Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer – Lễ hội – Ban Dân Tộc (Tiếng Việt)
“Những người này luôn luôn dùng tháng mười của Trung Hoa làm tháng thứ nhất của họ. Tháng ấy gọi là Giai Đắc (Kia-to). Ngày nay người Khmer làm lễ Đầu năm vào giữa tháng tư dương lịch, không còn giữ tục lệ cũ nữa”.
Đằng trước cung điện, họ dựng lên một khán đài rộng lớn có khả năng chứa được hơn một nghìn người và trang trí nó bằng đèn treo và hoa. Đối diện, và cách chừng vài bước, họ làm ra một vòng tròn bằng trụ gỗ có chu vi khoảng hai trăm năm mươi bộ Anh và trên đó họ giăng thành giàn khung của một ngọn tháp cao hai trăm năm mươi bộ Anh. Trên đỉnh họ để pháo bông và pháo đốt. Họ có thể xây dựng nhiều đến nửa tá tháp chỉ trong một đêm duy nhất. Các chi phí được đài thọ bởi các tỉnh và các nhà quý tộc. Họ kính cẩn mời nhà vua tham dự cùng với họ trong các lễ hội và khi đêm buông xuống, họ sẽ đốt pháo thăng thiên và bắn hỏa pháo. Cuộc biểu diễn có thể trông thấy từ nơi xa hơn ba mươi dặm. Các pháo đốt có kích cỡ súng xoay vòng và tiếng nổ của chúng làm rung chuyển toàn thể thành phố.
Các quan chức và các nhà quý tộc đài thọ cho các lễ hội cũng phân phát nến và hạt cau; sự hào phóng của họ thật là to tát. Để chứng kiến cuộc lễ ngoạn mục này, nhà vua có mời các sứ giả ngoại quốc tham dự. Cuộc lễ này kéo dài trong mười lăm ngày, rồi ngừng lại.” (theo “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của Châu Đạt Quan)
Theo đoạn ghi chép trên của ông Châu Đạt Quan trong tác phẩm “Chân Lạp Phong Thổ Ký” khi miêu tả khá chi tiết về ngày tết truyền thống của người Khmer trên đất nước Chân Lạp (nước Cambodia ngày nay) đã cho chúng ta thấy rằng “Tết Chol Chnam Thmay” là một trong những ngày lễ trọng đại nhất trong năm.
Tết Chol Chnam Thmay cũng là ngày tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ (Việt Nam) và thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm. Người Khmer dùng Phật lịch để tính ngày tháng, và ngày bắt đầu năm mới sẽ được tổ chức khoảng đầu tháng Chét (tháng 4 dương lịch), đây cũng chính là thời điểm thu hoạch mùa màng trong năm, sau một vụ mùa bội thu, người dân vui mừng hớn hở tạ ơn Phật đã phù hộ và tổ chức hàng loạt các hoạt động vui chơi giải trí và cầu mong cho vụ mùa bội thu trong năm tới.
Người Khmer là tín đồ sùng đạo của Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nam Tông), do sự tương đồng về địa lý và lịch sử, văn hóa và dân tộc của người Khmer vùng đất Nam Bộ (Việt Nam) có sự tương đồng với các nước Phật giáo Nam Tông láng giềng như Cambodia, Lào, Thái Lan, Myanmar là những nơi mà Phật giáo được lan truyền, bén rễ một cách tự nhiên, sâu sắc trong tâm thức văn hóa cộng đồng người Khmer nơi đây. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về thời gian du nhập của Phật giáo Nam Tông vào vùng dân cư này, nhưng có thể khẳng định rằng, Phật giáo đã có mặt ở nơi đây từ những năm đầu công nguyên.
Trải qua gần 2000 năm tồn tại và phát triển trong cộng đồng người Khmer, Phật giáo Nam tông đã trở thành thành tố quan trọng nhất tạo nên nét đặc trưng văn hóa, và có tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer. Dân tộc Khmer có nhiều lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Phật: Tết Chol Chnam Thmay (mừng năm mới); Lễ Phật Đản; Lễ Đôlta (báo hiếu – xá tội vong nhân); Lễ hội Óoc Oom Bóc (cúng trăng)… Là một dân tộc mộ đạo nên phần lớn các phum, sóc hoặc địa bàn tập trung đông dân cư người Khmer đều có chùa để dân chúng đến tụng kinh, thờ Phật. Chùa đối với người Khmer là sự gắn bó thiêng liêng cả đời người, vì thế mà chúng ta thấy rằng hầu hết các hoạt động của người Khmer đều gắn với chùa Phật, nhất là ngày tết Chol Chnam Thmay.
Nguồn gốc tết Chol Chnam Thmay
Như đã giới thiệu, Tết Chol Chnam Thmay hay còn gọi là Tết đón năm mới của người Khmer là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Người Khmer chờ đón 3 ngày Tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được an vui, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ.
Hoạt động của ngày tết này kéo dài liên tiếp trong 3 ngày: Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ bố thí cho những người bất hạnh, cơ nhỡ. Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dung nước thơm để tắm Phật, trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối, họ cho rằng làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc.
Ngày tết này bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa như thế này: thuở xa xưa có một người tên là Dhammabal Palakumar, ông là một người cực kỳ thông minh có thể trả lời tất cả những câu hỏi cho dù là câu hỏi khó nhất. Đại Phạm Thiên MahaBrahma biết được rất tức giận, một hôm ông xuất hiện trước mặt Dhammabal Palakumar và đưa ra 3 câu hỏi cực kỳ khó, đó là “buổi sáng có thể tìm hạnh phúc ở đâu, buổi chiều và buổi tối thì tìm ở đâu?”, MahaBrahma nói rằng nếu không trả lời được thì sẽ bị mình chặt đầu, còn nếu ông trả lời được thì MahaBrahma sẽ tự chặt đầu mình.
Dhammabal Palakumar nghe xong rất buồn và đi vào rừng, đột nhiên ông nghe hai con chim đại bàng nói với nhau rằng “vào buổi sáng hạnh phúc hiện diện ở trên mặt, buổi chiều ở trên thân thể và buổi tối thì nằm ở đôi chân”, đây chính là nguồn gốc tập tục người Khmer vào ngày tết dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ông trở về và đem câu trả lời đó đối đáp với MahaBrahma, Đại Phạm Thiên chịu thua và phải tự chặt đầu mình. Đại Phạm Thiên có 7 người con gái, sau khi tự cắt đầu mình, ông đã giao cho người con gái thứ nhất đặt vào tháp, từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày MahaBrahma tự sát, bảy cô con gái của thần xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tudi, đi theo hướng mặt trời vòng quanh chân núi 3 lần trong 60 phút. Mỗi năm một cô gái bưng một lần theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ngày rước đầu lâu là ngày thiên hạ thái bình nên đó cũng là ngày đầu năm mới của người Khmer.
Tết Chol Chnam Thmay tại thành phố Hồ Chí Minh
Cả nước Việt Nam có 54 dân tộc thì Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 50 dân tộc cùng sinh sống, đứng đầu là dân tộc Kinh chiếm đa số với 6.699.124 người (tỷ lệ 93,53 %), các dân tộc còn lại đều là dân tộc thiểu số. Thành phố có 3 dân tộc thiểu số chiếm khá đông là dân tộc Hoa 414.045 người (tỷ lệ 5,78 % dân số toàn thành phố), dân tộc Khmer 24.268 người (0,33 %) và dân tộc Chăm 7.819 người (0,10 %). Đồng bào Khmer sống đan xen cùng dân tộc Kinh và là một bộ phận dân cư không thể tách rời của thành phố. Tuy chiếm dân số không đông nhưng các hoạt động lễ hội của đồng bào Khmer vẫn được duy trì, phát huy một cách hài hòa trong tổng thể nét văn hóa đa dạng của thành phố. Đồng bào Khmer tại thành phố có hai ngôi chùa Phật giáo Nam Tông nổi tiếng, đó là chùa Chantarănsây ở Quận 3 và chùa Pothivong tại quận Tân Bình. Đây là hai ngôi chùa tập trung thực hiện các nghi lễ tôn giáo, nơi giảng dạy tiếng Khmer, nơi tập trung sinh hoạt văn hóa lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tết Chol Chnam Thmay tại thành phố Hồ Chí Minh được đồng bào dân tộc Khmer tổ chức linh đình trong 3 ngày liền với nhiều hoạt động phong phú và đặc sắc gắn liền với hai ngôi chùa nêu trên, tập trung vào các hoạt động chính như: lễ bái Tam Bảo, tụng kinh cầu an, thuyết pháp; đón mừng Chư Thiên năm mới (giao thừa); Đặt Bát Hội; chương trình đắp núi cát và núi gạo; tắm Phật; thọ trì quy giới; văn nghệ chào mừng năm mới…
Tìm hiểu sơ nét các hoạt động chính trong ngày tết Chol Chnam Thmay tại thành phố Hồ Chí Minh
Đặt Bát Hội
Đặt bát là gì? “Đặt” là để, “Bát” là vật chứa đựng thực phẩm, chứa đựng vật cúng dường, “Đặt bát” có ý nghĩa là đặt thực phẩm hay vật cúng dường vào bát cho các chư Tăng. Nghi thức cúng dường thực phẩm hoặc 4 món vật dụng cần thiết cho chư Tăng đã trở thành một nghi lễ linh thiêng từ hơn 2000 năm nay, và đặc biệt quan trọng trong ngày tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer.
Hiện nay theo đà phát triển của xã hội, Thành phố của chúng ta đã trở thành một trung tâm đô thị lớn tập trung đông dân cư nên không có điều kiện cho phép chư Tăng Nam Tông đi bát ngoài đường phố nữa, và thường đến các dịp lễ hội, nhất là trong ngày tết Chol Chnam Thmay, nghi thức “đặt bát” sẽ được tổ chức trong phạm vi của chùa. Khi đó, Ban tổ chức lễ sẽ cung thỉnh chư Tăng đi bát và chư Phật tử từ các nơi gần xa tề tựu đến để đặt bát nên thường gọi là “Đặt bát hội”.
Sau khi các Phật tử “đặt bát”, chư Tăng sẽ dùng thực phẩm trong bát và cầu nguyện phúc lành đến hương linh người nhà đã chết và cầu an đến gia đình người bố thí được an lành hạnh phúc. Hoan hỷ cúng dường chư Tăng do phát tâm trong sạch cúng dường lễ vật ít nhiều tùy khả năng để gieo giống lành dành cho mai sau, lắng nghe những lời thuyết giảng của chư Tăng để hiểu được chân lý nhân quả, luân hồi nhằm tu luyện thân, khẩu, ý theo con đường Chánh Pháp là một hoạt động tốt đẹp đầy ý nghĩa trong những ngày tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố.
Đắp núi cát và núi gạo
Là một trong các hoạt động của ngày tết Chol Chnam Thmay cổ truyền. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, sau khi được đắp xong sẽ làm lễ quy y cho núi và đến sáng hôm sau thì làm lễ xuất thế.
Tập tục đắp núi cát bắt nguồn từ một sự tích có từ rất lâu đời của người Khmer ở Nam bộ. Truyện kể rằng, ngày xưa có một người làm nghề săn bắn, từ trẻ đến già giết rất nhiều loài thú. Nhưng nhờ dâng cơm cho các vị sư đi khất thực nên ông được một nhà sư hướng dẫn tích phúc bằng cách đắp núi cát trong một ngôi chùa gần nơi ông ở.
Về già, ông đau yếu và luôn bị ám ảnh bởi nghề săn bắn của mình, ông thường thấy các bầy thú hung hăng đến đòi nợ oan nghiệt. Nhưng nhờ phúc đức đã từng đắp núi cát, ông tỉnh táo bảo với bầy thú rằng: cứ đi đếm hết những hạt cát mà ông đã đắp rồi hãy đến đòi nợ ông.
Bọn thú đồng ý, cùng nhau đi đếm cát nhưng không tài nào đếm hết. Chán ngán, chúng kéo nhau đi và người thợ săn cũng hết bệnh. Từ đó, ông cố gắng tích đức làm việc thiện cho đến khi chết. Sau khi chết, ông được lên cõi Tiên.
Do sự tích này mà người Khmer ở Nam bộ vẫn giữ tục đắp núi cát như hiện nay.
Tắm Phật
Nghi thức “Tắm Phật” thường được các chùa tổ chức vào ngày đầu năm mới Tết Chol Chnam Thmay.
Đây là nghi thức dùng nước thơm tinh khiết được làm ra bằng cách ngâm các loại hoa tươi vào trong nước sạch; trước khi cử hành nghi thức “Tắm Phật”, chư Tăng trong chùa sẽ làm lễ bái Tam bảo và tụng kinh cầu nguyện; sau các nghi thức lễ bái, chư Tăng của chùa sẽ múc nước thơm vào các bình bát và dùng những cành hoa tươi nhúng vào để rải nước thơm lên các tượng Phật được bài trí trang trọng trên các dãy bàn dài tại sân lớn của chùa.
Nghi thức “Tắm Phật” với mục đích gột rửa những điều không may mắn, rủi ro trong năm đã dính lên tượng Phật, và cũng nhằm mục đích thông qua nghi thức này để đem lại sự may mắn, hạnh phúc cho mọi người trong năm mới.
Sau lễ tắm Phật, các Phật tử sẽ tiếp tục dùng nước thơm để làm lễ tắm cho các vị sư cả, chư Tăng trong chùa; sau đó sẽ làm lễ dâng cơm, cúng dường y phục mới cho các sư cả, chư Tăng trong chùa.
Thọ trì quy giới
Thọ trì quy giới (hay còn gọi là tu báo hiếu) là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của người Khmer theo Phật giáo Nam Tông ở Nam Bộ, thường được tổ chức trong những ngày tết Chol Chnam Thmay náo nhiệt.
Nguồn gốc của việc xuất gia này xuất phát từ một câu chuyện cảm động về hai mẹ con như sau: có một gia đình không may có cha mất sớm nên người mẹ phải thay người cha làm nghề săn bắt để nuôi con. Người con trai duy nhất của đôi vợ chồng này rất hiếu thảo và nhân từ, thấy công việc của mẹ mình thường xuyên sát sinh, nên anh đã trốn mẹ vào chùa đi tu để hóa giải tội lỗi của mẹ mình. Sau khi người mẹ qua đời, linh hồn của bà dưới địa ngục đã không bị quỷ dữ hành hạ, đó chính là nhờ công đức tu hành của người con trai hiếu thảo của mình.
Chính từ câu chuyện này nên người con trai dân tộc Khmer khi đến tuổi trưởng thành thường xin cha mẹ vào chùa gặp các sư xin học thuộc vài bài kinh cơ bản để chuẩn bị cho ngày thọ trì quy giới. Thời gian tu hành thường kéo dài từ một đến vài ba năm.
Văn nghệ chào mừng năm mới
Văn nghệ truyền thống của người Khmer có nhiều loại hình như múa, nhạc, sân khấu dân gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng vào những dịp tết Chol Chnam Thmay, lễ Đol Ta, Ókombok, hoặc phục vụ đám cưới, mừng nhà mới… như Răm Vông, Lăm Leo, Saravan và được gọi chung là múa Lâm Thôn, đây là điệu múa rất phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Khi tiếng trống, nhạc vang lên, từng đôi nam nữ, già trẻ cùng uyển chuyển bước ra sân, hòa mình vào điệu múa tập thể. Nữ lượn múa 2 cánh tay ra trước ngực, nam dang cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa.
Múa Lâm Thôn có động tác khá đơn giản, chỉ cần nhìn một chút là có thể múa theo được. Tuy nhiên, phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định như: người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ.
Mỗi năm đến dịp tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, chúng ta lại được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động. Những hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc tại các chùa chiền Phật giáo, các điệu múa cổ truyền, … được đồng bào dân tộc Khmer tích cực gìn giữ và bảo tồn chính là những việc làm cụ thể góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại thành phố cũng như góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trần Chí Minh (bài viết)
Tài liệu tham khảo:
– Chân Lạp Phong Thổ Ký (Châu Đạt Quan);
– Đại từ điển tập tục các dân tộc thiểu số;
– Từ điển phong tục tập quán các nước;
– Các website: báo Giác Ngộ Online; wikipedia.org; budda.vn; …