Tết ở quê tôi

Lớn thêm một chút, tôi thấy làng mình cái gì cũng đẹp; mái đình cong, cây đa cổ thụ bộ rễ lớn tạo thành các hang hốc trong đầy lọ bình vôi… đến con đường làng vỉa gạch nghiêng, hai bên lát đá. Nếp làng như trong chuyện cổ tích, riêng Tết thì làng tôi vui lắm.

Tết xưa…

Những ngày giáp Tết, cứ nghe tiếng còi tàu trên ga Cát Đằng rúc là lũ trẻ chúng tôi chạy ra đầu làng ngóng xem có ai đi công tác về quê ăn Tết. Đứa nào thấy người nhà là hò reo chạy… đi đón.

Cũng vào khoảng thời gian này, không khí Tết đã đậm đà lắm rồi. Bắt đầu một ngày khi màn đêm còn đặc quánh, trời còn tối đen như mực, nhưng khắp làng đã râm ran tiếng người gọi nhau, đường làng lập loè ánh đèn, ánh đuốc. Tiếng lợn kêu eng éc, bếp lửa bập bùng, nồi nước sôi ùng ục… Tuỳ từng con lợn to – nhỏ mà nhiều hay ít nhà chung nhau “đụng lợn”.

Tết ở quê tôi - ảnh 1

 

Sau khi lợn chọc tiết, giội nước sôi, cạo lông phô bộ da trắng ởn thì được xẻ thịt ra. Con lợn được chia đều từng phần thịt, xương, tiết… Bữa trưa hôm đó thế nào cũng có món lòng lợn tiết canh và bát nước xuýt nóng hổi.

Những miếng thịt nạc ngon… được lọc ra thái ngang thớ thịt thành những miếng nhỏ rồi bỏ vào cối đá để giã làm giò nạc. Những thanh niên khoẻ được chọn vào làm chân giã giò. Hai tay cầm hai chiếc chày gỗ đã lên nước bóng loáng, họ thong thả thúc chày vào lòng cối đã bỏ thịt nạc.

Lúc đầu, tiếng chày phùm phụp, phùm phụp… sau chuyển dần sang côm cốp, côm cốp…, lúc đó là thịt nạc đã nhuyễn. Giã giò mệt lắm, mặc dù trời rét, nhưng giã được cối giò thì trán cũng lấm tấm mồ hôi. Các tay giã giò lúc đó chỉ còn mặc áo mayô, bắp tay tròn lẳn chạy lên chạy xuống. Tôi đã từng ước mơ có hai bắp tay như thế.

Lúc thịt nạc đã nhuyễn, hai chiếc chày cứ như bị mút chặt, người giã giò phải dùng sức nhiều hơn, lúc đó ta gọi là thịt đã “chảy”. Thịt nhuyễn càng “chảy” thì giò càng mịn, càng giòn. Cứ ba cối thịt nhuyễn thì bó được hai chiếc giò.

Khi bó giò, người ta cho cối thịt đã giã trước vào cối vừa giã xong, thúc lại một hồi, nêm nước mắm ngon, rồi cuộn vào lá chuối xanh đã hơ cho héo, rồi bó. Khi cối thịt đang “nóng”, cho chút nước mắm ngon vào, liền dậy lên mùi thơm ngầy ngậy hấp dẫn. Bọn trẻ chúng tôi vào những buổi sáng đó, thường phụ việc đun nước, cầm đèn.

Lúc người lớn giã giò thì ngồi bên cạnh gắp những miếng thịt nạc bị văng ra khỏi cối bỏ trở lại. Khoái nhất là lúc được vét cối, vét chày “mót” những phần thịt mịn nhuyễn còn sót lại gói thành chiếc giò con con.

Phần còn lại của con lợn thì được gói thành giò mỡ, giò bì, giò thủ; giò mỡ (giò hoa) có rắc hạt tiêu giã nhỏ, giò bì hay còn gọi là giò hạt lựu được gói bằng lớp da đã bóc hết mỡ, giò thủ tất nhiên thịt được lọc từ đầu con lợn, xào cùng mộc nhĩ gói vào mo cau rồi ép chặt.

Phần xương xào để nấu măng, chân giò nấu đông. Món thịt đông được hầm kỹ trong niêu đất và được vùi vào đống trấu (vỏ thóc) lửa âm ỉ suốt đêm, nên cứ mềm tơi, món thịt nấu đông ăn thật là tuyệt.

Buổi tối, các gia đình sau khi làm thịt lợn, thế nào tiếp theo cũng là mục gói bánh chưng. Cả nhà xúm quanh chiếc nong giữa nhà, vừa phục vụ, vừa xem gói bánh. Tuỳ trình độ của người gói bánh mà có người gói bộ, có người gói bằng khuôn, bánh chưng cái nào cũng vuông và bằng nhau chằn chặn.

Bánh gói xong được xếp vào thùng, nổi lửa lên. Nồi bánh chưng sùng sục sôi suốt đêm, lửa hồng nhảy nhót, thật ấm cúng. Không khí chuẩn bị làm thịt lợn, gói bánh nhộn nhịp từ 27-29 Tết.

Ngày 30 Tết là ngày dành cho việc dọn dẹp nhà cửa, bày mâm ngũ quả, chuẩn bị mâm cơm cúng tất niên. Đêm 30 Tết mới vui, nhà nào cũng chuẩn bị một chiếc đèn chai treo ngoài cổng để đón khách. Từng tốp, nào là thanh niên nam – nữ, các cụ già, các vị đi công tác về… tuỳ từng lứa tuổi, kéo nhau đi đến từng nhà thăm hỏi. Nhiều tốp vào cùng một nhà, thiếu cả chỗ ngồi, nhưng chủ nhà vẫn vui, khách vẫn cười. Đường làng lúc nào cũng có người đi lại cho tới gần giao thừa.

Sáng mùng một Tết, các gia đình cử đại diện ra đình làng để chúc Tết chung, sau đó viếng nghĩa trang liệt sĩ… Người ở nhà làm cỗ cúng tổ tiên. Cả nhà quây quần ăn bữa cơm đầu xuân, rồi đi chúc Tết họ hàng.

Quê tôi có tục không mang lễ tổ trước Tết mà lễ đều chuẩn bị vào sáng mùng một, mỗi gia đình cử đoàn thuộc các thế hệ khác nhau đưa lễ tổ đến nhà trưởng họ, trưởng tộc. Lễ là mâm cỗ theo khả năng của từng gia đình… Cứ như thế đi hết họ nội, họ ngoại cũng phải vài lần ngồi vào mâm uống rượu.

Những năm gần đây, lễ cũng đơn giản chỉ có mứt – rượu, trầu – cau, hoa – quả, chuyện ăn uống cũng bớt đi nhiều.

Đêm mùng một Tết lại từng tốp, từng tốp đi chúc Tết. Cả làng lúc nào cũng rộn tiếng cười, nói chúc tụng nhau.

Chiều mùng 2, mùng 3 Tết, các cụ già ra chùa cúng lễ, còn thanh – thiếu niên tràn ra sân đình vui chơi.

… Tết nay

Lớn lên, tôi không trở thành một thanh niên có bắp tay cuồn cuộn. Mặc dù bố tôi đi “B”, một mình mẹ vẫn cố nuôi cho chúng tôi theo học trong những năm chiến tranh ác liệt. Do công lao của mẹ, chúng tôi đều trưởng thành, được làm “người nhà nước”.

Chiến tranh, lớp lớp người đi chiến trường, làng vơi hẳn đi, Tết nhất cũng trở nên vắng vẻ. Mỗi lần về quê ăn Tết, tôi lại bùi ngùi, nhưng các phong tục cũ vẫn còn, vẫn giữ được.

Chiến tranh đã qua, người trở về làng ngày một đông, thanh niên lớn lên cũng ít đi đây, đi đó. Làng tôi trở nên chật chội, ao, ruộng bị lấp dần đi để làm nhà.

Con đê làng sừng sững như một bức tường thành trước đây để ngăn nước vào mùa lũ cho cả huyện, nay nhờ có con đê quai dọc sông Đáy, nó trở nên thừa. Con đê bị san thấp, đất hai bên chia cho dân làm nhà. Hai bên đê, nhà mọc san sát, con đê thành đường làng nhỏ nhoi. Con sông xưa biến mất, trở thành rạch nước. Từ trên không còn nhìn thấy nó đâu nữa.

Tết này, tôi được nghỉ sớm. Ngày 27 Tết, tôi đã có mặt ở nhà, thấp thỏm niềm vui đón Tết của thuở ấu thơ. Làng có gần một trăm nóc nhà, đều đã bêtông hoá. Nhà xây 1-2 tầng môđen như nhà thành phố. Trần cũng trang trí, sàn cũng lát gạch hoa, cửa gỗ vécni, kính sáng loáng. Khách tới chơi cũng bỏ giày dép ở ngoài hè…

Ban đêm, điện đường sáng trưng làm cho đường làng sáng như đường trên phố, người đi chúc Tết không phải dùng đèn dầu, đèn pin hoặc mò mẫm đi trong đêm nữa. Giữa làng mọc lên cột BTS (cột tiếp sóng của điện thoại di động) cao ngất ngưởng, ban đêm nhấp nháy ánh đèn đỏ, làm cho khoảng trời ở làng khác hẳn đi, sinh động hẳn lên.  Tôi mừng cho sự tiến bộ của làng.

Lạ quá, đã 28 Tết rồi, mà buổi sớm tịnh không tiếng lợn kêu, xung quanh yên ắng quá. Chỉ nghe tiếng đài phát thanh ở hai đầu làng phát như thường lệ. Tôi hỏi mẹ: “Năm nay nhà ta đụng lợn với ai?”. Mẹ đáp: “Tết này, nhà ta không đụng lợn, mẹ mua giò làm sẵn rồi”.

Thì ra đã mấy Tết nay, làng xuất hiện một ông chuyên mổ lợn làm giò bán. Do tiện lợi, làng bỏ luôn tục lệ đụng lợn, giã giò. Nhà nào có nhu cầu, hoặc ra chợ, hoặc đến gặp ông… đặt. Nhà nào nhớ món lòng lợn, tiết canh cũng… ra chợ.

Tôi tò mò tìm đến nhà ông chuyên kinh doanh thịt lợn, được ông ta cho xem máy xay thịt nạc làm giò. Chiếc môtơ điện của Trung Quốc, chiếc xoong nhôm to, 3 lưỡi dao như ba cánh quạt sắc lẻm được bố trí liên kết với nhau thành chiếc máy xay thịt. Ông cắm điện, chiếc môtơ quay, ba lưỡi dao phát ra tiếng gió vù vù đến ghê. Tết này, ông thịt một tấn lợn, làm khoảng 3 tạ giò, phục vụ gần đủ cho nhu cầu của xã.

Tối mùng Một, tôi đến chúc Tết bà bác. Bác cháu lâu ngày gặp nhau, bà vui, kể hết chuyện này đến chuyện khác. Tôi chỉ còn biết nghe và vâng dạ cho phải phép. Tất nhiên, câu chuyện cuối cùng vẫn trở về đề tài Tết, nào là tục lệ mừng thọ cho các cụ mới xuất hiện vào những Tết gần đây, nào là tiết trời năm nay lạnh, nhưng đẹp…

Đang sôi nổi thế, bà bỗng trở nên trầm lắng: “Tết này không vui bằng các tết trước, người đi thăm hỏi đêm giao thừa vắng quá!”. Lời than thở của bà bác đã trên 70 tuổi làm tôi giật mình.

Tôi đổ thừa cho đêm 30, trời rét và mưa phùn. Nhưng bà không đồng tình: “Trước đây, đêm giao thừa… vui lắm cơ. Năm nay, những người đi xa về quê ít quá. Họ về bằng xe máy, ôtô con… nhoáng nhoàng một lúc rồi vội vã đi. Thanh niên ở làng cũng chỉ lao vào làm ăn kiếm tiền, gần Tết mới về!”. Bà chợt thở dài như luyến tiếc một cái gì đấy, lớn lắm!

Tết xong trở lại cơ quan nơi tôi công tác, khi viết những dòng này, tôi như thấy trước mặt thấp thoáng những ngọn đèn chai trước gió trong đêm giao thừa, nhớ tiếng giã giò phùm phụp… côm cốp đến nôn nao… trong những ngày đón Tết ở quê tôi.

Theo Đỗ Văn Phú / Lao Động