Tham nhũng và xử lý tham nhũng dưới góc nhìn của sinh viên Luật

  • Facebook

Trangtinphapluat.com xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của cộng tác viên Đoàn Thị Hương – sinh viên Đại học Huế về vấn đề tham nhũng và hướng xử lý. 

Ở nước ta hiện nay, tham nhũng đang là một quốc nạn, được coi là một căn bệnh nguy hiểm, là mối đe doạ đối với toàn xã hội. Tham nhũng làm suy kiệt nền kinh tế của đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ, là một thách thức to lớn đối với hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật ở nước ta, do vậy phải đấu tranh để ngăn chặn loại tội phạm này. Để công cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả cần xác định đúng các dấu hiệu đặc trưng của hành vi tham nhũng để có biện pháp phòng ngừa và định ra các chế tài xử phạt thích đáng. Điều1, Luật phòng, chống thamnhũng được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 8 thông qua xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi” Khái niệm tham nhũng luôn gắn bó chặt chẽ với quá trình tồn tại và phát triển của bộ máy nhà nước.

(Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021)

Do vậy, tệ nạn tham nhũng diễn ra ở khắp các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và ở tất cả các lĩnh vực.Tham nhũng là biểu hiện sự tha hoá trong sử dụng quyền lực nhà nước. Nhà tư tưởng Montsquieue đã khẳng định: “mọi người có quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm: “chống bệnh quan liêu tham ô, lãng phí” đã chỉ ra: “Tham ô, lãng phí và quan liêu dù cố ý hay không cũng là bọn đồng minh của thực dân phong kiến” “ Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân” “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, làm tổn hại kinh tế của Chính phủ cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hại hơn.”

Luật phòng chống tham nhũng 2018Luật phòng chống tham nhũng 2018

Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về tệ tham nhũng này:Các hành vi tham nhũng được qui định cụ thể trong Luật phòng, chống tham nhũng vàcũng được qui định thành các tội phạm hình sự ở các điều 278, 279, 280, 281, 282, 283 và 284 của bộ Luật hình sự năm 1999. Từ các qui định về tội phạm tham nhũng trong bộ Luật hình sự và luật phòng, chống tham nhũng thì hành vi tham nhũng có các dấu hiệu sau:

1. Tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn Người có chức vụ quyền hạn được hiểu là những người giữ những vị trí nhất định trong bộ máy nhà nước hoặc những người mà pháp luật qui định cho họ những quyền hạn nhất định như: quyền quản lý vật tư, tài sản, cấp phát ngân sách, quản lý nhân sự, quyền cấp và thu hồi các loại giấy phép …cũng có thể đó không phải là cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nhưng được nhà nước uỷ quyền hoặc trao quyền thực hiện một nhiệm vụ hoặc công vụ trong thời gian nhất định . Bộ Luật hình sự năm 1999 qui định: “Người có chức vụ …là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng l¬ương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”(điều 227). Luật phòng chống tham nhũng 2005 đưa ra định nghĩa như sau: “ Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm : Cán bộ, công chức, viên chức;Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp ; Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Như vậy, yếu tố quyền lực là dấu hiệu đặc trưng đầu tiên và cũng là đặc trưng cơ bản nhất của hành vi tham nhũng. ở nước ta quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước do nhân dân bầu ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, một số người đã coi đó như là quyền lực riêng của mình để thực hiện hành vi tham nhũng nhằm thu lợi riêng. Vì thế hành vi tham nhũng luôn là hành vi của những người có quyền lực. Điều này, để phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác cũng là hành vi chiếm đoạt tài sản, tiền bạc nhưng không phải là hành vi tham nhũng vì được thực hiện bởi những người không có chức vụ, quyền hạn như hành vi trộm cắp, cướp giật, lừa đảo.

(119 danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi từ năm 2019)

2. Khi thực hiện hành vi tham nhũng thì ngư¬ời có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội Không phải khi nào người có chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật cũng đều do sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm. Ng¬ười có chức vụ quyền hạn có thể có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải do lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì hành vi đó không phải là hành vi tham nhũng. Ví dụ, cán bộ, công chức có hành vi trộm cắp tài sản riêng thì giữa hành vi trộm cắp và chức vụ, quyền hạn của người đó không có mối liên hệ gì với nhau. Ngân hàng thế giới đã định nghĩa về tham nhũng là “Sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi”. OECD (cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế) cũng định nghĩa tham nhũng là “sự lạm dụng chức vụ, vai trò và nguồn lực công để trục lợi cá nhân”. Tổ chức minh bạch quốc tế – một tổ chức phi chính phủ đi đầu trong nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu cho rằng “Tham nhũng bao gồm hành vi vi phạm của công chức trong khu vực công, dù là chính trị gia hay công chức dân sự, trong đó họ làm giàu một cách không đúng đắn hoặc bất hợp pháp cho bản thân hay cho ng¬ười thân của mình bằng cách lạm dụng quyền lực công đã giao cho họ”. Ngân hàng phát triển châu á định nghĩa: “Tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ công hoặc tư để tư lợi”. Như vậy, yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật là một đặc trưng của hành vi tham nhũng. Theo pháp luật Việt Nam việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạp pháp luật không nhất thiết là hành vi vi phạm do họ thực hiện liên quan trực tiếp đến chức vụ quyền hạn đó mà bao gồm cả việc lợi dụng ảnh hưởng của chức vụ quyền hạn hay vị trí công tác để thực hiện.

Công khai minh bạch để hạn chế tham nhũngCông khai minh bạch để hạn chế tham nhũng

3 . Hành vi tham nhũng phải có động cơ vụ lợi, nhằm “thu lợi bất chính” Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn mà pháp luật trao cho mình để mang lại những lợi ích có tính chất cá nhân – đây là một dấu hiệu đặc trưng nữa của hành vi tham nhũng. Người có chức vụ quyền hạn đã hành động không xuất phát từ nhu cầu công việc mà vì những lợi ích của riêng mình như nhận tiền hoặc tài sản hoặc một lợi ích phi vật chất nào đó. Mục đích vụ lợi còn được hiểu là đã dùng ảnh hưởng của mình để mang lại lợi ích cho người thân. Luật phòng, chống tham nhũng được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/ 11/ năm 2005 qui định “Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng”

Tóm lại, một hành vi được coi là tham nhũng phải có yếu tố lợi ích có thể là lợi ích vật chất hoặc là lợi ích tinh thần như qui định của luật phòng, chống tham nhũng. Theo luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 thì “Vụ lợi là lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng”. Từ thực tiễn cuộc đấu tranh chống tham nhũng và từ những dấu hiệu của hành vi tham nhũng luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã qui định các hành vi sau là hành vi tham nhũng

  1. Tham ô tài sản.
  2. Nhận hối lộ
  3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
  4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.
  5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi
  6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
  7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi
  8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương để vụ lợi.
  9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước vì vụ lợi.
  10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi
  11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi
  12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Xem Clip tuyên truyền Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 59/2019/NĐ-CP củaTiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh

Để phòng và chống tham nhũng đòi hỏi phải có nhiều biện pháp mang tính đồng bộ, song pháp luật vẫn giữ vai trò chủ đạo, tạo khuôn khổ pháp lý nhằm phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng và có các chế tài thích hợp đối với người có hành vi tham nhũng. Vì thế để phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng phải tiếp tục hoàn thiện các văn bản, các qui định trực tiếp liên quan đến tội phạm tham nhũng. Thông qua các dấu hiệu đặc trưng của hành vi tham nhũng để làm căn cứ xác định một cách cụ thể, rõ ràng về loại tội phạm này trong các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Các giải pháp trong việc phòng, chống tham nhũng: Công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Báo cáo công tác PCTN năm 2015 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày, nêu rõ: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn có những hạn chế nhất định. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý KT-XH, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn, làm triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các luật đã ban hành cũng chưa được khắc phục triệt để phần nào làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và dễ tạo những sơ hở, bất cập, làm nảy sinh nhũng nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác PCTN còn có những hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ,công chức, viên chức về tham nhũng. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn nhiều, gâybức xúc trong xã hội. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phối hợp cung cấp thông tin ngay trong các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong công tác PCTN chưa rõ ràng, chặt chẽ.

Số liệu báo cáo cho thấy, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ năm 2014), với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về  tham nhũng. Trong đó: khởi tố mới 178 vụ, 317 bị can (so với cùng kỳ năm trước giảm 61 vụ, 242 bị can); thiệt hại khoảng 600 tỷ đồng và 9.887 m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 103 tỷ đồng và 2.887 m2 đất…Đề cập công tác PCTN, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và nhiều đại biểu đồng tình báo cáo đánh giá của Chính phủ về công tác PCTN, nhấn mạnh tội phạm tham nhũng là vấn đề nhức nhối của nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng làm cho tình hình chính trị bê bối, thể chế suy yếu, để lại hậu quả lớn, gây tổn hại đến nền kinh tế, làm băng hoại đến văn hóa, đạo đức, lối sống hiện nay và mai sau. Một số đại biểu chỉ rõ dạng tham nhũng tinh vi nhất đó là tham nhũng chính sách, như chạy chọt để đưa ra các văn bản pháp luật, chính sách, điều chỉnh các dự án xây dựng, quy hoạch xây dựng mà ở đó tạo ra những cơ sở pháp lý, điều khoản phục vụ cho lợi ích nhóm, cá nhân gây thất thoát cho Nhà nước. Tham nhũng có chiều hướng phát triển còn do việc xử lý thực tế có khi “giơ cao đánh khẽ”, bao che cho nhau, né tránh sợ “rút dây động rừng” và không ít người đứng đầu còn dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ mình quản lý. Công tác kiểm tra tham nhũng của nhiều cơ quan, đơn vị còn yếu.

(Bộ câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)

Do vậy, theo các đại biểu, thời gian qua, công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa nghiêm, còn nặng về xử lý hành chính… Để đẩy mạnh công tác PCTN thời gian tới, ngoài những giải pháp của Chính phủ, cần tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo, tính gương mẫu của đảng viên; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác PCTN; chống tham nhũng phải đi đôi với thu hồi tài sản; phát hiện xử lý, kịp thời, công khai cá nhân tham nhũng, lãng phí…

Một số định hướng về phòng chống tham nhũng: Hiện nay cơ quan chức năng đã quán triệt hơn vấn đề này, ban hành nhiều văn bản, luật quy định chính sách cán bộ, công chức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền về tham nhũng, điều tra và xét xử nghiêm minh các vụ án, quyết tâm điều tra những vụ án nổi cộm.

Trước mắt cần chú trọng sửa đổi, thực hiện các nội dung sau đây:

  1. Hình sự hóa hành vi làm giầu bất hợp pháp

Hiện nay, Việt Nam đã có một số tiền đề pháp lý cho việc chuẩn bị giải pháp hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Tiến tới sẽ nghiên cứu qui định việc làm giầu bất hợp pháp để có thể tạo ra hành lang pháp lý dễ dàng cho việc đấu tranh chống tham nhũng.

Thực tiễn việc tiến hành áp dụng biện pháp minh bạch tài sản, công khai thu nhập, cơ chế quản lý tài chính, giao dịch tài chính tại Việt Nam còn hạn chế vì việc sử dụng tiền mặt còn quá phổ biến. Xuất phát từ thực tế này, việc sửa đổi pháp luật phòng, chống tham nhũng cần tính tới hình sự hóa hành vi làm giầu bất hợp pháp. Đây là một biện pháp “thông minh” để đấu tranh với loại tội phạm tham nhũng. Chứng cứ của tội danh này được thể hiện bằng sự tăng lên bất thường và đáng kể về tài sản và thu nhập của công chức mà nó không phù hợp với thu nhập hợp pháp được tạo ra và không giải trình hợp lý được về nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Như vậy, việc chứng minh tàisản tăng lên bất thường và đáng kể của công chức là dễ dàng hơn nhiều việc chứng minh tài sản tăng lên đó có nguồn gốc từ hoạt động tham nhũng.

  1. Thu hồi tài sản do tham nhũng mà có

Thu hồi tài sản tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có là hoạt động quan trọng và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, thực trạng thu hồi tài sản hiện nay cho thấy, bên cạnh số tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là rất lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, của nhân dân; việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được rất nhỏ so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, trong đó nguyên nhân trực tiếp là những hạn chế, vướng mắc về cơ sở pháp lý trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật hình sự và các luật chuyên ngành khác cũng đã có quy định về vấn đề này, nhưng chưa đầy đủ và rõ ràng. Trên thực tế, Việt Nam đã xác lập những cơ sở nhất định cho việc thực hiện; đã có kinh nghiệm thực tiễn nhất định trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tranh chấp có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và theo một số hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự mà Việt Nam đã ký.

(Slide bài giảng tuyên truyền Luật phòng, chống tham nhũng 2018)

Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, việc hoàn thiện pháp luật cần quan tâm đến những giải pháp sau:

Một là, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ quản trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối tượng tẩu tán tài sản. Mặt khác, sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi lượng hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Hành vi phạm tội về tham nhũng phải xử lý nghiêm theo khung truy tố, còn việc hoàn trả tài sản tham nhũng là căn cứ giảm nhẹ một phần hình phạt hoặc là căn cứ để giảm án khi chấp hành hình phạt.

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng đề cao vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Quy định quá trình điều tra, cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ tài sản đang ở đâu, tẩu tán ra sao; thực hiện nghiêm, triệt để quy định thu hồi số tài sản này để khắc phục thiệt hại. Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh tài sản thi hành án  dân sự. Quy định rõ trong các vụ án tham nhũng phải cho phép áp dụng biện pháp kê  biên tài sản ngay từ khi đủ cơ sở khởi tố một cá nhân nào đó về hành vi tham nhũng để  tránh việc “đánh tháo, tẩu tán”.

Ba là, đối với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, cần bổ sung quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài; bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; bổ sung quy định về  kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài khoản người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Bốn là, khắc phục những bất cập trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; giúp xác định rõ thiệt hại do tham nhũng Năm là, cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài

  1. Quy định xử lý người có hành vi tham nhũng

Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định về xử lý hình sự hành vi tham nhũng cần thống nhất: tội nhận hối lộ là tội tham nhũng (Điều 279 Bộ luật hình sự) thì tội đưa hối lộ (Điều 289 Bộ luật hình sự) và tội làm môi giới hối lộ (Điều 290 Bộ luật hình sự) lại không được quy định là tội phạm về tham nhũng. Khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong một số văn bản pháp luật về xử lý tham nhũng (như Điều 289 Bộ luật hình sự, Điều 70 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005)… Các qui định chế tài kỷ luật công chức có hành vi tham nhũng cần cụ thể để tạo điều kiện dễ áp dụng và không bị lợi dụng.

Thứ hai, quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức có hành vi tham nhũng cần chặt chẽ và cụ thể khi áp dụng hình thức kỷ luật cần phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc về “thời hiệu” vì tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật có tính phức tạp và “ẩn” rất cao, chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn nên việc che dấu thường rất tinh vi, khó phát hiện.

Thứ ba, Các quy định về chủ thể có thẩm quyền kết luận về hành vi tham nhũng của công chức phải thống nhất, nên chủ yếu để tòa án kết luận và cần hạn chế tối thiểu việc xử lý nội bộ hoặc hành chính đối với hành vi tham nhũng.

  1. Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Trong thời gian tới cần xây dựng và bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bắt buộc thực hiện việc chi trả qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về nhận tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc kê khai, xác minh các khoản chi đầu tư và chi tiêu dùng có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn. Đối với các qui định về đạo đức công vụ thực sự chưa được thực hiện nhiều, cần phải có những qui định chặt chẽ hơn trong việc giám sát cán bộ thực thi nhiệm vụ về đạo đức và trách nhiệm công vụ, kể cả việc quản lý các mối quan hệ của cán bộ cao cấp vì đây cũng là một kẽ hở làm cho những kẻ tham nhũng lợi dụng.

Tóm lại, công cuộc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó việc hoàn thiện pháp luật là yếu tó trọng tậm và trước mắt. Chỉ cónhững qui định khoa học, chặt chẽ, đầy đủ và đơn giản dễ thực hiện thì mới có thể tạo ra được các cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Đoàn THị Hương