Tập huấn kiến thức về An toàn vệ sinh thực phẩm cho chủ cơ sở, người lao động tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý năm 2022
Vừa qua, Phòng Kỹ thuật – An toàn – Môi trường, Sở Công Thương Thái Bình phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiền Hải, huyện Quỳnh Phụ tố chức các lớp tập huấn kiến thức về An toàn vệ sinh thực phẩm cho chủ cơ sở, người lao động tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc quản lý của ngành Công Thương.
Dự lớp tập huấn có các đồng chí: Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương; Ths.Đặng Thái Hà – Trưởng phòng Kỹ thuật – An toàn – Môi trường, Sở Công Thương; Lãnh đạo phòng Kinh tế và hạ tầng; các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các chủ cơ sở, doanh nghiệp, người lao động trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn 02 huyện.
Buổi tập huấn nhằm phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định pháp luật, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt các quy định đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm. Tại buổi tập huấn, học viên đã được Thạc sỹ dinh dưỡng Đặng Hoàng Cương, Phòng Kỹ thuật – An toàn – Môi trường, Sở Công Thương truyền đạt kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm, một số văn bản quy phạm pháp luật mới về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành Công Thương; Phổ biến, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo Thông tư số 10/2020/TT-BKHCN ngày 30/12/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ và văn bản khác có liên quan đến ghi nhãn hàng hoá, áp dụng mã số mã vạch, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc…; Hướng dẫn thực hiện, bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm: các mối nguy ô nhiễm vào thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; phương pháp bảo đảm an toàn thực phẩm… Một số quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, chế biến thực phẩm; phụ gia thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm và phân tích chất lượng; tờ khai đăng ký nhãn hiệu; đơn đăng ký sử dụng mã số mã vạch. Bên cạnh đó, các học viên được hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục đề nghị Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Đồng chí Bùi Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Công Thương phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại buổi tập huấn, đồng chí Bùi Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: “Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm vẫn còn; hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Việc kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn khó khăn; thói quen sử dụng hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm quá liều lượng, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt là trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về an toàn thực phẩm còn có phần hạn chế”.
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đồng chí Phó Giám đốc Sở yêu cầu các Học viên tập trung nghe giảng viên truyền đạt các thông tin về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, áp dụng hiệu quả các kiến thức được giảng viên truyền đạt đối với cơ sở của mình, khắc phục những hạn chế còn tồn tại ở cơ sở. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa thực phẩm trên thị trường nếu có vướng mắc về thủ tục hành chính như thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại… đề nghị các học viên tích cực trong việc trao đổi với giảng viên để được hướng dẫn, thực hiện đúng các quy định của nhà nước và pháp luật.
Các học viên tham gia tập huấn
Cuối buổi tập huấn các học viên làm bài kiểm tra xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, để đánh giá việc tiếp thu kiến thức đã triển khai và là cơ sở để cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm nếu làm bài kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định./.