Thái Độ Làm Việc Là Gì? Tiêu Chí Đánh Giá Thái Độ Làm Việc Tích Cực
Kỹ năng và kinh nghiệm có thể được coi là các yếu tố quan trọng nhất của một nhân viên. Nhưng thái độ đóng vai trò cực quan trọng. Một người với kỹ năng chuyên môn đáng ngưỡng mộ nhưng thái độ làm việc tồi tệ liệu sẽ có ảnh hưởng tốt và cơ hội thăng tiến không?
Tìm hiểu về vai trò của thái độ trong công việc và các tiêu chí đánh giá với Glints ngay nhé!
Thái độ làm việc là gì?
Thái độ làm việc bao gồm nhiều yếu tố như nhận thức, cách thức hành xử trong môi trường làm việc. Nhiều người có thể nhầm lẫn thái độ làm việc với tính cách của một người, tuy nhiên vẫn có những người có thể vượt qua ranh giới trong cái tôi của mình để hoà nhập và đặt giá trị công việc lên hàng đầu.
Mỗi thái độ làm việc lại dẫn tới những kiểu hành vi nhất định. Ví dụ:
- Thái độ làm việc tích cực: Nhân viên có nhiều năng lượng, sự thoải mái và nhiệt huyết để làm việc, họ có sự chủ động và tâm huyết với môi trường làm việc.
- Thái độ tiêu cực: Nhân viên có tâm lý mệt mỏi, chán nản, ít hứng thú với việc đi làm, chậm deadline hoặc đạt hiệu suất thấp. Họ có thể muốn quiet quitting, rồi dẫn đến thật sự nghỉ việc.
Thái độ làm việc có thể chia ra thành 2 loại: tích cực và tiêu cực.
Tại sao thái độ làm việc lại quan trọng ?
Thái độ trong công việc là một yếu tố quan trọng để chúng ta có thể tiến bộ và làm tốt tại nơi công sở. Một người có thái độ làm việc tích cực sẽ không ngừng tìm tòi, học hỏi từ những thành công và cả thất bại. Hơn nữa, thái độ tích cực còn đến từ cách ứng xử, sự kết hợp nhuần nhuyễn với các đồng nghiệp khác.
Một người “biết mình biết ta” và có chí tiến thủ chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho công ty, đoàn thể và cả cá nhân bản thân họ. Còn nếu bạn không biết cố gắng và ứng xử vụng về, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ bị đào thải.
Công việc cần tới kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, nhưng các yếu tố này chỉ chiếm 30%.
70% còn lại thuộc về thái độ làm việc của nhân viên.
Kể cả bạn có tài năng hoặc có bằng cấp cao đến đâu, khi bạn thiếu sự tôn trọng những người xung quanh hay không cố gắng phát triển chuyên môn; sự nghiệp của bạn sẽ khó mà có bước tiến.
Các tiêu chí đánh giá thái độ làm việc
Thái độ trong công việc có thể được đo lường qua các yếu tố nào? Cùng Glints điểm qua các tiêu chí sau.
1. Sự chủ động trong công việc
Sự chủ động khi làm việc là yếu tố đầu tiên để biết liệu bạn có thái độ tốt với nghề hay không. Yếu tố này được thể hiện qua việc bạn chủ động với công việc chung và với kế hoạch của cá nhân bạn.
Khi bạn có thái độ tốt, bạn sẽ luôn cố hoàn thành các nhiệm vụ được giao mà không cần nhắc nhở. Mỗi người làm tròn trách nhiệm của mình thì các dự án chung và hoạt động làm việc nhóm mới hiệu quả.
Bên cạnh đó, tìm sự hỗ trợ khi có thắc mắc và chủ động giúp đỡ người khác cũng thể hiện sự chủ động trong công việc. Khi mạnh dạn, bạn sẽ giải quyết vấn đề và hoàn thành công việc tốt nhất có thể, đóng góp hiệu suất vào công việc.
Các tiêu chí đánh giá thái độ làm việc của nhân viên.
2. Thái độ hợp tác
Thái độ hợp tác tốt là khi một người biết kiểm soát cảm xúc và cái tôi của mình. Họ có được sự dĩ hoà vi quý trong không chỉ một mà nhiều hội nhóm.
Bạn có thể là người hướng nội nhưng bạn vẫn biết cách giao tiếp với người khác, hoặc bạn hướng ngoại và luôn cố gắng giúp một tập thể hoà đồng với nhau, lan toả năng lượng tích cực tới mọi người.
Tính cách của mỗi người chắc chắn có nhiều điểm khác biệt. Nhưng khi bạn biết phối hợp, chia sẻ thông tin, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các đồng nghiệp và quản lý; bạn đang thể hiện được rằng bạn có thái độ làm việc tích cực.
Vì sao thái độ quan trọng hơn trình độ? Đó là vì, khi bạn không biết hợp tác, luôn có tinh thần chống đối hoặc chỉ chăm chăm theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, bạn sẽ không thể tiến xa trong sự nghiệp dù bạn có tài năng đến đâu.
Đọc thêm: 5 Mẹo Rèn Luyện Khả Năng Điều Chỉnh, Quản Lý Cảm Xúc
3. Động lực làm việc
Năng lượng làm việc, hay động lực làm việc, chính là thái độ không thể thiếu trong công việc. Tinh thần uể oải và trì trệ chính là thái độ tiêu cực bạn cần tránh.
Mỗi người có động lực khác nhau. Nhưng nhìn chung, có được đam mê và sự thúc đẩy để cống hiến cho mục tiêu chính là khi bạn có thái độ tích cực trong công việc. Và không chỉ mục tiêu chung của tổ chức, bạn cũng cần nỗ lực để đạt được kế hoạch phát triển cá nhân.
4. Trung thực
Tiêu chí tiếp theo để đánh giá thái độ làm việc là sự trung thực. Người trung thực là người dám chịu trách nhiệm với những gì mình làm.
Bạn có bổn phận hành xử dựa trên cơ sở chân thành và “trước sau như một” với đồng nghiệp cũng như các nhiệm vụ trong công việc.
5. Sự tôn trọng
Người có thái độ chuyên nghiệp là người biết tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, của cấp trên. Bạn cần ý thức rằng ý kiến của mỗi cá nhân đều có giá trị và nên được lắng nghe.
Ví dụ, nếu bạn liên tục ngó lơ khi đồng nghiệp lên tiếng trong một buổi họp, hoặc bạn chen ngang, nói chèn khi người khác đang chia sẻ, thì bạn đang thiếu sự tôn trọng dành cho người khác.
Ngoài ra, nổi tính tự ái khi bị nhận xét và góp ý cũng là một hành động nên tránh. Nếu bạn được góp ý sửa sai trong một dự án, bạn không nên mặt nặng mày nhẹ mà hãy cởi mở đón nhận.
Tất nhiên, đối phương cũng cần dành sự tôn trọng cho bạn khi đưa ra ý kiến của họ, bởi không một công việc nào có thể xuôi chèo mát mái nếu không có sự tôn trọng giữa các bên.
Sự tôn trọng đến từ các bên có vai trò quyết định rất lớn trong thái độ làm việc.
6. Tinh thần học hỏi
Việc ham học hỏi, luôn làm mới bản thân và chấp nhận thử thách có thể nói lên rất nhiều về thái độ làm việc của bạn.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”
Kiến thức và kinh nghiệm là vô biên. Khi một nhân viên ý thức được điều này, họ sẽ không dừng lại để hài lòng với những gì họ đã biết. Luôn hướng tới làm giàu kỹ năng chuyên môn và bộ kỹ năng mềm thì bạn mới có cơ hội làm bản thân có giá trị hơn về nhiều mặt.
Ngoài ra, biết lắng nghe những ý kiến đóng góp và học tập để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cũng là biểu hiện của đức tính ham học hỏi. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải cứ răm rắp tuân theo tất cả chỉ định của cấp trên là việc tốt.
Bạn cũng cần biết tôn trọng bản thân bằng cách chọn lọc các ý kiến chân thành, dựa trên tinh thần xây dựng thật sự.
Đọc thêm: Tự học là gì? 5 Mẹo cải thiện kỹ năng tự học siêu hiệu quả
Cách để có được thái độ làm việc tích cực
Làm thế nào để bạn làm việc tích cực hơn và hiệu quả hơn? Bạn có thể làm những cách sau để có thể cải thiện thái độ lẫn tư duy của mình trong công việc:
- Hãy nghĩ rằng bạn có thể làm tốt và thật sự đầu tư năng lượng, nỗ lực vào những công việc đó.
- Hoàn thành mọi thứ một cách chỉn chu, hoàn thiện nhất.
- Mở rộng, xây dựng mối quan hệ hoà hảo, tốt đẹp với mọi người, từ nhân viên, đồng nghiệp cho tới cấp quản lý.
- Luôn nâng cao, trau dồi năng lực, sự tự tin của bản thân
- Học cách quản lý, sắp xếp công việc và quản lý thời gian hiệu quả.
- Làm việc với đam mê, hãy nhớ về lý do tại sao bạn bắt đầu với nghề nếu bạn cảm thấy chán nản.
Lời kết
Mọi doanh nghiệp sẽ có khả năng thành công nếu như nhân viên có thái độ làm việc tích cực. Có được yếu tố này, bạn sẽ không chỉ đóng góp cho tập thể mà còn có cơ hội phát triển bản thân lên một mức độ mới.
Để có bước tiến mới trong công việc cũng như quá trình làm mới bản thân, bạn đừng quên cập nhật các bài viết mới của Glints Việt Nam nhé!
Tham khảo:
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả
Celine
“Your time is limited, so don’t waste it living someone else’s life.”
See author’s posts