Tết Đoan ngọ: Tại sao phải trừ tà, diệt sâu bọ, khảo cây?
Bánh tro, cơm rượu là những món ăn phổ biến ngày Tết Đoan ngọ
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc làm phát sinh sự kỷ niệm vào ngày 5 tháng 5 gắn với câu chuyện vị quan đồng thời là nhà thơ nổi tiếng tên Khuất Nguyên ở Trung Quốc sống vào thời Chiến Quốc.
Vì can ngăn vua Sở Hoài Vương không được, lại bị vua đày đi Giang Nam, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự tử chết vào ngày mùng 5 tháng 5.
Từ đó, một số vùng ở Trung Quốc có lệ tưởng niệm vị danh nhân này vào đúng ngày ông tự tử. Một số vùng đến nay còn giữ lệ thả bánh trên sông vào ngày mùng 5 tháng 5 với ý nghĩa tượng trưng “để cho cá ăn bánh khỏi ăn thịt ông Khuất Nguyên”.
Tuy nhiên, từ rất lâu, người Việt Nam tiếp cận với Tết Đoan ngọ theo cách hiểu gần gũi với đời sống.
Cùng với cách gọi ngày Đoan ngọ là Tết – một dịp kỷ niệm có tính vui vẻ, ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm gắn với nhiều hoạt động có cả màu sắc phương thuật như: khảo cây lấy quả, treo bùa trừ tà, ăn bánh ú bánh tro và cơm rượu để diệt sâu bọ trong người, treo lá cây trừ ôn dịch…
Các nhà nho ngày xưa và một số cụ già ở nông thôn ngày nay còn giữ lệ đúng ngày mùng 5 tháng 5 thì vào núi đào thuốc nam.
Chữ Đoan ngọ hay đoan dương có nghĩa là giữa mùa khí dương đang thịnh, giữa mùa nắng trong năm. Theo đó thì với thổ nhưỡng nhiều vùng của Việt Nam, dịp này là lúc các chất trong cây cối được tích tụ đầy đủ nhất – thích hợp nhất cho việc hái về làm thuốc.
Lại cũng có nơi còn giữ lệ khảo cây trong ngày mùng 5 tháng 5.
Một sư thầy ở Bình Chánh cho biết từ nhỏ, gia đình ông hễ trồng cây mà mãi không ra trái, sẽ chờ đến ngày mùng 5 tháng 5, người trong nhà cầm con dao ra dứ dứ vào gốc cây bảo, ra trái nghen, không thì ta chặt bỏ đó. Như vậy mà đến mùa sau cây ra trái thật. Đây là một dạng phương thuật trong dân gian vẫn còn được áp dụng.
Nhà báo Nhân Kiện (phải) và nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi- Ảnh: từ FB tác giả
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, Tết Đoan ngọ của người Việt gắn với quan niệm tẩy trùng tẩy uế cho cơ thể và ngăn ngừa ôn dịch trong cộng đồng.
Từ đó, trong ngày Đoan ngọ người ta cùng nhau ăn cơm rượu và bánh ú với quan niệm để thanh tẩy cơ thể. Các vùng có lệ treo trước cửa nhà thanh gai xương rồng với mục đích ngăn ngừa ôn dịch lan tràn nếu có.
Đặc biệt từ thực tế điền dã ông Thanh Lợi cho biết trong ngày Đoan ngọ ở miền nam có dân Bến Tre thường tổ chức ra chơi ở các cồn đất giữa sông. “
Buổi sáng nước rút, mọi người rủ nhau ra cồn nghỉ ngơi chơi đùa, tắm mát. Đến trưa nước lên thì lại đi vô vườn, cũng là một cách sinh hoạt vừa có tính tẩy uế vừa kết hợp vui chơi với đặc thù sông nước”, ông Lợi nhận xét.
Còn nghề làm bánh tro, bánh ú bán dịp Tết Đoan ngọ mấy năm nay cũng rất được ủng hộ. Ông Lợi cho biết có người thân ở Bến Tre làm nghề gói bánh, và dịp mùng 5 tháng 5 các vùng đặt hàng gói đến cả ngàn chiếc bánh tro, bánh ú “là chuyện bình thường”.
Bánh tro sẽ tràn ngập những ngày sắp Tết Đoan ngọ – Ảnh: Gia Tiến
Riêng cộng đồng người Hoa ở TP.HCM cũng kỷ niệm ngày Đoan ngọ bằng nhiều hình thức. Theo nhà báo Nhân Kiện, người Hoa chuẩn bị việc ăn bánh ú vào ngày Đoan ngọ từ trước mùng 5 tháng 5 khoảng một tuần.
Những tiệm bánh bắt đầu bày bán các loại bánh ú, bánh tro. Đặc biệt là bánh ú của các cộng đồng dân tộc khác nhau sẽ có điểm khác nhau, hình thành cách gọi bánh ú của người Quảng [Đông], người Tiều (Triều Châu), Hải Nam, Phước Kiến…
Ông Kiện cũng cho biết, với bà con người Hoa, dịp Đoan ngọ nhà nào cũng tổ chức cúng một lượt các vị thần thờ trong nhà, và cúng cả tổ tiên trên bàn thờ gia tiên.
Riêng người Hoa còn có quan niệm cần trừ tà trong dịp Đoan ngọ, nên bắt đầu từ việc nhà nhà treo lá liễu trước cửa, dần dần tại các chợ bán sẵn những bó lá cây gồm nhiều loại cả lá bưởi, lá ổi… bó lại cũng nhằm trừ tà.
Ngoài ra, một nội dung trong dịp Đoan ngọ là treo các loại hương liệu trừ côn trùng. Vì theo quan niệm ngày Đoan ngọ là dịp côn trùng bắt đầu trở dậy hoạt động mạnh nhất trong năm, nên nhà nhà treo các túi hương liệu trước cửa, có nhà còn sắm các túi vải (người Hoa gọi là “cẩm nang”) đeo treo tay, trên cổ cho các em bé, cũng nhằm mục đích ngăn trừ các loại côn trùng có hại.
“Cũng có người nói tục dùng hương liệu trong dịp mùng 5 tháng 5 bắt nguồn từ thói quen ông Khuất Nguyên ngày xưa thích ngửi các loại hương liệu. Nhưng điều này có vẻ khó kiểm chứng, trong khi dân gian thì có lý do để duy trì”, nhà báo Nhân Kiện chia sẻ.
Tết Thanh minh vào đầu năm do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc