tượng trưng. Shinkyo được coi là một “shintai”, hay một thể tồn tại vật chất của Kami trong cõi nhân gian.

Tomoe

Là kiểu thiết kế khá phổ biến trong các đồ vật truyền thống của người Nhật, Tomoe rất phổ biến tại các đền thờ Nhật Bản, trở thành một nét độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc đền thờ.

Tomoe có kiểu dáng khá giống với biểu tượng âm dương, xong ý nghĩa của chúng lại hoàn toàn khác biệt. Tomoe là đại diện của 3 thế giới “thiên đường, trần gian và âm phủ” trong Thần đạo Shinto. Ngoài ra, biểu tượng này còn được dùng để trang trí trống, đèn lồng…

Quẻ Bói Omikuji

Omikuji là quẻ bói tiên đoán tương lai thường được đặt tại khu vực sân của đền thờ Thần đạo. Nếu bạn muốn đoán thử vận mệnh sắp tới bạn có thể để lại  1 ít tiền và bắt ngẫu nhiên một quẻ Omikuji.

Lời tiên đoán có phần may mắn và tốt đẹp bạn sẽ giữ bên mình hoặc để trong bóp. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, bạn nên treo chúng lại trên khung dựng tại đó. Khi đó, những chuyện xui xẻo trong quẻ bói sẽ được thần linh hóa giải.

Lời kết

Củng với Phật Giáo và đạo Thiên chúa, Thần đạo là ba loại hình tôn giáo chính của “đất nước mặt trời mọc”. Trong đó, Thần đạo Nhật Bản chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nhật. Hi vọng những thông tin vừa chia sẻ đã giúp bạn hiểu hơn về những biểu tượng độc đáo tạo đền thờ Thần đạo – nét đẹp tín ngưỡng văn hóa “đất nước” Phù Tang.