“Tập trung sức thực hiện cách mạng kỹ thuật là then chốt”
“Tập trung sức thực hiện cách mạng kỹ thuật là then chốt”
Nghị quyết số 157 của Ban Bí thư khóa III chỉ rõ: tiếp tục cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng văn hóa tư tưởng và đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Ba cuộc cách mạng ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, phải được đồng thời tiến hành, không thể xem nhẹ mặt nào, song phải tập trung sức thực hiện cách mạng kỹ thuật là then chốt.
Nghị quyết nên rõ phương hướng và nhiệm vụ của công tác khoa học và kỹ thuật hiện nay là:
1. Đảng ta đã nhiều lần nêu rõ: phát triển khoa học và kỹ thuật là điều kiện không thể thiếu được để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng phát triển thì vai trò của khoa học và kỹ thuật càng quan trọng.
Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ III cũng như nghị quyết của nhiều Hội nghị Trung ương trước đây đã chỉ rõ: Sau khi cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi quyết định, chúng ta chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Muốn thế, phải tiếp tục tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên ba mặt: tiếp tục cách mạng về quan hệ sản xuất, đẩy mạnh cách mạng văn hoá và tư tưởng, và đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật. Ba cuộc cách mạng ấy liên quan chặt chẽ với nhau, phải được đồng thời tiến hành, không thể xem nhẹ một mặt nào, song phải tập trung sức thực hiện cách mạng kỹ thuật là then chốt.
Để thực hiện cách mạng kỹ thuật là then chốt, phải ra sức phát triển khoa học và kỹ thuật. Phát triển khoa học và kỹ thuật cũng là một trong những nội dung của cách mạng văn hoá, và có liên quan mật thiết đến việc tăng cường và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.
2. Hiện nay, để giành thắng lợi trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, nền kinh tế miền Bắc nước ta phải bảo đảm những nhu cầu của chiến đấu, của đời sống nhân dân, và không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng. Muốn thế phải tăng năng suất lao động, phải tăng gia sản xuất lương thực và thực phẩm trên cơ sở thâm canh, phải duy trì và phát triển giao thông vận tải, phải phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp. Để giải quyết các vấn đề ấy, một trong những biện pháp quan trọng là đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật trong thời chiến.
Vì vậy, cần động viên lực lượng hiện có về khoa học và kỹ thuật của chúng ta để phục vụ cuộc cách mạng kỹ thuật trong thời chiến.
Mặt khác, cần thấy rằng: sau khi chúng ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta sẽ đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật với quy mô ngày càng lớn và trình độ ngày càng cao, nhằm xây dựng cả nước ta nhanh, mạnh và vững chắc thành một nước hoàn toàn độc lập và thống nhất, có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến.
Chúng ta cần tiến hành cuộc cách mạng kỹ thuật ấy theo những con đường tốt nhất và độc đáo, phù hợp với điều kiện của nước ta, với yêu cầu của nhân dân ta và với những kiến thức khoa học, hiện đại nhất. Khả năng trước mắt về khoa học và kỹ thuật của ta còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng kỹ thuật ấy. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải vươn lên một cách tích cực và mạnh mẽ hơn nữa để chuẩn bị cuộc cách mạng ấy một cách thiết thực.
Vì vậy, khoa học và kỹ thuật của ta đang đứng trước hai nhiệm vụ lớn:
1- Phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật trong thời chiến.
2- Tích cực chuẩn bị để phục vụ đắc lực cuộc cách mạng kỹ thuật trên quy mô lớn, với trình độ cao và trong phạm vi cả nước sau khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc thắng lợi.
3. Về nội dung của hai nhiệm vụ trên đây:
a) Để phục vụ cuộc cách mạng kỹ thuật trong thời chiến, hoạt động khoa học và kỹ thuật cần hướng vào các vấn đề sau đây:
Phải chọn một số vấn đề thuộc loại những vấn đề có ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhất, đồng thời là những vấn đề mà chúng ta có khả năng giải quyết được trong một thời gian ngắn với lực lượng và điều kiện thích hợp với ta, để tập trung lực lượng giải quyết dứt khoát và kịp thời. Phải giải quyết một số vấn đề khoa học và kỹ thuật đề ra trong việc trang bị công cụ thường, công cụ cải tiến, nửa cơ khí và cơ khí nhỏ cho lao động trong nông nghiệp, giao thông vận tải, thuỷ lợi,… (xác định sớm các loại công cụ và máy phát động lực, tăng cường công tác thiết kế, nghiên cứu nguyên vật liệu, giải quyết các vấn đề về quy trình công nghệ và sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa v.v.). Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm rộng rãi của quần chúng và những kết quả nghiên cứu và thí nghiệm của các cơ quan nhà nước, phải tiếp tục xác định và xác định sớm chế độ sản xuất và nội dung các biện pháp và quy trình kỹ thuật thâm canh cho các cây lương thực, cây thực phẩm và cây công nghiệp chính (lúa, khoai lang, ngô, sắn, đỗ tương, lạc, đay, dâu tằm) trên các vùng khác nhau trong điều kiện chiến tranh, tập trung lực lượng, giải quyết các vấn đề như nước, phân, giống, công cụ cải tiến trong nông nghiệp, v.v.; giải quyết một số vấn đề khoa học và kỹ thuật nhằm tăng nhanh sản lượng đàn gia súc, gia cầm và phát triển nghề nuôi cá (vấn đề thức ăn, giống, phòng và chữa bệnh…). Tiếp tục nghiên cứu vấn đề trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng, chống xói mòn, chống đất bạc màu. Tập trung sức giải quyết tốt một số vấn đề khoa học và kỹ thuật để phục vụ phát triển công nghiệp địa phương, phục vụ chiến đấu, giao thông vận tải và đời sống.
Để phục vụ đắc lực sản xuất và chiến đấu trước mắt, công tác khoa học và kỹ thuật của ta phải được tiến hành với tinh thần tiến công cách mạng, tinh thần tự lực cánh sinh, dám nghĩ, dám làm cao độ, quyết thắng mọi khó khăn trở ngại, không đòi hỏi phương tiện đầy đủ, mạnh dạn dùng phương tiện và nguyên vật liệu có được, dùng mọi phương pháp để đạt mục đích, không để công thức sách vở trói tay. Phải có tinh thần dốc hết khả năng về hiểu biết, và tập trung phương tiện để phục vụ và phục vụ kịp thời. Phải có tinh thần bám sát yêu cầu, bám sát thực tế sản xuất và chiến đấu, cần gì làm nấy; trong yêu cầu phân biệt chính với phụ; trước mắt với lâu dài; coi hiện trường sản xuất và chiến đấu là những phòng thí nghiệm tốt, kết hợp chặt chẽ phòng thí nghiệm của các viện và các trường học với hiện trường sản xuất và chiến đấu, nghiên cứu và giải quyết vấn đề tại hiện trường, phương pháp giải quyết phải phù hợp với khả năng tại chỗ.
Một vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng là: bằng mọi cách, đẩy mạnh phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học và kỹ thuật.
b) Nội dung của việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng kỹ thuật quy mô lớn sau này bao gồm các vấn đề sau đây:
– Vạch ra đường lối, phương hướng, quy hoạch cho cách mạng kỹ thuật và phát triển khoa học và kỹ thuật.
– Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật.
– Tiến hành điều tra cơ bản về điều kiện thiên nhiên và tài nguyên của nước ta.
– Tìm hiểu những thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế giới, nắm cho được những hiểu biết khoa học và kỹ thuật hiện đại nhất có liên quan đến công cuộc xây dựng của nước ta.
– Xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu và thí nghiệm khoa học và kỹ thuật.
– Tiến hành nghiên cứu dần những vấn đề khoa học và kỹ thuật lớn mà chúng ta sẽ phải giải quyết.
4. Để thực hiện các công việc trên đây, cần phân công như sau:
a) Các công việc thuộc về phục vụ cuộc cách mạng kỹ thuật trong thời chiến: các bộ, tổng cục và các địa phương là các cơ quan và đơn vị chịu trách nhiệm chính; Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm điều hoà và phối hợp.
b) Các công việc thuộc về chuẩn bị phục vụ sau này:
– Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật: Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước vạch phương hướng và quy hoạch đào tạo cán bộ; Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp vạch kế hoạch (các việc trên đều cần lấy ý kiến các ngành, các địa phương). Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp là cơ quan chính có nhiệm vụ cùng các ngành, các địa phương thực hiện quy hoạch và kế hoạch ấy. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước tham gia một phần.
Tiến hành điều tra cơ bản: Tổng cục địa chất, các bộ, tổng cục và các địa phương thực hiện công tác điều tra. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước vạch phương hướng, làm quy hoạch chung, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước tổ chức thực hiện một phần, và điều hoà, phối hợp giữa các bộ và các địa phương.
Xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu và thí nghiệm, và tiến hành nghiên cứu một số vấn đề lớn: mỗi bộ, tổng cục thực hiện xây dựng trong phạm vi của mình; Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước vạch quy hoạch và kế hoạch chung, đồng thời thực hiện xây dựng một phần trong phạm vi của mình, và điều hoà, phối hợp giữa các bộ, tổng cục.
Tìm hiểu những thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế giới: Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chịu trách nhiệm chính.
Trích: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, tr. 189-192.